Sửa biểu giá điện: Chưa nghiêng về phương án nào
3 phương án đưa ra bao gồm: giữ nguyên biểu giá 6 bậc thang như hiện tại, áp dụng đồng giá 1.747 đồng/kWh hoặc rút gọn bậc thang còn 3-4 bậc với 5 kịch bản giá khác nhau vẫn nhận được nhiều ý kiến trái chiều, chưa nghiêng hẳn về phương án nào.
(Ảnh minh hoạ).
Sáng nay (22/9), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức hội thảo “Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện” nhằm lấy ý kiến về 3 phương án sắp xếp lại biểu giá điện tại đề án được công bố cách đây vài ngày.
Tại hội thảo, 3 phương án đưa ra bao gồm: giữ nguyên biểu giá 6 bậc thang như hiện tại, áp dụng đồng giá 1.747 đồng/kWh hoặc rút gọn bậc thang còn 3-4 bậc với 5 kịch bản giá khác nhau đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Cơ bản các ý kiến đưa ra vẫn chưa nghiêng hẳn về phương án nào.
Chưa nghiêng về phương án nào
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng biểu giá điện của các nước, ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng giám đốc EVN cho hay, đa phần các nước Chính phủ quyết định giá hoặc kiểm soát chặt chẽ đều có giá điện 6 bậc thang, thậm chí 7-8 bậc thang với mức giá cao nhất lên tới 5.000-6.000 đồng/kWh. Phương án đồng giá chỉ được áp dụng tại các nước có thị trường bán lẻ cạnh tranh đến người tiêu dùng cuối cùng như Singapore, Philippines…
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), phương án được lựa chọn cần khuyến khích tiết kiệm điện, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu kiểm tra, quản lý và không gây tác động tăng giá đến nhiều đối tượng nhất.
“EVN vẫn chưa nghiêng về phương án nào bởi phương án nào cũng có ưu nhược điểm. Tính đồng giá sẽ tạo áp lực tiết kiệm điện nhưng không cào bằng phương án bậc thang bởi ai bỏ tiền ra dùng điện cũng phải tính toán. Phương án 3 khắc phục hạn chế phương án 1, 2 nhưng cần phải làm rõ dựa vào căn cứ nào để rút gọn lại thành 3 bậc thang?”
Còn theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thừa nhận: “Không hiểu vì sao tính ra con số trong biểu giá điện và các con số đó giải quyết vấn đề gì? Theo tôi giá điện cần phân rõ ra chi phí và chính sách. Trong đó, giá điện phải phản ánh cơ cấu chi phí trong chuỗi từ sản xuất cho tới tiêu dùng trong khi chính sách trợ cấp cho người nghèo là việc của nhà nước, không phải việc của EVN”.
Video đang HOT
Trái lại, PGS.TS Ngô Trí Long thì cho rằng, về nguyên tắc điện là nguồn năng lượng không tái tạo được, cung không đáp ứng đủ cầu nên buộc phải tiết kiệm. Việt Nam cũng phân hoá mạnh người giàu và nghèo nên cần phân khúc thị trường và phân hoá giá bán cho các đối tượng khác nhau.
“Tôi cho rằng nên tính theo bậc thang luỹ tiến, 15 bậc thì cũng đơn giản với các phần mềm máy tính. Vấn đề là cần rút bớt hệ số ở mỗi bậc thang đi. Ví dụ ở biểu giá 6 bậc thang hiện tại, 2 bậc đầu chỉ giảm 5,1% so với giá bình quân, bậc 2 giảm 2,3% nhưng từ bậc 2 trở lên tăng tới gần 50% thì là bất hợp lý. Ngoài ra, do nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân đang tăng lên nên các bậc tính cần giãn ra, ví dụ từ 0-100 kWh; 101 – 250 kWh…”, ông Long nói.
Mỗi lần điều chỉnh đều không tạo sự đồng thuận
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, ngành điện có nhiều vấn đề, ngay cả trong xu thế các nước giá điện sinh hoạt rẻ hơn công nghiệp thì Việt Nam ngược lại, điện sinh hoạt lại đắt hơn.
“Mỗi lần điều chỉnh giá điện thường không tạo sự đồng thuận. Nguyên nhân là do người dùng không muốn tăng giá và bản thân ngành điện chưa thật sự công khai, minh bạch. Điện độc quyền cũng tác động mạnh tới sản xuất, sinh hoạt. Do đó, cần có sự kiểm soát giá để biết hiện so với giá thế giới dựa trên các yếu tố so sánh về cơ cấu cấu thành hoặc điều kiện thu nhập quốc dân, người lao động thì giá điện của Việt Nam đang như thế nào?”, ông Long nói.
