Sửa xe, kinh doanh dưới gầm cầu ở thủ đô
Bất chấp quy định của Bộ Giao thông Vận tải, các gầm cầu vượt ở Hà Nội từ nhiều năm nay vẫn được cho thuê làm bãi trông giữ xe, bãi sửa xe, kios bán hàng, nhà kho… gây mất trật tự và mất an toàn hành lang cầu.
Mặc dù bị cấm khai thác sử dựng gầm cầu vượt vào mục đích kinh doanh, gây mất an toàn hành lang cầu và ô nhiễm môi trường nhưng hiện nhiều cầu vượt ở thủ đô đang được khai thác triệt để. Ngoài việc làm bãi trông giữ xe, các gầm cầu vượt còn bị chiếm dụng làm đủ loại dịch vụ.
Hàng chục nghìn m2 gầm cầu vượt Pháp Vân bị biến thành nơi sửa chữa, cung cấp các loại phụ tùng cho ôtô.
Ở đây có tới 5 – 6 xưởng chuyên sửa chữa ôtô hoạt động nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm.
Video đang HOT
Không những thế, gầm cầu còn được cho các doanh nghiệp thuê làm kho tập kết đủ loại hàng hóa, vật liệu xây dựng.
Đoạn gầm cầu vượt chạy qua phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) được chia làm nhiều ngăn, phục vụ cho việc trông giữ xe, rửa xe, bảo dưỡng ôtô, xe máy và bán các loại máy móc, thiết bị.
Theo kết quả thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải về công tác quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố của Hà Nội, thời gian vừa qua Sở Giao thông thành phố đã cấp giấy phép sai quy định cho nhiều đơn vị kinh doanh, tổ chức trông giữ xe dưới gầm cầu vượt.
Tuy nhiên, các khu vực gầm cầu hiện trở thành bến cóc của đủ loại phương tiện dừng đỗ, cộng với nhiều hàng quán mọc lên, gây mất an toàn, lộn xộn và ô nhiễm môi trường.
Sở Giao thông Hà Nội cấp phép cho Hợp tác xã Thành Công sử dụng gầm cầu vượt Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng để trông giữ ôtô, xe máy khi chưa xuất trình được quyết đinh của UBND thành phố.
Xe máy, ôtô xếp hàng dài, chật kín gầm cầu, nhiều xe để lâu bị bụi phủ kín. Hầu hết các điểm trông giữ xe này đều thu tiền sai quy định. Ngay cả điểm trông giữ ở gầm cầu cạn Pháp Vân của Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng “chặt chém” 10.000 đồng một lượt gửi xe.
Mặc dù cầu vượt Văn Cao được khánh thành sáng 27/7 nhưng từ nhiều tháng trước, khu vực xung quanh hành lang cầu đã trở thành bãi trông giữ xe ôtô, xe máy cả ngày lẫn đêm. Phía dưới gầm cầu là bến đỗ của đủ các loại loại ôtô.
Tương tự, khi cây cầu vượt qua Đại lộ Thăng Long (cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia) chưa khánh thành, Sở Giao thông Hà Nội đã cấp giấy phép cho Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội sử dụng hơn 2.000 m2 diện tích gầm để làm điểm trông giữ xe ôtô, xe máy. Và quanh đó các quán cóc cũng mọc lên, xe máy, ôtô dừng đỗ trên đường, gây nguy hiểm cho các phương tiện qua lại.
Trước kết luận của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải về việc Hà Nội vi phạm khi cấp phép trông giữ xe dưới gầm các cầu vượt, Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc cấp phép trông xe dưới gầm cầu cũng được thực hiện theo quyết định của UBND TP Hà Nội, sau khi có đề nghị của địa phương để giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của nhân dân. Ngoài ra, các bãi đỗ xe này đã tồn tại từ trước khi Bộ Giao thông ban hành thông tư quy định.
Trong khi đó, chiếu theo quy định của thông tư 39/2011 của Bộ Giao thông, gầm cầu vượt đường bộ không được sử dụng làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ, điểm dừng xe, bến xe, gây mất an toàn công trình cầu, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Trường hợp sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời phải được UBND cấp tỉnh quyết định đối với gầm cầu trên đường đô thị do địa phương quản lý, Bộ Giao thông Vận tải quyết định đối với gầm cầu trên quốc lộ đi qua đô thị trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh.
Sở Giao thông Vận tải là cơ quan chịu trách nhiệm về việc tổ chức sử dụng gầm cầu đường bộ trong đô thị làm bãi đỗ xe tạm thời. Bãi đỗ xe tạm thời phải đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa cầu theo quy định.
Theo VNExpress