Sửa đổi thi THPT từ 2019: Lập nhóm giải thử đề, chấm thi tập trung
Buổi đối thoại giữa các chuyên gia giáo dục và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ xoay quanh những vấn đề của giáo dục Việt Nam, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Ngày 30.7, được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tạo điều kiện và chủ trì cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi trao đổi với nhiều chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước về các vấn đề nóng của giáo dục trong thời gian vừa qua như chất lượng kỳ thi THPT, phương pháp tổ chức thi, gian lận thi cử diễn ra tại Hà Giang, Sơn La… cũng như phương hướng tổ chức kỳ thi THPT trong các năm tiếp theo.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp.
Theo chia sẻ của TS Toán học Lê Thống Nhất, chuyên gia trực tiếp tham gia buổi làm việc, cả 2 phiên trao đổi đã diễn ra cởi mở, thẳng thắn xoay quanh nhiều vấn đề được cho là “nóng” của giáo dục Việt Nam như: Đề thi THPT quốc gia 2018 được đánh già là khó và quá khó đối với học sinh, không chỉ trong môn Toán, Tiếng Anh hay tổ hợp Khoa học tự nhiên mà kể cả môn Ngữ văn và Lịch sử; tỷ lệ tốt nghiệp cả nước quá cao mặc dù điểm thi THPT được cho là thấp; những “kẽ hở” về bảo mật quá trình tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm tạo điều kiện cho gian lận; ngân hàng đề thi chưa chất lượng; chất lượng đào tạo tại một số trường đại học còn thấp…
TS Lê Thống Nhất chia sẻ ý kiến góp ý với Bộ GD-ĐT.
Đặc biệt, buổi thảo luận thông tin, phương hướng tổ chức thi THPT những năm 2019, 2020 là thực hiện một kỳ thi THPT quốc gia với mục đích chính là công nhận và cấp bằng tốt nghiệp THPT, ổn định môn thi và hình thức thi như đã thông báo trước đây. Bộ GD-ĐT cần bám sát mục tiêu này trong các khâu của kỳ thi, đặc biệt về đề thi và chấm thi trắc nghiệm.
Nghiên cứu trên tiến tới đánh giá chính xác trình độ học sinh, thí sinh có thể thi trên máy tính với ngân hàng đề thi tốt đảm bảo với một thí sinh dù ngẫu nhiên gặp đề nào cũng phải có kết quả như nhau về đánh giá năng lực. Các trung tâm khảo thí độc lập cũng có thể được xây dựng để tổ chức thi nhiều lần trong năm, cấp chứng chỉ đủ uy tín để các trường đại học, học viện tin tưởng chọn là một trong những điều kiện tiên quyết trong những yêu cầu tuyển sinh của mình.
Các trường đại học, học viện, cao đẳng có phương án tuyển sinh tự chủ của mình, không bắt buộc dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Buổi thảo luận cũng đi tới thống nhất không gọi kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi “2 trong 1″ vì dễ dẫn tới hiểu sai về mục đích của kỳ thi. Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường đại học tự tổ chức kỳ thi đầu vào của mình. Điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ là một yếu tố để bổ sung cho hồ sơ của thí sinh.
Video đang HOT
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cảm ơn các chuyên gia giáo dục đã đồng hành cùng Bộ GD-ĐT.
Trước những chia sẻ hết sức thẳng thắn từ phía các chuyên gia và Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi cởi mở với các đại biểu trong cuộc họp chính thức. Trong thời gian nghỉ trưa, Bộ trưởng cũng tranh thủ trao đổi với cá nhân và một số nhóm.
“Những thiếu sót mà Bộ GD-ĐT xin chịu trách nhiệm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018: Đề thi chưa phù hợp với kỳ thi THPT quốc gia (đề khó so với yêu cầu của thi THPT). Việc phản biện đề tuy có làm nhưng chất lượng chưa cao. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm còn bộc lộ nhiều điểm yếu. Quy trình chấm thi giao cho địa phương tuy có giám sát nhưng vẫn có thể gian lận”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng cho biết, đây là những điều cần sửa ngay để đảm bảo chất lượng và công bằng ở kỳ thi năm tới:
- Xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm theo chuẩn, đúng quy trình và đảm bảo bám sát yêu cầu của kỳ thi là chủ yếu xét tốt nghiệp THPT. Thực hiện việc phản biện đề thi chất lượng hơn, trong đó phải có nhóm độc lập giải thử đề thi để đánh giá mức độ của đề thi có phù hợp với thời gian thi hay không.
- Tổ chức chấm thi tập trung theo các cụm thi. Trong đó, những công đoạn quan trọng sẽ do các cán bộ ở trường đại học, học viện thực hiện. Nghiên cứu việc chấm thi môn Ngữ văn cũng theo hình thức này, các tổ chấm thi không biết bài thi của địa phương nào.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã cảm ơn các chuyên gia về việc trao đổi, làm rõ những điều đã đạt được, những ưu điểm của kỳ thi và đặc biệt là những thiếu sót của Bộ GD-ĐT trong kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Ông Nhạ cũng mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự góp ý, giúp sức của các chuyên gia cùng cộng đồng quan tâm tới giáo dục.
Tham dự cuộc trao đổi cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có:
- GS Nguyễn Thị Doan – nguyên Phó Chủ tịch Nước, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
- GS Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
- Lãnh đạo của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Thăng Long.
- Một số chuyên gia đã từng có ý kiến phân tích về kỳ thi như: GS Nguyễn Minh Thuyết; đại biểu Quốc hội Bùi Thị An; GS Phạm Tất Dong; GS Nguyễn Lân Dũng; nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; TS Lê Trường Tùng; TS Quách Tuấn Ngọc; TS Lê Thống Nhất; TS Lương Hoài Nam và một số chuyên gia giáo dục.
Về phía Bộ GD-ĐT có Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng.
Theo Damviet
Sơn La: HS trường chuyên nói gì về bạn cùng lớp có điểm thi cao bất thường?
2 ngày làm việc liên tục thâu đêm suốt sáng của Tổ công tác (Bộ GDĐT) với Sở GDĐT Sơn La nhằm kiểm tra, xác minh dấu hiệu bất thường về kết quả thi tại Hội đồng thi Sở GDĐT Sơn La nhưng vẫn chưa có kết quả. Dân Việt đã trao đổi với bạn học cùng N.D và B.N - hai học sinh được cho là có điểm cao bất thường, và nhận được câu trả lời bất ngờ.
N.D là học sinh lớp 12 chuyên Văn Trường THPT chuyên Sơn La. Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, N.D có điểm thi cụ thể từng môn như sau: Toán: 9,6; Văn: 9,0, Sử: 10; Địa: 8,25; Giáo dục công dân 7,5; Tiếng Anh: 10. N.D có điểm trung bình năm học lớp 12 là 8,1, trong đó môn Toán là 8,8, Văn là 7,6. Trong đợt thi thử do nhà trường tổ chức vào tháng 3, N.D chỉ đạt điểm ở mức trung bình. Cụ thể: Toán: 6,4; Văn: 6,5; Tiếng Anh: 5,8; Sử: 5,5; Địa: 4,25; Giáo dục công dân: 5,5.
Tương tự, điểm thi của em B.N, học sinh lớp 12 chuyên Sử Trường THPT chuyên Sơn La, cũng được xem là có dấu hiệu bất thường. Cụ thể, số điểm từng môn của B.N như sau: Toán: 9,8; Văn: 8,75; Sử: 7,5; Địa: 8,25; Giáo dục công dân: 8,0; Tiếng Anh: 9,8. Trong khi đó, điểm thi thử các môn của B.N đạt: Toán: 5,0; Văn: 4,0; Tiếng Anh: 1,2; Sử: 6,5; Địa: 6,5; Giáo dục công dân: 5,25.
Chia sẻ với Dân Việt, T.H (đã đổi tên) trú tại phường Quyết Tâm, TP. Sơn La cho biết: "Em học cùng lớp chuyên Văn với bạn N.D (người có điểm cao bất thường mà dư luận đang xì xào). Trong quá trình học tập, N.D học ở mức khá, môn Toán bạn ấy học bình thường, không có gì nổi trội hơn các bạn trong lớp. Đối với môn Tiếng Anh, lớp em được các thầy cô trong trường đánh giá học không được tốt lắm". Theo T.H, đề thi thử tháng 3 vừa rồi của trường bình thường, không khó bằng đề thi THPT Quốc gia.
Ông N.V.T, trú tại tổ 3, phường Tô Hiệu, bức xúc: "Nếu không có sự bất thường thì rất khó để các cháu học chuyên Văn, chuyên Sử đạt hơn 9 điểm môn Toán. Con tôi mấy năm trước cũng học chuyên sử trường chuyên, khi thi THPT chỉ được hơn 2 điểm môn Toán".
"Theo đánh giá của em, đề thi môn Sử năm nay có những câu hỏi phân hóa. Kỳ thi vừa rồi, môn Sử em được 8,5 điểm. Khi biết được tin bạn N.D đạt điểm cao như vậy em cũng không suy nghĩ gì nhiều", em N.H, đạt giải Ba môn Sử Quốc gia, cho biết.
Chị T.T (phụ huynh em Đ.T - chuyên Toán) ở phường Chiềng Lề, TP. Sơn La chia sẻ: "Cháu nhà tôi thi được 8,6 điểm môn Toán. Khi thi xong, cháu về kể với tôi rằng không lường trước được đề thi năm nay lại khó như vậy. Đúng là đề thi năm nay có sự phân hóa rất mạnh, ngay cả cháu G.C.D (học rất giỏi môn Toán) - người đã đạt giải khuyến khích Quốc gia môn Toán - cũng chỉ đạt hơn 7 điểm Toán. Bởi vậy, một số cháu học chuyên khối C nhưng đạt điểm Toán cao tạo sự nghi ngờ trong dư luận".
"Có thể camera không còn dữ liệu"
Cũng liên quan đến nghi vấn về điểm thi năm nay, chiều tối qua (20.7), Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Bình Long - Hiệu phó Trường THPT chuyên Sơn La.
Trả lời câu hỏi về việc một số trang mạng xã hội cho rằng, ông Long là người mang bài thi vào cho học sinh chép trong kỳ thi THPT Quốc gia tại trường này, ông Long nói: "Như các anh đã biết, Facebook cung cấp thông tin nhiều chiều. Tôi khẳng định không làm việc đấy. Trong quá trình tổ chức thi, mình đi nắm bắt tình hình thì có thể học sinh hiểu nhầm. Tôi khẳng định mình không đưa bài".
Tại phòng thi số 0059 ở phòng học 105 của trường THPT chuyên Sơn La được gắn camera.
Khi được hỏi, có thể cho phóng viên xem lại camera ghi lại dữ liệu trong lúc thi tại các phòng thi ở trường chuyên được không, ông Long cho hay: "Trong lúc thi, camera bật bình thường không ai động đến. Bây giờ xem lại có thể vẫn còn. Như mọi người đã biết, camera đặt từ lúc đấy đến giờ cũng khá lâu rồi, không biết dữ liệu còn nữa không, vì theo thời gian thì nó lại ghi đè lên".
GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia) đã thông tin, kết quả phân tích điểm thi của Sơn La cho thấy quả thật có bất thường, tuy mức độ không nghiêm trọng như ở Hà Giang. Điểm thi chênh lệch tập trung ở các môn Lý, Toán. Phân tích phổ điểm của 8 môn học có thể thấy: Tính trung bình, điểm thi môn Toán, Lý, Hóa và Sinh học của Sơn La đều thấp hơn so với cả nước. Chẳng hạn như môn Toán, điểm trung bình (độ lệch chuẩn) của Sơn La là 3,43 (1,33), so với cả nước là 4,88 (1,44). Đáng chú ý, độ lệch chuẩn của Sơn La (1,33) thấp hơn so với cả nước (1,44). Phân tích cụ thể hơn bằng bảng số liệu, đối với môn Toán, có thể thấy quả thật Sơn La có vẻ có số thí sinh điểm 9,0 đến 9,8 cao bất thường. Nếu theo phân bố quốc gia, chúng ta kì vọng Sơn La có 6 thí sinh, nhưng trong thực tế thì có đến 30 thí sinh, tức cao hơn 5 lần so với kì vọng.Đối với môn Lý, thấy có sự bất thường ở ngưỡng điểm cao (trên 9). Tính trung bình, điểm môn Lý của Sơn La là 4,03, thấp hơn so với trung bình quốc gia là 4,96. Ở đây, độ lệch chuẩn không khác nhau đáng kể, chứng tỏ phân bố có cùng dạng. Nhưng phân tích kì vọng cho thấy một lần nữa, số học sinh có điểm 9,0 trở lên là 13 em, trong khi đó theo kì vọng quốc gia thì chỉ có 1 thí sinh. Nói cách khác, số thí sinh có điểm Vật lý cao ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.
Theo Danviet
Sở GDĐT Lạng Sơn nửa đêm vẫn đóng cổng xác minh điểm thi bất thường Đoàn công tác của Bộ GD-ĐT ăn cơm tối ngay tại Sở GD-ĐT Lạng Sơn và tiếp tục làm việc, xác minh nghi vấn điểm thi tốt nghiệp THPT ở Lạng Sơn. Nửa đêm vẫn sáng đèn làm việc Sau thông tin điểm thi THPT bất thường ở Hà Giang, Sơn La, mới đây dư luận lại xôn xao về thông tin điểm...