Sự tích “đường lưỡi bò” hoang đường của Trung Quốc
“Đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” (Trung Quốc gọi là “cửu đoạn tuyến”) là một sản phầm khiến cả thế giới, kể cả một số nhà nghiên cứu Trung Quốc, ngạc nhiên và “không thể hiểu”.
Tiết lộ của người Trung Quốc về “lò sản xuất đường lưỡi bò”
Năm 2009, Trung Quốc chính thức công bố bản đồ có đường lưỡi bò. Ngay lập tức, học giả kiêm nhà bình luận nổi tiếng của đài Phượng Hoàng (Hong Kong) Tiết Lý Thái lên tiếng cảnh báo: “Trung Quốc đang tự đặt ra tai họa cho mình. Cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ để chuyện đó xảy ra”.
Và cũng chính nhiều học giả tôn trọng sự thật ở Trung Quốc đã công bố tư liệu về nguồn gốc “đường lưỡi bò” với lời can gián “Đừng làm trò cười cho thiên hạ”.
Theo những tư liệu mà giới nghiên cứu Trung Quốc công bố rộng rãi trên các trang mạng thì xuất xứ của “đường lưỡi bò” như sau: Thời Trung Hoa dân quốc có tổ chức chuyến đi khảo sát trái phép kéo dài hai tháng từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đến đảo Ba Bình thuộc Trường Sa. Sau chuyến đi, trở về trụ sở ở Quảng Châu, chỉ huy Lâm Tuân cùng một số thuộc hạ thân tín ngồi lại cùng nhau vẽ ra bản đồ 11 đoạn sau đó giao cho Sở Phương vực thuộc Bộ Nội chính in ấn vào tháng 10/1947.
Biếm họa về đường lưỡi bò.
Phóng viên tuần báo Phượng Hoàng đã cất công tìm gặp một số nhân chứng chuyến đi đang ở Đài Loan và cho biết, người vẽ bản đồ là giám đốc Sở Phương vực Phó Giác Kim. Căn cứ trên một số tư liệu sơ sài ghi chép, vẽ lại và của Lâm Tuân, Trịnh Tư Duyệt, Tào Hi Mãnh, giám đốc Phó Giác Kim đã chỉnh lý, vẽ lại. Và theo tấm bản đồ đầu tiên thì đường chữ U, tức đường lưỡi bò có 11 đoạn đứt khúc mà các học giả sau này gọi là “đường hư tuyến”. Các quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa và Trường Sa đều nằm trong đường hư tuyến.
Còn học giả Lý Lệnh Hoa cùng một số nhà nghiên cứu khác đã không công nhận hoàn cảnh ra đời của đường chữ U được “bài bản” như thế. Ông khẳng định “đường hư tuyến do viên quan chức vụ nội chính tên Trịnh Tư Ước tiện tay vẽ mà không căn cứ vào bất kỳ cơ sở nào”. Thậm chí, ông và một số đồng nghiệp còn tỏ ra xấu hổ vì: “Sau khi phát hành tấm bản đồ có đường chữ U này, Trung Quốc thời bấy giờ còn công bố “kết quả nghiên cứu của chuyến đi khảo sát” như sau: “Diện tích biển của Trung Quốc bị các nước lấn chiếm như sau: Việt Nam chiếm 1.170.000 km2; Philippines chiếm 620.000 km2; Malaysia chiếm 170.000 km2; Bruney chiếm 50.000 km2; Indonesia chiếm 35.000 km2″.
Theo tài liệu mang tên The Legel Status of the South China Sea xuất bản tại Đài Loan tháng 10/1998 của hai tác giả Huang Yi và Wei Jingfen, một cựu viên chức trong nhóm “sản xuất ra đường chữ U” tại Đài Loan tên Bai đã được mời đến Bắc Kinh vào mùa hè năm 1990 để giải thích nguyên nhân vẽ đường chữ U. Tại thời điểm đó, Bai đã trên 80 tuổi nên không nhớ hết chi tiết song ông còn nhớ điều quan trọng nhất là “vẽ như vậy để đường này chỉ ra quần đảo thuộc về nước nào có đường này”.
