Sự thật đau lòng về thành phố amiăng ở nước Nga
Cư dân của thành phố coi tất cả các nhà báo đến nơi đây là những người đối lập với Công ty Uralasbest, được hậu thuẫn bởi các thế lực bí ẩn của “một chiến dịch chống amiăng toàn cầu”.
Lá cờ của thành phố với khẩu hiệu: “ Asbest – Thành phố của tôi, số phận của tôi!”
PV xin tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc bài viết của nữ nhà báo Anna Nemtsova, một phóng viên phụ trách khu vực Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ của Tạp chí Newsweek và tờ The Daily Beast. Ngoài ra, Anna cũng cộng tác cho nhiều tạp chí có uy tín như The Washington Post, NBC News…
Bài viết dưới đây của Ann Nemtsova được đăng tải trên trang web của Pulitzer Center on Crisis Reporting (Trung tâm Pulitzer về Báo cáo Khủng hoảng), một tổ chức truyền thông được thành lập nhằm hỗ trợ các báo cáo độc lập về các vấn đề toàn cầu.
Trong bài viết này, tác giả đã có những ghi chép chân thực một chuyến thực tế tới Asbest và tại đây, cô đã cảm nhận được nỗi sợ hãi đầy mâu thuẫn của người dân Asbest khi cuộc sống của họ bị gắn chặt với ngành công nghiệp amiăng.
Dưới đây là nội dung của bài viết:
Trong một buổi chiều lạnh lẽo đầu tuần này, một chiếc SUV đậu bên mép của khu mỏ khổng lồ ở thành phố Asbest, Nga. Với chiều dài 11km và sâu tới 300m, đây là mỏ amiăng lộ thiên lớn nhất trên thế giới. Hai người phụ nữ trẻ trong những chiếc áo khoác sáng màu bước ra khỏi xe để hút thuốc và nhìn ngắm khung cảnh bát ngát của những gì đã từng là ngành công nghiệp chính và là niềm tự hào lớn nhất trong hơn một thế kỷ qua ở Asbest.
Với tâm trạng vui vẻ, những người phụ nữ nhìn những chiếc xe tải và xe ủi nhỏ như những món đồ chơi đang khoét những mẻ amiăng dưới đáy của khu mỏ sau đó đổ nó vào các xe goòng và vận chuyển dọc các đường ray. Các bậc thang bên thành khu mỏ cùng với những đường ray chạy dài về phía chân trời trông giống như những sợi amiăng khổng lồ.
Mỏ amiăng tại Asbest là mỏ amiăng lộ thiên lớn nhất thế giới với chiều dài tới 11km.
Video đang HOT
Nếu như bạn có thể gạt bỏ những ý nghĩ về bụi gây ung thư đang thổi khắp nơi này thì đây quả thực là một khung cảnh rất hùng vĩ. Rất nhiều thế hệ công nhân Nga đã làm việc ở khu mỏ này kể từ cuối thế kỷ 19. Khi tôi hỏi hai người phụ nữ mặc áo khoác về quá khứ của họ với khu mỏ này, Yulia Talipova nói: “Cha tôi làm việc ở đây trong 20 năm. Đây là quê hương của chúng tôi”.
Là một đầu bếp chuyên nghiệp, Yulia đã buộc phải rời khỏi quê nhà để tìm việc làm. Cô có được một công việc mới ở một thành phố của Novy Urengoi, nơi cô được trả 950 USD mỗi tháng, gấp 2 lần mức lương cô kiếm được trước đây tại Asbest. Sau nhiều tuần bị hành hạ bởi nỗi nhớ nhà, cô quyết định quay trở về quê hương yêu dấu của mình. Ngay khi về tới nơi, cô đã vội vã ra ngoài để ngắm nơi hấp dẫn nhất của thành phố: Khu mỏ amiăng.
Yulia và bạn của cô, Lilia Orlova dường như không quan tâm về việc họ đang hít vào người những sợi amiăng mà ở phương Tây người ta biết tới như một nguyên nhân gây ra các bệnh phổi. Họ lo lắng những điều khác. Khi tôi hỏi Orlova, một người phụ nữ trẻ, đẹp về mối nguy hiểm tiềm ẩn (của sợi amiăng), cô ấy đã nhìn tôi rất lâu với ánh mắt sắc lạnh. “Chị đến đây để chỉ trích việc sản xuất amiăng? Chúng tôi lo rằng chiến dịch chống amiăng quyết liệt ở phương Tây có thể làm ảnh hưởng tới thị trấn của chúng tôi. Nếu như, lạy trời điều đó không xảy ra, Uralasbest đóng cửa, cuộc sống của toàn bộ thị trấn cũng sẽ chấm hết”.
Nikolai Novosyolov, một người khác cũng đang đứng quan sát bên mép khu mỏ chia sẻ quan điểm của anh cho rằng, việc sản xuất amiăng trắng trong thành phố của anh là vô hại. Anh khẳng định với tôi rằng, bụi amiăng có thể “rửa sạch ra khỏi cơ thể bằng các chất lỏng”. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa anh không lo lắng gì. “Cùng với việc khai thác amiăng, Uralasbest cũng bơm nước ngầm ra khỏi nơi này”, anh giải thích. “Nếu như họ dừng lại, khu mỏ này sẽ trở thành một cái hồ khổng lồ. Tôi lo lắng về những tác động nó sẽ gây ra với môi trường”.
Những từ “sợ hãi”, “lo lắng”, “e ngại”, “lo âu” xuất hiện đây đó trong cuộc phỏng vấn ngày đầu tiên của tôi tại thành phố tại thành phố Asbest, nơi chỉ sống dựa vào một ngành công nghiệp duy nhất là amiăng. Như hầu hết 400 thị trấn giống như Asbest, cuộc sống của đa phần 67 ngàn người (khoảng 6,7 ngàn người làm công việc sản xuất amg) phụ thuộc vào sở thích, tâm trạng và quyết định của vị giám đốc công ty Uralasbest, chủ sử dụng lao động độc quyền tại thành phố.
Bất cứ ai ở thành phố này đánh mất “ân huệ” của Uralasbest đồng nghĩa với việc phải đối mặt với một tương lai đen tối. Cư dân của thành phố coi tất cả các nhà báo đến nơi đây là những người đối lập với Công ty Uralasbest, được hậu thuẫn bởi các thế lực bí ẩn của “một chiến dịch chống amiăng toàn cầu”. Nhiều lần chúng tôi cố gắng giải thích rằng chúng tôi đến đây để thực hiện dự án về hướng phát triển của các thành phố được xây dựng dựa trên một ngành công nghiệp duy nhất ở Nga (như Asbest – tiếng Anh: monotown) và không có bất cứ ai từ “phong trào chống amg” trả tiền cho chúng tôi cả. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của chúng tôi đều vô vọng.
Tình hình thực sự trở nên nghiêm trọng khi chúng tôi bước sang ngày thứ 3 tại đây. Người quản lý khách sạn nơi chúng tôi ở hé lộ cho tôi một thông tin bất ngờ: “Khoảng 6 giờ sáng nay có hai người đàn ông hỏi bà ở đâu”, người quản lý nói. “Nhưng chúng tôi từ chối chia sẻ thông tin của khách hàng. Họ không cho chúng tôi xem thẻ căn cước. Cả hai người đều nói họ đến để đảm bảo an toàn cho bà”.
Vào cuối ngày hôm đó, tôi phỏng vấn các bệnh nhân tại Phòng khám Đa khoa số 3, một trong những cơ sở y tế chính của thị trấn. Bác sĩ chuyên khoa ung thư duy nhất của thành phố tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân mỗi ngày, giám đốc phòng khám nói với chúng tôi. Trong số 4 bệnh nhân xếp hàng bên ngoài cửa phòng của bác sĩ, có 2 người mắc ung thư. Galina Brusnitsyna, một bệnh nhân ung thư vú từng làm việc 36 năm tại Ural Asbest. “Cứ hai người (làm việc tại Ural Asbest) thì có một người có bụi phổi (asbestoses) – những sợi amiăng rất nhