Sức ‘công phá’ của Hồ sơ Panama trên chính trường thế giới
Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur Gunnlaugsson đã phải rời chiếc ghế quyền lực chỉ tròm trèm 2 ngày sau khi “quả bom” Hồ sơ Panama “phát nổ”. Đó chỉ là một trong rất nhiều hệ quả của loạt tài liệu này…
Người nhà của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tên trong hồ sơ Panama – Ảnh: Reuters
Dưới đây là thống kê sơ bộ về phản ứng của nhiều quốc trên thế giới kể từ sau vụ lộ thông tin “khủng” ở công ty luật Mossack Fonseca (Panama):
Pháp: Pháp đưa Panama vào danh sách các nước không hợp tác trong vấn đề chống trốn thuế, theo BBC. Công ty luật Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama.
Panama: Panama tuyên bố đang xem xét các biện pháp trả đũa Pháp. Cùng lúc, chính quyền Panama cũng nói rằng sẵn sàng hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào liên quan đến các thông tin vừa bị lộ.
Chile: Chủ tịch Transparency International (Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chuyên theo dõi việc chống tham nhũng ở các nước) Chile – ông Gonzalo Delaveau buộc phải từ chức sau khi “có tên” trong Hồ sơ Panama.
Người dân xuống đường “hất” Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur Gunnlaugsson ra khỏi chiếc ghế quyền lực – Ảnh: Reuters
Video đang HOT
Mỹ: Tổng thống Barack Obama yêu cầu quốc hội nước này lấp lỗ hổng chuyển tài sản sang “trú chân” ở nước ngoài để trốn thuế. Ông nói đây là vấn đề toàn cầu và tất cả các nước cần nỗ lực chống lại. Trước đó, Bộ Ngân khố Mỹ công bố các biện pháp mới thắt chặt việc chuyển tài sản ra nước ngoài với mục đích trốn thuế.
Pakistan: Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ra lệnh mở cuộc điều tra trước thông tin lộ từ Hồ sơ Panama rằng thành viên gia đình ông sở hữu các công ty ở các “thiên đường thuế” tại nước ngoài.
Đến nay danh sách các nước bắt đầu điều tra liên quan đến hồ sơ Panama bao gồm Nga, Pháp, Úc, New Zealand, Áo, Thụy Điển, Hà Lan…, theo Reuters. Mỹ thì tuyên bố đang xem xét vấn đề.
Thủ tướng Iceland, ông Sigmundur Gunnlaugsson – một trong những nạn nhân đầu tiên của Hồ sơ Panama – Ảnh: Reuters
Trung Quốc cấm truyền thông đưa tin về vụ Hồ sơ Panama, theo AFP. Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc viết rằng vụ lộ thông tin này mang động cơ chính trị, tố Mỹ từng “đạo diễn” các vụ lộ thông tin trước đây cho báo giới nhằm phá hoại các nước đối thủ. Người nhà của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhiều quan chức chủ chốt khác có tên trong hồ sơ Panama.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Hồ sơ Panama chỉ là phần nổi của tảng băng trôi
214.000 công ty "né" thuế thuộc sở hữu của người dân 200 nước. 140 chính trị gia, bao gồm lắm thủ tướng, tổng thống dính líu. Đó là những con số chấn động trong vụ hồ sơ Panama. Nhưng cũng chỉ mới là phần nổi.
Mossack Fonseca chỉ là một trong rất nhiều hãng chuyên mở công ty offshore cho người giàu - Ảnh: AFP
Không nhất thiết cứ mở công ty offshore - công ty "bình phong" tại các nước, lãnh thổ cực kỳ ưu đãi hoặc không đánh thuế - là người mở nó có động cơ mờ ám. Nhưng bởi vì công ty offshore có tính chất bảo mật tối đa cho chủ sở hữu, lại ở nước ngoài và ưu đãi rất nhiều, có khi hoàn toàn không đánh thuế, không ít người dùng nó để che giấu những khoản tiền khủng bất chính.
Việc đông đảo những nhân vật cực kỳ quyền lực, cực kỳ nổi tiếng hoặc cực kỳ giàu có đua nhau mở công ty offshore trong bí mật khiến người ta không thể nào không nghi ngờ là để che giấu những khoản "tiền bẩn", không thể không nghi ngờ động cơ trốn thuế, rửa tiền. Mọi chuyện đang lộ dần, đang làm chấn động cả thế giới. Nhưng giới chuyên môn cho rằng ngay cả các con số rất lớn trong vụ hồ sơ Panama cũng chỉ mới là phần nổi của tảng băng "tiền mờ ám" cực khủng đang chìm phía dưới. Nhưng nếu muốn tìm hiểu tường tận về dòng chảy của "tiền bẩn" thì đó là một nhiệm vụ bất khả thi.
Chỉ là một trong vô số
Mossack Fonseca, hãng luật bị lộ thông tin trong vụ hồ sơ Panama chỉ là một trong rất nhiều hãng lập công ty offshore cho khách hàng. Tất cả các thông tin trong vụ hồ sơ Panama đều chỉ mới từ một nguồn Mossack Fonseca. Trang web của Hiệp hội các phóng viên điều tra quốc tế, vốn đang ráo riết điều tra vụ này mô tả Mossack Fonseca "là một trong số các nhà thành lập công ty offshore hàng đầu thế giới có thể dùng cho mục đích che giấu chủ sở hữu tài sản". Có rất nhiều công ty khác hoạt động tương tự như Mossack Fonseca.
Đâu chỉ Panama
Vụ hồ sơ Panama đang tạo nên những "cơn địa chấn". Trong ảnh là người dân Iceland biểu tình đòi Thủ tướng Sigmundur Gunnlaugsson từ chức - Ảnh: Reuters
Mossack Fonseca đặt trụ sở ở Panama, một địa chỉ quen thuộc của những người muốn tìm "chỗ trú ẩn an toàn" cho khối tài sản của mình. Lý do: Panama khuyến khích điều đó bằng chính sách thuế cực thoáng, là một trong những nơi được mệnh danh là "thiên đường thuế".
Theo thống kê của Tax Justice Network - tổ chức luôn "dòm ngó" các "thiên đường thuế" thì trên thế giới có khoảng 80 "thiên đường" kiểu như thế. Và theo một thống kê vào năm 2010 của Tax Justice Network thì khối lượng tài sản ở các "thiên đường" này ở mức từ 21 nghìn tỉ USD - 32 nghìn tỉ USD. Tính sơ sơ, chính phủ các nước đã thất thu tầm 280 tỉ USD tiền thuế thu nhập từ khối tài sản này.
Thêm một so sánh khác: trang tin Scroll.in của Ấn Độ dẫn ước tính của Ngân hàng thế giới cho thấy tổng sản phẩm thế giới, tức cộng dồn tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả thế giới này vào năm 2010 vào cũng chỉ tầm 62,2 nghìn tỉ USD, tức chỉ gấp đôi, hoặc cùng lắm là gấp 3 khối tài sản "trú chân" trên các "thiên đường thuế".
Một nửa dân số này chỉ nắm 1% tài sản lưu thông trên thế giới trong khi 10% người giàu nhất sở hữu 86% toàn bộ tài sản. Còn 1% giàu nhất nắm 46% tài sản của toàn thế giới. Và đó mới là những người cần đến các "thiên đường", còn người nghèo làm gì có nhiều tiền mà tuồn vào "thiên đường"?
Tạo điều kiện tối đa để giấu "tiền bẩn"
Các "thiên đường" ở Panama là nơi trú ẩn cực kỳ an toàn cho những người giàu không muốn lộ mặt vì họ có thể mở những tài khoản mật, cùng lúc lại được giúp mở những công ty không cần công khai chủ sở hữu. Tất cả đều cực kỳ thuận lợi cho những ai muốn che giấu những khoản "tiền bẩn", chẳng hạn các chính khách giấu tiền tham nhũng, bòn rút của đất nước; hay tiền từ ma túy, tiền từ cướp bóc...
Còn một bất công lớn khác: việc không thu được tiền thuế từ người giàu tuồn tài sản ra nước ngoài khiến chính phủ các nước buộc phải tính tới những loại thuế gián tiếp như thuế tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Và đối tượng phải è lưng ra trả là người nghèo. Thế nên chỉ có người siêu giàu yêu các "thiên đường thuế", còn người nghèo thì càng nghèo vì nó.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
6 câu hỏi về 'Hồ sơ Panama' Vào ngày chủ nhật, một loạt hãng tin cùng hé lộ tài liệu rò rỉ của một công ty luật ở Panama, cáo buộc nhiều người có ảnh hưởng trên thế giới dùng các công ty nước ngoài che giấu tài sản hoặc trốn thuế. Hàng chục ngàn người Iceland biểu tình đòi thủ tướng nước này từ chức vì có tên trong...