Sự thật về mối quan hệ giữa Càn Long và Nhàn Phi: Không mặn nồng như Hậu cung Như Ý truyện cũng chẳng bình lặng giống Diên Hi công lược
Trong phim Hậu cung Như Ý truyện, mối quan hệ giữa Càn Long và Nhàn Phi rất thân thiết nhưng trong lịch sử thì hoàn toàn không phải như vậy.
Trong bộ phim Hậu cung Như Ý truyện, Càn Long và Nhàn Phi là một đôi trai tài gái sắc, tình ý sâu đậm. Thậm chí, Càn Long lúc còn là Bảo thân vương Hoằng Lịch đã nhắm vị trí Đích phúc tấn cho Nhàn Phi, nhưng bị Hoàng đế Ung Chính (cha của Càn Long) cản trở nên Nhàn Phi chỉ đành chịu ủy khuất làm Trắc phúc tấn.
Khi lên ngôi Hoàng đế, Càn Long cũng chỉ có thể lập thanh mai trúc mã của mình làm phi, dưới Hoàng hậu và Quý phi. Dù biết Nhàn Phi bị bày mưu hãm hại, phải vào lãnh cung 3 năm nhưng Càn Long chưa một ngày nào là không ngày nhớ đêm mong, chờ thời cơ đưa Nhàn Phi quay trở lại bên mình. Khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Càn Long tổ chức lễ sắc phong hoàng hậu cho Nhàn Phi vô cùng long trọng.
Mối quan hệ giữa Nhàn Phi và Càn Long trong Hậu cung Như Ý truyện rất tốt đẹp.
Ngược lại, trong bộ phim Diên Hi công lược, tình cảm giữa Càn Long và Nhàn Phi không hề mặn nồng như vậy. Nhàn Phi ban đầu là một người không tranh đua với đời, sống cuộc sống bình lặng trong cung cấm, không được Càn Long để ý. Chỉ khi gia đình xảy ra biến cố, Nhàn Phi mới trở nên hắc hóa, làm mọi cách để vươn lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ. Vậy Nhàn Phi trong lịch sử thực chất là người như thế nào, mối quan hệ giữa bà và Càn Long Đế ra sao?
Nhàn Phi và cuộc hôn nhân không tự nguyện
Nhàn Phi – Kế Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị (1718 – 1766) là vị Hoàng hậu thứ hai của Càn Long Đế và được hậu thế biết đến với cái tên Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu. Nhàn Phi vốn là một tiểu thư khuê các, xuất thân từ gia tộc danh giá Ô Lạp Na Lạp, cha là Tá lĩnh Na Nhĩ Bố.
Chân dung Kế Hoàng hậu trong lịch sử.
Do Ô Lạp Na Lạp thị xuất thân từ Tương Lam kỳ nên bà sẽ được chỉ định ban hôn thành Trắc phúc tấn trong các đợt Bát kỳ tuyển tú, tức bà không hề có quyền chọn lựa nào khác trong cuộc hôn nhân với Bảo Thân vương Hoằng Lịch. Theo sử sách ghi lại, Ô Lạp Na Lạp thị kém Hoằng Lịch 7 tuổi.
Khi bà nhập phủ làm Trắc phúc tấn, Hoằng Lịch đã có Đích Phúc tấn và mối quan hệ của ông với vợ rất tốt đẹp. Hôn nhân của Ô Lạp Na Lạp thị và Hoằng Lịch không xuất phát từ sự tự nguyện của đôi bên nhưng cũng không thể chối bỏ được vì do Ung Chính Hoàng đế ban hôn.
Có lẽ do không có tình cảm nên Ô Lạp Na Lạp thị lúc đó không được Hoằng Lịch để mắt đến. Ngày bà bầu bạn với thị nữ, đêm chăn đơn gối chiếc, cuộn tròn nằm ngủ ôm lấy cái danh hão là phụ nữ đã xuất giá. Cuộc sống cứ thế bình lặng trôi qua và Ô Lạp Na Lạp thị vẫn chỉ được coi là một chiếc bình trang trí được đặt trong nhà không hơn không kém.
Trong Diên Hi công lược, Nhàn Phi ban đầu không được Càn Long để ý.
