Sự thật về ‘thánh cô’ giáng trần chữa bệnh câm điếc cho dân
Hơn một tháng qua, người dân khắp nơi đổ xô tìm đến nhà “thánh cô” Bùi Thị Hằng ở thôn Đầm ( xã Thành Minh, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) để xin ban thuốc. Theo lời người dân, “thánh cô” mới 29 tuổi, có nhan sắc nên được “ quan thế âm bồ tát nhập xác” chữa bệnh cứu nhân độ thế.
Những người tìm đến đây đều mắc những căn bệnh ung thư, bệnh nan y, thậm chí là mù lòa, câm điếc, trong đó nhiều người được “thánh cô” chữa khỏi bệnh chỉ với nắm lá thuốc đầy bí ẩn?!
Người câm gặp “thánh cô” bỗng nói vanh vách.
Men theo con đường uốn lượn quanh bờ suối chúng tôi tìm đến nhà người đàn bà được người dân phong là “thánh cô”. Đó là một ngôi nhà chòi xây hai gác được lợp bằng mái tôn nằm sâu trong một ngõ hẹp. Theo quan sát của PV, ngay từ phía bên ngoài cổng dẫn vào luôn đông nghịt người ra vào với hàng chục chiếc xe máy. Bên trong là những người bệnh nhốn nháo. Tiếng kêu khóc, tiếng người xì xào bàn tán khiến không khí đầy căng thẳng và lo âu, nhất là đối với người lần đầu đặt chân đến.
Ngôi nhà mà “thánh cô” hành nghề chữa bệnh gần được một tháng nay.
Trong lúc ngồi chờ đợi, qua câu chuyện của người dân địa phương, được biết “thánh cô” là con gái út thứ 12 của ông Bùi Văn Tẻo chuyên làm nghề thầy mo, thầy cúng. Bà Quách Thị Ngân, người gần nhà “thánh cô” cho hay: “Trước khi hành nghề, chị Hằng đi làm thuê ở Hà Nội để nuôi một người chồng cùng hai đứa con nhỏ ăn học. Sau ngày Quốc khánh mùng 2/9 năm ngoái, Hằng về thăm nhà. Đến sáng hôm sau, Hằng kể với mọi người đêm qua mơ thấy “quan thế âm bồ tát giáng trần” bảo phải thay ngài chữa bách bệnh “cứu dân độ thế”. Ngay ngày hôm sau Hằng bốc thuốc cho cô Trương Thị Tình bị câm lâu nay ở trong làng, chẳng hiểu sao tự dung cô này lại nói bập bẹ được”. Tiếng đồn nhanh chóng lan xa, từ làng trên xóm dưới rồi các xã, các huyện lân cận họ xì xào bàn tán rồi truyền thông tin cho nhau tìm đến “thánh cô”.
Một đồn mười, người dân thập phương nghe tin kéo đến nhà Hằng đông nghịt. Chính vì vậy, Hằng còn thuê năm đến sáu người hầu để trực tiếp nói chuyện tiếp khách trước khi được gặp “thánh cô” chữa bệnh. Thấy tôi liên tục hỏi chuyện, bà Phạm Kỳ Duyên ở thôn Bái Đang, xã Thành Tâm nói ngay: “Chẳng cần phải mua thuốc tây làm gì chú à, cô Hằng chỉ dùng có 5 lá trầu để bắt mạch rồi chẩn đoán bệnh tật. Sau khi phán xong, cô ngâm những lá trầu đó vào nước đun sôi, một lúc sau lấy ra đau chỗ nào bóp là khỏi. Người bình thường bóp rất đau nhưng với cô bóp không đau tý nào. Tôi bị viêm đa khớp, trước kia chân tay cứng đờ, sau khi dùng thuốc của “thánh Hằng” giờ lại cử động bình thường”. Bà Duyên vừa nói vừa giơ hai tay kết hợp cùng hai chân uốn éo cho chúng tôi xem.
Bà Phạm Kỳ Duyên ở xã Thành Tân kể về cách chữa bệnh của “thánh cô”.
Bên trong nhà “thánh cô” la liệt những bệnh nhân ở xa hoặc người bị bệnh quá nặng phải nằm lại điều trị. Ông Bùi Văn Dương ở xóm kế bên phải nằm lại để điều trị bệnh đau dạ dày cho hay: “Mấy ngày trước trên giường này chật kín chú à, may là hôm nay trời mưa nên không đông khách lắm, có người họ đến đây từ sáng sớm nằm chờ đợi. Chẳng biết có khỏi hay không mà người dân họ đến kín mít không có chỗ chen vào nhà, tôi nghe nói nên cũng đến nằm lại xem thế nào”.