Nhận xét về cách “sản xuất” ra đường lưỡi bò nói trên, nhà nghiên cứu người Mỹ, giáo sư Mark J.Valencia thẳng thắn: “Tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông luôn mập mờ và thiếu nghiêm túc, trong đó thiếu nghiêm túc nhất là đường chữ U. Khi được đề nghị giải thích về ý nghĩa của đường ranh giới này, là đường biên giới hay cái gì khác, họ luôn mập mờ rằng, có thể như thế hoặc có thể không. Trên thế giới chẳng có đường nào đứt khúc như vậy”.
“Đường 9 đoạn là sự gian trá khủng khiếp trong lịch sử”
Từ 11 đoạn, bớt xuống 9 đoạn và trở lại 10 đoạn
Tháng 2/1948, bản đồ chính thức của Trung Quốc mang tên “Bản đồ khu vực hành chính của Trung Hoa dân quốc” ra đời. Trong đó đường chữ U có 11 đoạn đứt quãng bao quanh gần trọn Biển Đông. Tuy nhiên bản đồ này chỉ phát hành rất hạn chế ở Trung Quốc nên các nước châu Á không hay biết.
Năm 1949, chính quyền Trung Hoa dân quốc bị đánh bại, phải chạy ra đảo Đài Loan, tấm bản đồ có đường chữ U 11 đoạn rơi vào quên lãng. Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời không bận tâm đến đường chữ U 11 đoạn.
Ngày 4/12/1950, đại diện chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Chu Ân Lai tuyên bố đồng ý Bản tuyên ngôn Cai Rô được ký kết ngày 27/11/1943, trong đó 3 nước Anh, Mỹ và Trung Hoa (dân quốc) đã ký kết. Trong tuyên ngôn Cai Rô có đoạn liên quan đến lãnh thổ Trung Hoa như sau: “Nhật Bản phải bị loại ra khỏi tất cả các đảo đã cướp hoặc chiếm đóng từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914 và tất cả những lãnh thổ Nhật đã chiếm của Trung Quốc như Mãn Châu Lý, Đài Loan và Bành Hồ sẽ được trả lại cho Cộng hòa Trung Hoa”. Cũng cần nhắc lại thêm, thời điểm ký Tuyên ngôn Cai Rô năm 1943, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Nhật Bản chiếm đóng. Như vậy, Hoàng Sa và Hoàng Sa không liên quan đến lãnh thổ của Trung Quốc bị Nhật chiếm giữ. Và đại diện chính phủ Trung Quốc, Bộ trưởng Chu Ân Lai hoàn toàn tán thành tuyên bố này.
Tuy nhiên đến năm 1953, đường chữ U tưởng đã tiêu vong theo chính quyền Trung Hoa dân quốc bỗng “đội mồ sống dậy”. Trong năm này chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa xem xét và phê duyệt lại đường chữ U, từ 11 đoạn xuống còn 9 đoạn. Nhưng ranh giới của đường chữ U 9 đoạn tham lam hơn, tiến sát Việt Nam, Malaysia và Philippines hơn. Theo cách lập luận của Trung Quốc , với đường chữ U mới 9 đoạn thì các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia đã “chiếm” diện tích biển của Trung Quốc nhiều hơn.
Cũng giống như Trung Hoa dân quốc, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa công bố bản đồ đường chữ U 9 đoạn mà không giải thích cơ sở pháp lý, cơ sở địa lý hay công khai trên trường quốc tế. Họ chỉ gọi chung chung là “vùng nước lịch sử”, “lãnh thổ lịch sử”.
Hơn 50 năm sau, Trung Quốc mới công khai tham vọng đường chữ U với thế giới.