Khi Hoằng Lịch lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Càn Long, ông đã sắc phong Ô Lạp Na Lạp thị thành Nhàn Phi. Những tưởng mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên tốt đẹp hơn nhưng Nhàn Phi vẫn bình lặng sống cô độc qua ngày trong cung cấm. Và có lẽ rằng do chính sự lạnh nhạt của Càn Long đối với Nhàn Phi nên trong suốt 10 năm sau khi xuất giá, bà không hề mang thai dù chỉ một lần.
Video đang HOT
Càn Long ban đầu phản đối để Nhàn Phi làm Hoàng hậu
Nhàn Phi tuy không có sự ân sủng của Càn Long Đế nhưng bà vẫn làm tròn bổn phận của một người vợ và một người con, cung kính với Hoàng hậu, hiếu thảo với Thái hậu. Chính vì vậy, Nhàn Phi rất được lòng Phú Sát Hoàng hậu và Thái hậu. Quyết định thông minh này của Nhàn Phi cũng trở thành nền móng vững chắc để bà tiến tới ngôi vị mẫu nghi thiên hạ.
Càn Long Đế nổi tiếng là một vị hoàng đế rất hiếu thuận nên mối quan hệ của ông với Nhàn Phi thay đổi ít nhiều cũng có sự tác động của Thái hậu. Sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời vào năm 1748, Thái hậu cất nhắc Nhàn Phi lên ngôi vị Hoàng hậu nhưng Càn Long không đồng ý.
Xa Mạn Thị trong vai Nhàn Phi trong Diên Hi công lược.
Lúc đó, Càn Long đã nói rằng, trong mắt ông chỉ có Phú Sát Hoàng hậu, chỉ có bà là người duy nhất xứng đáng là vợ của ông. Tuy nhiên, hậu cung không thể một ngày không có chủ cùng với đề nghị của Thái hậu, Càn Long Đế đã sắc phong Nhàn Phi thành Hoàng Quý phi, cai quản lục cung. Tới năm 1750, tức 2 năm sau khi Phú Sát Hoàng hậu qua đời, Nhàn Phi mới chính thức được sắc phong lên làm hoàng hậu.
Lúc này, mối quan hệ giữa Càn Long và Kế Hoàng hậu cũng tốt hơn trước rất nhiều. Điều này được minh chứng qua việc Kế Hoàng hậu sau đó đã sinh hạ cho Càn Long 2 hoàng tử và 1 hoàng nữ. Vị hoàng tử đầu tiên bà sinh hạ là vào năm 1752, tên Vĩnh Cơ, khi đó bà đã 34 tuổi. Năm 1755 và năm 1756, bà sinh hạ ngũ hoàng nữ và Thập tam a ca Vĩnh Cảnh nhưng cả hai đều không may chết yểu.
Mọi chuyện cứ thế êm đềm trôi qua cho tới năm 1765 (Càn Long thứ 30), Kế hoàng hậu cùng Càn Long Đế và 5 vị phi tần du hành xuống phương nam lần thứ 4. Trong chuyến du hành, mọi việc vẫn diễn ra suôn sẻ nhưng tới ngày 18/2, khi đoàn Nam tuần tới Hàng Châu. Lúc này, Kế Hoàng hậu đã phạm sai lầm khiến Càn Long Đế tức giận, âm thầm đưa bà về giam lỏng ở Tử Cấm Thành ngay trong đêm bằng đường thủy.
IMGSAOSTARVN.PEGASUS-CDN.COM
Lễ sắc phong Hoàng hậu của Như Ý trong Hậu cung Như Ý truyện.
Đến tháng 4, khi Càn Long trở về cung sau chuyến Nam tuần, việc đầu tiên mà ông làm là ra lệnh thu hồi 4 sắc phong đã ban cho Ô Lạt Na Lạp thị trước đây, gồm có sắc phong của Hoàng hậu, Hoàng Quý phi, Nhàn Quý phi và Nhàn phi kim sách. Không chỉ dừng lại đó, Càn Long Đế còn cắt giảm cung nhân hầu hạ bên Kế Hoàng hậu xuống còn 2 người, số cung nhân hầu hạ ngang hàng với Đáp ứng.
Tuy không rõ nguyên nhân Kế Hoàng hậu đột nhiên bị Càn Long Đế ghẻ lạnh là gì nhưng có nhiều sử liệu ghi lại rằng, Kế Hoàng hậu thất sủng là do bà đã cắt đi mái tóc dài bóng mượt của mình. Trong khi đó, đối với người phụ nữ Mãn Thanh, việc cắt tóc chỉ được cho phép trong đại tang Hoàng đế hoặc Hoàng Thái hậu. Vì vậy, hành động này của Kế Hoàng hậu bị Càn Long khép vào tội đại bất kính, đại bất hiếu và không bao giờ sủng hạnh nữa.
Một năm sau khi bị giam lỏng, Kế Hoàng hậu qua đời ở tuổi 49. Bà chết trong cô đơn tủi nhục, không có lấy một người thân bên cạnh. Tang lễ của Kế Hoàng hậu cũng bị cắt xén, keo kiệt tới mức khó tin và thậm chí còn không bằng tang sự của một thị thiếp của triều đình quan viên.
Kế Hoàng hậu cắt tóc khiến Càn Long tức giận, giam lỏng trong Tử Cấm Thành.
Không chỉ vậy, Kế Hoàng hậu còn không có mộ phần riêng, phải an táng nhờ trong địa cung của Thuần Huệ Hoàng Quý phi, thậm chí còn được chôn ở gian phòng phụ như mộ phần cung nữ. Hơn nữa, bà còn không được Càn Long ban thụy hiệu, trở thành vị hoàng hậu duy nhất trong Thanh triều không có thụy hiệu sau khi chết.
Cái tên Thanh Cao Tông Kế Hoàng hậu chẳng qua được hậu thế lấy tên của Càn Long là Thanh Cao Tông gán ghép cùng chữ “Kế”, tức là vị Hoàng hậu kế tiếp (thứ hai) của Thanh Cao Tông Càn Long Đế mà thôi.
Theo Saostar.vn
Hãy học Càn Long cách lấy lòng mĩ nhân bằng hoa thôi nào!
Không phải tự nhiên mà người đời phong tặng cho Càn Long danh hiệu Ông vua đa tình. Hãy nhìn danh sách những phi tần từng bước chân vào hậu cung của ông mà xem, bạn sẽ tưởng đó là một khu phố chứ không phải là một hộ gia đình. Quý ông đào hoa này đã dùng cách gì để đổi lấy nụ cười mĩ nhân?
Tháng Bảy không chỉ là tháng Cô Hồn mà nó còn là tháng Vu Lan. Bên cạnh ý nghĩa Vu Lan thì tháng Bảy còn là tháng Hẹn Hò vì theo Trung Quốc, ngày mùng bảy tháng Bảy là ngày Ngưu Lang-Chức Nữ tương phùng. Một nam một nữ (thật ra thì giới tính có thể tuỳ chỉnh theo yêu cầu, không cần gò bó quá) yêu nhau thường tặng nhau quà vào ngày này để mong cho một tình yêu thiên trường địa cửu. Hoằng Lịch với Lang Hoa cũng tính là một đôi, Hoằng Lịch và Như Ý cũng tính là một đôi, Hoằng Lịch và Kim Ngọc Nhiên cũng được tính là một đôi,...
Khoan đã, như vậy nghĩa là trong hậu cung, chàng trai Hoằng Lịch phải gửi quà cho gần mười địa chỉ. Chớ vội lo, Hoằng Lịch của chúng ta là một chàng trai không chỉ giàu tình mà còn giàu tiền nên việc chi ngân lượng chuẩn bị quà cho các mĩ nhân không phải vấn đề khó.
Nếu có một hàng bạn gái đứng chờ bạn tặng quà như vầy bạn có hoảng không?
Vấn đề nan giải nằm ở đây chính là tặng gì cho đừng đụng hàng. Bởi chúng ta đều biết một ngày hậu cung chí choé không biết bao nhiêu là lần vì chuyện nữ nhân tranh giành chiếc đầm chiếc áo nên nếu Hoàng thượng không cẩn thận trong khâu tuyển quà sẽ khiến cho hậu cung không yên. Vậy là sau nhiều đêm dài vừa thị tẩm vừa suy nghĩ, vào tập 35 của bộ phim Hậu cung Như Ý truyện vừa rồi, Hoàng thượng đã có câu trả lời cho tất cả những câu hỏi kể trên. Đáp án chính là mỗi người một hoa, không ai giống ai.
"Nghĩ đi nghĩ lại thì việc nạp thiếp nhiều quá cũng là một cái tội, lễ lớn lễ nhỏ gì cũng phải ngồi nghĩ quà cáp rồi câu chúc, muốn hao mòn thân trai của trẫm!".
