Sức mạnh công nghiệp hóa: Đánh đâu thua đó
Cơ khí chế tạo là xương sống của ngành công nghiệp, là sức mạnh thúc đẩy công nghiệp hóa… Tuy nhiên sự yếu kém và lạc hậu của ngành này khiến cho ước vọng công nghiệp hóa đang gặp nhiều thách thức. Nếu đi đấu thầu quốc tế mà các nước có trình độ cao hơn, lại hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt hơn thì chúng ta cầm chắc thua.
Tụt hậu quá xa so với nước bạn
Mỗi khi Bộ Công Thương họp về phát triển ngành cơ khí là các doanh nghiệp lại được dịp bùng nổ nhiều bức xúc, đau đáu, mong mỏi và cả những thất vọng. Hội thảo về chiến lược ngành cơ khí hôm 10/11 cũng vậy.
Một đại diện của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lilama nói: “Ở ta, vật liệu cơ bản không sản xuất được. Chúng tôi làm tổng thầu EPC nhiều công trình thì hầu hết đều phải nhập khẩu gần như 100% vật liệu”.
“Kể cả những máy móc nói là của Việt Nam như thiết bị nâng, cẩu trục Quang Trung, bơm Hải Dương, máy biến áp điện,… thì vật liệu cũng đều là nhập hết. Chính vì thế, phụ thuộc nhập khẩu, giá thành cao quá, nhiều doanh nghiệp trong nước không chen chân nổi trong đấu thầu”, vị này giãi bày.
Cơ khí còn rất yếu kém
Ông cũng so sánh: “Chỉ cần sang Thượng Hải, Trung Quốc, xem họ sản xuất vật liệu đủ cả. Muốn thép hợp kim là có thép hợp kim, muốn thép có độ chống mài mòn cao là có… Họ có viện nghiên cứu vật liệu mới với nhiều chuyên gia. Còn ta, nhân lực khoa học kỹ thuật, chất xám trôi chảy đi đâu hết”.
Ông Nguyễn Tăng Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, chia sẻ: “Hàng nghìn các chủng loại sản phẩm cơ khí cơ bản đều phải trải qua 7 bước, từ thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công cắt gọt, lắp ráp, thử nghiệm rồi xuất xưởng. Nhưng Việt Nam mới chỉ quan tâm khâu lắp ráp, các khâu còn lại không chú trọng đầu tư thì làm sao có thể thành công?”
Trong khi đó, Việt Nam đã quá thoáng với các nhà thầu nước ngoài. Những sản phẩm quan trọng như dây chuyền đồng bộ, thiết bị an ninh quốc phòng nhập về, lại không có cơ sở duy tu bảo dưỡng trong nước, đến khi hư hỏng phải mang ra nước ngoài sửa, mất ít nhất 1 năm.
Nguy hại hơn, các công ty nước ngoài này trúng thầu, giao hàng xong là hết trách nhiệm, như vụ hỏng máy biến áp gần đây.
Đầu tư cơ khí phải có trọng điểm
Video đang HOT
Chương trình cơ khí trọng điểm quốc gia ra đời từ năm 2002, đây là cú hích lớn giúp giá trị sản xuất của ngành này tăng gấp 6 lần trong hơn 12 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách quá lớn giữa năng lực sản xuất trong nước với nhu cầu phát triển.
Năm 2014, tính theo giá trị, ngành cơ khí trong nước mới đạt hơn 263 nghìn tỷ đồng, đáp ứng được 31,12% nhu cầu cơ khí toàn quốc, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đáp ứng 40-50% nhu cầu mà Bộ Chính trị đã đặt ra từ năm 2003.
Nhiều sản phẩm mang tính thủ công, đơn điệu và không có khả năng cạnh tranh
Nhập khẩu ngành cơ khí ngày càng gia tăng, từ mức 8,7 tỷ USD năm 2006 lên mức 26,5 tỷ USD năm 2014 và hiện, gấp 2 lần giá trị xuất khẩu ngành này. Nhập siêu ngành cơ khí lên tới 10 tỷ USD, trong đó, nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ sản xuất lại chiếm tỷ lệ cao nhất.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nhiều mục tiêu về sản xuất các loại máy ở 9 nhóm sản phẩm đã không đạt được như chiến lược trước đây đề ra.
Ví dụ, Việt Nam muốn năm 2010 phải chế tạo được máy kéo 4 bánh công suất 50-80 mã lực thì đến nay, mới chỉ sản xuất được loại cỡ trung công suất 22-26 mã lực.
Một loạt máy nông nghiệp chuyên ngành chưa đạt như máy canh tác, máy chế biến, thiết bị bảo quản sản phẩm,… trong nước mới đáp ứng 30% nhu cầu. Việt Nam cũng chưa thiết kế, chế tạo được hoàn chỉnh các loại máy có độ phức tạp cao, như máy xúc, máy ủi, máy đào, máy san, chưa làm được các lại máy công trình giao thông như xe lú, máy rải thảm bê tông nhựa, toa xe lửa…
Cá biệt, riêng với ngành ô tô, tỷ lệ nội địa hoá với mục tiêu 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 với xe thông dụng đã bị phá sản bởi hiện nay, ngành này mới chỉ đạt có 7-10% với xe con và 50% với xe khách và tải nhẹ.
Hay như với ngành cơ khí tàu thuỷ, Việt Nam cũng không hoàn thành mục tiêu sản xuất thép tấm đóng tàu, lắp ráp động cơ thuỷ đến 6.000 mã lựa. Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí thì chưa có gì nhiều.
Ông Nguyễn Tăng Cường cho rằng, đầu tư cho cơ khí phải có trọng điểm và trước mắt nên ưu tiên cho khâu thiết kế, khuôn mẫu rồi thử nghiệm.
“Xuất phát điểm của ta đã thấp rồi mà lại trong đấu thấu quốc tế, cạnh tranh với các nước hơn ta, có hỗ trợ tốt hơn thì thua là chắc chắn ngay trên sân nhà”, ông Quang nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Công Thương, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, cho hay: “Một số ngành đã được xác định có đủ dung lượng thị trường để phát triển thời gian tới như thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí nông nghiệp… Thủ tướng đã giao thực hiện thí điểm chế tạo nhà máy điện như ở Quảng Trị… nếu thành công thì năng lực doanh nghiệp cơ khí trong nước sẽ nâng lên một bước. Đó có thể là bước khởi đầu để tham gia thị trường rộng hơn”.
Phạm Huyền
Theo VNN
Công nghiệp cơ khí "loay hoay" với quá nhiều lĩnh vực trọng điểm
Việc ưu tiên tới 8 nhóm ngành trọng điểm trong điều kiện nguồn lực có hạn đã khiến công nghiệp cơ khí không phát huy được hiệu quả.
Sau gần 15 năm triển khai Quyết định 186 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển công nghiệp cơ khí, đến nay hầu hết các mục tiêu đặt ra đều không đạt được. Trong khi khả năng đáp ứng của ngành cơ khí năm 2014 mới chỉ đạt 32,12% nhu cầu trong nước, thì giá trị nhập khẩu của ngành cơ khí năm 2014 lại tăng lên 26,53 tỷ USD, cao gấp 2 lần giá trị xuất khẩu. Điều này cho thấy rõ, tình trạng nhập siêu trong ngành cơ khí đang rất lớn.
Nguồn lực có hạn nhưng đầu tư dàn trải
Phân tích nguyên nhân dẫn đến kết quả không như mong muốn của ngành cơ khí, ông Nguyễn Quốc Hoa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban kinh tế Trung ương nhận thấy, ngoài những yếu tố khách quan như cơ khí là ngành non trẻ, nguồn lực còn hạn chế... vẫn phải kể đến trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Quốc Hoa đưa ra dẫn chứng về 3 nhóm chính sách cơ bản là chính sách về cơ sở hạ tầng, chính sách ngành và các chính sách hỗ trợ cụ thể. Nhưng ngay cả việc đánh giá về quá trình thực hiện, Chiến lược cũng chưa mang tính tổng thể của chính sách phát triển ngành cơ khí. Cơ quan quản lý phải chỉ ra được những vấn đề cơ bản cần giải quyết, khi giải quyết được những vấn đề đó mới có thể phát triển công nghiệp cơ khí.
"Có một vấn đề rất lớn là chúng ta chưa đánh giá được việc đầu tư cho phát triển công nghiệp cơ khí, bởi vì không có đầu tư thì sẽ không có phát triển. Trong khi tỷ trọng của các doanh nghiệp cơ khí FDI ngày càng lớn, với nhiều công nghệ hiện đại, nhưng khả năng liên kết, hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước gần như là không có", ông Nguyễn Quốc Hoa đánh giá.
Công nghiệp cơ khí chưa tạo được bước đột phá khi còn tập trung vào việc gia công, lắp ráp. (Ảnh minh họa: KT)
Chỉ rõ hơn "điểm yếu" trong phát triển công nghiệp cơ khí, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung cho rằng, Việt Nam mong muốn phát triển công nghiệp cơ khí với nguồn lực có hạn nhưng lại đầu tư dàn trải, phân bố không đều, tập trung vào việc gia công, lắp ráp. Trong khi yêu cầu của một sản phẩm cơ khí bất kỳ đều phải trải qua 7 bước cơ bản: Thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, tạo phôi, gia công, lắp ráp, thử nghiệm và xuất xưởng.
