Sự thật khác ở Vinacafe: Công nhân bị… tận thu theo kiểu “5 không”
Ngay sau khi Báo Dân Việt đăng tải bức tâm thư của ông Lê Đình Hoàng- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Cà phê 706 trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam ( Vinacafe), báo đã nhận được phản hồi của lãnh đạo Tổng công ty này. Sau phần trả lời của lãnh đạo Vinacafe trên Báo Dân Việt, ông Hoàng đã tiếp tục có thư phản hồi và cung cấp thêm những sự thật ở Vinacafe.
Một vườn cà phê của Vinacafe Việt Nam- Ảnh: Thanh Tra
Dân Việt xin trích đăng nguyên phần nội dung mà ông Hoàng đã gửi phản hồi:
Thứ nhất: Tôi nhất trí là Tổng công ty (TCT) đang làm đúng lộ trình, nhưng về tiến độ thì tôi khẳng định là chậm bởi lẽ:
Năm 2016 TCT tiến hành thí điểm cổ phần hóa 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV Ia Blan (Gia Lai), Công ty TNHH MTV 734 (Kon Tum), Công ty 715B (Đăk Lăk). Theo quyết định của cấp có thẩm quyền, 3 công ty này phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2016 và hoạt động theo loại hình công ty cổ phần từ 01.1.2017.
Vậy nhưng đến 31.3, Công ty Ia Blan mới dừng lại ở khâu xác định giá trị doanh nghiêp; Công ty 734 thì đang thua lỗ nghiêm trọng đến gần trăm tỷ đồng, Giám đốc công ty đang chạy đôn chạy đáo để làm viêc với công ty mua bán nợ.
Mà nếu không bán được nợ thì coi như cổ phần hóa thất bại. Như vậy rõ ràng việc cổ phần hóa ở TCT không những chậm mà nguy cơ không thành công là rất lớn nếu với tinh thần chỉ đạo như hiện nay. Tôi nói chậm là hoàn toàn có cơ sở.
Hai là: Về cơ chế khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô
Vì sao tôi nói như vậy, dẫu biết rằng các công ty nông nghiệp về nguyên tắc đều phải thực hiện theo nghị định 135-CP/2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế thì các công ty ở Đăk Lăk đang xảy ra điều gì đã rõ rồi. Tôi chỉ nói ở Gia Lai và Kon Tum.
Video đang HOT
Ở Gia Lai, TCT có 8 doanh nghiệp thì chỉ có Công ty cà phê Đăk Đoa là có đầu tư một phần. Ở Kon Tum, 4 công ty thì chỉ có 1 công ty khoán có chi phí, còn lại 3 công ty khoán trắng. Như vậy riêng 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã có 10 công ty khoán theo kiểu “5 không”: Không vật tư phân bón, không nước tưới, không tiền lương, không bảo hiểm, không kinh phí công đoàn.
Các chi phí nêu trên do công nhân tự lo liệu. Công ty chỉ giao vườn cây cho người lao động nhận khoán, cuối năm thu về một lượng sản phẩm nhất định tuỳ từng đơn vị. Như vậy nên gọi loại hình khoán này là gì ? Nói đích danh là khoán trắng cũng được, cho thuê vườn cây cũng được mà phát canh thu tô cũng đâu có sai?
Ông Lê Đình Hoàng – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cà phê 706.
Ba là: Về Thoái vốn bằng cách bán thẳng vườn cây cho người lao động:
TCT nói không nằm trong chương trình cổ phần hóa. Tôi cũng biết như vậy, nhưng đây là kiến nghị của tôi lên Thủ tướng. Theo tôi đó là phương án tốt nhất trong tình hình hiện nay, vừa phát huy tiềm năng đất đai, nhân lực và đặc biệt là tính hiệu quả rất cao, có lợi cho Nhà nước và người lao động…
Một thí dụ: Công ty CP giống cây trồng Vinacafe Tây nguyên (714 Phạm Văn Đồng thành phố Pleiku, Gia Lai) thuộc TCT cà phê Việt Nam. Khi giải thể, hơn 30ha cà phê đã được bán cho người lao động với giá 400 triệu đồng/ha; thu về 12 tỷ đồng. Người lao động vô cùng phấn khởi bởi vừa được quyền làm chủ thực sự đất đai, tăng hiệu quả sản xuất vừa và được đảm bảo chế độ, quyền lợi đúng quy định của pháp luật…
Nếu còn nghi ngờ về hiệu quả của việc thoái vốn bằng cách bán thẳng vườn cây cho người lao động thì xin hãy làm thí điểm một vài công ty trong đội hình sẽ biết được tính hiệu quả của nó…
*Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sư việc này.
