Sự thật vụ nghi “gạo giả” hỗ trợ dân ở Quảng Ngãi
Chiều 27.11, ông Lê Văn Sáu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết, đã có kết quả thử nghiệm mẫu gạo bị nghi là gạo giả khi cấp cho người dân vùng lũ xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi.
Theo kết quả thử nghiệm, lấy 1 mẫu gạo cấp cứu trợ ở xã Tịnh Hà, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra và có kết quả thử nghiệm.
Sự thật thông tin nghi “gạo giả” ở Quảng Ngãi. Trước đó, một người dân đem rang gạo thì thấy vón cục. Ảnh: Dân Việt
Kết quả thử nghiệm mẫu gạo cấp cứu trợ vùng lũ ở Tịnh Hà. Ảnh: NGUYỄN TRANG
Kết quả cho thấy, gạo chứa hàm lượng tinh bột 79,91% khối lượng, hàm lượng Protein là 6,94% khối lượng, theo phương pháp thử TCVN 5285:1900 và TCVN 8125:2009.
Như vậy, trong các thành phần gạo thử nghiệm không chứa thành phần nào cho thấy gạo cứu trợ được phân bổ về xã Tịnh Hà là gạo giả.
Trước đó, tại xã Tịnh Hà xuất hiện nghi vấn cho rằng gạo cấp cứu trợ là “gạo giả”, chính quyền xã đã thu giữ toàn bộ số gạo được cấp từ dân và thu giữ một vài mẫu được cho là mẫu gạo được thử nghiệm bằng cách rang, đốt, gạo mẫu này bị vón cục, cầm lên có dấu hiệu vỡ vụn. Đến ngày 27.11, các cơ quan chức năng đã kiểm định và có kết quả chính thức.
Video đang HOT
Theo Nguyễn Trang (Sài Gòn Giải Phóng)
Đất được miễn thuế, xã vẫn thu theo kiểu "thích nộp thì nộp"
Dù canh tác trên diện tích đất nông nghiệp thuộc diện được miễn thuế, nhưng nhiều năm qua, người dân xã Tịnh Hiệp (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) vẫn phải đóng thuế đầy đủ cho chính quyền địa phương.
Vì không biết thông tin đất được miễn thuế nên nhiều năm qua người dân huyện Sơn Tịnh vẫn phải đóng thuế cho chính quyền.
Thích thì nộp, không thích thì... thôi!
Theo Thông tư 112 của Bộ Tài chính ban hành năm 2003 thực hiện cho giai đoạn 2003- 2010 và mới đây nhất là Thông tư 120 ban hành năm 2011, thực hiện chuyển tiếp từ giai đoạn 2003- 2010 sang giai đoạn 2011- 2020, đối tượng có đất trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần sẽ được miễn, giảm thuế.
Quy định là thế nhưng nhiều năm qua người dân xã Tịnh Hiệp vẫn phải đóng thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần.
Nguyên nhân là do người dân không hề hay biết việc phải kê khai diện tích đất đang canh tác để được miễn thuế.
Phản ánh với PV Dân trí, ông Trương Thuận Lực (thôn Phú Sơn, xã Tịnh Hiệp) cho biết, gia đình ông khai hoang được 4 ha đất trồng keo. Gần 7 năm qua, gia đình ông đã khai thác gỗ keo 3 lần. Cả 3 lần này UBND xã Tịnh Hiệp đều gửi thông báo yêu cầu gia đình ông nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần. Lần gần nhất là vào tháng 5/2017, gia đình ông nộp khoản thuế này gần 1 triệu đồng.
"Tôi là người chấp hành pháp luật nên xã có yêu cầu nộp thuế là tôi nộp đúng quy định. Bản thân tôi không hề hay biết đất mình canh tác thuộc diện miễn thuế nên không đi kê khai", ông Thuận cho biết.
Điều đáng nói hơn là việc nộp thuế của ông Thuận và nhiều người dân ở xã Tịnh Hiệp được thực theo kiểu tự kê khai và không nộp cũng không sao. Vì kiểu quản lý lỏng lẻo đó của chính quyền địa phương nên bản thân ông Thuận và nhiều người đã "lách luật".
Ông Thuận lấy ví dụ, dù diện tích cây khai thác của ông lên đến 3 ha, thế nhưng khi đến xã nộp thuế ông chỉ khai 1 ha để đóng thuế vẫn được xã chấp nhận mà không hề bị kiểm tra.
