Sửa đổi toàn diện quy định về chống chuyển giá
Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Thay vì việc sửa đổi đúng một từ của Nghị định 20 năm 2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do bị doanh nghiệp phản ứng, Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện nghị định này.
Nâng khống chế trần lãi vay từ 20% lên 30%
Theo Nghị định 20 năm 2017, cách xác định chi phí để tính thuế trong một số trường hợp cụ thể đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đặc thù thì tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế (EBITDA).
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh
Đây chính là “nguồn cơn” khiến rất nhiều doanh nghiệp có giao dịch liên kết phản ứng vì cho rằng không phù hợp với thực tế khiến doanh nghiệp bị tính thuế chồng lên thuế. Vì vậy, doanh nghiệp chỉ mong muốn Bộ Tài chính nâng mức khống chế trần lãi vay từ 20% lên 30% (mức cao nhất theo khuyến cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế – OECD) và cũng phù hợp với với Việt Nam trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không thể vay được vốn ngân hàng hoặc phải vay với lãi suất cao hơn nên phải vay qua công ty mẹ, công ty có giao dịch liên kết.
Theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế, Deloitte Vietnam, quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) được xem là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng vốn mỏng (vốn vay vượt quá nhiều lần so với vốn chủ sở hữu) và tài trợ vốn/tài trợ tài chính nội bộ giữa các thành viên trong tập đoàn đa quốc gia với mục đích tránh thuế.
Tuy nhiên, quy định này khiến nhiều doanh nghiệp nội địa gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình đặc thù như tập đoàn kinh tế hoạt động theo mô ình công ty mẹ – con, hoặc doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản.
Video đang HOT
“Để thực hiện dự án đầu tư cần vốn lớn, các công ty thành viên của tập đoàn kinh tế thường không đủ năng lực vay vốn từ các ngân hàng thương mại. Do đó, công ty mẹ phải huy động vốn để chuyển cho các công ty con, công ty thành viên với mức lãi suất ưu đãi hơn. Vì vậy, việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo rào cản trong việc cho vay nội bộ trong tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do phải nộp thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh”, bà Hạnh phân tích.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, ông Đặng Ngọc Minh cho biết, trong tổng số gần 4.000 doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết phát sinh khoản chi phí lãi vay, có hơn 700 doanh nghiệp có tỷ lệ chi phí lãi vay/EBITDA vượt ngưỡng 20% (hơn 450 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và trên 250 doanh nghiệp nội địa). Khoản chi phí lãi vay bị loại khỏi chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp của số doanh nghiệp này khoảng 18.000 tỷ đồng/năm. Trong số đó, khoản chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong nước được loại trừ ở mức trên 10.000 tỷ đồng/năm. Các doanh nghiệp này có tỷ lệ chi phí lãi vay vượt 20% đều có quy mô khoản vay lớn, thuộc các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng, sản xuất và phân phối điện,… có hoạt động liên doanh liên kết khá cao.
Được chuyển chi phí lãi vay không được trừ sang kỳ tính thuế tiếp theo
Để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải sửa đổi Nghị định 20 năm 2017 theo hướng nâng trần chi phí lãi vay từ 20% lên 30%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi toàn diện Nghị định 20 với mục tiêu không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn “gia cố” thêm các quy định nhằm chống chuyển giá.
Theo Dự tháo Nghị định quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giáo dịch liên kết đang được Bộ Tài chính xây dựng thì tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế.
Cũng theo Dự thảo, phần chi phí lãi vay không được trừ kể trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định kể trên (30% EBITDA). Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng giao dịch liên kết để trốn thuế, né thuế, Bộ Tài chính sẽ quy định cụ thể các giao dịch liên kết phát sinh trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của người nộp thuế có quan hệ giao dịch liên kết bao gồm mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng máy móc, thiết bị, hàng hóa, cung cấp dịch vụ; vay, cho vay, dịch vụ tài chính, đảm bảo tài chính và các công cụ tài chính khác; mua bán, trao đổi, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, chuyển giao, chuyển nhượng tài sản hữu hình, tài sản vô hình và thỏa thuận mua, bán, sử dụng chung nguồn lực như tài chính, vốn, lao động, chia sẻ chi phí giữa các bên liên kết.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, năm 2018, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 593 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt gần 1.638 tỷ đồng; giảm lỗ 4.808 tỷ đồng; điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế gần 7.292 tỷ đồng. Năm 2019 thực hiện thanh tra, kiểm tra được 579 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 1.164 tỷ đồng; giảm lỗ 5.854 tỷ đồng; giảm khấu trừ 21,5 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 5.918 tỷ đồng.
Sửa Nghị định 20: Tiếp sức cho doanh nghiệp mà không ảnh hưởng ngân sách
Hạn quyết toán thuế năm 2019 đã qua, tuy nhiên, điều cộng đồng doanh nghiệp mòn mỏi chờ 3 năm nay là được cởi trói khỏi quy định khống chế trần chi phí lãi vay theo khoản 3 điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP vẫn chưa được dỡ bỏ theo mong muốn.