Video đang HOT
Bản đồ 10 đoạn, do Trung Quốc xuất bản gần đây đã vấp phải sự phản đối của dư luận ở trong và ngoài Trung Quốc.
Ngày 6/5/2009, Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía nam Biển Đông lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên Hiệp Quốc (CLCS). Ngay ngày hôm sau, 7/5/2009, Trung Quốc gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phản đối, trong đó đính kèm bản đồ đường chữ U, tức đường 9 đoạn chiếm gần 80% diện tích Biển Đông.
Đến lúc này cả thế giới mới biết rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc không còn ẩn giấu mà đã công khai. Mặc dù tọa độ và vị trí chính xác của đường chữ U 11 đoạn trước kia và 9 đoạn sau này không hề có, song không vì thế mà Trung Quốc ngần ngại, xem lại lập trường sai trái của mình.
Tháng 3/2010, Trung Quốc đã khiến cho cả thế giới giật mình khi tuyên bố Biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Đến nỗi, nhà bình luận chính trị nổi tiếng Trần Phá đã phát biểu trên tạp chí Khai Phóng số tháng 7/2011: “Vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông thể hiện rõ xu hướng ngày càng xấu đi. Bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc”.
Những cảnh báo đầy trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, học giả, nhà báo Trung Quốc chưa làm thức tỉnh những người ra quyết định ở Trung Quốc.
Sau khi kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam, ngày 25/6/2014, báo chí Trung Quốc công bố “bản đồ dọc” có đường chữ U, lần này là 10 đoạn.
Việc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam và phát hành “bản đồ dọc” có đường chữ U 10 đoạn không chỉ khiến dư luận khắp thế giới phản đối, chỉ trích và lên án Trung Quốc mà còn khiến dư luận bên trong Trung Quốc dậy sóng. Không chỉ những nhà nghiên cứu, học giả nổi tiếng lâu nay “phản tỉnh” can gián, phản đối mà còn rất nhiều thanh niên, trí thức trẻ tuổi Trung Quốc thực sự bất bình, phản đối vì “quá đáng”.
Cần kết thúc sự mập mờ của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”
Trên mạng xã hội Weibo rất phổ biến khắp Trung Quốc có rất nhiều thành viên lên án chính phủ Trung Quốc xuất bản và công bố tấm bản đồ dọc một cách hồ đồ, không tuân theo luật pháp quốc tế. Một số thành viên còn kể lại nỗi xấu hổ của họ khi đi ra nước ngoài bị người dân sở tại phê phán, lên án Trung Quốc ngày càng nhiều.
Một thành viên có nick là Yangxi viết: “Xưa thì 11 đoạn, rồi bớt thành 9 đoạn, nay thêm một chút thành 10 đoạn, thật lãng phí và không cần thiết vì chẳng có giá trị pháp lý khi nói đến chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Bởi ngay chính cả bản thân Trung Quốc cho đến bây giờ còn mơ hồ với bản chất của “đường 10 đoạn” này thì ai tin nó là của Trung Quốc?”.
Khác với trước đây chỉ có giới nghiên cứu, học giả và nhà sử học lên tiếng phản đối, sự xuất hiện của “bản đồ dọc” với đường 10 đoạn khiến cho giới quân sự Trung Quốc “lay tỉnh”. Chuyên gia bình luận quân sự Wu Ge, Cheng Gi ở Bắc Kinh mỉa mai: ” Nếu làm theo kiểu của Trung Quốc thì bất cứ quốc gia nào cũng có thể “nuốt” biển của quốc gia khác chỉ bằng cách trưng ra tấm bản đồ do mình vẽ” và kết luận: ” Chúng ta (Trung Quốc – Thế giới) đang tự cột đá vào chân mình mà không biết”.
Tiến sĩ Yang Hengiun từng làm việc tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc, hiện là thành viên cao cấp trong Hội đồng Đại Tây dương (Mỹ) viết trên tạp chí Diplomat: ” Lời nói và hành động của Trung Quốc ngày càng đáng sợ với các nước khác… Tựu trung, những chiến thuật thiển cận khiến Trung Quốc gần như không còn bạn bè trong khu vực. Nếu cứ theo đường lối như hiện nay thì kế hoạch phát triển của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị phá sản và chỉ còn hình ảnh đất nước Trung Hoa xấu xí trong mắt cộng đồng quốc tế”.
Theo Tuần Việt Nam
Năng lượng - ám ảnh ẩn giấu sau giàn khoan Hải Dương 981
Có lẽ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, những chỉ trích của cộng đồng quốc tế chẳng là gì so với nhu cầu thúc đẩy và phát triển năng lực trên biển, cũng như nhu cầu khai thác tài nguyên tại Biển Đông.
Ngày 2/5, Trung Quốc hạ đã đặt giàn khoan nửa chìm Hải Dương 981 cách bờ biển Việt Nam 119 hải lý, cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 180 hải lý.
Hành động này của Trung Quốc đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã gọi đó là hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, Bộ Ngoại giao Mỹ thì coi đó là hành động khiêu khích.
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.
Đây rõ ràng là động thái có tính toán nhằm làm gia tăng căng thẳng trong tranh chấp biển và lãnh thổ với Việt Nam. Hành động này đánh dấu lần đầu tiên một bên yêu sách đơn phương khai thác tài nguyên dầu mỏ trong vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, dù các quan chức Trung Quốc từ bấy lâu vẫn toan tính đến động thái như vậy, và trước đó các bên yêu sách cũng đưa ra những ưu đãi khuyến khích các công ty năng lượng quốc tế khai thác trong các khu vực tranh chấp (Họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/5).
Nhìn chung, thời điểm diễn ra hành động này có vẻ như phản tác dụng. Ý định của Trung Quốc rõ ràng là muốn gây áp lực lên các bên yêu sách bằng một loạt hành động dưới ngưỡng sử dụng vũ lực nhưng lại áp đảo đối với các quốc gia yếu hơn.
Tuy nhiên động thái này lại phá vỡ mối quan hệ một năm tương đối tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và có thể làm xói mòn thông điệp hợp tác khu vực và an ninh mà Tập Cận Bình đã tuyên bố sau đó tại Hội nghị Hợp tác và Xây dựng Lòng tin tại châu Á (Tân Hoa Xã, ngày 21/5).
Kịch bản Trung Quốc sẽ làm tiếp sau hạ đặt giàn khoan?
Mặc dù vậy, hành động trên không phải là không có tính toán, mà đó là việc hiện thực hóa một năm nỗ lực phát triển công nghệ khoan nước sâu và triển khai khoan tại khu vực. Trung Quốc đã phát triển giàn khoan Hải Dương 981 khi có đủ khả năng và thực hiện ngay khi có thể.
Hành động này hỗ trợ cho hai mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là vừa khẳng định khả năng khai thác tài nguyên trong khu vực tranh chấp, vừa ngăn cản các công ty năng lượng quốc tế hợp tác với Việt Nam và các quốc gia yêu sách khác. Tuy nhiên, dù có lợi thế đáng kể trong công nghệ khoan nước sâu, nhưng Trung Quốc lại không đủ khả năng khai thác khí đốt tự nhiên nằm xa bờ biển của mình, điều này cho thấy rằng, hành động trên vừa bị tác động bởi các tính toán chiến lược, lẫn các ý đồ về năng lượng.
Tại sao lại là thời điểm này?
Năng lực biển của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng, kể cả về chấp pháp trên biển, ảnh hưởng quân sự và cả về khả năng khai thác xa bờ. Trung Quốc đã đầu tư đáng kể để biến nước này trở thành "cường quốc biển" như nguyên Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào đã đề cập. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đặt mục tiêu cho nền kinh tế biển nước này đóng góp 10% cho tổng GDP của Trung Quốc.
