Sự trỗi dậy của phim truyền hình Hàn Quốc năm 2021
The Korea Times đã điểm lại các hoạt động nổi bật nhất của thị trường phim truyền hình Hàn Quốc năm 2021.
Thành công của “Squid Game” được nhắc tới đầu tiên.
Phim truyền hình Hàn Quốc đã trải qua chặng đường dài, chứa đầy những bất ngờ trong năm qua. Bộ phim thành công nhất từ trước đến nay – Squid Game - đã làm mưa làm gió trên toàn thế giới, giúp thu hút sự chú ý của khán giả toàn cầu vào các bộ phim truyền hình Hàn Quốc.
Năm qua, phim truyền hình nước này đa dạng về đề tài và xử lý nghiêm khắc với những dự án gây tranh cãi. Trong khi đó, cuộc chiến giữa các nền tảng phát trực tuyến hàng đầu vẫn tiếp tục.
Squid Game gây bão thế giới
Squid Game đã trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trên dịch vụ phát trực tuyến sau khi phát hành vào tháng 9, đánh bại kỷ lục của Bridgerton. Squid Game đứng đầu bảng xếp hạng phát trực tuyến toàn cầu trong 46 ngày liên tiếp kể từ khi ra mắt vào ngày 17/9.
Bộ phim có nội dung hấp dẫn khi xoay quanh những con người bần cùng trong xã hội. Họ phải đánh đổi mạng sống để tham gia những trò chơi sinh tồn với hy vọng lấy được số tiền thưởng khổng lồ. Squid Game tạo ra cơn sốt trên toàn cầu, với hàng loạt hình ảnh, video chế và nhại lại các trò chơi, trang phục trong phim.
Loạt phim đã chiến thắng hạng mục Chương trình đáng chú ý của năm 2021 tại People’s Choice Awards và hai đề cử Quả cầu vàng cho các diễn viên Lee Jung Jae, Oh Young Soo.
Squid Game là một trong những phim truyền hình thành công nhất của Hàn Quốc năm 2021. Ảnh: Netflix.
Người xem tẩy chay Joseon Exorcist
Bộ phim dài tập của đài SBS – Joseon Exorcist - phải dừng phát sóng sau hai tập vì bị tẩy chay. Loạt phim đã vấp phải sự chỉ trích khi công chiếu vào tháng 5 vì khắc họa không đúng các nhân vật lịch sử như vua Taejong và thái tử. Ngoài ra, phim sử dụng các đạo cụ, trang phục và thiết kế theo phong cách Trung Quốc.
Hàng trăm người ký đơn kiến nghị gửi lên Nhà Xanh yêu cầu hủy bỏ bộ phim. Trước phản ứng gay gắt của khán giả, đài SBS và công ty sản xuất phải đi đến quyết định thu hồi loạt phim. Họ cũng xin lỗi vì thiếu trách nhiệm trong việc khắc họa những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Hàn Quốc.
Phim truyền hình Hàn Quốc vượt qua cái bóng của Squid Game
Sau bộ phim thành công vang dội Squid Game, nhiều phim Hàn Quốc ra mắt sau đó cũng thu hút sự chú ý ở nước ngoài. My Name do đạo diễn Kim Jin Min thực hiện hay phim Hellbound với sự tham gia của tài tử Yoo Ah In đứng ở vị trí cao trên nhiều bảng xếp hạng.
Hellbound thuộc thể loại viễn tưởng, kể về xã hội hỗn loạn nơi mọi người phải đối mặt với những bản án đẫm máu. Phim cũng đứng đầu bảng xếp hạng phát trực tuyến hàng ngày ở 36 quốc gia khác nhau, bao gồm Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, Phần Lan, Ai Cập… Thậm chí hơn một tháng sau khi phát hành, loạt phim vẫn giữ được vị trí cao trên bảng xếp hạng hàng tuần.
Loạt phim lấy phụ nữ làm trung tâm giành được sự chú ý
Năm nay, khán giả chứng kiến làn sóng lấy phụ nữ làm trung tâm trên màn ảnh nhỏ, ở nhiều thể loại khác nhau, từ phim truyền hình thần bí Mine cho đến High Class, Thanh tra Koo và loạt phim hành động tội phạm My Name. Nhiều bộ phim hài như One the Woman, Work Later, Drink Now cũng tập trung vào nữ giới.
Mine với sự tham gia của nữ diễn viên Lee Bo Young và Kim Seo Hyung, đạt tỷ suất người xem hơn 10% dù chiếu trên đài cáp là tvN. Phim kể về hai người phụ nữ trong một gia đình giàu có. Mine khám phá “tình yêu bị ngăn cấm” giữa một người thừa kế giàu có với người giúp việc và mối tình đồng tính nữ.
Nữ diễn viên Lee Ha Nee cũng có màn thể hiện xuất sắc trong One the Woman. Lee Ha Nee đã chứng tỏ cô là diễn viên có năng lực ở nhiều thể loại. Khởi đầu khá khiêm tốn với tỷ suất người xem ở mức một chữ số, bộ phim nhanh chóng nổi tiếng nhờ diễn xuất của Lee Ha Nee và những tình tiết khó đoán. Phim đạt mức rating cao nhất là 17,9% với tập cuối cùng.
