Sự tỉnh ngộ của người vợ sau tháng ngày dằn vặt vì chồng phản bội
“Cậu xinh đẹp hơn cô ta, sinh cho chồng 2 đứa con thiên thần, nấu ăn ngon…”, lời an ủi của bạn bè càng khiến tôi so sánh mình với bồ của chồng.
Ảnh minh họa: Internet
Bài viết dưới đây là chia sẻ từ trải nghiệm của nhà văn, bà mẹ đơn thân Katie Mitchell, ở Georgia, Mỹ, trên trang Sweatpantsandcoffee:
Video đang HOT
“Rõ ràng cậu xinh đẹp hơn cô ta mà”, cô bạn thân an ủi khi nhìn vào bức ảnh cô bồ của chồng tôi trên màn hình điện thoại. Đó là vào một tối cuối năm ngoái, khi tôi ngồi cùng 5 cô bạn thân, nước mắt ngắn dài kể cho họ nghe toàn bộ câu chuyện người chồng chung sống gần 10 năm bỏ mình chạy theo người đàn bà khác.
Suốt hai tháng trước đó, tôi đã sống trong nghi ngờ, dằn vặt, đối chất với chồng rồi cuối cùng phát hiện sự thật cay đắng. Chồng tôi đã nói với người thứ ba rằng “Vì yêu là hy sinh, anh sẽ hy sinh mọi thứ vì em”. Và anh ta đã làm đúng như vậy. Căn nhà rộng hơn nghìn mét vuông, những bữa tối bên con cái, các kỳ nghỉ cho gia đình 4 người, những bữa tiệc giáng sinh ấm cúng, sự chia sẻ bao năm vợ chồng… anh ấy hy sinh hết thảy vì một người kém tôi 10 tuổi. Và khi nhớ lại mọi thứ lúc ngồi bên mấy người bạn, tôi không thể ngừng nức nở và thậm chí nốc cả đống rượu.
“Nhưng cậu xinh đẹp mà” là câu tôi nghe đi nghe lại trong mấy tháng sau đó như một lời tự vỗ về. Thành thật mà nói, câu đó thực sự cũng có lúc hữu ích, khi biết rằng có ai đó vẫn còn thấy vẻ đẹp trong tôi, ngay cả khi nó không đủ để giữ một người đàn ông.
Những cô bạn chẳng bao giờ mó tới việc nhà nói với tôi rằng “Nhưng tối nào cậu cũng nấu ăn mà, lại còn nấu ngon nữa”. Những người chật vật vẫn không thể lấy lại vóc dáng sau sinh thì bảo rằng tôi đã mặc được chiếc quần jean hồi con gái và trách móc “anh ta (chồng tôi) còn đòi hỏi gì hơn nữa”. Những cô bạn vô sinh thì bình luận rằng tôi đã đẻ cho chồng hai đứa con xinh xắn… Tất cả những lời này đều chỉ nhằm an ủi tôi và tôi mãi mãi biết ơn những lời chia sẻ đó của bạn bè trong những tuần đầu khi chồng bỏ đi. Nhưng mọi lời nói đó đều xuất phát từ điểm họ nghĩ là mình kém cỏi so với người khác. Họ chú ý tới những điều họ thấy mình thiếu so với tôi.
Thật ra, bản thân tôi cũng cảm thấy mình đầy khuyết điểm. Tôi mòn mỏi và mệt nhoài sau những ngày tháng khóc lóc, cầu xin, đau đớn, so bì. Tôi nhớ như in buổi chiều thứ bảy tháng 11 năm ngoái khi vợ chồng tôi gửi các con sang nhà ông bà để cố gắng nói hết với nhau, cố hàn gắn những gì không thể hàn gắn và anh ấy giải thích một cách đơn giản, lạnh lùng: “Em rất tốt và mang đến cho anh mọi thứ anh muốn. Nhưng ở bên cô ấy, anh thấy mọi thứ mới mẻ mà mình chưa từng biết – và em cũng không thể có”.
Một tối, không thể ngồi ăn với cảm giác cô đơn gặm nhấm, tôi chui vào bồn tắm, nằm trong làn nước nóng cho cơ thể đỏ ửng lên, đầu óc váng vất những chuyện cũ. Tôi nhìn xuống bụng mình – những vết rạn hằn rõ sau hai lần sinh nở, nó cũng chẳng còn thon thả như xưa. Có lẽ vì thế hoặc một phần vì thế mà anh ấy bỏ tôi? Hẳn bụng cô ta rất phẳng và mềm mại, ở độ tuổi đôi mươi.