Ngoài hiện đại hóa hải quân, Trung Quốc cũng đang tăng cường năng lực thực thi các yêu sách trên biển bằng các tàu chấp pháp dân sự trang bị vũ khí hạng nhẹ. Loại tàu này thực thi các yêu sách của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và trước ngư dân của Philippines và Việt Nam.
Tình hình biển Đông vẫn chưa dịu đi khi số lượng tàu Trung Quốc đưa ra bảo vệ giàn khoan tăng theo từng ngày.
Trung Quốc cũng đã đầu tư đang kể vào công nghệ khoan xa bờ. Tập đoàn quốc doanh Dầu khí Xa bờ Quốc gia (CNOOC) đang rất nỗ lực phát triển năng suất khai thác xa bờ của mình, chủ yếu tập trung tại khu vực biển nước sâu ở Biển Đông. Công ty con của CNOOC là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Dịch vụ Dầu khí Trung Quốc (COSL) được phê duyệt 62% nguồn vốn của mình để sở hữu các doàn khoan mới vào năm 2013 (Platt's Oilgram News, tháng 2/2013).
COSL hiện đang xây dựng thêm hai giàn khoan nửa chìm mới có khả năng khoan ở độ sâu 1500m. Mức này vẫn chỉ bằng một nửa so với dàn khoan Hải Dương 981 nhưng dù sao vẫn đạt được độ sâu đáng kể (Platt's Oilgram News, tháng 2/2013). Trong một động thái gây ngạc nhiên, COSL đã mua một giàn khoan nước sâu của Transocean's Richardson vào giữa 2013 sau khi Hải Dương 981 bị ngưng sử dụng do ảnh hưởng của kết cấu chống đỡ của thép hay chất lượng mối hàn (Petroleum Intelligence Weekly, ngày 19/8/2013).
Rõ ràng Hải Dương 981 là giàn khoan có khả năng lớn nhất trong số giàn khoan kể trên. Hải Dương 981 do Tập đoạn Đóng tàu Quốc gia Trung Quốc đóng, và COSL đã sở hữu giàn khoan trị giá 900 triệu USD này vào tháng 5/2012. Hải Dương 981 lần đầu tiên hoạt động tại Đồng bằng sông Châu Giang trước khi đưa vào hoạt động tại mỏ khí Lệ Loan ở Biển Đông, nằm cách phía đông nam Hồng Công 198 hải lý (Platt's Oilgram News, ngày 9/5/2012).
Khi Hải Dương 981 được đưa vào hoạt động năm 2012, Liu Feng, Viện Nghiên Quốc gia Nam Hải đã trả lời tờ Petroleum Economist rằng, "với sự phát triển của công nghệ khoan nước sâu của Trung Quốc, thì việc CNOOC đẩy mạnh khai thác tại khu vực trung tâm và phía nam Biển Đông chỉ là vấn đề thời gian" (Petroleum Economist, tháng 9/2012).
TQ đưa giàn khoan thứ hai (Nam Hải 9) đến Biển Đông
Cuối cùng, vấn đề khai thác tài nguyên nước sâu là mục tiêu dài hạn mà Trung Quốc đang rất tích cực tiếp cận. Hiện Trung Quốc đang sở hữu tàu lặn Giao Long, một trong những tàu lặn có khả năng lặn sâu nhất thế giới với độ sâu 5000m.
Trung Quốc là một trong những quốc gia tích cực nhất trên thế giới tại Ủy ban Đáy biển Quốc tế tại Jamaica, đây là ủy ban cấp phép cho các hoạt động thăm dò tài nguyên nước sâu đáy biển ở các vùng biển quốc tế. Việc theo đuổi công nghệ khoan nước sâu đã được dư luận theo dõi từ năm 2012 khi CNOOC đưa ra lời mời hào phòng đối với công ty dầu khí Canada là Nexen. Các khoản đầu tư của COSL vào việc tăng cường năng lực khoan nước sâu là mục tiêu của CNOOC nhằm khai thác nước sâu đạt 1 triệu thùng/ngày vào năm 2020 (Petroleum Economist, tháng 12/2012).
Vào đầu năm nay, CNOOC đã tuyên bố phát hiện một mỏ khí tại bể Quỳnh Đông Nam và đặt tên là Lingshui 17-2, đây là phát hiện đầu tiên trong hoạt động khai thác nước sâu độc lập của CNOOC. Theo Oil and Gas Journal (ngày 19/3), mỏ khí nằm ở độ sâu 1450m so với mực nước biển và ở độ sâu 3510m dưới đáy biển. Bể Quỳnh Đông Nam nằm ở phía nam Hải Nam và ở phía bắc vùng biển Hoàng Sa, tại khu vực mà Việt Nam không có yêu sách chủ quyền.
Những nỗ lực về kinh tế bị thúc đẩy bởi sự thiếu hụt nguồn cung trong nước, giá dầu tăng cao ở châu Á - Thái Bình Dương và tầm quan trọng về an ninh nguồn cung năng lượng của Trung Quốc. Theo quan điểm của CNOOC, khai thác nước sâu tại Biển Đông là vấn đề thiết yếu cho nền kinh tế của Trung Quốc trong tương lai.
Các mỏ ở Vịnh Bột Hải đang bắt đầu bước vào giai đoạn suy giảm, còn các mỏ ở biển Hoa Đông lại bị ngưng khai thác do những tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản (Platt's Oilgram News, ngày 17/4/2012). Tiềm năng khai thác dầu khí tại Biển Đông sẽ hỗ trợ cho các mục tiêu về an ninh năng lượng trên ba khía cạnh.
Thứ nhất, tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng để không bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng than. Thứ hai, bổ sung vào việc bản địa hóa việc khai thác nhằm tăng cường đa dạng hóa nguồn khí đốt của Trung Quốc (như việc nước này đã ký các thỏa thuận khí đốt tự nhiên với Nga). Cuối cùng, nguồn khí đốt nhập khẩu sẽ không phải đi qua đường biển, điều đó giúp làm giảm sự lo ngại của Trung Quốc vào nguồn nhập khẩu qua các lộ trình đường biển mà hiện Mỹ đang kiểm soát.
Chuyên gia phân tích mưu đồ của Trung Quốc ẩn sau giàn khoan
Làm nhụt ý chí các đối thủ trong tranh chấp
Đối với Bắc Kinh, CNOOC đóng vai trò tăng cường lợi ích và tầm quan trọng chính trị của Biển Đông, mục tiêu của Trung Quốc là đảm bảo cho các hoạt động kinh tế tại khu vực mà Trung Quốc yêu sách phải đi theo hướng của Bắc Kinh. Lý do kinh tế nêu trên càng được củng cố bởi những lo lắng về an ninh và chính trị. Năm 2012, lần đầu tiên CNOOC đã cho đấu thầu các lô dầu khí ở hai vòng khác nhau. Lần đầu là đấu thầu toàn bộ các lô ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, đây là các lô mà Việt Nam đã cấp phép cho các công ty dầu khí nước ngoài, họ là các đối tác của Petro Vietnam. Đây rõ ràng là động cơ mang tính chính trị bởi Trung Quốc đã đấu thầu trên phạm vi rất lớn, bao gồm các lô ở biển Hoàng Hải, Hoa Đông, lưu vực của sông Châu Giang và Biển Đông.
Với việc triển khai dàn khoan tại vùng biển yêu sách của Việt Nam, Trung Quốc đang gia tăng căng thăng tại các vùng biển gần với các khu vực mà các công ty dầu khí nước ngoài hiện đang khai thác. Việt Nam không có đủ công nghệ khoan nước sâu hiện đại và phải phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, mặc dù Petro Vietnam đang nỗ lực phát triển một dàn khoan nước sâu trong một dự án liên doanh với một công ty của Nga (Platt's Oilgram News, ngày 21/7/2011).
