Sửa Luật Thương mại để cải thiện môi trường kinh doanh
Luật Thương mại sau 10 năm thực hiện đến nay đã có nhiều bất cập và thiếu tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, đòi hỏi phải tiến hành sửa đổi, bổ sung mới có thể đáp ứng yêu cầu cải thiện môi trường kinh doanh, phù hợp với việc thực thi các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Ảnh Internet
Khuyến nghị này đã được nhiều chuyên gia luật cũng như các hiệp hội ngành, nghề và DN đưa ra tại Hội thảo Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thương mại 2005, do Bộ Công thương phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức.
Theo luật sư Ngô Việt Hòa, cùng với những bất cập do lỗi thời và thiếu tính tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành, ngay bản thân Luật Thương mại trong quá trình thực thi đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết nội tại, do một số quy định được xây dựng không phù hợp, thiếu tính khả thi.
Trước hết, theo phân tích của luật sư Hòa, điều bất cập lớn nhất là, tuy được coi là bộ luật chung tạo nền tảng cho các hoạt động thương mại của DN, song hầu hết các quy định quan trọng về hoạt động thương mại, chính sách thương mại trong quan hệ thương mại tư đều không thể tìm thấy trong Luật.
Ông Hòa nêu dẫn chứng cụ thể ở các quy định về xuất nhập khẩu, phân phối, khu thương mại, cửa khẩu, biên mậu, thương mại nội địa, thương mại điện tử, kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm (xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá…) hầu như đều không có trong Luật Thương mại, mà phần lớn được quy định trong hệ thống chằng chịt các thông tư và hướng dẫn quy định dưới luật. Điều này tạo ra khoảng cách khác biệt lớn giữa luật và nghị định thi hành, gây khó khăn và bất cập cho việc thực thi.
Bên cạnh đó, luật này ra đời dường như làm phức tạp hơn vấn đề áp dụng luật cho các quan hệ tư, do nhiều quy định của Luật Thương mại gây ra sự chồng chéo không cần thiết trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Bộ Luật Dân sự.
“Trước khi có Luật Thương mại thì chỉ có 2 tầng trong hệ thống luật quy định về thương mại là luật chuyên ngành và Luật Dân sự, nếu quy định không có ở luật chuyên ngành thì dẫn chiếu theo Luật Dân sự. Khi Luật Thương mại ra đời, với nhiều quy định chồng chéo, trùng lắp với Luật Dân sự, vô hình chung lại tạo thêm một tầng luật chung gian, làm phức tạp hóa hệ thống luật pháp thương mại. Đặc biệt là các quy định về chế tài, về hợp đồng dịch vụ, hợp đồng mua bán hàng hóa, cho thuê hàng hóa, quảng cáo… hầu hết đều trùng với Luật Dân sự hay luật chuyên ngành về quảng cáo, tạo ra sự lúng túng trong thực thi pháp luật cho cả DN và cơ quan quản lý nhà nước”, ông Hòa phân tích.
Video đang HOT
Cũng theo ông Hòa, Luật Thương mại được cho là ra đời nhằm phục vụ cho việc Việt Nam gia nhập WTO (2007) nhưng thực tế, bản thân Luật không có các quy định về vấn đề này, mà chủ yếu các văn bản hướng dẫn Luật Thương mại mới trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trên.
Đứng ở góc độ đại diện cho DN, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng đồng tình cho rằng, sự thiếu vắng cũng như một số quy định còn khó hiểu, không rõ ràng, dễ nhầm lẫn trong Luật thương mại đã và đang gây nhiều khó khăn cho DN và cả cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình áp dụng. Theo bà Loan, một trong những quy định đang làm phức tạp hóa và gây khó khăn cho việc thành lập cũng như hoạt động của DN, đó là quy định về khái niệm thương nhân.
“Luật Thương mại quy định thương nhân phải là tổ chức được thành lập hợp pháp là không hợp lý, có sự trùng lặp với quy định phải “có đăng ký kinh doanh”. Bên cạnh đó, việc đưa ra điều kiện “thương nhân phải hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên” là không rõ ràng, ví dụ trong các lĩnh vực như buôn bán ôtô, bất động sản, chứng khoán … không phải lúc nào cũng có hoạt động thường xuyên, quy định như vậy đã hạn chế quyền kinh doanh của thương nhân và phạm vi áp dụng của Luật”, bà Loan phân tích.
Bên cạnh đó, cũng theo bà Loan, một số điều luật quy định về quản lý cá nhân trong hoạt động thương mại, khuyến mại, nhượng quyền thương mại, mua bán hàng hóa…còn nhiều bất cập, không đầy đủ, không rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan, dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, khiến cho việp áp dụng pháp luật trên thực tế không được thống nhất, có thể dẫn đến sự đối xử khác nhau giữa các DN hoặc không đảm bảo tính hợp lý và/hoặc tính khả thi.
Đại diện Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) còn chỉ ra sự không phù hợp trong quy định về các danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện tại Luật Thương mại với Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện vừa được ban hành tại Luật Đầu tư 2014. Theo Ban Pháp chế VCCI, điều này đòi hỏi phải có sự rà soát tổng thể để bỏ đi và cập nhật danh sách mới phù hợp với luật liên quan hiện hành.
Để khắc phục các bất cập trên và hoàn thiện Luật Thương mại theo hướng thúc đẩy quyền tự do kinh doanh của thương nhân, DN, luật sư Ngô Việt Hòa đề xuất cần bỏ cách tiếp cận Luật Thương mại là luật chung áp dụng cho các hoạt động thương mại. Luật Thương mại là một luật chuyên ngành và có vị trí tương tự như các luật chuyên ngành khác. Ông Hòa cũng khuyến nghị cần bổ sung các nguyên tắc, quy định cụ thể về chính sách liên quan tới quan hệ thương mại tư, đồng thời loại bỏ các quy định trùng lặp không cần thiết với Luật Dân sự.
Hiếu Minh
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
FTA tạo cú hích đầu tư vào Việt Nam
Các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan đến Việt Nam được kỳ vọng là chất xúc tác cho tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh. Nhưng để tận dụng được cơ hội vàng này, Việt Nam cần sở hữu thêm nhiều dữ liệu thông tin.
Tham gia các FTA, nhiều cơ hội đầu tư mở ra ở nhiều ngành nghề có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam
Chất xúc tác cho tăng trưởng
Đó là cách ví von của các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước có mặt tại Hội nghị bàn tròn: Tác động của các hiệp định thương mại tự do tới dòng vốn đầu tư vào Việt Nam", do Công ty cổ phần StoxPlus, đối tác chiến lược của Nikkei Inc. và QUICK Corp. (Nhật Bản) tổ chức mới đây.
Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra một bức tranh nhiều màu sắc về các FTA. Hiện có 11 FTA đã ký và 3 FTA đang đàm phán, được kỳ vọng là chất xúc tác cho tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo ông Thành, gần như tất cả các đối tác chủ chốt của Việt Nam đều tham gia các FTA như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Việt Nam trở thành top 10 thế giới trong khu vực châu Á về tiếp nhận vốn FDI và đứng thứ 6 về tốc độ giải ngân. Từ năm 2013, hàng tỷ USD đã được đầu tư vào ngành dệt may, điện tử, tạo thuận lợi để doanh nghiệp nước ngoài thâm nhập thị trường, tạo mạng lưới sản xuất. Trong đó, dòng tiền từ Hoa Kỳ được kỳ vọng sẽ là nguồn vốn FDI lớn nhất tại Việt Nam khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua.
Hiện FDI của các nước thành viên TPP vào Việt Nam có số vốn đăng ký đạt hơn 100 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng số vốn FDI tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản 37,7 tỷ USD, Hoa Kỳ 11 tỷ USD, Malaysia 10,8 tỷ USD, Canada 5 tỷ USD...
