Sức khỏe bệnh nhân bị rắn hổ mang chúa dài 2,5m cắn đang tiến triển tốt
Sau một ngày nhập viện cấp cứu, sáng nay 20-8 sức khỏe của ông P.V.T, người bị rắn hổ mang chúa dài 2,5m cắn, đang tiến triển tốt và đã cai máy thở, theo tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Hình ảnh được chia sẻ trên Facebook cho thấy ông P.V.T. (38 tuổi, tỉnh Tây Ninh) cầm chặt con rắn hổ mang chúa khi đến bệnh viện để cấp cứu – Ảnh: B.Đ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 20-8, bác sĩ Nguyễn Tri Thức – giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đối với trường hợp bị rắn hổ mang chúa cắn, ngoài nhiễm độc thần kinh, người bị rắn cắn còn có khả năng nhiễm độc đến cơ tim.
Do đó dù hiện ông T. tạm thời qua khỏi nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt nhưng phải chờ từ 24-48 giờ tới mới có thể xác định được bệnh nhân có bị biến chứng viêm cơ tim cấp hay không.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang – khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết đến sáng nay sức cơ của bệnh nhân phục hồi hoàn toàn, mở mắt, tỉnh táo, tiếp xúc tốt và làm theo y lệnh của bác sĩ. Hiện bệnh nhân đã được cai máy thở. Tuy nhiên do đang đặt nội khí quản nên phải ăn bằng chất xay qua ống thông dạ dày.
“Ngoài vấn đề biến chứng về cơ tim, điều lo ngại là tại vị trí rắn cắn có rất nhiều nọc độc dẫn đến bị viêm mô tế bào, từ đó vết sưng phù lan nhanh hủy hoại các cơ. Nếu điều này xảy ra kéo theo nguy cơ tắc ống thận sẽ dẫn đến suy thận cấp”, bác sĩ Sang thông tin.
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, trước đó ngày 19-8 trong quá trình bắt rắn hổ mang chúa dài khoảng 2,5m, nặng 4,6kg, ông P.V.T. (38 tuổi, tỉnh Tây Ninh) bị rắn cắn vào đùi. Dù bị cắn nhưng ông T. chụp được đầu rắn, đồng thời thông báo với người nhà.
Ngay sau đó, người nhà dùng dây thun buộc lại phần đùi tránh độc phát tán và chở ông T. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh cấp cứu. Lúc này, trong tay ông T. vẫn giữ chặt phần đầu con rắn để các bác sĩ xác định loại rắn.
Tại bệnh viện, các bác sĩ rửa vết thương, băng ép cố định chân, truyền giảm đau và kháng sinh cần thiết. Tuy nhiên sau 30 phút, ông T. có các biểu hiện gồng người tím tái, khó thở…, các bác sĩ đã đặt nội khí quản, cho thở máy và khẩn trương chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Chợ Rẫy cùng với con rắn hổ mang chúa (được buộc chặt miệng).
Lúc nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, ông T. trong tình trạng liệt tứ chi, đồng tử giãn, mất phản xạ… Sau khi được cho sử dụng 10 lọ huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, ông T. bắt đầu có dấu hiệu phản ứng, cử động được tay chân và mở được mắt.
Làm gì khi bị rắn độc cắn?
Video đang HOT
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang, với trường hợp bị rắn độc cắn như rắn hổ mang chúa thường người bệnh có thể tử vong ở hai nguyên nhân. Đó là bị liệt cơ tứ chi, cơ hô hấp, lúc này nếu không được xử lý cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong do ngạt. Kế đến, có thể nọc độc sẽ tấn công làm tổn thương cơ tim, dẫn đến suy tim cấp. Ngoài ra, ở nơi bị nọc độc lan có thể gây nhiễm trùng, hoại tử mô.
Thông thường các loại rắn độc sống ở vùng cây cối rậm rạp. Do đó, người dân nếu phải vào các vùng này cần trang bị các đồ bảo hộ như găng tay, giày ủng cao su. Trước khi vào nơi không an toàn cần “đánh động” để các loại rắn độc và các động vật hoang dã khác đi nơi khác.
Khi bị rắn độc cắn, cố gắng thoát ra khỏi vùng nguy hiểm để hạn chế tiếp tục bị tấn công. Đồng thời hạn chế tối đa vận động, bởi khi vận động khiến cơ co thắt càng làm cho nọc độc phát tán nhanh hơn.
Cuối cùng, bệnh nhân cần được nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất, tùy vào tình trạng cụ thể của và tính chất độc của từng loại rắn, nhân viên y tế có cách xử trí ban đầu như nẹp cố định vết thương, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp…
Việc một số người khi bị rắn độc cắn thường chọn cách buộc garo cố định không cho độc phát tán, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang cho rằng phương pháp này chưa được khuyến cáo nhiều, bởi không phải loại rắn độc nào cắn buộc garo đều hiệu quả. Đối với dạng nọc độc đi theo mạch bạch huyết tiếp sát trong xương, việc buộc garo không hiệu quả.
“Tuy nhiên việc buộc garo phải tuân thủ theo nguyên tắc. Nếu thời gian buộc quá lâu sẽ làm hạn chế máu lưu thông xuống vùng chi bên dưới, nếu không giải phóng kịp thời sẽ góp phần làm chết chi đó. Do đó hạn chế tối đa vận động, băng ép cố định nơi bị rắn cắn và chuyển nhanh đến bệnh viện là giải pháp tối ưu nhất”, bác sĩ Sang khuyến cáo.
Vi khuẩn bạch hầu có thể sống trên quần áo tới 30 ngày
Vi khuẩn bạch hầu có thể sống được 30 ngày trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối. Trên cốc, chén, thìa, bát đũa, đồ chơi vi khuẩn bạch hầu có thể sống được vài ngày. Trong sữa, nước uống vi khuẩn bạch hầu sống 20 ngày và trong tử thi vi khuẩn bạch hầu sống được 2 tuần.
Trẻ cần được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bạch hầu. Ảnh minh họa: Ngọc Nga
Sức đề kháng ở ngoài cơ thể rất cao
Ngày 18/8/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3593/QĐ-BYT "Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu". Theo đó, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm B. Bệnh gây ra do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố (Corynebacterium diphtheriae) gồm 4 típ sinh học là Gravis, Mitis, Intermedius và Belfanti.
Bốn típ sinh học này chỉ khác nhau về đặc điểm hình thái khuẩn lạc và một số đặc điểm sinh vật hoá học nhưng không có sự khác biệt trong biểu hiện lâm sàng cũng như khả năng lây truyền. Sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chịu được khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhày bảo vệ.
Trên đồ vải như chăn, màn, quần áo, gối vi khuẩn bạch hầu có thể sống được 30 ngày; trên cốc, chén, thìa, bát đũa, đồ chơi vi khuẩn bạch hầu có thể sống được vài ngày; trong sữa, nước uống vi khuẩn bạch hầu sống 20 ngày; trong tử thi vi khuẩn bạch hầu sống được 2 tuần.
Vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố lý, hoá. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt sau vài giờ. Nhiệt độ 58 độ C sống được 10 phút và bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ sôi. Vi khuẩn cũng dễ bị tiêu diệt bởi các hoá chất khử trùng thông thường.
Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%
Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy nhiên hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi.
Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày.
Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng.
Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.
Sức đề kháng sẽ suy giảm nếu không được tiêm nhắc lại
Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng, điều này giải thích bệnh bạch hầu có thể đột nhiên xảy ra ở những nơi mà trước đó không thấy có ca bệnh xuất hiện.
Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Trong một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mãn tính trên 6 tháng.
Điều trị kháng sinh đặc hiệu sẽ nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh và chấm dứt sự lây truyền.
Bệnh đã có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị, tuy nhiên vắc xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm vi khuẩn tại chỗ ở hầu họng, do vậy không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc xin.
Mọi lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh nếu không có miễn dịch đặc hiệu hoặc nồng độ kháng thể ở dưới mức bảo vệ. Kháng thể của mẹ truyền sang con có tác dụng bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi.
Miễn dịch có được sau mắc bệnh thường bền vững. Sau tiêm vắc xin liều cơ bản miễn dịch có thể kéo dài được vài năm song thường giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm nhắc lại.
Cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ
Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng
Tiêm các mũi cơ bản, tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu nguyên liều, thường kết hợp trong các vắc xin 5 trong 1 hoặc vắc xin 6 trong 1: mũi thứ 1 tiêm lúc 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 lúc 3 tháng tuổi; mũi thứ 3 lúc 4 tháng tuổi. Tốt nhất nên hoàn thành mũi thứ 3 trước 6 tháng tuổi.
Tiêm nhắc lại
Mũi 4, tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu nguyên liều, tiêm lúc 18 đến 24 tháng tuổi.
Mũi 5, tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 4 đến 7 tuổi.
Mũi 6, tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu giảm liều lúc 9 đến 15 tuổi.
Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng
Tiêm các mũi cơ bản, tiêm 3 mũi cơ bản vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều): mũi thứ 1 tiêm càng sớm càng tốt; mũi thứ 2 tiêm cách mũi thứ 1 tối thiểu 4 tuần; mũi thứ 3 tiêm cách mũi thứ 2 tối thiểu là 6 tháng.
Tiêm nhắc lại, tiêm nhắc lại 2 mũi vắc xin có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi và hướng dẫn của nhà sản xuất (vắc xin bạch hầu nguyên liều hoặc vắc xin bạch hầu giảm liều). Các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.
Vì sao sau tiêm vắc xin bạch hầu vẫn có thể lây bệnh? Sức đề kháng của vi khuẩn bạch hầu ở ngoài cơ thể rất cao, chịu được khô lạnh, đặc biệt khi được chất nhầy bảo vệ. Ngoài ra, vi khuẩn dễ dàng lây nhiễm qua hô hấp. Trẻ cần được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng bạch hầu khi được 2, 3 và 4 tháng tuổi; tiêm nhắc lại theo hướng dẫn...