Vị chuyên gia dẫn ví dụ, từ ngày 16/3 bắt đầu thực hiện giá điện mới với mức tăng 7,5% so với trước đó đã gây nhiều dư luận trái chiều trong xã hội. “Vậy gốc gác của vấn đề là gì? Theo tôi, cần hài hoà lợi ích nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT cho đến bản thân doanh nghiệp có lãi hợp lý khi tính đủ”.
Trao đổi về ý kiến ngày, đại diện EVN – Phó Tổng giám đốc Đinh Quang Tri nói: “Nếu đứng dưới góc độ người sản xuất EVN chỉ cần bán điện đủ chi phí nhưng EVN không phải sản xuất bình thường mà còn phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ về cung cấp điện cho toàn ngành kinh tế. Nếu như không sản xuất được phải mua, nếu trong nước không đủ phải đàm phán nhập khẩu. Thậm chí, phía bên BOT triển khai chậm EVN bị giao làm gấp. Vai trò EVN Chính phủ giao phải làm, không phải muốn nhận hay không nhận”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, điện vừa là ngành kinh tế vừa gắn chính trị và an sinh xã hội. Nhà nước thành lập EVN có quy chế, điều lệ quy định chức năng, nhiệm vụ của EVN do đó bức xúc điều chỉnh cơ chế thay đổi không thể nói mình EVN.
Phương Dung
Theo Dantri
Biểu giá điện lũy tiến: Ngành điện "ăn đậm" trên lưng người dân?
Sản lượng điện sử dụng sinh hoạt tăng từ 12 - 19% so với cùng kỳ được Bộ Công Thương lý giải là nguyên nhân khiến cho hóa đơn tiền điện tăng cao trong các tháng vừa qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng biểu tính lũy tiến giá điện với mức cao nhất lên tới 2.500 đồng/kWh đang "đè nặng" lên vai của người dân
EVN có thể tăng doanh thu cao hơn nhờ biểu tính giá điện lũy tiến?
Trong một báo cáo mới đây về hệ thống điện và những vấn vấn đề mà dư luận quan tâm liên quan đến ngành điện, Bộ Công Thương cho rằng tình hình thời tiết rơi vào thời kỳ nắng nóng, khô hạn bất thường, nên tốc độ tăng trưởng phụ tải của toàn hệ thống điện đạt ở mức cao.
" Chát": Dùng nhiều, trả nhiều
Cụ thể, trong tháng 3 tốc độ tăng trưởng phụ tải tổng sản lượng điện năm 2014 so với cùng kỳ là 8,4%; tháng 4 là 10,6%; tháng 5 là 11,83%; tháng 6 là 11,56%. Riêng phụ tải sinh hoạt, mức độ tăng khá mạnh như: tháng 3: 19%; tháng 4: 10%; tháng 5: 12,7%; tháng 6: 12,19%.
Bộ chủ quản cũng đưa ra con số thống kê sản lượng điện sinh hoạt trong các năm từ 2011-2015 để chứng minh, tháng 5 và tháng 6 sản lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt luôn tăng cao hơn các tháng còn lại. Bộ này cho rằng, đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nhu cầu điện sử dụng trong các tháng nắng nóng cao hơn so với các tháng đầu năm.
Dẫn chứng, trong năm 2014 - 2015, sản lượng điện sinh hoạt bậc thang tháng 4 so với tháng 3 là 18,9% và 10,6%; tháng 5 so với tháng 3 là 23,8% và 17,7%; tháng 6 so với tháng 3 là 44,4% và 36,7%. Đặc biệt tại Hà Nội, những ngày cao điểm nhất của nắng nóng lại trùng với kỳ ghi chỉ số hóa đơn tiền điện, từ ngày 5 - 25 hàng tháng, nên Bộ Công Thương cho rằng nhiều trường hợp, sản lượng điện tăng từ 1,5 đến 3 lần, dẫn đến tiền điện phải trả tăng đột biến.
Cũng theo Bộ này, để đảm bảo tính minh bạch trong việc ghi chỉ số công tơ điện, Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội đang triển khai hình thức ghi chỉ số bằng máy tính bảng và bộ thiết bị ghi chỉ số. Dự kiến trong kỳ tháng 7 tới, số lượng khách hàng được áp dụng biện pháp ghi chỉ số công tơ này là trên 1 triệu, chiếm tỉ lệ trên 40%.
Việc dùng nhiều phải trả nhiều nghe có vẻ hợp lý, song với một nền kinh tế thị trường thì sự hợp lý này lại đang là nghịch lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự nghịch lý này lại chỉ "hợp" và tồn tại trong ngành điện, một ngành vốn lâu nay độc quyền, luôn bị cho là thiếu minh bạch trong kinh doanh. Theo phân tích của TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, điện là ngành độc quyền, hiệu quả kinh doanh kém và luôn phải chịu sức ép về nguồn vốn để triển khai các dự án điện.
Cần tính giá mềm hơn!
Nguồn cung điện có hạn trong khi nguồn cầu chưa đáp ứng được, nếu dùng nhiều và không tiết kiệm thì có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối cung cầu điện. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho Bộ chủ quản và ngành điện đưa ra biểu tính lũy tiến, tức là càng dùng nhiều càng phải trả nhiều, để người dân tăng cường việc sử dụng tiết kiệm điện.
Lý giải về việc áp dụng biểu tính giá này, Bộ Công Thương cũng cho rằng mục đích là để khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện. Bộ này còn dẫn chứng, nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc... hay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Lào... cũng áp dụng giá điện theo các bậc tăng dần. TS. Long cho rằng cách so sánh nào là "khập khiễng" khi các nước trên có trình độ phát triển, thu nhập cao hơn so với Việt Nam.
Các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm Bộ Công Thương và ngành điện rằng, trong lúc nguồn cung điện hạn chế thì việc áp biểu tính giá điện bậc thang theo hướng càng sử dụng nhiều càng phải trả nhiều là hợp lý. Song cần nhớ rằng từ ngày 16/3 khi Bộ Công Thương chính thức điều chỉnh tăng giá điện thêm 7,5%, thì Bộ này cũng áp dụng biểu tính giá mới với mức trung bình, chắc hẳn phải "vượt" xa mức 7,5%. Vấn đề là, các mức bậc thang lũy tiến mà Bộ này đưa ra liệu có hợp lý với sức chịu đựng của người dân hay không?
Phân tích kỹ hơn về biểu tính giá điện mới, mức sử dụng điện cao nhất lên tới 2.735 đồng/kWh cho cấp điện áp dưới 6 kV; 2.637 đồng/kWh cho cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22 kV; 2.556 đồng/kWh cho cấp điện áp từ 22 kV đến dưới 110 kV và từ 110 kV trở lên có cấp điện áp cao nhất là 2.459 đồng.
Điểm đáng chú ý là Bộ Công Thương và ngành điện áp dụng cách tính giá điện theo các giờ thấp điểm, cao điểm và bình thường. Theo các chuyên gia, đây là bảng tính "đánh đố" người tiêu dùng khi rất có để tính toán và phân loại được lượng điện tiêu thụ.
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc áp dụng biểu tính lũy tiến với giá điện cao nhất lên tới trên 2.500 đồng/kWh là quá cao. So với mức thu nhập của người dân, tình hình kinh tế hiện nay, cùng sức cầu chưa được cải thiện nhiều, thì biểu tính lũy tiến của ngành điện đang là gánh nặng với người dân. Do vậy, đại diện Hiệp hội này cho rằng Bộ Công Thương và ngành điện cần "tính toán" để giá "mềm" hơn một chút.
Còn nhớ, khi họp báo công bố về việc điều chỉnh giá điện lên 7,5%, ông Đinh Quang Tri, Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán doanh thu của Tập đoàn sẽ tăng thêm 13.000 tỷ đồng nhờ tăng giá điện. Thế nhưng, với mức giá cao nhất lên tới trên 2.500 đồng/kWh, thì chắc hẳn ông lớn độc quyền EVN sẽ "ăn đậm" hơn nhờ biểu tính này?!
Theo Trí Thức Trẻ
Tôi mệt với Điện lực lắm! Tháng này tự nhiên hóa đơn lại tăng 35% so với tháng trước mặc dù thiết bị trong nhà không tăng. Có lẽ lại đâm đơn kêu thôi. Đây là một tâm sự của người tiêu dùng về giá điện tuần qua. Cứ vài ba tháng Điện lực lại cho người tiêu dùng hú hồn vì những hoá đơn tiền điện tiếp tục...