Theo đó Hoàng hậu được ban tặng chiếc trâm cài hình hoa phật thủ. Phật thủ là một loài hoa tượng trưng cho sự che chở gia đình như bàn tay Phật chở che cho chúng sinh. Vì Hoàng hậu là chủ của lục cung nên ví người như đôi bàn tay Phật luôn dang ra bảo hộ cho các phi tần và con cái hoàng gia là hoàn toàn chính xác. Song, cho đến hiện tại, Hoàng hậu Lang Hoa đang vướng nghi án mưu hại hoàng tự, nên có lẽ thông qua cây trâm cài này Hoàng thượng có ý nhắc nhở Hoàng hậu: "Vui thôi đừng vui quá, dù gì trẫm cũng cần có con nối dõi cơ nghiệp".
Sau Hoàng hậu là đến Thuần Quý phi được ban một chiếc trâm có đính trang sức theo hình hoa tú cầu. Hoa tú cầu thường nở thành một bó to, trong mỗi bó lại có nhiều hoa nhỏ. Có lẽ ý Hoàng thượng muốn nhân dịp Thất tịch tri ân Quý phi có công thức ngày thức đêm mang thai và sinh con cho hoàng thất. Nếu không có Thuần Quý phi năng đẻ quanh năm thì có lẽ số lượng Hoàng tử, Công chúa trong cung sẽ không thể tăng nổi dưới sự chăm sóc tận tình của Hoàng ngạch nương.
Gia Phi cũng có phần trong vụ hẹn hò tập thể nhân dịp Ngưu-Chức gặp nhau này. Cô được ban cho một cây trâm cài có hình hoa chi tử. Những tưởng Hoàng thượng sẽ ban cho cô một cây trâm có hình củ nhân sâm to bự hay hình một bình rượu Soju thơm lừng, thế nhưng món quà cô được nhận lại không đúng như dự đoán. Bởi lẽ với một người quá sức cay độc từ nhan sắc cho đến nội tâm thì ban một cây trâm nhân sâm khác nào ủng hộ cô nên tiếp tục phát huy sự nguy hiểm này. Hoàng đế vẫn cần trong hậu cung có tiếng nói cười của phi tần chứ không mong hậu cung còn trơ trọi mỗi cung Khải Tường là còn người sống, các cung khác... diệt vong.
Vì vậy một đoá hoa chi tử nhẹ nhàng chính là giải pháp. Thật ra hoa chi tử mang ý ẩn dụ cho hình ảnh tình yêu e ấp, thầm kín cũng khá thích hợp với Gia Phitrong mắt Hoàng thượng luôn e dè, nũng nịu. Tuy nhiên, Hoàng thượng người chịu khó tối về bớt duyệt tấu chương hay lật bài thị tẩm để đọc bài review của SAOstar sẽ rõ, tình cảm thầm kín của Gia Phi vốn không dành cho người. Cẩn thận tặng một đoá hoa... đổ ba thúng vỏ nhé!
Người con gái năm nào còn khóc dưới tuyết vì bị vu cáo ăn trộm than, nay đã là Du Phi nhận được trâm cài hoa tường vi từ Hoàng đế. Điều đó chứng tỏ địa vị của cô cũng đang dần có trọng lượng trong lòng Càn Long. Tường vi là loài hoa tượng trưng cho sự đơn giản, chân phương, mọc nhiều ở vùng thôn quê. Đây cũng là những từ chúng ta có thể hình dung về một Hải Lan những ngày đầu nhập cung. Thời điểm ấy, Hải Lan không mang trên mình sự quả quyết của hiện tại mà chỉ có sự mộc mạc, đơn giản thậm chí nhu nhược. Gọi cô là Gái quê của cung Diên Hi cũng không có gì là sai. Tuy nhiên, có thể ít ai biết, tường vi là loài hoa lưỡng tính.
Phải chăng đây không phải ẩn ý của Hoàng thượng mà là ẩn ý của tác giả khi ví Du Phi là loài hoa lưỡng tính. Nhìn lại chặng đường tiến cung của Hải Lan đâu đâu cũng là hình bóng của tỉ tỉ Như Ý chúng ta có quyền suy đoán câu chuyện theo hướng mà thường tình ai cũng nghĩ. Càn Long à, người tặng đoá tường vi cho Hải Lan hay đang tặng cho Hải Lan dũng khí để yêu người trong mộng đây?
