Sửa đổi Luật Quản lý thuế: Tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết.
Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: quochoi.vn).
Cần thiết sửa đổi Luật Quản lý thuế
Sáng 8/11, trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Từ đó đến nay Luật quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014 và năm 2016.
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quản lý thuế đã đạt được kết quả. Điển hình là thống nhất chính sách về quản lý thuế, trên cơ sở đó công tác quản lý thuế đã được thay đổi theo cơ chế người nộp thuế tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về thực hiện nghĩa vụ thuế. Xác định nhiệm vụ quản lý thuế, theo đó Cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế thực hiện theo chức năng, đồng thời cũng kết hợp với quản lý đối tượng và hướng tới quản lý rủi ro theo kinh nghiệm quốc tế.
Đặc biệt, luật là cơ sở để thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế (số giờ nộp thuế của Việt Nam đã giảm 420 giờ, từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra)…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nói trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, công tác quản lý thuế nói chung và quy định pháp luật về quản lý thuế nói riêng cũng có những hạn chế bất cập nhất định. Đó là việc thường xuyên bổ sung, sửa đổi văn bản luật đã ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế; một số văn bản pháp luật khác cũng có nội dung quy định về quản lý thuế, vì vậy chưa tạo ra sự thống nhất trong các văn bản quy định pháp luật. Thêm vào đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý thuế chưa bao quát hết các khoản thu khác trong NSNN, mặt khác hoạt động kinh doanh của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chưa được quy định đầy đủ.
Hơn nữa, các quy định về quản lý hành chính từ khâu đăng ký, kê khai, tính thuế, ấn định thuế, nộp thuế, xử lý tiền chậm nộp, nợ đọng thuế còn chưa rõ ràng, mang lại rủi ro tiềm ẩn trong công tác quản lý thuế…
Video đang HOT
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết”.
Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Tiếp cận tới các chuẩn mực và thông lệ quốc tế để góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập.
Đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch. Khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay đồng thời rà soát và thống nhất giữa Luật quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin, dự thảo Luật bao gồm 17 chương, 152 điều. Về cơ bản dự thảo Luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng như Luật Quản lý thuế hiện hành. Theo đó, Luật quy định việc quản lý các loại thuế và các khoản thu thuộc NSNN do cơ quan quản lý thuế quản lý (bao gồm cả cơ quan thuế và hải quan); đồng thời, để bao quát tất cả các nguồn thu của NSNN, dự thảo Luật điều chỉnh đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu tại khoản 3, Điều 3 dự thảo Luật. Do tính chất, nội dung của từng khoản thu là khác nhau, trình Quốc hội giao Chính phủ căn cứ quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, quy định việc quản lý đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.
Nhiều quy định chưa cụ thể
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đánh giá so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. “Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo lần này có khoảng số điều của Luật (36/152 điều) và 13 khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi đó có khoảng 15 Điều trong Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định chi tiết nay lại được bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết, trong khi Tờ trình của Chính phủ không giải thích lý do” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ.
Một trong những nội dung được cơ quan thẩm tra cho ý kiến là về các biện pháp xử lý nợ đọng thuế: Khoanh nợ, Xóa nợ, miễn tiền thuế, tiền chậm nộp. Cụ thể, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế. Quy định này là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi. Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp theo hướng phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 05 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 01 tỷ đến dưới 05 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 01 tỷ đồng.
Thẩm tra dự luật, về các trường hợp được khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí với dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiến hành khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các trường hợp như: “Người nộp thuế có quyết định giải thể gửi cơ quan quản lý thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh để làm thủ tục giải thể, …”; “Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh…”; “Người nộp thuế không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh…”.
Về các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, cơ quan thẩm tra đề nghị không điều chỉnh nội dung đối với số nợ tiền đất (bao gồm cả tiền sử dụng đất) trên 10 năm. Một số ý kiến cho rằng, việc xác định các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi chưa được định lượng rõ ràng, thời gian 10 năm có thể dẫn đến việc lợi dụng, trốn thuế trong khi người nộp thuế vẫn còn tài sản. Do vậy, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Về thẩm quyền xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đa số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung trong dự thảo Luật quy định về trách nhiệm công vụ đối với người có thẩm quyền xóa nợ tiền thuế tiền chậm nộp, tiền phạt. Có ý kiến khác đề nghị giao thẩm quyền xóa nợ cho chính quyền địa phương (tỉnh, huyện) để tránh việc cơ quan quản lý thuế vừa là người thu thuế, vừa là người có thẩm quyền xóa nợ thuế…/.
Minh Thư
Theo cpv.org.vn
Ngành thuế vẫn muốn ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản khách hàng
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội hôm nay 8-11 giữ nguyên đề xuất ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin khách hàng cho ngành thuế.
Chính phủ đánh giá việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Đồng thời, tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin cho công tác quản lý thuế, trong đó có việc áp dụng rộng rãi phổ biến quản lý thuế điện tử, giao dịch điện tử công khai, minh bạch...
Một điểm đáng lưu ý trong dự thảo là đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan (bao gồm cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Kho bạc Nhà nước; ngân hàng thương mại; cơ quan quản lý nhà, đất...) trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế.
Đặc biệt, ngân hàng thương mại có trách nhiệm "cung cấp nội dung giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản của người nộp thuế trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan quản lý thuế".
Quy định này đã từng vấp phải sự phản đối của giới chuyên gia, luật sư, hiệp hội doanh nghiệp... trong những lần lấy ý kiến trước đây. Các ý kiến cho rằng quy định này trong dự thảo luật chưa bảo đảm tính minh bạch do không nêu rõ trong các trường hợp nào thì cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu ngân hàng thương mại cung cấp thông tin. Đồng thời, chưa thuyết minh rõ được yêu cầu này căn cứ vào nhu cầu quản lý nhà nước cụ thể là gì?
Nhiều người có phát sinh thu nhập từ nước ngoài nhưng không tiến hành khai báo và nộp thuế theo quy định. Ảnh minh họa
Các chuyên gia chỉ rõ quan hệ giữa ngân hàng và người nộp thuế là quan hệ dân sự. Khi ký kết hợp đồng, ngân hàng phải cho khách hàng của mình biết các trường hợp thông tin của họ sẽ được cung cấp cho bên thứ ba. Các trường hợp này cần phải hợp lý và rõ ràng để bảo đảm quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức và bảo đảm ngân hàng không phải chịu gánh nặng tuân thủ yêu cầu của cơ quan quản lý thuế...
Trước đó, Cục Thuế TP HCM thông qua rà soát các tài khoản trên dữ liệu của 5 ngân hàng thương mại đã phát hiện nhiều người có thu nhập từ Facebook, Goole... với tổng số tiền lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng không khai báo và nộp thuế theo quy định.
Cụ thể, theo dữ liệu của 5 ngân hàng, từ năm 2014 đến hết tháng 11/2017 có đến 18.903 tổ chức nhận thu nhập từ Google, Facebook với số tiền 1.092 tỉ đồng. Ngoài ra cũng có nhiều tài khoản được thanh toán bằng ngoại tệ với số tiền lên đến 17,8 triệu USD .
Trong đó, việc rà soát qua hệ thống ngân hàng tính riêng TP HCM, cơ quan thuế đã truy thu được tổng cộng 14 tỉ đồng từ 89 tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook. Đồng thời, Cục Thuế TP HCM cũng chuyển thông tin của 5.800 cá nhân có nhận thu nhập từ Facebook, Google với tổng số tiền 7,1 triệu USD và 97 tỉ đồng tới cục thuế các tỉnh.
Dự thảo luật yêu cầu trong hồ sơ kê khai thuế, phải có báo cáo lợi nhuận liên quốc gia trong trường hợp người nộp thuế là công ty mẹ tối cao có phát sinh giao dịch liên kết xuyên biên giới và có mức doanh thu hợp nhất toàn cầu vượt mức ngưỡng quy định. Quy định này được cho là nhằm ngăn chặn các hoạt động chuyển giá, chuyển lãi về công ty mẹ...
Ph.Nhung
Theo nld.com.vn
Sẽ trao quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Cục trưởng Theo Dự thảo Luật Quản lý thuế, Bộ trưởng Bộ Tài chính được quyền xóa nợ từ 5 tỷ đồng trở lên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 1 tỷ đến dưới 5 tỷ đồng... Sáng nay 8/11, Quốc hội nghe Tờ trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Quản...