Sư thầy Chùa Phúc Khánh: 150.000 đồng dâng sao giải hạn là rất ‘hạ’ rồi
Đại diện Chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng 150 nghìn đồng phí thu tiền làm lễ giải hạn là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho phật tử trong 12 tháng trong một năm.
Trước đó 1 ngày, khi bài viết “Bị từ chối giải hạn vì “thiếu lễ” 50 nghìn đồng” vẫn đang nóng trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, một người nhận là đại diện của chùa Phúc Khánh liên hệ đến Báo Lao Động bày tỏ nguyện vọng của nhà chùa mong muốn được “giãi bày, chia sẻ” để dư luận hiểu hơn về sự việc vừa qua.
“Sau một bài báo của Lao Động, chúng tôi không thể im lặng được nữa” – người này nói.
Chiều 18/2, trong một căn phòng trên gác 2 của chùa, cuộc phỏng vấn diễn ra, nhưng trước mặt chúng tôi không phải là thượng tọa Thích Thanh Quyết – trụ trì của chùa Phúc Khánh đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng Trị Sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
“Cụ (thầy Thích Thanh Quyết – PV) bận lắm, còn phụ trách chùa Yên Tử (Quảng Ninh), Non Nước (Hà Nội) và Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội nên một năm chỉ về chùa vài lần” – đại đức Thích Minh Đức, người phụ trách toàn bộ công việc tại chùa Phúc Khánh cho biết.
Khác với hình ảnh khi xuất hiện trước hàng ngàn phật tử, sư thầy Thích Minh Đức cho hay lần đầu trả lời báo chí về câu chuyện thu phí dâng sao giải hạn nên ông khá run và cần thời gian chuẩn bị trước khi trả lời mỗi câu hỏi. Nhiều thời điểm, cuộc phỏng vấn bị gián đoạn để sư thầy uống trà, suy nghĩ…
Đại đức Thích Minh Đức (Chùa Phúc Khánh) trao đổi với phóng viên.
- Cảm nhận sư thầy khi đọc bài báo về vụ bị từ chối giải hạn vì “thiếu lễ” 50 nghìn đồng diễn ra tại chùa Phúc Khánh mới đây?
Thầy Thích Minh Đức: Trước hết, nhà chùa rất cảm ơn những vấn đề mà báo Lao Động nêu trong những bài báo gần đây. Rất đáng tiếc khi sự việc trên đã xảy ra tại chùa.
Chùa Phúc Khánh không có quy định nào về việc thiếu tiền thì không được làm lễ giải hạn. Tuy nhiên phật tử thu tiền hộ nhà chùa đã áp dụng cứng nhắc quy định thu phí, trong khi đó nhà chùa thì bận rộn, không thể quán xuyến hết.
Tôi cũng xem đó như là một sự chia sẻ đối với tất cả các phật tử.
- Tức là nếu ai đó không có đủ 150 nghìn đồng để đóng thì nhà chùa vẫn sẽ làm lễ giải hạn giúp?
Đúng như vậy, nếu người dân không có tiền mà muốn dâng sao giải hạn, đến đăng ký tại chùa, nhà chùa vẫn sẽ làm lễ giúp.
- Thưa sư thầy, việc thu tiền làm lễ giải hạn tại chùa diễn ra từ khi nào? Cơ sở nào cho mức phí 150 nghìn đồng?
150 nghìn đồng là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho phật tử trong 12 tháng trong một năm. 150 nghìn chia cho 12 tháng, có năm có cả những tháng nhuận. Tính ra như vậy là cũng rất “hạ” rồi.
Đại đức Thích Minh Đức (Chùa Phúc Khánh)
Video đang HOT
Việc thu tiền lễ dâng sao giải hạn có từ hàng chục năm nay và tôi là người kế tục toàn bộ các công việc của các vị tiền tổ để lại.
150 nghìn đồng là tiền phục vụ, giấy sớ, dầu đèn cho phật tử trong 12 tháng trong một năm. 150 nghìn chia cho 12 tháng, có năm có cả những tháng nhuận. Tính ra như vậy là cũng rất “hạ” rồi.
- Số lượng người đăng ký giải hạn tại chùa trong một năm là bao nhiêu, thưa sư thầy?
Số lượng người đăng ký dâng sao giải hạn mỗi năm do bộ phận chấp tác của chùa thống kê, kiểm đếm. Bản thân tôi cũng không nắm rõ số lượng là bao nhiêu.
- Số tiền đó được kiểm đếm và quản lý như thế nào?
Nhà chùa sẽ nhờ các phật tử chấp pháp thu hộ, sau đó nội bộ nhà chùa sẽ tự kiểm đếm và quản lý.
Khu vực ngoài cổng hay tuyến đường xung quanh chùa Phúc Khánh thường xuyên rơi vào tình trạng tắc nghẽn cho dân ngồi dự lễ Cầu an.
- Đại diện Giáo hội Phật giáo và Ban Tôn giáo Chính phủ khẳng định việc thu tiền dâng sao giải hạn là đi ngược lại với giáo lý đạo Phật và chủ trương của Giáo hội, quan điểm của chùa Phúc Khánh như thế nào?
Cầu an dâng sao là tín ngưỡng dân gian từ hàng ngàn năm nay. Nếu nhà chùa để cho người dân tự nguyện đóng góp thì sẽ rất lộn xộn, không công bằng cho các phật tử.
- Năm tới, nhà chùa vẫn sẽ tiếp tục thu phí 150 nghìn đồng/lượt giải hạn?
Nhiệm vụ chính của nhà chùa là làm tốt các công việc phật sự. Bên cạnh đó, người dân có niềm tin vào tín ngưỡng dân gian thì chúng tôi đáp ứng nguyện vọng của phật tử để người dân được thể hiện quyền tự do tín ngưỡng của mình theo pháp luật quy định.
Cảm ơn sư thầy về cuộc trò chuyện.
Nguồn: laodong.vn
Bị từ chối giải hạn vì "thiếu lễ" 50 nghìn đồng
Số tiền giải hạn cho 3 người trong gia đình là 450 nghìn đồng nhưng móc hết ví chỉ còn 400 nghìn đồng, người đàn ông bị từ chối làm lễ vì mức phí đã được quy định - "không thể bớt".
Thu tiền dâng sao giải hạn ở chùa Phúc Khánh.
Bị từ chối dâng sao giải hạn vì thiếu lễ 50 nghìn đồng.
Như mọi năm
Tối 12.2, hàng ngàn người đổ về chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) đăng ký lễ dâng sao giải hạn. Số lượng người quá đông nên diện tích bên trong chùa chẳng thể đủ, hàng trăm người phải đứng chen lấn nhau phía khu vực chân cầu vượt ngã tư sở để tiếp tục hành trình "cầu an".
"Từ nay đến rằm tháng giêng còn đông gấp mấy lần. Năm nào cũng thế thôi", một cảnh sát tham gia đảm trật tự tại khu vực nói.
Người làm lễ cầu an ở chùa Phúc Khánh đứng tràn ra đường Tây Sơn.
Một số phương tiện giao thông di chuyển từ đường Tây Sơn về đường Nguyễn Trãi buộc phải chọn hướng đi khác bởi đoạn giao nhau giữa 2 tuyến đường này đã bị bít nghẹt.
Trong dòng người đó, chị Nguyễn Thị Thu (39 tuổi, Hà Nội) cùng chồng cho hay không thể chen nổi vào trong. "Muốn giải hạn thì ngày mai lại phải quay lại đăng ký thôi", chị nói.
Sáng 13.2, vẫn có hàng ngàn lượt khách thập phương đổ về chùa Phúc Khánh để đăng ký dâng sao giải hạn. Cũng giống như chị Thu, nhiều người cho biết, tối hôm trước chưa kịp đăng ký nên hôm nay trong giờ làm việc cũng phải "trốn cơ quan" để quay lại chùa.
Bên trong chùa, bảng tra năm sinh, sao chiếu mệnh được dán ở khắp mọi nơi để phục vụ khách thập phương tra cứu...
Phía ngoài, trong khoảng sân chỉ vài chục mét vuông, 7 hòm công đức được đặt san sát, các bàn ghi danh nườm nườm khách thập phương đến cung tiến.
