Sự thật về bìa sách luật có hình diễn viên Công Lý
Dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua, nhưng lại xuất hiện sách Bộ Luật dân sự 2014.
Mới đây, báo chí đưa tin về việc bìa sách Bộ luật Dân sự in hình diễn viên hài Công Lý.
Theo đó, cuốn sách có tên “Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014″. Bìa cuốn sách được in màu đỏ, hình nền là một người đàn ông lực lưỡng, mặc quần xà lỏn, đứng trên một quả cầu lửa và đang dang tay cầm hai cán cân, tuy nhiên khuôn mặt người này lại là của diễn viên hài Công Lý. Cuốn sách được ghi là của Nhà Xuất bản Lao động – Xã hội. Thông tin trên đã khiến nhiều người giật mình.
Bìa cuốn sách có tên “Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014″
Trả lời chúng tôi, tiến sĩ Dương Đăng Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế – Dân sự, Bộ Tư pháp, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Bộ Luật dân sự) tỏ ra vô cùng bức xúc. Ông Huệ cho biết, Bộ luật Dân sư hiện hành có từ năm 2005, dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo. Trong kỳ họp Quốc hội thứ 8 Khóa XIII đang diễn ra, các đại biểu vẫn đang thảo luận về dự án bộ luật sửa đổi.
“Hiện dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chưa được Quốc hội thông qua. Có thể sách này là Bộ luật Dân sự hiện hành (từ năm 2003) và hướng dẫn năm 2014″ – ông Huệ đặt vấn đề.
Video đang HOT
Theo ông Huệ, về nguyên tắc, Bộ Tư pháp chỉ soạn thảo bộ luật. Sau khi được Quốc hội thông qua, việc xuất bản, lưu hành được giao cho cơ quan khác. Mặc dù Bộ Tư pháp không phải chịu trách nhiệm về xuất bản, nhưng theo ông Huệ, đây rõ ràng là sự nhạo báng vào luật pháp.
Theo ông Vụ trưởng, đây là sự việc rất nghiêm trọng, cơ quan của Bộ Tư pháp sẽ có ý kiến chính thức về việc này. Nếu sách này do Nhà xuất bản Lao động – Xã hội in ấn, cơ quan này sẽ phải bị xử lý nghiêm khắc. Nếu sách in lậu, cũng phải làm rõ đối tượng nào làm và động cơ, mục đích ra sao.
“Luật chưa được ban hành, lấy đâu ra mà hướng dẫn thi hành. Đây là sách luật hiện hành bị in sai pháp luật hoặc là làm giả.” – TS. Dương Đăng Huệ nói.
Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Huy Chánh (Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam của Nhà Xuất bản Lao động – Xã hội) cho biết, cuốn sách này được in cách đây ít tháng. Sau khi in ra, nhận thấy sai sót, Nhà xuất bản đã cho thu hồi cuốn sách này.
Tuy nhiên nhà xuất bản thu hồi chưa hết. “Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm còn cuốn nào đang lưu hành sẽ thu hồi hết” – ông Chánh nói.
Tuy nhiên, ông Chánh tỏ ra khá mất bình tĩnh và không trả lời được gì thêm.
Xung quanh vấn đề này, ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Cục đã nhận được phản ánh về cuốn sách luật có bìa in hình phản cảm. Theo ông Hòa, cuốn sách “Bộ luật Dân sự và Văn bản hướng dẫn thi hành 2014″ có in bìa phản cảm của Nhà xuất bản Lao động – Xã hội. Cục đang giao cho các phòng chức năng xác định mức độ sai phạm và đề xuất hướng xử lý phù hợp với cuốn sách có bìa in phản cảm. Được biết, ngày 19//11, Cục Xuất bản sẽ có thông báo về hướng xử lý vụ việc. Diệu Thu
Theo Cảnh Kiên (Khám phá)
Lấy ý kiến dân về bộ luật Dân sự sửa đổi
Chính phủ đề xuất QH cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi với nhiều điểm mới.
Một trong những điểm sửa đổi đáng chú ý của dự thảo bộ luật Dân sự là quy định toà án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng xét xử.
Đọc tờ trình dự thảo trước QH sáng nay, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết trong thời gian qua, do thiếu quy định này trong luật nên không ít trường hợp tòa án đã phải từ chối thụ lý và giải quyết các yêu cầu chính đáng của cá nhân, pháp nhân.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Xin QH cho lấy ý kiến nhân dân về bộ luật Dân sự sửa đổi. Ảnh: Minh Thăng
Theo ông Hà Hùng Cường, quy định sửa đổi cũng phù hợp với tinh thần của Hiến pháp mới về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đảm bảo trách nhiệm của Chính phủ, tòa án nhân dân trong việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán phải vận dụng tất cả các biện pháp hợp pháp để giải quyết yêu cầu của người dân mà không được phép từ chối giải quyết. Cụ thể, trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thoả thuận, pháp luật không có quy định thì áp dụng tập quán (đã được quy định tại bộ luật Dân sự hiện hành). Trường hợp không có tập quán thì áp dụng tương tự pháp luật. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật thì áp dụng những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và "lẽ công bằng" để giải quyết vụ việc dân sự.
Cơ quan thẩm tra, UB Pháp luật QH đồng tình nhưng cũng lưu ý việc cho phép áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật trong thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nói: "Tòa án còn lúng túng trong việc áp dụng quy định tập quán để giải quyết tranh chấp, vì hầu hết các văn bản hiện hành mới chỉ thừa nhận cho phép áp dụng mà chưa có quy định thế nào là tập quán và điều kiện áp dụng tập quán. Các văn bản pháp luật cũng mới dừng ở việc chỉ ra trong trường hợp nào áp dụng tập quán và xác định thứ tự ưu tiên của việc áp dụng".
Việc áp dụng quy định tương tự của pháp luật chưa được quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp, luật Tổ chức tòa án nhân dân và các luật về tố tụng đều quy định "Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật".
Một vướng mắc nữa là vẫn chưa có quy định pháp luật về thế nào là "lẽ công bằng".
UB Pháp luật đề nghị quy định rõ các nội dung về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật và lẽ công bằng trong bộ luật Dân sự làm căn cứ để tòa án áp dụng giải quyết vụ việc dân sự của người dân.
Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi cũng có nhiều điểm mới về tài sản, giao dịch dân sự, sở hữu, chiếm hữu...
Là một bộ luật lớn và có nhiều điểm mới nên Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Chính phủ đề xuất QH cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân. UB Pháp luật tán thành rằng sau khi QH cho ý kiến về dự thảo tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 3/2015. Ý kiến của nhân dân, ĐBQH sẽ được tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý để trình lại QH tại kỳ họp thứ 9.
Theo Vietnamnet
Tòa án phải giải quyết yêu cầu chính đáng của người dân - Đó là nội dung được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự (BLDS) được công bố tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tư pháp sáng qua (16-10). ảnh minh họa Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, một trong những nội dung quan trọng tại dự thảo là tòa án và các cơ quan...