Sức hút từ cơm gà đảo tay cầm Malaysia
Một dãy nồi đất hồng đỏ lửa, người đầu bếp vừa nhanh tay đảo cơm, hương thơm bay khắp phố ở thủ đô Kuala Lumpur
Phố ăn đêm Jalan Alor thuộc Bukit Bintang bắt đầu tấp nập từ 6h chiều, khi các quán hàng ăn được bày vẽ chật ních các con đường nhỏ. Phố đầy xe cộ, bàn ghế hàng này dựng sát hàng kia, tiếng mời chào lôi cuốn cùng mùi thơm sực nức của các món ăn. Con phố dài khoảng vài trăm mét nhưng có đến vài chục hàng ăn, mỗi hàng cả chục dãy bàn, chạy dọc suốt hai bên đường, bán đủ các món ngon cùng các loại hoa quả, trái cây và đồ uống.
Các quán ăn của khu phố này đa phần phục vụ món kiểu Hoa và một ít hàng bán đồ ăn kiểu Ấn. Đầu phố có một quán cơm gà khá nổi tiếng, khu vực phía trong là các quán hàng hải sản, hàng cơm và các món mì. Xen giữa những lời mời, những chiếc niêu đất đang đỏ lửa nổi bật và lôi cuốn hơn cả.
Phố ăn đêm náo nhiệt từ 6h chiều đến hơn gần 2h sáng hàng ngày với các món ăn giá cả cuốn hút.
Khoảng một chục chiếc niêu đất được nung trên lửa nhiệt độ cao. Người đầu bếp nhanh tay mở nắp nồi, cho thêm thịt gà, lạp xườn, xì dầu, rau cải ngọt rồi đóng nắp. Hương thơm của cơm vừa chín tới và thịt gà sực mũi. Không thể chờ thêm, khách tham quan qua đây đều nhanh chân chọn một chiếc bàn và gọi món.
Mỗi niêu cơm đủ sức cho hai người ăn mới hết, nếu là phụ nữ. Còn cánh nam giới ăn khỏe hơn, nên gọi riêng một nồi. Đa phần khách sẽ gọi 3 người 2 nồi cơm và gọi thêm các món khác. Chờ khoảng 10 đến 15 phút, cơm được bưng ra. Niêu đất vừa nhấc từ bếp than hồng nóng rực, nắp nồi mở, hương thơm thu hút bay ngào ngạt, vừa ăn vừa xuýt xoa. Trong chiếc niêu đất là cơm cùng với thịt gà được tẩm ướp và rang đảo vừa ăn, chút nấm, chút rau cải ngọt mềm, đính kèm một bát canh.
Những niêu cơm gà đảo tay cầm thu hút.
Món cơm này có tên là cơm gà đảo tay cầm và nếu đã ăn một lần ở Malaysia, tại địa chỉ đường Bukit Bintang, Kuala Lumpur, chắc hẳn bạn sẽ nhớ mãi và muốn ăn thêm nhiều lần nữa. Cơm gà đảo được nấu cầu kỳ. Bắt buộc phải là nồi đất để cơm giữ được độ nóng và phần đáy nồi có một lớp cháy mỏng giòn tan.
Video đang HOT
Gạo được nấu với nước luộc gà để vị ngọt của cơm hòa quyện với vị béo ngậy của gà. Thịt gà được tẩm ướp cùng gia vị, hạt tiêu, gừng, đảo qua. Cơm được nấu vừa chín tới, người ta cho thịt gà vào nồi tiếp tục đun với cơm, sau đó là nấm hương, cải ngọt, lạp sườn và chút xì dầu.
Cơm được bắc ra ăn nóng. Trước khi ăn, đảo đều tất cả lên trong niêu rồi tùy vào khẩu vị của từng người mà gia giảm thêm xì dầu. Cơm chín tới cùng các món dùng kèm quyện gia vị vừa ăn, cứ thế cho đến tận đáy nồi vẫn thấy thòm thèm. Phần cơm cháy mỏng và róc, giòn tan. dùng kèm với suất cơm là một bát canh rau cải ngọt nóng dễ ăn.
Những vị khách từ mọi nơi đổ về đây khi thành phố lên đèn để thưởng thức các món ăn đậm hương vị Trung – Ấn. Mỗi bữa, bạn có thể chọn ăn một món khác nhau, nhưng món cơm gà đảo tay cầm để lại nhiều ấn tượng khó quên. Vừa ăn, vừa được tận hưởng tiếng đàn tiếng hát của những nghệ sĩ đi rong trên phố. No bụng rồi, có thể ghé chếch đó mua hoa quả hay uống sinh tố rồi là đi mua sắm tại các trung tâm thương mại mở cửa đến 10h30 hàng đêm, chạy xe đến khu phố Tàu, tham quan Petronas hay chỉ là đi dạo trên phố.
Một niêu cơm gà có giá khoảng 80.000 đồng, hai người ăn no bụng.
Và nếu đói bụng, vẫn có thể trở lại nơi này để ăn đêm vào lúc 1h sáng. Khu phố sẽ náo nhiệt cho đến 2h sáng mới bắt đầu thu dọn.
Theo Internet
Nyonya Kuih - món bánh màu sắc đặc sản Malaysia
Người Malaysia làm bánh kuih từ bột gạo, đường, dừa nạo, đậu xanh, nước dừa cùng phẩm màu tự nhiên.
Nyonya Kuih là loại bánh quen thuộc ở Malaysia, được những người gốc Hoa di cư đến xứ Mã Lai hàng trăm năm trước cải tiến từ loại bánh truyền thống Trung Quốc. Theo tiếng Mã, Nyonya còn được hiểu là cộng đồng Peranakan - những người Hoa sinh sống ở Đông Nam Á. Còn "kuih" là tên của loại bánh này.
Ngày nay, bánh kuih vẫn được làm thủ công gần như toàn bộ, đòi hỏi người đầu bếp không chỉ gia giảm liều lượng chuẩn mà bàn tay còn phải khéo léo để nặn thành những viên bánh xinh xắn, in hoa văn chìm tinh tế.
Loại bánh này có thành phần chính là bột gạo nếp, dừa nạo, nước dừa và phẩm màu tự nhiên, chiết xuất từ cây cỏ. Kuih có nhiều màu sắc bắt mắt như xanh lá cây, vàng, da cam, tím hay xanh biếc. Trong đó, màu xanh biếc là khó điều chế nhất, chứng tỏ tay nghề cao của người thợ.
Công đoạn pha chế phẩm màu thủ công từ các loại trái cây, rau củ quả để làm vỏ bánh kuih theo kiểu người Malaysia.
Bánh kuih được hấp, luộc, chiên ngập dầu hay nướng theo cách xa xưa, chỉ khác là ngày nay có nhiều thiết bị hiện đại hơn, rút ngắn thời gian chế biến.
Không chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và Malaysia, bánh kuih cũng phổ biến ở đất nước láng giềng Singapore và có nhiều phiên bản ở Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Brunei...
Phần lớn bánh kuih đều có vị ngọt với phần nhân mềm làm từ dừa nạo hoặc đậu xanh. Chúng có mặt trong các lễ hội của Malaysia, Indonesia, Brunei và Singapore như Hari Raya và Tết Nguyên đán.
Khi làm bánh, người ta tuân thủ cách nấu ăn mang hơi hướng tâm linh của người Hoa. Đó là hạn chế những lần cắt vụn, thái nhỏ, để tránh những điều không may mắn như ly tán sẽ xảy đến.
Bánh kuih có đủ hình dạng, màu sắc và hương vị. Phần nhân được nhào nặn nhuyễn để mềm mịn giống như miếng thạch pudding. Ngoài ra, bánh còn sử dụng bột mì - thành phần ít khi xuất hiện trong các loại bánh truyền thống vùng Đông Nam Á.
Bánh được vo viên bằng tay, sau đó người làm bánh sẽ ấn vào một chiếc khuôn sẵn. Chiếc bánh in hoa văn hoạ tiết gắn liền với bản sắc dân địa phương.
Thực khách có thể tìm thấy món ăn dân dã này ở khắp các khu chợ hay các quán cà phê tại Malaysia. Một trong số đó là tiệm RizCoconut - một tiệm bánh truyền thống ở Kuala Lumpur do một đầu bếp gốc Hoa mở.
Đĩa bánh truyền thống kuih gợi bao ký ức tuổi thơ của người dân Malaysia.
Theo Xinhuanet
Thực đơn món cháo đa dạng, bổ dưỡng của mẹ Việt Kiều khiến con ăn ngon, tròn núc ních Dù lần đầu làm mẹ, gặp nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, thế nhưng chị Kiều (26 tuổi, hiện sinh sống tại Malaysia) vẫn dành thời gian để nấu những bữa cháo ngon lành, thơm phức, lại đầy đủ chất dinh dưỡng cho con yêu. Chị Kiều chia sẻ, chị cho con ăn bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi, khi ấy...