Diễn xuất của Lee Bo Young trong Mine được khen ngợi. Ảnh: tvN.
Các dịch vụ OTT vươn lên tầm cao mới
Các nền tảng OTT địa phương đang đẩy mạnh vị thế bằng việc sản xuất những dự án riêng. OTT chỉ những ứng dụng và nội dung âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet.
Loạt phim phát trên Tving – Work Later, Drink Now – kể về ba người bạn nữ sống vui vẻ cùng nhau đã mang lại thành công lớn cho nền tảng, góp phần tăng lượng người đăng ký. Sau sự phổ biến của Work Later, Drink Now, nền tảng thông báo họ thực hiện phần hai vào đầu tháng 12.
Loạt phim hài châm biếm chính trị Going to the Blue House Like This của nền tảng Wavve cũng thành công đáng kinh ngạc và tạo được tiếng vang. Vào ngày phát hành là 12/11, Going to the Blue House Like This trở thành chuỗi video hàng đầu trong việc thu hút người dùng mới đăng ký và đứng đầu bảng xếp hạng phát trực tuyến của dịch vụ.
Dịch vụ phát trực tuyến giúp thúc đẩy thành công của phim truyền hình
Không chỉ có những dự án phim riêng, các dịch vụ phát trực tuyến còn giúp lan tỏa sự nổi tiếng của các bộ phim phát trên truyền hình, điển hình là trường hợp của Hometown Cha-Cha-Cha.
Hometown Cha-Cha-Cha ban đầu chỉ đạt tỷ suất người xem ở mức một chữ số khi phát sóng trên tvN. Nhưng sau đó, phim nổi tiếng, được nhiều khán giả quốc tế biết tới và khen ngợi khi phát đồng thời trên nền tảng trực tuyến. Nhờ đó, tỷ suất người xem trên tvN ngày càng tăng. Phim kết thúc ở mức 12,7% và giúp dàn diễn viên như Shin Min Ah, Kim Seon Ho phủ sóng mạng xã hội.
Phim dài tập của KBS – The King’s Affection – chỉ đạt mức ratings 12,1% khi phát trên truyền hình. Tuy nhiên, phim được khán giả quốc tế yêu thích. Phim liên tục đứng vị trí cao trên bảng xếp hạng hàng tuần.
Sự trỗi dậy của “anh hùng bóng tối”
“Anh hùng bóng tối” chỉ những bộ phim xoay quanh chủ đề đánh bại kẻ xấu và cái ác. Đề tài này trở nên phổ biến trong suốt năm qua, mang lại cảm giác bất ngờ thông qua những phương thức tiêu diệt tội phạm độc đáo.
Nam diễn viên Song Joong Ki đã trở lại màn ảnh nhỏ thành công với loạt phim tội phạm của đài tvN, Vincenzo vào tháng 2. Phim kể về một luật sư mafia người Italy gốc Hàn (Song Joong Ki) trong hành trình đòi công lý. Phim đạt tỷ suất người xem 14,6%.
Với đề tài tương tự, Taxi Driver có sự tham gia của Lee Je Hoon cũng thu được 16% tỷ suất người xem.
Vincenzo đánh dấu sự trở lại của Song Joong Ki. Ảnh: tvN.
Loạt phim được mong đợi gây thất vọng
Một số ít phim truyền hình được mong đợi trong năm qua đã có kết thúc không mấy suôn sẻ, khiến khán giả thất vọng. Một trong số đó là Jirisan phát trên tvN. Phim được kỳ vọng cao khi có dàn diễn viên ngôi sao là Jun Ji Hyun và Joo Ji Hoon cùng biên kịch tài năng Kim Eun Hee. Tuy nhiên, phim nhanh chóng giảm nhiệt sau vài tập phát sóng. Người xem phàn nàn về việc quảng cáo quá mức và cốt truyện phức tạp, thiếu thuyết phục.
Dự án kỷ niệm 60 năm thành lập của đài MBC The Veil với sự tham gia của diễn viên kỳ cựu Nam Goong Min cũng được hy vọng là bộ phim ăn khách nhất năm. Tuy nhiên, loạt phim hành động kinh phí lớn kết thúc với con số khiêm tốn là 8,8%.
Các bộ phim tình cảm khác như Nevertheless của JTBC, School 2021 của đài KBS cũng không để lại ấn tượng cho người xem.
Giải thưởng cuối năm bị ảnh hưởng vì Covid-19
Lễ trao giải cuối năm của ba đài truyền hình quốc gia – KBS, MBC và SBS – thường được khán giả mong đợi. Tuy nhiên, vì Hàn Quốc đang trải qua giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh, đặc biệt sự lây lan của biến thể Omicron, các nhà đài buộc phải tổ chức lễ trao giải dưới hình thức khép kín.