Bằng cách gia tăng rủi ro về chính trị đối với các công ty nước ngoài đang hợp tác với Việt Nam, Bắc Kinh có thể ngăn cản hoạt động khai thác của Việt Nam đồng thời xây dựng khả năng đơn phương khai thác các khu vực có tranh chấp. Tuy nhiên, có vẻ như Trung Quốc vẫn chưa chuẩn bị việc cố gắng loại bỏ các công ty dầu khí nước ngoài hiện đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam, mặc dù nước này trước đó đã gây áp lực lên các đối tác chính của Việt Nam không được ký các thỏa thuận với Việt Nam. Công ty ExxonMobil đang tiến hành khai thác các mỏ khí Cá Voi Xanh tại các lô 117, 118 và 119, đây là các lô nằm ở phía tây thuộc khu vực mà Trung Quốc hạ đặt Hải Dương 981.
Giàn khoan Hải Dương 981: Những luận điệu kệch cỡm, vô lối
Trung Quốc đang quyết tâm thực hiện khai thác đơn phương tại Biển Đông, điều này được minh chứng rõ hơn bởi các động thái của nước này đối với Philippines ở Biển Đông. Lô SC 72, gần bãi Cỏ Rong được Philippines mời thầu vào năm 2011, tuy nhiên Trung Quốc đã cảnh báo các công ty dầu khí nước ngoài không được tham gia đấu thầu. Tàu của Trung Quốc đã cản trở nỗ lực của công ty Forum Energy khai thác trong khu vực này. Cuối cùng, các thảo luận giữa đối tac của công ty Forum và CNOOC được tổ chức nhằm đưa ra một giải pháp khả thi. Vào tháng 3/2014, truyền thông Philippines đã loan tin rằng cuộc đàm phán đã bị đình trệ.
Sự hụng hăng của Trung Quốc đối với Việt Nam hiện đang xảy ra ở Biển Đông. Không có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh theo đuổi một phân định với Việt Nam giống như ở Vịnh Bắc Bộ. Cả Petro Vietnam và CNOOC đã ký một biên bản ghi nhớ khai thác và sản xuất tại các khu vực tranh chấp vào năm 2006, và khu vực nằm trong thỏa thuận đã được mở rộng vào mùa hè năm 2013. Có lẽ theo quan điểm của Bắc Kinh thì thỏa thuận ở Vịnh Bắc Bộ đã được ký kết theo hướng có lợi, không giống như ở Biển Đông.
Những hạn chế đối với tham vọng của Trung Quốc
Có một số hạn chế thực tế đặt ra đối với tham vọng của Trung Quốc. Dù khả năng ngày càng phát triển nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những hạn chế nhất định về khả năng thương mại trong vấn đề khai thác nguồn dầu khí tại các khu vực xa bờ. Ở tình thế hiện tại, dù Hải Dương 981 có đạt được những phát hiện quan trọng, thì tính khả thi về thương mại đối với phát hiện đó phụ thuộc vào việc đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ.
Chi phí sẽ đội lên rất lớn do khó khăn về khoảng cách và công nghệ, cùng với đó là việc xây dựng các đường ống dẫn dưới biển sâu. Mạng lưới đường ống dẫn khí gần nhất của Trung Quốc nằm ở đảo Hải Nam, và độ sâu sẽ khiến cho việc hòa vào mạng lưới này là rất tốn kém. Điều kiện này cho thấy ý định của Trung Quốc, ngoài việc khẳng định quyền tài phán tại các vùng biển yêu sách, là nhằm thực hiện đề xuất "khai thác chung" mà nước này đang có ý định heo đuổi.
Hơn nữa, bản thân Hải Dương 981 không thực sự nhiều ấn tượng như ban đầu được quảng cáo. Như đã đề cập ở trên, giàn khoan này đã phải tiêu tốn một khoản chi phí đáng kể để sửa chữa. Do vậy, Hải Dương 981 có lẽ không đủ khả năng hoạt động trong mùa bão từ tháng 7 đến tháng 9 như dự định ban đầu đưa ra, đây là dự định khiến cho người ta nghi ngờ về tuyên bố của Bắc Kinh sẽ duy trì dàn khoan ngoài khơi bờ biển Việt Nam đến tháng 8 (Petroleum Intelligence Weekly, ngày 19/8/2013).