"Với nguồn lực của đất nước có hạn chúng ta cần đầu tư có trọng điểm. Chúng ta nên đầu tư vào lĩnh vực thiết kế bởi đây là lĩnh vực thiết yếu liên quan đến nhiều ngành. Khi thiết kế được những sản phẩm đi vào cuộc sống, trở thành hàng hóa thì nhà nước sẽ hỗ trợ, như thế sẽ trọng tâm hơn", ông Nguyễn Tăng Cường đề xuất.
Trong khi đó, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí nhận định, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do, vào TPP... vai trò Hiệp hội là vô cùng quan trọng. Nhưng hiện nay, các Hiệp hội là tổ chức hoạt động tự nguyện nên khó tránh khỏi tình trạng khi doanh nghiệp thành viên có tiếng nói mạnh thì sẽ có ưu thế hơn. Do vậy, để phát triển, vai trò hiệp hội cũng cần rõ hơn, đảm bảo tính khách quan và mục tiêu phát triển chung của ngành.
Bàn về các giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Chỉ Sáng cho rằng, 8 nhóm ngành cơ khí trọng điểm được xác định tại Chiến lược trước đây là quá nhiều và dàn trải, cần xác định lại các lĩnh vực ưu tiên và đi sâu vào các chính sách hỗ trợ. Thay vì loay hoay với việc hỗ trợ cho vay ưu đãi lãi suất thấp, thay vì ưu tiên hỗ trợ đầu tư trong khi nguồn lực hạn chế (dễ tạo ra cơ chế xin cho, thiếu minh bạch...), nên nghĩ đến việc hỗ trợ tạo thị trường, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp.
"Người làm chính sách hay người làm chiến lược phải vẽ ra được lĩnh vực nào, đơn hàng nào, thị trường nào doanh nghiệp nên đầu tư vào thì mới huy động được nguồn lực xã hội. Khi huy động được nguồn lực xã hội, ngành cơ khí sẽ vận hành theo quy luật thị trường", ông Nguyễn Chỉ Sáng nói rõ.
Xác định trọng điểm, đa dạng thị trường tiêu thụ
Thừa nhận việc ưu tiên tới 8 nhóm ngành cơ khí trọng điểm thời gian qua là quá nhiều và không phát huy được hiệu quả, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương) khẳng định, cơ quan này đã nghiên cứu và xác định sẽ tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm, gắn với tìm thị trường, đầu ra cho các sản phẩm.
"Trong dự thảo đưa ra lấy ý kiến về một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm, đã nổi lên một số lĩnh vực như công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp, sản xuất thiết bị điện và ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí. Những ngành này chúng tôi cũng có định hướng, xác định là đang có dung lượng thị trường đủ lớn và cơ hội trong tương lai vẫn còn nhiều. Đây là điều kiện tiên quyết để phát triển các sản phẩm trong cơ chế thị trường hiện nay", ông Hoài cho biết.
Tìm kiếm thị trường cho sản phẩm cơ khí là đòi hỏi cấp thiết đối với ngành công nghiệp then chốt đang có tỷ lệ nhập siêu vào loại cao nhất hiện nay. Đa số các doanh nghiệp cho rằng, cùng với việc mở rộng tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp cũng phải chủ động tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ngay tại thị trường trong nước đầy tiềm năng.
Theo ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh, cần sửa đổi, bổ sung Luật đấu thầu theo hướng gia tăng phần tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm trong nước đã sản xuất được từ 7,5% hiện nay lên khoảng 15%. Có như vậy, mục tiêu "tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí giai đoạn đến năm 2020 đạt 15-16%/năm, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành chế biến, chế tạo trên 30% GDP sau năm 2025..." mới có cơ hội trở thành hiện thực./.
Nguyễn Quỳnh
Theo_VOV
Vị vua hành nghề... sửa xe và trị vì đất nước qua Internet Vua Bansah được biết đến như một hoàng đế đặc biệt nhất trong lịch sử vùng Ghana nhờ tay nghề sửa xe hơi cùng lòng yêu thương thần dân, nhưng điều đặc biệt nhất, là ông đang sống ở... Đức và trị vì vương quốc qua mạng và điện thoại. Vua Bansah, tên đầy đủ là Togbe Ngoryifia Céphas Kosi Bansah - một...