Về phần Thư Tần, nàng phi tần nhà bên, cô cũng có quà là một cây trâm hình hoa lan trân châu. Gọi cô là phi tần nhà bên vì hầu như những cuộc vui lớn nhỏ của chúng phi đều không có phần cô. Tính cách nhã nhặn, đằm thắm khiến nhiều người yêu mến này lại được gửi gắm vào chốn cung hoa bởi bàn tay Thái hậu thật sự là một điều đáng tiếc. Những bát canh tránh thai dưới lớp vỏ là thuốc thúc thai đã nói lên sự nghi kị mà Hoàng thượng dành cho cô.
Thêm vào đó, đoá hoa lan trân châu ngụ ý sinh sôi, phát triển như một cú tát vào mặt Thư Tần lẫn Thái hậu. Người biết chuyện sẽ cảm thấy cây trâm này thật mỉa mai, người không biết chuyện sẽ cho rằng Hoàng thượng rất trông ngóng đứa con được sinh ra bởi Thư Tần. Tiếc là chỉ có Như Ý và khán giả là người hiểu rõ sự việc mà thôi, còn Thư Tần hiện giờ vẫn đang ngất ngây trong men tình quyện đậm mùi hoa lan trân châu mất rồi.
Cuối cùng, phần hấp dẫn nhất xin dành cho Nhàn Quý phi, người duy nhất được tận mắt nhìn thấy cây trâm do Hoàng thượng ngự ban. Các phi tần còn lại đều chỉ được nhìn cây trâm qua lời thoại! (hãy đón xem tập 35 để hiểu rõ hơn nhé) Hoàng thượng đặc biệt tặng cho Nhàn Quý phi một cây trâm hình hoa mân côi. Hoa mân côi là cách gọi khác của hoa hồng. Nếu nói về việc hoa hồng là biểu tượng giàu cảm xúc để nói về tình yêu thì ở ngoài kia đại dương có ai cũng nói được. Bài viết này không tầm thường như vậy.
Được biết trong văn hoá cổ, loài hoa mân côi được biết đến như một loài hoa của thần linh (loài hoa này cũng có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với đạo Công giáo). Đến đây chúng ta có thể thấy vị trí của Như Ý trong lòng Hoàng thượng đã vượt qua khỏi những thứ tình cảm thông thường (có thể là một thứ tình cảm hơi vương mùi nhang đèn, bánh trái?), theo lời Hoàng thượng nói. Và dường như Hoàng thượng muốn mượn sự thiêng liêng của hoa mân côi để thề thốt rằng bản thân sẽ chung thuỷ với Như Ý trọn đời. Ca dao Việt Nam có câu: "Nói lời phải giữ lấy lời, Đừng như con bướm đậu rồi lại bay", hi vọng Càn Long sẽ không vì thứ tình cảm bướm đậu ong bay phàm tục mà làm héo úa đoá mân côi hôm nay tặng cho Như Ý.
Đó là toàn bộ những chiêu trò mà anh trai lịch lãm Hoằng Lịch sử dụng để vuốt ve dàn mĩ nhân đông như một gia tộc của mình. Các bạn nam nên học tập điều này để không làm người đẹp trong lòng mình cảm thấy nhàm chán. Cứ gán một ý nghĩa nào đó thật đặc biệt cho món quà của bạn, người nhận sẽ vui vẻ nâng niu ngay thôi! Đừng lo nếu ý nghĩa đó không chính xác vì tại thời khắc lung linh, lãng mạn như vậy, đến tên mình mà người ta còn có thể quên thì ý nghĩa một loài hoa dễ dàng gì có người nhớ đến!
"Ủa rồi hoa của thiếp đâu?" - Hi Nguyệt lên tiếng.
"Quân khốn nạn! Bổn cung hờn các ngươi hết kiếp này!" - Hi Nguyệt đáng thương.
Theo Saostar
Hé lộ cảnh Càn Long - Hoắc Kiến Hoa cô độc khi về già, fan tức tối chê bai: Đáng đời lắm! Sau khi cảnh quay Càn Long tát Như Ý được hé lộ, làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng fan lại tăng cao. Không ít người bày tỏ sự chán nản, giận dữ với Càn Long. Lại nói về nhân vật Càn Long ( Hoắc Kiến Hoa) ở Hậu cung Như Ý truyện, than ôi, chưa có bộ phim nào mà nam chính...