Sau Biển Đông, Trung Quốc sẽ kéo giàn khoan Hải Dương 981 đi đâu
Tuy nhiên, có lẽ Trung Quốc sẽ chấp nhận đối mặt với những thách thức này. Chẳng hạn, do sự do dự của các đối tác nước ngoài chủ chốt trong việc khai thác tại các khu vực tranh chấp, có vẻ như Bắc Kinh đã chuẩn bị cho việc độc lập khai thác. Công suất dàn khoan trong nước của Trung Quốc sẽ vẫn không đáp ứng theo yêu cầu, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn khẳng định rằng hoạt động khai thác của các công ty nước ngoài phải sử dụng các dàn khoan đăng ký tại Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nước ngoài mất chi phí khá cao khi hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc, do phải đóng 6% thuế nhập khẩu và 17% thuế giá trị gia tăng do sử dụng dàn khoan nửa chìm không được đăng ký ở Trung Quốc (Platt's Oilgram News, ngày 25/5/2012). Dù điều này sẽ làm giảm đáng kể năng suất khai thác và giảm lợi nhuận thương mại đối với những mỏ dầu khí được phát hiện, tuy nhiên nó lại có lợi cho Trung Quốc khi nước này chuẩn bị cho việc kiểm soát hoạt động khai thác xa bờ ở các vùng biển có yêu sách chủ quyền.
Kết luận
Các nhà phân tích phương Tây cần phải lưu ý đến tầm quan trọng về khả năng của Trung Quốc. Quốc gia này giờ đây có khả năng khai thác tốt hơn bao giờ hết tại các khu vực tranh chấp. Hơn nữa, dù cho tồn tại những hạn chế đã đề cập ở trên và những chi phí khổng lồ mà CNOOC phải đối mặt, nhưng Bắc Kinh đã sẵn sàng chuẩn bị đối mặt để giải quyết tầm quan trọng trong vấn đề an ninh năng lượng. Rõ ràng là Bắc Kinh cũng đã chuẩn bị đối mặt các khó khăn để khai thác các nguồn tài nguyên tại các vùng biển có yêu sách vì điều này thực hiện cả mục tiêu chính trị và kinh tế.
Như vậy, sau khi phân tích tất cả các mặt, thì giải thích về mặt chiến lược đối với thời điểm triển khai dàn khoan có lẽ đưa ra một sự thật rất đơn giản: động thái đó là hoạt động nằm trong kế hoạch khai thác tài nguyên của Trung Quốc ở Biển Đông. Kết luận rằng, động thái của Trung Quốc là rất "kém" về mặt thời điểm, bởi những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế ngày càng gia tăng nhằm vào Trung Quốc, những chỉ trích về chiến lược Biển Đông của Trung Quốc gây quan ngại đối với khu vực và thế giới.
Trái lại, có lẽ đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, cái giá phải trả cho những chỉ trích của cộng đồng quốc tế thấp hơn so với nhu cầu thúc đẩy và phát triển năng lực trên biển nhằm đảm bảo việc khai thác nguồn tài nguyên trong vùng biển Trung Quốc yêu sách phải có lợi cho Bắc Kinh và tuân theo những quy định của nước này.
Theo Nghiên cứu Biển đông
Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông như thế nào? Tờ Eur Asia Review ngày 28/6 đăng phân tích của tiến sĩ Subhash Kapila về động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài phân tích của tiến sĩ Subhash Kapila cho rằng, Biển Đông bùng nổ thành điểm nóng ở châu Á-Thái Bình Dương trong thế kỷ 21 đều bắt nguồn từ hành vi Trung Quốc xâm lược quần đảo Hoàng Sa...