Không thể bớt
Đông đúc và bận rộn nhất vẫn là khu vực đóng tiền để "giải hạn". Số tiền để giải hạn một "sao xấu" là 150 nghìn đồng/ lượt người.
Do lượng người đăng ký quá đông nên nhà chùa phải bố trí 2 nhân sự để thu tiền phí giải hạn. Đôi lúc, không kịp đếm tiền, họ còn phải nhờ người đăng ký đứng kế bên đếm hộ.
Một người đàn ông khoảng 30 tuổi đăng ký giải hạn cho 3 thành viên trong gia đình. "3 người 3 sao là 450 nghìn của em", người phụ nữ thu tiền nói.
Người đàn ông vét hết ví đưa ra số tiền 400 nghìn và nói không biết mức phí giải hạn thế nào nên không cầm đủ. Anh mong nhà chùa "châm trước", bớt cho "5 chục".
Người đàn ông bị từ chối giải hạn vì thiếu "5 chục".
Đáp lại, người phụ nữ cho biết số tiền dâng sao giải hạn đã được nhà chùa quy định rõ từ nhiều năm nay, không thể bớt, "cháu có thể mượn tạm ai đó ở đây, hoặc về nhà lấy tiền", người phụ nữ gợi ý.
Nam thanh niên sau đó ra một cây ATM gần chùa để rút tiền về "đóng lễ". "Năm nay sao Thái Bạch chiếu, không thể chủ quan được", anh này lẩm bẩm.
Được biết, ngày 14 tháng giêng (Âm lịch) tới đây, chùa Phúc Khánh sẽ tổ chức đại lễ cầu an và dâng sao giải hạn. Dự kiến lượng du khách đổ về chùa sẽ đông gấp nhiều lần.
Nhóm PV Lao Động đã tìm gặp đại diện chùa Phúc Khánh để tìm hiểu công tác tổ chức đại lễ sắp tới nhưng các sư thầy đều đi vắng, không có ở chùa.
"Nhà chùa sẽ không trao đổi bất kỳ thông tin gì với báo chí đâu", một vị sư cô - nhận là phát ngôn của chùa nói.
Soi sao chiếu mệnh tại chùa Phúc Khánh.
Liên quan đến vấn đề này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, khẳng định trong giáo lý nhà Phật không có sao xấu, sao tốt cũng như ngày tháng đẹp, xấu trong năm. Phật giáo luôn lên án các hành vi mê tín dị đoan trong đó có cúng sao giải hạn, xem bói, xem ngày tốt xấu...
"Nếu các chùa vừa tụng kinh, vừa cúng sao thì đó là mê tín, thậm chí có tính chất để kiếm tiền", Thượng tọa Thích Nhất Từ nói.
Đồng quan điểm, PGS. TS.Trần Lâm Biền - chuyên gia về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam thì cho rằng không có lễ dâng sao giải hạn, cũng như tử vi nào thay thế được số mệnh.
"Khi vấn đề ảnh hưởng đến tư tưởng, nhận thức thì các cơ quan chức năng phải can thiệp bằng việc có bộ phận tôn giáo, tín ngưỡng mang tính chất chính quyền, giải quyết. Ngành văn hóa, đặc biệt là truyền thông, phải tìm hiểu bản chất của vấn đề và nêu thực chất của vấn đề để nâng cao dân trí", PGS.TS Trần Lâm Biền khẳng định.
Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch nói gì?
Liên quan đến hiện tượng các chùa ồ ạt tổ chức thu phí dâng sao giải hạn dịp đầu năm, trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch cho biết: Đây là vấn đề cần phải tìm hiểu kỹ. Chúng tôi sẽ có phản hồi cụ thể đến Báo Lao Động trong thời gian sớm nhất.
TRẦN TUẤN - ĐÌNH TRƯỜNG
Theo Laodong
Dịch vụ trông giữ xe "chặt chém" trước cổng chùa Điểm đáng lo là những chiếc xe gửi tại các bãi tự phát còn đối diện với nguy cơ có thể bị mất, hư hỏng xe mà không biết ai để quy trách nhiệm. Các bãi gửi xe cả miễn phí lẫn tự phát đều chật kín Dịp lễ hội đầu năm, xung quanh các điểm lễ hội, đền chùa mọc lên các...