Cả ba nhà đài đã thông báo họ tổ chức các lễ trao giải mà không có bất kỳ khán giả nào tham dự. Đối với các sự kiện thảm đỏ, đài truyền hình cũng không mời báo chí mà tự cung cấp hình ảnh sau đó.
4 phim Hàn bị chỉ trích kịch liệt vì xuyên tạc lịch sử: Snowdrop của Jisoo gặp "bão drama" nhưng có bị "đắp chiếu" như số 1?
Thậm chí các diễn viên chính của loạt phim Hàn dưới đây cũng bị "vạ lây" vì đóng phim bóp méo lịch sử.
Cùng với sự phát triển vượt trội của ngành công nghiệp truyền hình Hàn Quốc thì thị hiếu khán giả cũng ngày càng cầu toàn, đòi hỏi các nhà làm phim phải chỉn chu trong khâu sản xuất lẫn kiểm duyệt. Vì thế, trong thời gian gần đây, có không ít các tựa phim Hàn làm dấy lên làn sóng tẩy chay dữ dội từ khán giả vì các lùm xùm liên quan đến việc xuyên tạc, bóp méo lịch sử.
1. Joseon Exorcist
Tưa phim Hàn bị tẩy chay gay gắt nhất lịch sử chắc hẳn phải gọi tên Joseon Exorcist, bộ phim (lẽ ra) là siêu bom tấn của đài lớn SBS. Theo đó, Joseon Exorcist bị chỉ trích dữ dội vì dùng đạo cụ Trung Quốc. Thậm chí, tựa phim Hàn này còn bôi nhọ lịch sử vì đem nhân vật có thật trong hoàng tộc Joseon ghép vào một câu chuyện hư cấu. Ngoài ra, khán giả phát hiện tạo hình của nhân vật Moo Hwa (Jung Hye Sung) trong phim đạo nhái trang phục của Cúc Tịnh Y trong Tân Bạch Nương Tử Truyền Kỳ.
Dù mới công chiếu được 2 tập nhưng vì làn sóng tẩy chay quá nghiêm trọng nên tựa phim này đành lòng bị ngừng chiếu vô thời hạn
Trailer phim
2. Snowdrop
Snowdrop là tựa phim Hàn hot nhất trong những ngày qua khi vừa lên sóng đã tiếp tục bị khán giả đòi "phong sát" khắp mọi mặt trận. Dù chưa đầy 1 ngày kể từ khi khán giả đệ đơn lên Nhà Xanh đòi hủy chiếu phim mà Snowdrop đã thu được hơn 200.000 chữ ký và 452 đơn khiếu nại về bộ phim, "thành tích" này còn cao hơn nhiều so với đàn anh Joseon Exorcist. Lý do là bởi vì nhiều người vô cùng phẫn nộ khi cho rằng Snowdrop có hàng loạt chi tiết xuyên tạc lịch sử.
Sau khi bị tố xuyên tạc lịch sử, Snowdrop đã bị hàng loạt các nhãn hàng rút sạch tài trợ. Thậm chí, Disney , nền tảng OTT duy nhất chiếu Snowdrop cũng nhận được hàng trăm đơn khiếu nại đòi hủy phát sóng
Đây có lẽ là tựa phim Hàn "lận đận" nhất lịch sử khi gây tranh cãi từ trước khi lên sóng đến cả sau khi phát sóng cũng chưa được yên thân
Trailer phim
3. Mr. Queen
Sau khi Joseon Exorcist bị cấm sóng thì một gà cưng khác của nhà YG, Mr. Queen bỗng dưng bị dân tình ồ ạt kêu gọi tẩy chay dữ dội. Tác phẩm gây tranh cãi khi bôi nhọ vua Cheol Jong, mô tả vương hậu Shin Jong là người mê tín dị đoan và đem nghi lễ cúng bái của người xưa ở đền Jongmyo - địa danh được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ra làm chủ đề đùa cợt. Hiện tại, sau một thời gian bị "khai tử" khỏi các nền tảng chiếu trực tuyến ở Hàn Quốc, những thông tin liên quan đến phim đã được mở lại.
Trailer phim
4. Hoàng Hậu Ki
Mặc dù là một trong những bom tấn sở hữu rating cao nhất lịch sử xứ Hàn, nhưng Hoàng Hậu Ki vẫn gây tranh cãi dữ dội vì lùm xùm xuyên tạc lịch sử. Khán giả xứ kim chi chỉ trích ê-kíp sản xuất vì chọn bối cảnh chính của phim là ở Trung Quốc, vào giai đoạn cuối triều nhà Nguyên. Thậm chí là bóp méo hình tượng của các nhân vật lịch sử.
Trailer phim
Bộ phim Squid Game: Giải mã chi tiết bí "Tròn - tam giác - vuông" Ngay sau khi ra mắt, Squid Game (Trò Chơi Con Mực) đã nhanh chóng tạo cơn bão trong cộng đồng những người mê phim trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Rất nhanh chóng, bộ phim đã leo lên vị trí thứ 2 trong top 10 Netflix toàn cầu, đồng thời cũng là bộ phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên lọt...