Hay cũng có thể chẳng phải tại cơ thể của tôi. Có lẽ do tôi đã không biết chiều chuộng chồng. Tôi không đủ gợi cảm hay thú vị. Tôi không đủ vui vẻ, thông minh hay đã làm những điều không đúng. Tôi đã không dọn nhà đủ sạch sẽ và khiến chồng vui thích khi trở về sau mỗi chuyến đi? Tôi đã để nỗi căng thẳng vì hai đứa con tuổi mẫu giáo và những nhiệm vụ hằng ngày ảnh hưởng tới những kỳ nghỉ cuối tuần của hai vợ chồng? Vỡ vụn và đau đớn, bao ý nghĩ nhảy múa trong đầu. Dẫu sao, tôi cũng phải bước ra khỏi bồn tắm.
Bốn tháng sau đó thực sự mệt mỏi. Tôi phải đau đầu với về các vấn đề pháp lý trong việc bán ngôi nhà chung, thuê luật sư, khôi phục lại tên từ thời con gái của mình trên tất cả các giấy tờ… Nhưng tất cả chưa là gì khi so với cảm xúc rối tung lúc hai người họ chuyển đến chung sống với nhau và thông báo về lễ đính hôn sau 5 tuần chúng tôi ký giấy ly hôn. Tuần nào cô ta cũng đi cùng chồng tôi đến thăm con của chúng tôi hoặc đón bọn trẻ đến thăm ông bà trong các dịp nghỉ, ngày lễ. Và lần nào cũng vậy, tôi chơi trò so sánh, nhớ lại những lời bạn bè nói khi an ủi mình: “Cậu thật xinh đẹp. Cậu rất tử tế. Cậu là người vợ tốt”… Nhưng ngay cả khi cố nhắc đi nhắc lại, những lời khẳng định này cũng chẳng mang lại sức mạnh cho tôi. Tôi không biết mình thiếu điều gì nhưng rõ ràng là tôi không đủ.
Sau đó, một đêm muộn, trong cuộc trò chuyện với người bạn cũ, anh ấy chỉ nói một điều mà khiến tôi vỡ òa mọi thứ. Không tâng bốc hay so sánh bản thân với ai. Anh ấy chỉ bảo tôi rằng trong một mối quan hệ “bất cứ vấn đề gì ở người khác đều là của riêng họ, không phải vì bạn thế này hay thế khác”.
Câu nói đó đến với tôi thật đúng lúc, sau vài tháng tôi không ngừng so sánh, phán xét bản thân. Sau khi nhẩm đi nhẩm lại câu ấy trong đầu, cuối cùng tôi cũng nhận ra anh ấy đúng. Không phải vì tôi và dù cho tôi có là người vợ hoàn hảo 100% đi nữa, không chắc cuộc đời tôi đã khác và chồng tôi không đi ngoại tình.
Tôi đối diện với bản thân: Rằng tôi không hoàn hảo và không được sinh ra để hoàn hảo. Tôi là con người thật và sẵn sàng chấp nhận tổn thương để nói về những điều mình nghĩ và nỗi đau mình trải qua, để kết nối với mọi người và hiểu về chính tôi. Tôi không hoàn hảo nhưng tôi nhận ra mình đủ đầy. Tôi bắt đầu bước ra khỏi cái vỏ giấu giếm nỗi xấu hổ của bản thân sau nhiều tháng.
Cũng như tôi, chúng ta rất hay tự ghét bỏ bản thân. Đó là điều khá tự nhiên, đặc biệt ở phụ nữ. Nhưng như Mary Oliver từng viết trong một bài thơ của bà: “Một người tôi yêu từng tặng tôi/Chiếc hộp với đầy những điều khó hiểu/Mất bao năm cố tìm tòi, suy diễn/Tôi nhận ra đó cũng là một món quà”…
Chỉ khi đi qua “món quà” của nỗi đau và sự tự trách bản thân, tôi mới đứng ở một góc khác để nhìn lại chính mình, để thấy mình là ai và có gì. Yếu đuối và dễ tổn thương, xinh đẹp hay giỏi giang… tất cả đều hiện diện trong sự không hoàn hảo của chúng ta. Nhưng dù không hoàn hảo, tất cả, trong đó có tôi, vẫn đủ đầy và xứng đáng.
Theo Afamily