Sự thật về sức khỏe nền kinh tế Trung Quốc
Giới chuyên gia nghi ngờ Trung Quốc đang tô vẽ số liệu kinh tế nước này, trong khi chính quyền Bắc Kinh nói những lo ngại đã bị thổi phồng.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới đang cố gắng hết sức để đánh giá mức độ nghiêm trọng của suy thoái kinh tế Trung Quốc, nhưng để có được một hình ảnh rõ ràng là rất khó khăn.
Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm 2018 đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ qua, theo công bố của chính phủ Trung Quốc. Các thương hiệu hàng đầu thế giới, trong đó có Apple, Caterpillar đổ lỗi sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến doanh thu của họ gây thất vọng.
Theo các nhà phân tích, tình hình có thể còn tồi tệ hơn so với số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc.
CNN dẫn lời ông Leland Miller, CEO của công ty tư vấn China Beige Book thẳng thừng nhận xét: “Các chỉ số GDP Trung Quốc công bố đều không đáng tin cậy”.
Công ty của Miller thu thập dữ liệu từ hàng ngàn công ty thuộc các ngành công nghiệp khác nhau ở Trung Quốc để đưa ra bức tranh riêng về những gì đang xảy ra. Miller cho biết, nền kinh tế Trung Quốc hiện tại “yếu hơn rất nhiều” so với số liệu mà chính phủ Trung Quốc công bố và tình hình không có khả năng sớm thay đổi.
Trung Quốc đang vật lộn giải quyết hậu quả của chiến dịch dọn dẹp nợ xấu và cuộc thương chiến với Mỹ.
Video đang HOT
Các chuyên gia nghi ngờ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm công bố nhiều dữ liệu quan trọng, chỉ lo tập trung “tô vẽ” để làm đẹp lòng chính phủ thay vì đánh giá chính xác sức khỏe nền kinh tế.
Một số doanh nghiệp Trung Quốc đang đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại với Mỹ vì điều kiện tồi tệ hơn. Ảnh: CNN
Học giả Derek Scissors, Viện Doanh nghiệp Mỹ ở Washington, nhận xét khó để xác định tỷ lệ tăng trưởng thực sự của Trung Quốc vì nhiều dữ liệu “không có ý nghĩa”. Ví dụ, số liệu về quy mô nền kinh tế so với thu nhập trung bình của người dân không phù hợp.
Vì lý do đó, rất nhiều nhà phân tích đã phải sử dụng số liệu của riêng họ để hiểu được nền kinh tế Trung Quốc đang hoạt động như thế nào.
Hãng nghiên cứu thị trường Capital Economics thẩm định một loạt dữ liệu về Trung Quốc bao gồm vận tải đường biển, sản xuất điện và cho vay tài chính để làm chỉ dấu thay thế.
Dựa trên đó, họ kết luận rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng khoảng 5% trong năm ngoái thay vì con số chính thức 6,6%.
Các nhà đầu tư đang theo dõi kỹ lưỡng kinh tế Trung Quốc vì những dấu hiệu yếu kém, bao gồm lợi nhuận công nghiệp giảm và xuất khẩu giảm.
Hành vi của người tiêu dùng Trung Quốc cũng là một chìa khóa. Chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đã tăng gần 10% trong năm ngoái, theo dữ liệu chính thức, nhưng thị trường xe hơi khổng lồ của đất nước này đã giảm lần đầu tiên vào năm 2018 sau khoảng 20 năm và doanh số bán lẻ trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tháng này tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong hơn một thập kỷ.
“Số liệu chính thức của Trung Quốc có lẽ đã thổi phồng tăng trưởng tiêu dùng”, nhà kinh tế Julian Evans-Pritchard thuộc Capital Economics nhận định.
Ông ước tính chi tiêu ở các đô thị lớn của Trung Quốc đã giảm khoảng 3% năm ngoái, cho thấy tầng lớp trung lưu đang thắt lưng buộc bụng.
Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc nói rằng những lo ngại về suy thoái kinh tế ở nước này đang bị thổi phồng.
Trong một bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos hồi tháng trước, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn kêu gọi các nhà đầu tư ngừng lo lắng về nền kinh tế, rằng “sẽ có rất nhiều điều không chắc chắn trong năm 2019, nhưng một điều chắc chắn là sự tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục và bền vững”.
Tuy nhiên các quan chức Trung Quốc lại cho thấy dấu hiệu quan tâm hơn. Theo CNN, họ cố gắng thúc đẩy tăng trưởng thông qua các biện pháp như cắt giảm thuế, chi tiêu cơ sở hạ tầng nhiều hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Các nhà phân tích cho biết vẫn chưa rõ các động thái này sẽ ngăn chặn được bao nhiêu đối với đà sụt giảm hiện tại bởi vì rất nhiều tiền đã được dành cho các doanh nghiệp quốc doanh vốn không mang lại hiệu quả thay vì khối tư nhân.
Nhiều công ty tư nhân ở Trung Quốc thường dựa vào nguồn “ tài chính đen”, các hình thức cho vay mờ ám được giữ ngoài bảng cân đối chính thức của các ngân hàng, vốn bị các cơ quan quản lý siết chặt trong những năm gần đây.
Nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro “ hạ cánh cứng” gần hơn bao giờ hết. Vừa qua, Ngân hàng JPMorgan phải hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 từ 6,2% xuống 6,1%, trong khi báo cáo đánh giá triển vọng kinh tế toàn cầu mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng có cái nhìn không mấy lạc quan về kinh tế Trung Quốc, khi tiếp tục giảm dự báo tăng trưởng của nước này.
Trong dự báo gần đây, nhà kinh tế đoạt giải Nobel và cũng là người dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 – Nouriel Roubini cũng cho rằng việc Trung Quốc đang theo đuổi các chính sách tài khóa và tín dụng lỏng lẻo là mối nguy hiểm thật sự. Theo đó, nếu Bắc Kinh không chủ động làm chậm tăng trưởng nền kinh tế để đối phó với hàng hóa dư thừa thì một điểm “hạ cánh cứng” cũng sẽ được kích hoạt.
An Nhiên
Theo baodatviet.vn
Hoạt động chế tạo suy yếu tại châu Á, PMI của Việt Nam vẫn tăng trưởng
Hoạt động chế tạo hầu hết đều "hạ nhiệt" trên khắp khu vực châu Á trong tháng 1/2019, thậm chí giảm xuống mức yếu nhất trong nhiều năm tại một số quốc gia.
Dây chuyền hàn khung xe tại Công ty ôtô Toyota Việt Nam, vốn đầu tư của Nhật Bản tại Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Diễn biến này đã tăng thêm những lo ngại rằng những căng thẳng thương mại cũng như nhu cầu suy yếu tại Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng lớn đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Theo giới quan sát, việc các Chỉ số Nhà quản lý mua hàng (PMI) yếu đi sẽ góp phần củng cố những nhận định rằng các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ khó có thể tiến hành bất cứ đợt tăng lãi suất nào trong năm nay.
Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Australia và Ấn Độ, đã bắt đầu có những đồn đoán về khả năng lãi suất còn có thể bị cắt giảm.
Theo kết quả khảo sát mới đây của công ty nghiên cứu thị trường Caixin/IHS Markit, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng 1/2019 ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong gần ba năm, từ 49,7 hồi tháng 12/2018 xuống còn 48,3. Điều này là do số đơn đặt hàng mới và sản lượng tiếp tục sụt giảm.
Ngoài Trung Quốc, PMI tại Hàn Quốc trong tháng 1 cũng rơi từ mức 49,8 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 là 48,3.
PMI của Indonesia cũng ghi nhận sự suy giảm đầu tiên trong một năm qua, từ 51,2 hồi tháng 12 năm ngoái xuống 49,9 trong tháng đầu tiên của năm 2019 do nhu cầu ở cả trong và ngoài nước đều đi xuống.
Hoạt động chế tạo của Nhật Bản cũng sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 29 tháng qua khi chỉ số PMI tại nước này giảm xuống 50,3 từ mức 52,6 ghi nhận hồi tháng 12/2018.
Các nhà quan sát cảnh báo tình hình xuất khẩu kém tươi sáng, sản lượng suy yếu, cùng với nhu cầu nội địa dự kiến "hạ nhiệt" có thể đưa lĩnh vực chế tạo của nước này rơi vào tình trạng suy giảm.
Nhưng không phải chỉ số PMI nào tại châu Á cũng ảm đạm. Tại Ấn Độ, hoạt động chế tạo đã tăng trưởng tương đối khả quan từ mức 53,2 ghi nhận trong tháng 12/2018 lên 53,9 trong tháng 1/2019 nhờ lượng đơn đặt hàng tăng mạnh.
PMI của Việt Nam, Philippines và Thái Lan vẫn nằm trong vùng tăng trưởng với các mức lần lượt là 51,9, 52,3 và 50,2.
Chiến lược gia Irene Cheung, thuộc ngân hàng ANZ, nhận định đà giảm tốc trong lĩnh vực chế tạo của châu Á sẽ vẫn tiếp diễn.
Để có thể ngăn chặn sự suy giảm tiềm tàng trong hoạt động thương mại, rất nhiều yếu tố phụ thuộc vào việc liệu Mỹ và Trung Quốc có đạt được một thỏa thuận hợp lý hay không. Nhưng chuyên gia Cheung nhấn mạnh hiện tất cả chỉ là phỏng đoán./.
Theo vietnamplus.vn
Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2030 Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2025 và sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030. Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn, Thượng Hải, Trung Quốc ngày 1/11/2018. Ảnh: THX/TTXVN Justine Yifu Lin, cựu phó chủ tịch cấp cao và là nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế...