Sự thật về những cái chết thương tâm trên cầu “Vĩnh biệt”
Dù bị cấm, nhưng gần 20 năm nay, người dân các xã Tam Tiến, Tam Xuân 1, Tam Phú… vẫn mặc nhiên dùng mương thủy điện này như là một “tuyến giao thông”. Biết rằng hiểm nguy, nhưng do bức bách việc qua lại, trở ngại xa xôi giữa hai bên bờ sông nên người nông dân và các cháu học sinh nơi đây mới đâm liều đến vậy.
Để rồi mỗi đầu năm học mới, mùa mưa lũ tràn về, khi những cái chết xảy chân, rớt cầu liên tục xảy ra, thì câu chuyện “ao ước” có một cây cầu tử tế lại trở thành chủ đề không dứt của dư luận. Mương thủy lợi có tên là “cầu Máng”, bấy lâu nay nó phải mang một biệt danh “ cầu Vĩnh biệt”. Bởi đã 16 người chết, hàng chục người khác may nhờ được cứu kịp không thì cũng vong mạng với hà bá sông Trường Giang.
Lời nguyền và những cái chết thương tâm ở cầu Vĩnh biệt
Cầu Máng thủy lợi trơ trọi, bé xíu rộng chỉ 0,8m dài đến 200m vắt ngang qua đoạn sông Trường Giang nối liền các xã Tam Tiến, Tam Xuân, Tam Phú (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) lúc nào cũng sâu hun hút, cuồn cuộn nước đục ngầu từ thượng nguồn đổ về. Từ năm 1989, cầu Máng được xây dựng chỉ với mục đích phục vụ đưa nước từ công trình đại thủy nông Phú Ninh về tưới tiêu cho hàng chục hécta lúa thuộc đồng bãi vẹt xã Tam Tiến.
Ấy vậy nhưng từ khi có cây cầu, thì dân hai bên bờ Trường Giang trước phải lụy đò qua sông, nay người già, phụ nữ cẩn trọng thì đi bộ, dắt xe; đám thanh niên trai trẻ lại xe máy, xe đạp công kênh hàng hóa phóng ào ào qua cầu. Mấy cháu học sinh của xã Tam Tiến tại xã không có trường cấp 3, thay vì phải mất đến hơn 20 phút, 7km đường xa ngược qua cầu Tam Kỳ để đến trường bên kia sông, thì nay cũng liều đi đường tắt mà qua cầu này.
Có điều, đối với người dân hai bờ Trường Giang nhiều năm qua nhắc tên cầu Máng có lẽ ít thông dụng bằng cái tên cầu “Vĩnh biệt”. Một câu chuyện bằng lời nguyền chết chóc, những cái chết thương tâm ở cây cầu này đã được truyền tai, đồn thổi như một lời nhắc nhở người dân sự hiểm nguy khi qua cầu.
Chính quyền xã Tam Tiến đã dựng biển cảnh báo, người dân vẫn bất chấp nguy hiểm qua lại trên cây cầu đã dẫn đến những cái chết thương tâm.
Theo lời kể của dân xã Tam Tiến thì tên cầu “Vĩnh biệt” bắt đầu từ cái chết của một cặp tình nhân sắp cưới trên cầu. Người ở quê xứ này có quan niệm mê tín rất lạ kỳ, vợ chồng trước ngày cưới không được dắt nhau qua cầu sẽ gặp chuyện bất trắc. Ấy vậy mà chiều chạng vạng cuối năm ấy, đôi tình nhân trẻ người trước, kẻ sau lại dắt dìu nhau qua cầu Máng để phát thiệp hồng cho bà con hai họ. Nào đâu, khi ra giữa cầu nhỏ hẹp không lan can, dây vịn, một cơn gió lốc làm cô gái chao đảo rồi trượt chân rơi suống dòng nước sâu hun hút. Để cứu vợ sắp cưới, anh thanh niên cũng vội vã lao suống dòng sông sâu để lặn tìm…
Tìm mãi, lặn mãi đến cuối cùng ngay cả chàng trai trẻ cũng mất dạng dưới lòng sông. Cô gái lúc tử nạn cũng đã có thai được gần 3 tháng, và kể từ đó, người qua lại trên cầu Máng thường rỉ tai nhau, chuyện hễ chập choạng tối lại gặp thoắt ẩn thoắt hiện một đôi nam nữ ai oán đứng trên cầu. Tiếp sau cái chết của đôi tình nhân này, một năm sau cũng ngay tại cầu Máng đã xảy ra vụ lật thuyền thương tâm làm 6 người chết.
Nhiều năm gần đây, nhất là vào dịp cuối năm cầu Máng lại chứng kiến liên tục những cái chết thương tâm do trượt chân, rớt cầu khiến cho lời đồn “cầu vướng lời nguyền” cứ vậy lan xa… Đến nỗi, dân hai bờ Trường Giang lập cả miếu thờ và bây giờ chỉ toàn gọi cầu Máng là cầu Vĩnh biệt…
Mới đây nhất, cái chết khi qua cầu Vĩnh biệt của bà bán lá chuối Nguyễn Thị Đồi, ở thôn Tiến Thành (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, Quảng Nam) vào trưa ngày 19/8/2014 thêm một lần nữa khiến người dân trong xã không khỏi hoang mang. Hôm đó, như thường nhật bà Đồi loanh quanh thu mua lá chuối khắp xã Tam Xuân 1 để về gói bánh bỏ chợ.
12h trưa nắng gắt, mệt mỏi, nhưng vì lo thằng con trai ở nhà ngóng mẹ buổi cơm trưa nên bà Đồi cứ liều cắm cúi, vội vã chạy xe qua cầu Máng. Đến giữa cầu, chiếc xe cồng kềnh chở lá bỗng loạng choạng rồi lao thẳng suống dòng sông, tai nạn của bà Đồi được một người dân qua cầu phát hiện hô hoán, kêu cứu…
Nhưng phải đến chiều ngày hôm sau thi thể bà mới được tìm thấy. Một cái chết ở cầu Vĩnh biệt cũng để lại nỗi đau, day dứt cho người thân là của chị Nguyễn Thị Lan (36 tuổi). Trùng hợp là chị Lan cùng là người thôn Tiến Thành như bà Đồi. Cuộc sống thuần nông quần quật quanh năm với ruộng đồng, nhưng vợ chồng chị Lan, anh Nguyễn Dương vẫn không thể nào lo đủ cho cả gia đình tới 5 miệng ăn. Vừa sinh con trai thứ 3 được một tháng rưỡi, chị Lan đã phải đạp xe ra chợ xin làm dọn dẹp, phụ việc để có thêm thu nhập.
Chiều tối mịt cuối năm 2010, khi qua cầu Vĩnh biệt, chị Lan đã không kịp mang gạo, mang sữa về cho các con. Ba đứa con nhỏ dại, đứa lớn mới lên 10, đứa nhỏ giờ mới chưa đầy 4 tuổi kể từ ngày mẹ vĩnh viễn bỏ mạng dưới chân cầu, phải chịu cảnh mồ côi, cha bệnh tật gà trống nuôi con cuộc sống muôn bề khó khăn…
Vì nghèo khó nên xã cấm mà dân vẫn cứ liều!?
Video đang HOT
“Đã rất nhiều cái chết thương tâm xảy ra, tại hai bên đầu cầu đều có bảng cảnh báo nguy hiểm, cấm giao thông nhưng người dân vẫn cứ đi, cứ cố tình liều?. Chính quyền địa phương đã giải quyết vụ việc như thế nào để ngăn chặn, bảo đảm tính mạng, an toàn cho người dân”?… Câu hỏi mà PV chuyên đề CSTC và nhiều cơ quan truyền thông đặt ra gần đây hiện vẫn chỉ nhận được lời giải đáp chung chung, viện lý do khó khăn, thiếu vốn.
Trưởng thôn Tiến Thành, ông Mai Xuân Hùng vừa đem Biên bản vụ tai nạn cầu Máng ra cho PV xem vừa thở dài chia sẻ: Dân quê ở đây, chủ yếu là người đi chợ, dân làm đồng sống tại hai xã Tam Xuân 1 và Tam Tiến. Mấy hôm nay vào năm học mới, mỗi ngày có đến hàng trăm cháu học sinh sử dụng cây cầu đầy nguy hiểm này làm đường đi học. Cô thấy đấy, với người dân quê làm ra hạt gạo, đồng tiền khó lắm. Nên nếu đi tắt qua cầu Vĩnh biệt đỡ được 7km đường, tiết kiệm chí ít cũng cả lít xăng hơn 20 ngàn mỗi ngày thì họ quý vô cùng…
Bà Nguyễn Thị Đào (61 tuổi) dù từng là nạn nhân gặp nạn thoát chết, nhưng vì bức xúc mưu sinh hàng ngày vẫn liều mình qua cầu Vĩnh biệt.
Đã rất nhiều lần chính quyền địa phương tổ chức họp dân, bản thân trưởng thôn cũng phải trực tiếp đến từng nhà, gặp từng người để vận động, tuyên truyền bà con không nên để con em, nhất là các cháu học sinh chạy xe qua cầu Máng… Nhưng vì tiện đường, chủ quan mà đã xảy ra nhiều cái chết đáng tiếc như trên. Là trưởng thôn, nên mỗi lần có tai nạn xảy ra, tôi lại phải vừa tổ chức dân tìm kiếm, cứu vớt người bị nạn, rồi lại ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ danh sách những nạn nhân tử vong khi đi qua cầu nên vừa giận, vừa xót lắm.
Gặp chúng tôi ngay khi vừa dắt xe qua cầu Vĩnh biệt, ông Nguyễn Văn Thiết (52 tuổi, trú thôn tổ 8, thôn Tiến Thành, xã Tam Tiến và bà Nguyễn Thị Đào (thôn Phú Đông, xã Tam Phú) đều thừa nhận: Mới mấy hôm trước nghe tin bà Đồi tử nạn trên cầu Vĩnh biệt ni nên qua cầu cũng run lắm. Ngay như bà Đào, ngót nghét 63 tuổi rồi, từng thoát chết do rớt cầu hồi năm 2013, nhưng may mắn được người dân cứu vớt kịp, vậy mà vẫn cứ tiếp tục qua cầu bán cá mỗi ngày… Âu cũng vì mưu sinh mà liều.
Biên bản vụ tai nạn chết người tại cầu Máng.
Riêng ông Thiết thì tâm sự: Tui có đến 4 đứa con, cháu đang học cấp 3 ở trường THCS Nguyễn Trãi và Phan Bội Châu. Nhưng cả hai trường đều nằm bên kia sông, đường đi học xa, biết đám con cháu qua cầu đi học mỗi ngày sẽ rất nguy hiểm, nhất là mùa mưa đang đến gần nhưng cũng đành cắn răng để chúng đi vì xa quá, qua cầu cho nó tắt. Lo lắng cho tính mạng bọn trẻ lắm chứ. Hằng ngày, mỗi trưa, hay chiều về hai vợ chồng tui vì bất an nên cứ dẫn nhau ra cầu ngóng đợi.
Khi nào thấy bọn nhỏ chạy xe qua thấu cầu bên này, rẻ đường về làng thì mới yên tâm chứ biết làm răng. Ngay chính bản thân tui, mỗi ngày phải đi qua hai lần vì công việc, lần nào tôi cũng phải dắt bộ xe máy qua cầu rồi mới dám nổ máy chạy. Sợ lắm nhưng bây giờ không còn cách nào khác, phải liều thôi.
Theo Chủ tịch xã Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam) – ông Nguyễn Giúp: Cầu Máng còn được gọi là “cầu Vĩnh biệt” dài hơn 200m và chỉ rộng 0,8m bắc qua sông Trường Giang, nối hai xã Tam Tiến và Tam Xuân 1 (huyện Núi Thành). Cầu Máng thực chất chỉ là kênh dẫn nước bắc ngang qua sông. Nhưng do nhu cầu đi lại của người dân và học sinh ở hai bên cầu nên họ bất chấp cảnh báo, hàng ngày vẫn đi xe máy, xe đạp chở hàng hóa lưu thông qua lại đã dẫn đến những cái chết thương tâm. Từ năm 2009 đến nay đã có đến 16 người tử vong, cùng hàng chục người bị thương, thoát chết do được cứu khi đi qua cây cầu này. Để không còn xảy ra những cái chết thương tâm trên cầu “vĩnh biệt”, UBND xã Tam Tiến vừa quyết định làm bờ ngăn chặn ở hai đầu cầu và có lệnh cấm các phương tiện xe máy, xe đạp lưu thông qua cầu.
Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
Lời nguyền 10 năm của người đóng cảnh nóng đầu tiên ở VN
Để được vào đoàn Hải Hưng, NSƯT Trần Nhượng đã lấy vợ theo yêu cầu của gia đình khi vừa tròn 21 tuổi. Nhưng ông quan niệm, dù với lý do gì đi nữa thì chồng vợ vẫn là duyên nợ.
Đến với nghệ thuật như một duyên nợ
Sau nhiều cuộc điện thoại và một lần lỡ hẹn, tôi mới có cơ hội trò chuyện với NSƯT Trần Nhượng, người đã quen mặt với khán giả Việt qua rất nhiều phim như Chủ tịch tỉnh, Bản di chúc bí ẩn, Khi người đàn ông góa vợ bật khóc... Từ khi chuyển từ đoàn kịch Công An sang đảm nhận vị trí Giám đốc TT Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu, ông rất bận rộn.
Đón tôi trong văn phòng làm việc thoáng mát, gọn gàng, người nghệ sĩ tỏ ra rất cởi mở. Dù cuộc trò chuyện thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại liên quan tới công việc nhưng ông chẳng tỏ ra gấp gáp. Ngược lại, NSƯT Trần Nhượng còn cởi mở, trầm tĩnh khi cùng tôi ôn lại chuyện xưa.
Kể về cơ duyên đến với nghề diễn, ông chia sẻ: "Lúc đầu tôi không nghĩ mình sẽ làm nghệ thuật dù hồi nhỏ ngồi xem các đoàn văn công biểu diễn rất thích, rất yêu. Cũng có lúc ước ao mình là diễn viên nhưng cứ có cảm giác người ta cao siêu quá, mình mơ cũng chẳng thể nào chạm tới được. Vậy mà nghệ thuật đến với tôi rất tình cờ.
Khi đi nộp hồ sơ để thi Đại học, tôi nhìn thấy đoàn ca múa kịch Hải Hưng tuyển sinh nên mon men lại gần xem. Lúc ấy, bọn bạn cứ đẩy vào tuyển thử nhưng tôi nhát lắm. Đứng đó một lúc, có mấy anh chị trong ban tuyển sinh tiến về phía tôi chuyện trò, gợi ý rồi hướng dẫn mình làm theo người ta. Sau đó, họ đưa tôi đến một nơi khác để thi tuyển và tôi đã may mắn được chọn.
Vậy nhưng khi về nhà thì bố mẹ không cho vì thời ấy, bác sĩ, kỹ sư mới là nghề được trọng vọng. Bố mẹ tôi suốt đời làm nông, vất vả rồi nên muốn con có một cái nghề. Một thời gian sau, thấy tôi kiên quyết, gia đình cho theo đoàn nhưng bù vào đó, tôi phải lấy vợ để cả nhà yên tâm".
Và chàng trai 21 tuổi trở thành một người đàn ông có gia đình cũng chỉ bởi muốn theo nghiệp diễn. Nhưng quyết định đó chưa bao giờ làm ông phải hối hận. Đến với nghệ thuật có phần tréo ngoe như thế nhưng càng làm ông càng yêu nghề, càng bị cuốn hút và chỉ muốn gắn bó với nghiệp diễn suốt đời: "Ban đầu cũng bỡ ngỡ nhưng may mắn bản thân là người có năng khiếu cộng với khả năng tiếp thu nhanh nên tôi luôn là người đứng đầu các khóa đào tạo. Cũng nhờ vậy, tôi đến với nghề khá thuận lợi. Mãi sau này, năm 92, tôi mới vào trường sân khấu điện ảnh để học đạo diễn, còn trước đó chỉ học nghề diễn tại đoàn. Đây là môi trường tốt để tôi được đào tạo và hoàn thiện kỹ năng diễn xuất.
Thời tôi bắt đầu làm nghệ thuật, lúc bấy giờ không ai nghĩ đến vật chất hay tiền bạc, đi diễn cũng chẳng ai nghĩ đến cát-xê hay tiền bồi dưỡng. Các nghệ sĩ thời ấy có một chế độ ưu đãi của nhà nước gọi là chế độ thanh sắc. Chúng tôi được ba cân thịt, ba cân đường và chín hộp sữa mỗi tháng. Vậy là ưu ái lắm rồi.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít thiệt thòi vì điều kiện học hỏi và tiếp xúc với văn hóa bên ngoài rất khó. Các diễn viên trong đoàn phải tự học lẫn nhau và tự tư duy sáng tạo để phát triển và xây dựng hình tượng nhân vật. Ngày ấy, chúng tôi chỉ có một hội trường nhỏ, quạt cũng hiếm, thế nên chuyện diễn viên bị ngất trên sàn tập không phải là chuyện hiếm.