Nghị định 20 từ khi ra đời năm 2017 đã trở thành nỗi "ám ảnh" thường trực với doanh nghiệp mỗi kỳ quyết toán thuế, bởi quy định khống chế trần chi phí lãi vay được tính làm chi phí hợp lý. Với các doanh nghiệp trong nước, việc sử dụng đòn bẩy tài chính là công cụ không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh, nhất là với những doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang có những dự án đầu tư lớn, chưa sinh lời ngay, do đó, Nghị định 20 như một đòn giáng mạnh.
Chính bởi sự bất cập như vậy, rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp, công văn của Hiệp hội đã được gửi lên Bộ Tài chính ròng rã 3 năm qua. Thậm chí, lãnh đạo Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam còn đăng đàn trước Quốc hội để nói về điều 3 khoản 8 Nghị định 20.
Nhờ tiếp thêm lực từ chính yêu cầu của Chính phủ, đến cuối năm 2019, Bộ Tài chính bắt tay vào sửa Nghị định. Theo đó, Bộ đồng ý được tính theo lãi vay thuần và mức khống chế nâng từ 20% lên 30%, đồng thời cho doanh nghiệp được chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm kế tiếp nêu EBITDA âm.
Tuy vậy, văn bản sửa đổi sẽ chỉ được áp dụng từ kỳ quyết toán thuế 2019, trong khi Nghị định đã có hiệu lực từ năm 2017. Động thái không cho phép hồi tố khá khó hiểu khi trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến các thành viên Chính phủ thì đa số đã đồng thuận cho phép hồi tố, bởi điều này thể hiện quan điểm đã sửa thì phải sửa tận gốc.
Một trong những điều Bộ Tài chính lấy lý do là việc hồi tố sẽ khiến ngân sách phải hoàn trả khoảng 4.875 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Luật Quản lý thuế hiện hành, doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp thì sẽ được trừ vào tiền thuế phải nộp của những lần kế tiếp. Do đó, ngành thuế có thể khấu trừ dần khoản thuế mà doanh nghiệp đã nộp năm 2017, 2018 vào những kỳ nộp thuế sau, khi đó sẽ không ảnh hưởng đến quyết toán ngân sách các năm 2017, 2018, không phát sinh việc hoàn trả thuế từ ngân sách và đặc biệt không cần phải bố trí nguồn thu để bù đắp.
"Việc khấu trừ dần vào tiền thuế phải nộp hàng năm sẽ giúp ngân sách không cần bố trí ngay một khoản hàng nghìn tỷ, không cần quyết toán lại ngân sách nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi ích chính đáng. Việc này hoàn toàn không có gì khó khăn", PGS - TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty luật Basico, khi cơ quan quản lý Nhà nước đã xác định đây là quy định bất hợp lý và đã sửa (nâng trần 20% lên 30%) thì cần phải sửa sai đến cùng bằng cách hồi tố.
Việc hối tố cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý. Điều 152 Luật ban hành văn bản pháp luật năm 2015 quy định, trong trường hợp cần thiết để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức nhân, văn bản quy phạm pháp luật được quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố).
Có thể nói, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải gồng mình chống chọi với dịch Covid-19, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, việc sửa tận gốc Nghị định 20 - cho phép hồi tố về năm 2017, 2018 không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mà còn thể hiện trách nhiệm trả lại công bằng cho doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng bởi điều khoản này suốt 3 năm qua. Việc hồi tố ở đây không phải dành cho lợi ích của một hay một nhóm doanh nghiệp nào mà rõ ràng là lợi ích chung cả cả xã hội.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình nhận định "Hồi tố mới là minh bạch". Theo ông, khi quyết toán, cơ quan thuế đã tính rõ những khoản phải nộp của doanh nghiệp và mọi thứ được lưu lại trong biên bản thuế. Bởi vậy, doanh nghiệp nếu trong diện bồi hoàn chỉ cần mang biên bản thuế tới cơ quan chức năng để được nhận lại số tiền chênh lệch.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng bày tỏ đồng tình với cách nhìn nhận này. Theo ông, việc khấu trừ, bồi hoàn trên là sự điều chỉnh chung với các doanh nghiệp chứ không phải ưu đãi theo từng trường hợp cụ thể nào để tạo kẽ hở xin cho. Điều này rất khách quan bởi số thuế từng doanh nghiệp đã nộp mỗi năm không thể sửa lại đã lưu vào sổ sách kế toán.
Ngày hôm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp sức khi Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến và bổ sung thêm các đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, nâng gói hỗ trợ doanh nghiệp từ 80.000 tỷ đồng lên khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với trước). Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư đã được củng cố, thể hiện qua việc Vn-Index tăng 21,57 điểm trong phiên cuối tuần, lên 701,8 điểm. Và giờ đây, cộng đồng doanh nghiệp cũng rất mong chờ Nghị định 20 sẽ được sửa tận gốc, tháo bỏ nút thắt để doanh nghiệp có thể tiếp tục nuôi hy vọng sống sót sau đại dịch.
Trương Lương
Hoàn lại gần 5.000 tỷ cho DN, thu có hoá đơn, trả không có gì khó Bộ Tài chính chưa đồng ý trước đề nghị hồi tố khoản thuế liên quan tới trần chi phí lãi vay năm 2017, 2018. Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc sửa quy định chưa phù hợp thì hoàn trả tiền là cách xử lý tận gốc, minh bạch nhất. Số liệu rõ ràng và lưu đầy đủ Trong đề xuất sửa đổi...