Sức ép từ trái phiếu
Số lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong 5 năm qua tăng cao và có thể vẫn tiếp tục phát hành số lượng lớn trong thời gian tới.
Gia tăng
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lượng vốn trái phiếu Chính phủ phát hành giai đoạn 2010-2015 đạt tổng cộng 846.926 tỷ đồng.
Vốn trái phiếu Chính phủ đã tăng rất nhanh qua các năm, từ 68.292 tỷ đồng năm 2010 lên 80.704 tỷ đồng năm 2011, lên 141.340 tỷ đồng năm 2012, 181.093 tỷ đồng năm 2013 và 248.024 tỷ đồng năm 2014.
Năm 2015 theo kế hoạch, trái phiếu Chính phủ phát hành 250.000 tỷ đồng, nhưng không đạt kế hoạch, cả năm chỉ phát hành khoảng 160.000 tỷ đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và bổ sung giai đoạn 2014-2016 được Quốc hội cho phép triển khai trong giai đoạn 2011-2015 là 335.000 tỷ đồng.
Còn theo Bộ Tài chính, tổng lượng vốn phải huy động cho ngân sách trong năm 2016 là 409.000 tỉ đồng, trong đó, huy động cho bù đắp bội chi 254.000 tỉ đồng, chi cho đầu tư phát triển 60.000 tỉ đồng và phát hành đảo nợ khoảng 95.000 tỉ đồng.
Phát hành trái phiếu vượt mức khiến lo ngại rủi ro nợ công tăng cao.
Quan sát trên thị trường trái phiếu thời gian qua cho thất, khu vực ngân hàng và các tổ chức tín dụng thường mua tới 80% số lượng trái phiếu Chính phủ phát hành ra.
Theo các chuyên gia tài chính, việc này dẫn đến mất cân đối lớn giữa các kênh cung cấp vốn ra thị trường. Ngân hàng thương mại phải đảm đương vai trò cho vay, cả vốn ngắn hạn lẫn trung hạn và dài hạn, cho vay từ DN tới Chính phủ. Tình trạng này đã tạo ra gánh nặng quá lớn cho hệ thống ngân hàng, trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, ngân hàng chủ yếu đi vay ngắn hạn, nhưng mua trái phiếu Chính phủ thường là trung và dài hạn, do vậy luôn tồn tại tình trạng rủi ro thanh khoản xuất phát từ mất cân đối kỳ hạn. Khi hệ thống ngân hàng đóng vai trò chính trong việc cung cấp vốn cả ngắn hạn và dài hạn cho nền kinh tế, thì rủi ro thanh khoản phải đối mặt ngày càng lớn.
Lãnh đạo NHNN thừa nhận, không có mấy DN mua trái phiếu Chính phủ ngoại trừ ngân hàng, nhưng mua xong, nếu thiếu thanh khoản lại lên chiết khấu ở Ngân hàng Nhà nước. Điều đó có thể gây ra những hệ lụy.
Video đang HOT
Trong những năm tới, các nhà tài trợ quốc tế đang giảm dần vốn vay, đặc biệt là các khoản vay ưu đãi. Như vậy Chính phủ sẽ phải dựa nhiều vào vốn vay trong nước để bù đắp nhu cầu. Việc này sẽ giảm bớt rủi ro về tỷ giá so với vay nước ngoài. Nhưng sẽ tạo ra nguy cơ làm tăng lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng. Nên kỳ vọng giảm lãi suất cho vay sẽ rất khó khăn.
Chính phủ sẽ phải dựa nhiều vào vốn vay trong nước để bù đắp nhu cầu.
Trên thực tế, lạm phát cả năm 2015 chưa tới 1%, vậy nhưng lãi suất cho vay các DN đang “gánh” vẫn khá cao từ 7% -10%/năm, có khi lên tới 12%/năm.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam đã nhiều lần kêu gọi ngân hàng hạ lãi suất cho vay, giúp cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn, bởi thực tế, có tới 70% số DN gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay. Tuy nhiên các ngân hàng cho biết không thể giảm lãi suất cho vay xuống thấp hơn, bởi nguyên nhân là do áp lực từ phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ năm 2015 đang ở mức từ 6%-7,8%/năm, tùy các kỳ hạn. Như vậy đã khiến cho mặt bằng lãi suất không thể giảm, bởi cho vay DN lãi suất thấp hơn so với trái phiếu Chính phủ thì không ngân hàng nào muốn, trong khi mua trái phiếu an toàn hơn cho DN vay.
Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa cho biết, đường cong lãi suất đang có xu hướng đi lên, lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng đang đi lên mạnh mẽ, khó có thể cản trở được. Vẫn còn quá sớm để nói đến việc hình thành một mặt bằng lãi suất mới, nhưng áp lực tăng lãi suất đã hiển hiện tương đối rõ rệt.
Huy động trái phiếu Chính phủ thời gian tới sẽ gặp khó khăn hơn và phải chấp nhận lãi suất cao là điều khó tránh khỏi.
Trong khi đó, lãi suất là một biến số gắn liền với lạm phát. Nếu để lãi suất tăng lên từ 1% – 2% thôi, mọi cố gắng trước kia trong quản lý tài chính, tiền tệ, sẽ trở thành “muối bỏ bể”, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, khi Chính phủ tạo ra một kênh thanh khoản an toàn với lãi suất khá cao cho ngân hàng thương mại, thì họ không có nhiều động cơ hay chịu sự thúc ép phải cho vay khu vực tư nhân. Như vậy, các DN khó tiếp cận vốn, hoặc nếu vay được thì cũng phải chịu lãi suất cao, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng thêm rủi ro và giảm hiệu quả.
Không những thế, về bản chất, trái phiếu Chính phủ là khoản vay, tức là vay thì phải trả nợ gốc và nợ lãi. Điều này khiến gánh nặng nợ công tăng lên và tạo ra áp lực cân đối nguồn ngân sách Nhà nước để trả những khoản nợ đến hạn.
Trần Thủy
Theo_VietNamNet
Vì sao lãi suất tiền gửi tăng nhưng lãi suất cho vay khó giảm?
Việc nhiều 'ông lớn' ngân hàng tăng lãi suất huy động khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu lãi suất huy động tăng có kéo lãi suất cho vay đi lên?
Các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất huy động
Theo biểu lãi suất mới nhất mà Bản Việt áp dụng cho các khách hàng, lãi suất huy động VND kể từ ngày 25/12 được điều chỉnh tăng thêm 0,05% - 0,2%/năm ở một số kỳ hạn.
Vài ngày trước, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng áp dụng biểu lãi suất huy động mới tăng 0,2%-0,3%/năm; kỳ hạn 1-2 tháng lên mức 4,8%/năm, các kỳ hạn từ 3, 4 và 5 tháng tăng lên mức từ 5,2%-5,3%/năm.
NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi tăng khoảng 0,5%/năm tập trung vào kỳ hạn 1-2 tháng, riêng kỳ hạn 6-7 tháng tăng lên 6,4%/năm (trong khi mặt bằng chung của nhiều NH chỉ 5,5%-6,2%/năm).
Điểm khác biệt trong lần điều chỉnh lãi suất huy động ở một số kỳ hạn lần này là sự tham gia của những "ông lớn" quốc doanh. Hiện chỉ còn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) áp dụng kỳ hạn 1 tháng thấp nhất hệ thống là 4%/năm.
Tại BIDV, với kỳ hạn 1 tháng, ngân hàng này áp lãi suất huy động 4,8%/năm, trong khi nhiều thành viên khác ở khối cổ phần như Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) hiện chỉ áp từ 4,4 - 4,6%/năm.
Tương tự, lãi suất tại các kỳ hạn ngắn khác của BIDV cũng cao hơn từ 0,2 - 0,4%/năm. Nếu so với Agribank và Vietcombank, lãi suất các kỳ hạn ngắn của BIDV cũng vượt hơn tới 0,7 - 0,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) cũng áp dụng biểu lãi suất mới cho các kỳ hạn 1 - 3 tháng tăng tương đương với BIDV.
Theo các NH, nhu cầu vốn cuối năm tăng cao trong khi huy động tăng không tương ứng buộc NH thương mại phải nhích nhẹ lãi suất tiền gửi để hút vốn. Tổng giám đốc một NH cổ phần tại TP HCM lý giải do nhu cầu sử dụng tiền mặt cuối năm của người dân tăng để mua sắm, sửa nhà hoặc tiêu dùng... nên vài NH gặp áp lực về thanh khoản. Nhưng đây là yếu tố mang tính thời vụ nên không quá lo ngại. Một số NH khác tăng lãi suất để cân đối lại nguồn vốn, chứ không phải xu hướng chung.
Theo Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình, việc hạ lãi suất cho vay là rất khó.
Lãi suất cho vay khó giảm
Tại Phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương hai ngày 28-29/12, trước câu hỏi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc có lãi suất có thể hạ tiếp được không, Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Bình cho biết hiện nay vấn đề lãi suất được Hội đồng tiền tệ Quốc gia bàn kỹ.
Ông Bình cho rằng việc hạ lãi suất là rất khó. Dẫn kết quả thảo luận của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ mới đây, ông Bình cho biết lạm phát 2015 ở mức 0,63% - rất thấp so với định hướng 5%. Chủ yếu do yếu tố bên ngoài, tức là giá dầu giảm kèm theo chi phí đầu vào giảm. Điều này đã diễn ra từ mấy năm nay, theo đó nếu loại trừ các yếu tố bất thường thì lạm phát 2014 phải ở mức xấp xỉ 5% và 2015 là 3%. Chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước phải dựa trên chỉ số lạm phát cơ bản này, nên thực tế dư địa giảm lãi suất không còn nhiều.
Ngoài ra, diễn biến 2015 cho thấy tín dụng tăng trưởng mạnh, khoảng 18%, trong khi huy động mới tăng 13%. Năm tới, cùng với đà phục hồi kinh tế, nhu cầu vốn trong sản xuất, tiêu dùng sẽ lên cao, dự kiến tăng trưởng tín dụng phải ở mức 20% mới đáp ứng.
Chưa kể, phải dành một phần dư địa để phát hành trái phiếu chính phủ, nguồn quan trọng để đầu tư phát triển. Rồi biến động tỉ giá cũng gây sức ép không nhỏ, mà lẽ thường để chống đỡ, nhà điều hành sẽ phải nâng lãi suất huy động nội tệ...
Các yếu tố trên, theo ông Bình sẽ gây áp lực nâng lãi suất huy động, từ đó tác động tới lãi suất cho vay. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực để duy trì mặt bằng lãi suất ổn định như năm 2015. Nếu diễn biến thuận lợi cho phép, sẽ kéo giảm lãi suất cho vay trung - dài hạn đi 0,3%-0,5% như đã thực hiện trong năm nay.
Để đạt được mục tiêu này, ông Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương đặc biệt lưu ý kiểm soát lạm phát. "Năm nay thấp nhưng không có gì chắc chắn sẽ giữ được lạm phát 2016 ở mức 5% mà Quốc hội đề ra" - ông nhấn mạnh.
Trước đó, tại buổi họp báo tổng kết hoạt động ngân hàng 2015 và triển khai nhiệm vụ 2016 diễn ra ngày hôm nay 24-12, rất nhiều câu hỏi được gửi đến lãnh đạo NHNN về chính sách điều hành tỷ giá và lãi suất. Trong đó có một câu hỏi là liệu lãi suất năm 2016 còn có dư địa để giảm không khi lạm phát năm nay chỉ khoảng 1%.
Trả lời câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc NHNN cho hay, lạm phát 2015 thấp, chỉ khoảng đâu đó 1% (con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố là 0,64%-PV), nhưng lạm phát năm 2016 lại không thể chủ quan. Theo các tổ chức quốc tế, trong đó có IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế) đánh giá xu hướng lạm phát giảm ở nhiều nước trên thế giới không phản ánh sự giảm phát của nền kinh tế. Do đó, các nước cần thông tin truyền thông về vấn đề này để tránh đánh giá sai lầm về kỳ vọng của lạm phát.
Thực tế, lạm phát năm 2015 thấp có tác động bởi giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, đặc biệt là giá dầu. Cuối 2015, giá dầu đã gần đạt mức đáy. Do đó, lạm phát năm 2016 sẽ không thuận lợi như năm 2015 vì nếu giá dầu tăng trở lại, thậm chí tăng nhanh sẽ tác động lớn tới lạm phát. Hơn nữa, năm 2016 sẽ là năm thực hiện lộ trình điều chỉnh nhiều mặt hằng thiết yếu như y tế, giáo dục, giá điện,...sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới lạm phát.
Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại vẫn nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ rất lớn. Năm 2016, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ cũng cao, điều này gây áp lực tới lãi suất. "Do đó năm 2016, lạm phát không thể duy trì thấp như năm 2015. Vì vậy, điều hành lãi suất năm 2016 sẽ là khó khăn và thách thức", bà Hồng cho biết.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Vốn ngân hàng làm "nóng" bất động sản? Tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đến thời điểm này tăng trên 12%. Lãi suất huy động tăng nhẹ tại một số nhà băng và có dấu hiệu huy động ít hơn cho vay ra. Xuất hiện cảnh báo tăng trưởng tín dụng nóng, nhất là dòng tiền đang đổ vào bất động sản (BĐS). Đủ gói vay giá rẻ Từ nay...