Thời gian đào tạo ở đoàn lúc đó nghiêm túc lắm. 4h30 sáng chúng tôi đã dậy tập hình thể, múa và các kỹ thuật. Khoảng 5h30 về đánh răng rửa mặt, đi ăn sáng và 7h lại lên sàn tập đọc báo để nghe tin tức thời sự và rèn luyện tiếng nói. 7h30 đi về chuẩn bị quần áo để đi tập chuyên môn. Buổi tối 9h đã phải đi ngủ rồi.
Bây giờ các bạn học trong trường thoải mái hơn rất nhiều. Tất nhiên tôi biết không thể so sánh vì sẽ nảy sinh khập khiễng nhưng nói như vậy để thấy rằng những khó khăn và khắt khe chính là môi trường tốt để những người nghệ sĩ có thể rèn luyện và trưởng thành một cách chắc chắn, yêu nghề và say sưa hơn. Đổ nhiều mồ hôi và công sức vào nghề chắc chắn sẽ khiến nghệ sĩ đam mê hơn chứ".
Khó khăn vất vả là thật nhưng bù vào đó, những người nghệ sĩ luôn nhận được tình cảm nồng nhiệt của công chúng. "Ngày xưa chúng tôi đi diễn là trống dong cờ mở. Đến nơi diễn, bà con treo khẩu hiệu, băng rôn rầm rộ để đón đoàn. Lúc bấy giờ Hải Hưng là đoàn tổng hợp có cả kịch, xiếc và ca múa nhạc. Mỗi lần di chuyển, chúng tôi đi rất đông, có 8 xe ô tô, trong đó có 3 xe 29 chỗ chở diễn viên. Đến bất kỳ đâu, chúng tôi đều ăn ở với dân. Bà con quý lắm, thậm chí họ còn đến để đăng ký để được đưa diễn viên về nhà ở", ông không giấu được niềm hãnh diện khi nhớ lại.
Sau một thời gian dài gắn bó với đoàn Hải Hưng, NSƯT Trần Nhượng chuyển công tác lên Hà Nội, về đoàn Nghệ thuật Công An. Đây cũng là thời điểm, ông bắt đầu làm quen với phim nhựa. Những vai diễn đầu tay trước còn bỡ ngỡ sau đó ông dần hiểu được lối diễn của điện ảnh nên vào vai rất ngọt. Tuy nhiên, kịch vẫn là mảnh đất chính mà người nghệ sĩ vẫn hăng say cầy xới.
"Năm 1980, đoàn Hải Hưng đi Hội diễn ở Hải Phòng. Đài truyền hình Việt Nam thấy vở diễn có nội dung tốt nên đề nghị đoàn lên Hà Nội để ghi hình. Lúc tôi đang ghi hình ở trường quay thì có một đoàn làm phim đi tuyển diễn viên cho phim Vệt sáng ngược và tôi đã nhận được lời mời.
Quay xong phim đó, mọi người ở xưởng phim kéo tôi về đoàn Công An. Tôi về xin chuyển nhưng đoàn Hải Hưng không đồng ý. Sau này, tôi phải nhờ một người bác làm việc ở Tỉnh can thiệp thì mới có thể đi được. Ngày ấy, được trở thành diễn viên điện ảnh không phải là ước ao của riêng mình tôi nhưng đoàn Điện ảnh Công an Nhân dân chưa có chỉ tiêu, trong khi đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân thì mới thành lập nên họ giới thiệu tôi về đó" - ông kể.
Đồng hành với sân khấu kịch từ ngày chỉ mới là cậu thanh niên 21 tuổi, NSƯT Trần Nhượng được chứng kiến gần như toàn bộ sự thay đổi, lên xuống của bộ môn nghệ thuật đậm nét văn hóa truyền thống. Ông vẫn còn nhớ, thời kỳ đỉnh cao của sân khấu kịch, đoàn của ông thu được hàng bao tải tiền chỉ nhờ bán vé. Người nghệ sĩ ngày ấy cũng chẳng có thời gian để buồn phiền hay chăm lo cho đời sống cá nhân.
Ngẫm lại quãng thời gian đó, ông vẫn không khỏi tiếc nuối: "Thời kỳ hoàng kim của sân khấu, một ngày chúng tôi có thể diễn đến 3 - 4 suất. Một vé xem kịch ngày ấy có mấy ngàn thôi nhưng chúng tôi cũng thu được một bao tải tiền.
Những suất diễn liền nhau khiến diễn viên không đủ thời gian để ăn cơm, chỉ kịp uống cốc nước cam hoặc cái bánh mì là lại tiếp tục bước lên sân khấu. Đó là chưa kể đến các rạp Hà Nội. Khán giả muốn đi xem phải xếp hàng mua vé, thậm chí là phải có sổ phân phối về các cơ quan.
Vì diễn nhiều nên trong nghệ thuật, cũng có người bị gọi là thợ diễn. Họ bị chai lì cảm xúc, ra sân khấu như một cái máy. Trong khi đó, việc giữ được cảm xúc là điều rất quan trọng đối với một nghệ sĩ. Một người làm nghệ thuật phải luôn có hai cái tôi: một của diễn viên và một của nhân vật. Cái khó của người nghệ sĩ biểu diễn là nắm được cảm xúc của nhân vật nhưng cũng có sự tỉnh táo để cái tôi diễn viên chỉ đạo cảm xúc của nhân vật.
Nhưng nói thì dễ, làm mới là việc khó. Có những nhân vật trong quá trình làm nghề trở thành ấn tượng. Nhiều khi nghĩ đến nhân vật trong hoàn cảnh nào đó, cảm xúc lại trào về khiến bản thân tôi bỗng chốc lại hóa thành nhân vật, dù lúc đó không đang phải đang biểu diễn. Việc đó cũng hay xảy ra".
Cống hiến 42 năm cuộc đời cho đam mê, cho dòng máu nghệ thuật đang chảy trong huyết quản, vậy nhưng khi được hỏi đã đóng bao nhiêu bộ phim, vở kịch, người nghệ sĩ ấy lại gãi đầu bối rối. Ông thừa nhận đó là điểm dở nhất của bản thân. Trần Nhượng chẳng thế nhớ ông đã thể hiện bao nhiêu vai vì chẳng bao giờ ghi lại.
Hạnh phúc bên vợ trẻ kém 23 tuổi
Thành công trong sự nghiệp nhưng đường tình duyên của người nghệ sĩ tài hoa lại gặp không ít trắc trở. Cuộc hôn nhân đầu tiên đã cho ông ba đứa con hiếu thảo nhưng lại không cho ông người bạn đời để đi đến hết cuối con đường.
Đổ vỡ với người phụ nữ 22 năm gắn bó, ông quan niệm: "Các cụ có câu vợ chồng là do duyên số, thế nên đến rồi tan đều là duyên số cả. Có hàng nghìn lẻ một lý do để tan vỡ thế nên chúng ta phải chấp nhận như là một số phận. Rất nhiều người cũng quan tâm đến lý do chia tay nhưng tôi chỉ trả lời một cách đơn giản: không phù hợp và đến thời điểm thì phải chia tay. Không có gì dằn vặt hay quá ghê gớm khi mình đã xác định nó là số phận.
Sau khi chia tay người vợ đầu tiên, tôi có khoảng thời gian 10 năm cô đơn và lời nguyền tôn thờ chủ nghĩa độc thân vì cảm thấy cuộc sống một mình thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhiều. Con cái cũng đã trưởng thành hết rồi nên tôi xác định sẽ sống một mình.
Cuộc sống gia đình thật ra rất phức tạp. Nếu thuận vợ thuận chồng, biết hy sinh vì nhau thì sẽ có được hạnh phúc. Nhưng nếu không hiểu được, không thông cảm, không chia sẻ được với nhau thì cuộc sống sẽ rất nặng nề. Chính vì thế, tôi rất sợ và rất ngại khi nghĩ đến việc đi bước nữa.