Theo Danviet
Người phụ nữ 50 năm kế thừa di sản cà phê Buôn Mê
Được biết đến như một nghệ nhân nhân trồng cà phê nổi tiếng tại Buôn Mê Thuột, đồng thời là một doanh nhân cà phê có tiếng, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đã có hơn 50 không mệt mỏi góp phần bảo tồn, phát triển di sản cà phê của người Buôn Mê. Bà cũng là người cung cấp hạt cà phê cho Vinacafé từ những ngày đầu, góp phần đưa thương hiệu cà phê Buôn Mê vang xa.
Người suốt đời "say" cà phê
Hơn nửa đời người mang dòng chảy Buôn Mê trong huyết quản, hun đúc nên khí chất mạnh mẽ mà mộc mạc, chân thành đặc thù của người Buôn Mê, nhưng ít ai ngờ, doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh lại không phải là người gốc Buôn Mê.
Năm 10 tuổi, bà theo gia đình từ Bình Định đến Buôn Mê lập nghiệp. 12 tuổi, bà làm thuê cho các đồn điền cà phê của người Pháp. Và duyên nghiệp của bà với cây cà phê cũng bắt đầu từ đó. Đến năm 15 tuổi, bà bạo dạn mượn thẻ căn cước (chứng minh thư) của một người lớn tuổi hơn để được vào làm công nhân tại Viện Nghiên cứu cà phê thuộc Trung tâm thực nghiệm Eakmăt, theo lời giới thiệu của người thầy, để được "cọ xát" với cà phê. Từ các chuyên gia, bà đã học hỏi được các kỹ thuật trồng, phơi sấy đến rang xay, thử vị cà phê.
Sau giải phóng, gia đình bà từ chỗ đi làm thuê cho đồn điền cà phê đã có rẫy cà phê riêng. Bà cũng tích cực tham gia công tác đoàn hội ở địa phương để vận động nông dân trồng cà phê. Thời điểm những năm đổi mới (1986), bà cũng là một trong những người đầu tiên ở Buôn Mê Thuột vừa trồng, vừa giới thiệu và quảng bá cà phê. Đến năm 1992 - thời điểm giá cà phê xuống thấp - bà quyết định bứt ra kinh doanh cà phê với mong muốn giúp người nông dân có thể tiêu thụ được sản phẩm. Hiện tại, ngoài thu mua cà phê, cung cấp cà phê hạt cho các doanh nghiệp cà phê trong nước, bà cũng có cơ sở rang, xay chế biến cà phê riêng để bán cho khách du lịch .
Nói về tình yêu với mảnh đất Buôn Mê và cây cà phê, bà bộc bạch: "Ba đời gia đình tôi đã sống tại mảnh đất này. Tôi coi Buôn Mê là quê hương, là máu thịt. Riêng cây cà phê, nó là cả di sản của người Buôn Mê, hơn ai hết, tôi muốn bảo tồn, phát triển nó bằng chính trái tim của người con Buôn Mê."
Cung cấp hạt cà phê và mối "lương duyên" kỳ lạ
Từ năm 1995 cho đến nay, bà đã được Vinacafé lựa chọn là nhà cung cấp hạt cà phê chính. Bà cho rằng, đó là một mối "lương duyên" kỳ lạ: "Nơi đầu tiên tôi làm công nhân là đồn điền cà phê của một chủ nghiệp người Pháp Marcel Coronel. Khi tôi bắt đầu kinh doanh cà phê, lần đầu tiên tôi cung cấp cà phê cũng là cung cấp cho nhà máy cà phê hòa tan đầu tiên tại Biên Hòa (Vinacafé bây giờ) do ông này làm chủ."