Những cơ hội đầu tư mở ra ở nhiều ngành nghề có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam như dệt may, da giày, đồ gỗ, gạo, cà phê, nuôi trồng thủy sản, dược phẩm, du lịch giải trí, cơ sở hạ tầng, logistics. Hay tham gia vào mạng lưới sản xuất công nghiệp phụ trợ. Đặc biệt, cơ hội hút dòng vốn ngoại mạnh nhất là lĩnh vực dệt may. Việc Việt Nam tham gia hàng loạt FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và nhất là TPP đang vào giai đoạn đàm phán cuối, thuế suất giảm dần về 0% sẽ đem lại lợi thế để gia tăng kim ngạch xuất khẩu rất lớn cho ngành này. Hiện đang có làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các DN FDI vào dệt may để tận dụng ưu đãi về thuế từ các FTA.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần StoxPlus nhận định, từ năm 2011, mua bán - sáp nhập (M&A) trở thành kênh được rất nhiều nhà đầu tư lựa chọn cho việc mở rộng kinh doanh hoặc thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Ngoài Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia trong khối ASEAN (Thái Lan, Singapore, Indonesia) cũng là những đối tác lớn về M&A của Việt Nam.
"Sau khi một số lượng lớn các dòng thuế bị loại bỏ nhờ FTA, sẽ tác động mạnh mẽ tới dòng vốn, đặc biệt là M&A và FDI. Tác động kép khi Chính phủ nới "room" cho nhà đầu tư nước ngoài mới đây. Trong đó, Hàn Quốc là ví dụ điển hình cho việc dòng vốn đang chuyển dịch mạnh vào Việt Nam", ông Thuân nhận định.
Sang năm 2016, FTA Việt Nam - Hàn Quốc mới có hiệu lực, nhưng một làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc đang hình thành. Nhờ loại bỏ thêm 771 loại thuế mà các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, nguyên liệu thực phẩm, nông sản thực phẩm, hải sản đông lạnh và đóng hộp, nguyên liệu dệt may thô, da giày, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, xe gắn máy... sẽ bùng nổ hơn.
Cuộc chơi chỉ dành cho ai sở hữu thông tin
Theo ông Võ Trí Thành, bản chất của sự hội nhập kinh tế là những cơ hội mới, nên các dòng vốn đầu tư được giải ngân vào thị trường Việt Nam ngày một nhiều hơn là hiển nhiên. Khi mở cửa thị trường sẽ không phân biệt doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nội địa, vì bất cứ doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi từ FTA. Tuy nhiên, cuộc chơi chỉ dành cho những doanh nghiệp nắm chắc thông tin, đường đi nước bước của nước sở tại, các đối thủ, từ đó đáp ứng tốt các tiêu chí và yêu cầu của thị trường.
"Việt Nam có nhận ra cơ hội kinh doanh từ các FTA hay không vẫn còn là câu chuyện dài, bởi còn nhiều trở ngại liên quan đến thông tin. Nếu không muốn bỏ lỡ những cơ hội vàng này thì cần cởi mở về thông tin, cũng như tạo mối quan hệ giữa các quốc gia, nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp với nhau", ông Thành cho biết.
Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp cần chủ động để nắm bắt cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực khi Việt Nam hội nhập sâu rộng bằng cách theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết, đặc biệt cần nắm được lộ trình giảm thuế, lộ trình mở cửa, những thông tin về thị trường, đối tác... Từ đó đưa ra định hướng, chiến lược kinh doanh hợp lý, nâng cao năng lực quản trị.
Theo Anh Vũ
baodautu.vn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Năm 2016, HNX ban hành Hướng dẫn công bố thông tin về môi trường, xã hội và quản trị công ty cho doanh nghiệp niêm yết Thông tin từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), hiện thực hóa các cam kết với Sở đối tác của Sáng kiến Sở GDCK phát triển bền vững (SSE), HNX tuyên bố cam kết xây dựng và ban hành Hướng dẫn công bố thông tin về ESG cho doanh nghiệp niêm yết vào Quý IV/2016. Hướng dẫn này được HNX xây dựng dựa trên...