Vậy nhưng, cũng có khi bản thân tôi có suy nghĩ ngược lại. Những ngày lễ, ngày Tết, khi mình ốm đau, về nhà một mình tôi cũng cảm thấy buồn và cô đơn. Không có gì sợ bằng sự cô đơn bởi nó sẽ khiến con người nảy sinh suy nghĩ tiêu cực và bị đẩy vào những tình huống khó lường. Những lúc ấy tôi thấy cuộc đời thật vô nghĩa. Người ta sống phải có gia đình, phải có tổ ấm trong khi mình chỉ một mình. Sống để như thế để làm cái gì.
Tất cả suy nghĩ mâu thuẫn cứ đan xen lấy nhau khiến tôi quyết định từ bỏ lời nguyền tôn thờ chủ nghĩa độc thân đi. Nhưng thật sự vợ chồng là cái duyên cái số, mình có muốn cũng không được. Điều gì đến sẽ đến và đi sẽ đi. Thế nên, quan điểm của tôi là: Hạnh phúc mong manh lắm, hãy cố giữ lấy".
Và cũng chính duyên số dành cho ông một cuộc gặp gỡ định mệnh ở lúc xế chiều. Người vợ thứ hai nhỏ hơn ông đến 23 tuổi nhưng rất biết cách cùng ông chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống.
"Tôi không nghĩ là sớm hay muộn. Tuổi, hoàn cảnh và điều kiện của tôi đã được sắp đặt như thế. Tôi và cô ấy hay nói vui với nhau, kiếp trước cô ấy nợ tôi nên kiếp này phải đến trả nợ. Đến bao giờ trả nợ xong thì có thể cô ấy sẽ rời đi. Nợ thì nợ thật nhưng lãi suất càng ngày càng cao nên cũng khó trả hết.
Chính người vợ hiện tại cũng từng hỏi tôi lý do tôi đã chọn cô ấy và tôi cũng trả lời rằng tôi không hiểu. Chỉ biết rằng gặp cô ấy, tôi có cảm xúc không bình thường. Khi nói chuyện thì cảm thấy có điều gì đó gắn bó, phù hợp, tin tưởng và như quyện lại với nhau. Cứ như thế, chúng tôi xích lại gần và trở thành vợ thành chồng.
Nếu tình yêu của những người trẻ bay bổng, lãng mạn và nghịch ngợm thì tình cảm của chúng tôi kỹ càng và soi xét hơn. Vợ tôi còn trẻ nên đôi khi cũng hay giận dỗi, bản thân tôi đôi lúc cũng thấy tự ái. Nhưng tôi cho đó là tình yêu và sự giận hờn đó chính là gia vị của tình yêu.
Vì chênh nhau nhiều tuổi nên chúng tôi không tránh được sự chênh lệch về mặt nhận thức lẫn sinh lý. Đó là trở ngại trong quá trình xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu không cẩn thận thì độ chênh đó sẽ tạo ra bi kịch trong cuộc sống của hai người. Thế nên, cả hai phải hy sinh cho nhau" - ông hạnh phúc kể về tổ ấm mới.
Ngồi đối diện người nghệ sĩ ấy, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc không giấu được trong đôi mắt. Ông thích kể về vợ, về người phụ nữ có thể khoác tay ông tung tăng như đôi trẻ trên phố, một người rất nóng tính nhưng vô cùng chân thành và lãng mạn.
Cô là người chăm sóc chồng rất chu đáo, là người lúc nào cũng dành phần ông một cốc nước hoa quả trong tủ lạnh sau mỗi ngày đi làm vất vả.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi chỉ dừng lại khi ông nhận ra đã đến giờ đưa vợ đi xem phim. Tiễn tôi ra đến cổng, NSƯT Trần Nhượng vui vẻ: "Hôm nay là thứ 5, là ngày đi xem phim của hai vợ chồng tôi. Bây giờ tôi về qua nhà để đón vợ, cô ấy cũng đang trên đường về rồi".
Theo Đại Lộ
Myanmar săn lùng quả chuông khổng lồ huyền thoại Tuần này, Myanmar đã bắt đầu hoạt động tìm kiếm chiếc chuông Dhammazedi huyền thoại, một trong những bí ẩn lớn nhất và là nỗi ám ảnh kéo dài cả đời với không ít người ở quốc gia này. Một lịch sử đầy bão tố Truyền thuyết và cả các tài liệu lịch sử cổ nói rằng chuông Dhammazedi được đặt theo tên...