Nói về việc được Vinacafé lựa chọn là nhà cung cấp chính, bà cho rằng, tiêu chí chọn cà phê của bà và doanh nghiệp này có sự tương đồng và nhất quán từ trước đến nay: "Tâm huyết của tôi là giữ được cái gốc cà phê Buôn Mê đúng chất của nó nên khi bắt đầu kinh doanh cà phê, tôi đưa ra tiêu chuẩn rất cao cho những người nông dân như: phải hái quả chín mọng, phơi ngay, phơi đủ nắng, không được để mốc meo, đen, ẩm. Do đó, ai cảm thấy cà phê của họ chất lượng thì mới bán cho tôi. Còn Vinacafé thì tiêu chí của họ cũng khắt khe không kém là cà phê chất lượng tốt, cà phê chính gốc Buôn Mê nên họ chọn tôi, giống như hai cái khắt khe nhất gặp nhau vậy!"
Các nhà nghiên cứu về cà phê đã từng khẳng định, đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, con người đã giúp cà phê Buôn Mê phát triển và có chất lượng mà không nơi nào có được. Bà cũng cho rằng, việc một doanh nghiệp lấy cà phê Buôn Mê làm gốc là giữ đúng chất cà phê Việt.
Đau đáu vì một di sản cà phê chưa thể vươn xa
Cà phê Buôn Mê có vị đậm, thơm nồng rất riêng, không gắt, không chua, không chát, hậu dịu. Nó không đơn thuần là một loại thức uống mà là di sản của người Việt. "Người Pháp trước đây vào Việt Nam đã quy hoạch vùng Tây Nguyên chuyên trồng cà phê nhưng chỉ có 200.000 ha cà phê thuộc địa lý Buôn Mê Thuột là thích hợp nhất cho cây cà phê phát triển. Theo đó, giống cà phê Robusta là đặc trưng của vùng đất này và hương vị của nó được đánh giá là ngon nhất thế giới." - bà cho biết thêm.
Tuy nhiên, bà cũng rất trăn trở khi thực tế, cà phê Buôn Mê Thuột đang bị chìm lắng trên thế giới. Thậm chí, chính người Việt cũng không biết đến hương vị nguyên bản cũng như giá trị của cà phê Buôn Mê. Do đó, tâm huyết đến tận cùng với cây cà phê, hạt cà phê Buôn Mê, bà đã làm nhiều cách để góp phần cho cà phê Buôn Mê vươn xa. Kêu gọi các nhà quản lý, kết hợp với Hiệp hội cà phê Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo quảng bá cà phê Buôn Mê, làm du lịch... là cách bà nỗ lực để phát triển di sản cà phê Buôn Mê.
Việc mở ra khu du lịch sinh thái Kotam lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Êđê, trong đó có trồng, chế biến cà phê cũng xuất phát từ việc bà muốn nhiều người biết đến và thưởng thức đúng hương vị cà phê Buôn Mê. Bên cạnh đó, bà nhận thấy, một doanh nghiệp cà phê như Vinacafé chọn cà phê Buôn Mê làm nguyên liệu chính cũng đóng góp rất lớn vào sự phát triển của cà phê Buôn Mê.
Giờ đây, ở cái tuổi ngoài 60, người phụ nữ ấy vẫn miệt mài bảo tồn, phát triển di sản cà phê Buôn Mê trứ danh. Bà cho rằng, đó là một sự kế thừa mà bất cứ người con Buôn Mê nào cũng cần làm và nên làm. Hy vọng, thế hệ tiếp nối bà là những người cháu sẽ tiếp tục thay bà phát triển di sản này đến muôn đời sau.
Thông tin về sản phẩm
Chắt lọc dưỡng chất từ miền đất đỏ bazan màu mỡ hơn 9 tháng nắng mưa, những hạt cà phê Buôn Mê Thuột được phơi khô tự nhiên trong nắng mà không sấy khô công nghiệp. Chính điều đó tạo nên hương vị trứ danh của một trong những ly cà phê ngon nhất Việt Nam.
Vinacafe Original Buôn Mê Thuột 3 in 1 mới - tuyển chọn từ 100% hạt cà phê Buôn Mê Thuột, kết hợp bí quyết rang truyền đời của các nghệ nhân Vinacafe, mang đến ly cà phê ngon đúng chất: thơm nồng từng ngụm nhỏ - đắng đậm ngay đầu lưỡi - ngọt thanh nơi cổ họng.
Theo Dantri