Video đang HOT
Lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi
Trao đổi với PV , ông Bùi Văn Long, trưởng thôn Đầm cho biết: Đại diện thôn đã kết hợp với công an xã nhiều lần tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính Bùi Thị Hằng về hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, chữa bệnh không phép. Tuy nhiên những lời đồn thổi về tài năng của chị Hằng quá nhiều khiến người dân khắp nơi vẫn nườm nượp kéo về khiến cho chúng tôi chưa xử lý triệt để được. “Việc chị Hằng tự xưng là “quan thế âm bồ tát” là nhảm nhí, không có cơ sở. Đây là cách lợi dụng lòng tin của người dân để trục lợi. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng cần vào cuộc tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các đối tượng để người dân hiểu đúng sự việc và nên đi bệnh viện khám chữa bệnh chứ đừng tin vào mê tín dị đoan để tiền mất tật mang”, ông Long bức xúc nói.
Tại nhà “thánh cô”, chúng tôi gặp hai chị em bị câm bẩm sinh đang chờ đến lượt gọi. Khi được hỏi chuyện cô Hương, mẹ hai cháu hứng khởi nói: “Em nó lấy thuốc uống được mấy hôm nay rồi, chẳng hiểu sao nó đọc được số chú à”. Bà quay ngoắt ngược lại bảo hai đứa con đứng dậy đếm số từ 1 đến 10. Hai cô gái nhìn nhau rồi cố gắng phát ra những âm thanh be be không rõ tiếng.
Chẳng biết có biệt tài chữa bệnh đến đâu nhưng bất kể trường hợp nặng hay nhẹ, người già hay người trẻ, chị Hằng đều nhận và hứa sẽ chữa khỏi. Dân trong làng ngỡ ngàng khi chứng kiến “thánh cô” nhận chữa cho cả những người đau bụng nặng, chẳng biết bị bệnh ruột thừa hay là bệnh gì, có người còn bị ung thư giai đoạn cuối cũng đến nằm xin được chữa. Mỗi người một chứng bệnh, người thì đau lưng, người thì bệnh xơ gan cổ trướng, người thì câm điếc… họ chờ đợi đến lượt mình mà chẳng biết thứ thuốc đó có chữa được khỏi bệnh thật hay không?.
Lá cây cứt lợn, râu ngô hóa “thuốc thánh”
Sau nửa ngày xếp hàng, chúng tôi được diện kiến người đàn bà xưng là “thánh cô” có khả năng chữa bách bệnh. Cũng như những người bệnh khác chúng tôi phải tự hái 5 lá trầu, mua 1 bó nhang cùng với bánh kẹo và kèm theo 20.000 đồng làm lễ đặt đĩa. Khi đọc đến tên, tôi được một người đàn bà trung tuổi kéo tay lên trên nhà. Trên gác là một không gian nhỏ hẹp, bao trùm một mùi khói nhang. Phía bên trái là một chiếc giường, đối diện là bát hương nghi ngút khói, phía bên trên bát hương căng một tấm bạt có in dòng chữ “quan thế âm bồ tát”. Một người đàn bà có vóc dáng gầy guộc mảnh khảnh, tựa lưng ngồi quay mặt hướng ra bên ngoài. Tôi tiến lại gần đặt lá trầu lên đĩa rồi đốt 3 nén nhang vái lạy cầu nguyện theo yêu cầu của “thánh cô”.
Thánh cô nhìn tôi từ đầu đến chân rồi cất giọng thanh thanh nhỏ nhẹ: “Em chữa bệnh gì?”. Tôi trả lời ngay là bị bệnh phong thấp lâu năm, uống thuốc đông y tây y nhưng đều không khỏi. Người đàn bà cười rồi bảo tôi nằm lên giường để bắt mạch đoán bệnh.
Thuốc chỉ đơn giản là những hạt gấc, râu ngô, lá cây cứt lợn…
Cách bắt mạch của người đàn bà này không giống như những vị lang y mà tôi từng gặp. Bà Hằng bắt tôi cởi mấy cúc áo ra rồi lấy 5 lá trầu mà tôi đã mang vào cúng lễ đặt lên bụng. Sau một lúc, lá trầu ở giữa được bà Hằng lấy bỏ vào cốc nước thủy tinh rồi phán bệnh theo cách tâm linh khiến tôi lạnh tóc gáy.
Sau những lời dặn dò, tôi ra ngoài gặp bà Bùi Thị Xuân, một người trước đó đã được “thánh cô” chữa bệnh. Bà Xuân kể: “Chỉ với 5 lá trầu, nhúng vào nước rồi bóp vào chỗ đau, đến khi lá trầu chuyển sang màu xanh, người bệnh sẽ khỏi. Còn nếu lá trầu không xanh mà trên đó có một vài nốt đen lấm tấm thì bệnh đó không bao giờ chữa khỏi được”.
Ngoài cách chữa bệnh bằng phương pháp bóp lá trầu, “thánh cô” còn lấy một vài loại lá cây mà cô gọi đó là thuốc thánh. Khi hỏi những lá thuốc này lấy ở đâu, “thánh cô” bảo: “Không cần phải lấy ở đâu xa mà lấy ngay trong vườn nhà như: Cây cứt lợn, cây chó đẻ, lá gừng, củ gừng, vỏ bưởi, hạt bưởi, hoa đu đủ, hạt gấc, râu ngô thôi, cũng nhiều lá linh tinh lắm. Với người thường như em đắp sẽ không khỏi đâu, nhưng với tay chị là khỏi ngay. Như hai chị em gái bị câm bẩm sinh chị cũng chữa khỏi rồi đấy”. Khi tôi thắc mắc vỏ bưởi, hạt bưởi chữa bệnh gì? Bà Hằng bảo thuốc này về giã ra rồi đắp lên bướu cổ là tự khỏi.
Qua tìm hiểu được biết, sau khi được “thánh cô” bắt mạch xem bệnh, người bệnh sẽ lấy những lá thuốc đó cho vào túi ni lon buộc lại đem về giã ra đắp lên hoặc bỏ nước vào đun lên uống. Được biết “thánh cô” đã hành nghề chữa bệnh không phép rầm rộ gần một tháng nay mà cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm. Những bài thuốc mà Hằng chữa chủ yếu nhằm lợi dụng lòng tin và sự mê tín của những người dân. Tất cả đều không có căn cứ khoa học.
Theo Người Đưa Tin
Thương lắm miền Trung
Người Việt Nam hễ bật môi là gọi miền Trung bằng cụm từ thân thương "khúc ruột miền Trung", bởi miền Trung nhỏ bé, nằm giữa gánh hai đầu đất nước.
Khắp dải miền Trung này, mùa hè khô nóng hanh hao, mấy chú rắn mối da bóng loáng thi nhau trườn trên bãi cát. Mùa đông mưa dầm dề, đã vậy cứ hết bão này lại đến lũ kia.
Thiên tai dồn dập đổ xuống miền Trung, khiến người quê chưa dọn xong cái mái tôn rách nát của cơn bão trước đã phải run lẩy bẩy trước gió của cơn bão này.
Tháng mười vừa về mà bão lũ đã kịp lướt qua tất thảy mọi nơi của khúc ruột miền Trung. Cả miền Trung lay lắt, tan hoang trước cơn nổi giận của thiên nhiên.
Đi ngang qua cánh đồng ngập nước, nghe đâu đó tiếng khóc than của những bông lúa chưa kịp trổ đòng. Cũng lúc nào đó, tôi đã nghe nhiều tiếng khóc ở nơi đây.
Có tiếng khóc nghẹn ngào đau đáu nhớ thương của một người mẹ có con là liệt sĩ. Có tiếng khóc của người con gái khi úp mặt vào nấm mồ của người cha đã hy sinh khi hai cha con chưa từng gặp mặt. Có tiếng khóc nghẹn ngào của một người lính nhớ về đồng đội khi về thăm lại Thành Cổ...
Và giờ là tiếng khóc hờn tủi của bao người quê trong mùa bão lũ. Khi ngôi nhà bị bay hết mái, những bức vách lỗ chỗ nằm chơ hơ giữa đất trời. Tiếng gió rít lên từng hồi bóc tách và cuốn đi mọi thứ, từ cái bảng hiệu của chị thợ may trong xóm, từ chiếc xe đạp em dựng vội ở góc nhà đến những đôi dép ngoài cửa và cái chậu rửa rau. Cây cối bật gốc, chiếc rễ cắm sâu trong đất qua bao năm tháng nay cứ từ từ rẽ đất rồi kiệt sức nên đứt hẳn, chẳng thể bấu víu vào lòng đất mẹ. Những rừng cao su được chăm bón bằng mồ hôi và nước mắt nay thi nhau ngã rạp, niềm hy vọng đổi đời cũng vụt tắt đi từ giây phút ấy.
Thóc gạo mọc mầm trong lũ, gà vịt trôi dập dềnh theo đám lục bình ngoài kia. Những ngôi nhà chỉ còn là một dấu chấm nhỏ xíu giữa biển nước mênh mông. Con đường quốc lộ ngoảnh trước ngó sau chẳng nhìn ra thân mình. Làng mạc, giếng nước, cổng làng, đình miếu nơi thờ tự, nơi của người đã khuất cũng chìm trong dòng nước lũ chảy xiết.
Ngồi nhìn lũ mà nghe ngoại rùng mình kể chuyện lũ lớn năm tám ba, hồi ấy mợ mới sinh anh được hai ngày, nước vào ngập cả giường, kê bàn kê tủ chừng nào nước lên chừng ấy. Sau cùng, thắp hương vái tổ tiên, đưa bộ lư đồng xuống để mợ bồng anh lên bàn thờ ngồi vì nơi ấy là cao nhất. May thay, ngang chừng ấy thì nước ra.
Hôm rồi, trò chuyện với chú, chú chuyển nhà lên phố đã lâu mà cứ nhớ quay quắt cái nhà cũ ven sông Thạch Hãn. Nhớ gì không nhớ, cứ nhớ lũ về cả làng chìm trong nước. Lũ qua, trên tường in hằn mãi vệt nước lũ ngâm bấy nhiêu ngày, nhà nào sơn tường lại thì vết ấy mới mất đi, còn không, nó còn mãi như một chứng tích qua từng ấy mùa bão lũ, cứ như cái vạch mà người ta hay đo chiều cao của con cái khi lớn. Bây giờ, nhà ở phố bê tông chắc chắn, vậy mà mỗi khi mưa gió, cứ thất thần nhớ tiếng rít từng hồi của mái tôn năm nào.
Lũ qua, mấy o, mấy mệ vơ vội chiếc nón cời tơi tả để che mưa, còng lưng nhặt những hạt thóc còn sót lại. Người không ăn được nữa thì gà vịt ăn, nghĩ rồi quệt nước mắt, cái chuồng gà bây giờ còn con nào nữa đâu.
Đàn ông trèo lên mái nhà mướt mồ hôi lợp lại cái tấm tôn vừa bị bay mất. Có đôi vợ chồng đưa tay lần từng vết gãy của thân cao su mà úp mặt vào đó. Đám trẻ nít ngồi hong sách vở và nghĩ tới ngôi trường bây giờ, hẳn bàn ghế bảng đen cũng đậm mùi bùn đất.
Những người ở xa, nghe tin quê mùa bão lũ lại gọi điện ra thăm hỏi. Ba mẹ lúc nào cũng thở dài rồi mạnh miệng trả lời "cũng không răng hết mô, con cứ lo học hành..."
Năm nào cũng thế, những mùa bão lũ này qua thì mùa sau lại đến. Song, chẳng ai nỡ bỏ đất này mà đi. Có chăng, những người trẻ, từng ôm đống sách vở đọng mùi bùn để đến trường đã quá hãi hùng lũ quê hương nên đi xa lập nghiệp cũng là tránh những mùa bão lũ.
Thương miền Trung, người Nam người Bắc chung tay góp sức, vực miền quê này dậy. Miền Trung lại kiên cường, còng lưng tần tảo lao động. Để cánh đồng ngập nước ấy rồi sẽ xanh rờn màu lúa non, cái ao cá lại đầy, gà vịt thong thả nhặt thức ăn trong vườn. Con đường quê lại ngút ngàn những dải hoa xuyến chi dài bất tận.
Diệu Ái
Theo Dantri
Người đàn bà "mặt quỷ" ở xứ Thanh Người đàn bà có khuôn mặt "quái dị" vì u bã đậu với một tuổi thơ bất hạnh, cuộc sống chật vật vẫn đang từng ngày vượt lên số phận và không ngừng chăm chút cho đứa con của mình. Người đàn bà mang khuôn mặt của "quỷ" nhưng giàu nghị lực và có tâm hồn thánh thiện. Dù trải qua nhiều bất...