"Do xã quản lý không chặt nên có nhiều người không nộp dẫn đến không công bằng. Bản thân tôi là người chấp hành nộp thuế nhưng do xã quản lý như thế nên chính tôi cũng nộp không đủ theo diện tích cây khai thác", ông Thuận lý giải.
Trú cùng thôn với ông Thuận, ông Ao Công Thanh cũng có gần 1 ha đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần thuộc diện miễn thuế. Thế nhưng ông Thanh cũng đã đóng thuế 2 lần. Riêng vào tháng 5/2017, dù nhận được thông báo nộp thuế của xã khi thu hoạch cây nhưng ông Thanh không thực hiện.
"2 lần trước tôi không biết đất mình được miễn thuế nên nộp đầy đủ. Lần khai thác gỗ vào tháng 5 vừa rồi tôi không nộp vì nghe thông tin đất của mình được miễn thuế. Tôi không nộp thuế nhưng xã cũng không nói gì", ông Thanh giãi bày.
Thu cho đủ dự toán
Liên quan đến việc thu thuế trên diện tích đất nông nghiệp được miễn thuế, ông Phạm Tấn Tài - Chủ tịch UBND xã Tịnh Hiệp cho rằng do người dân không kê khai đúng quy định.
Theo ông Tài, muốn được miễn thuế người dân phải thực hiện kê khai số diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm thu hoạch 1 lần vào sổ bộ thuế gốc.
"Do người dân không kê khai nên xã phải thu. Dù biết thu như thế cũng chưa đúng nhưng phải thu cho đủ dự toán được giao. Riêng trong năm 2016 khoản thu này chỉ được gần 12 triệu", ông Tài giải thích.
Trái ngược với ý kiến của người dân cho rằng không biết quy định giảm thuế, ông Tài lại khẳng định xã đã triển khai văn bản hướng dẫn kê khai nhưng người dân không thực hiện.
"Xã đã thông báo nhưng người dân không thực hiện. Còn việc vì sao người dân không kê khai hay có vướng mắc gì thì tôi không rõ vì tôi mới làm chủ tịch xã từ năm 2016", ông Tài cho biết thêm.
Dù cho rằng phải thu cho đủ dự toán, thế nhưng ông Phạm Tấn Tài không hề nắm được số hộ cũng như diện tích đất nông nghiệp trồng cây lâu năm của người dân trên địa bàn xã. Đây chính là lý do người dân muốn nộp thuế bao nhiêu... tùy thích.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Chương - Phó Chi cục trưởng Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh, cho biết, việc thu thuế tại xã Tịnh Hiệp thực ra là đúng vì người dân chưa kê khai theo quy định. Tuy nhiên, để vụ việc kéo dài suốt nhiều năm mà không hướng dẫn, đôn đốc người dân kê khai có một phần trách nhiệm của UBND xã Tịnh Hiệp.
"Chi cục Thuế huyện Sơn Tịnh đã có hướng dẫn các xã thực hiện việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cho người dân từ năm 2011. Vì vậy, việc cho rằng do người dân không kê khai đất nên phải thu thuế cho thấy xã thiếu sâu sát, chưa làm hết trách nhiệm hướng dẫn nhân dân", ông Chương nhấn mạnh.
Theo ông Chương, tình trạng thu thuế đất nông nghiệp còn diễn ra ở một số xã khác của huyện Sơn Tịnh, như: Tịnh Đông, Tịnh Minh, Tịnh Giang, Tịnh Bình. Vì vậy, Chi cục thuế huyện Sơn Tịnh đề nghị UBND các xã kiểm tra, tạm dừng việc thu thuế và thực hiện hướng dẫn người dân kê khai diện tích đất nông nghiệp đang canh tác để được miễn thuế.
"Huyện Sơn Tịnh là địa phương có tình hình kinh tế đặc biệt khó khăn. Vì vậy, chính quyền các địa phương phải làm lợi cho người dân, không thể để người dân phải nộp thuế trên diện tích được miễn thuế", ông Chương nêu quan điểm.
Hà Xuyên
Theo Dantri
Sạt lở mố cầu Kỳ Lam, hàng chục hộ dân lo sợ 35 hộ dân thôn Kỳ Lam ăn ngủ không yên vì mố cầu cao tốc Kỳ Lam sạt lở nặng do lũ lụt. Người dân yêu cầu di dời hay xây kè để bảo vệ dân, còn chủ đầu tư dự án cao tốc thì cho hay đã nhiều lần làm việc với người dân và các cấp chính quyền nhưng không có...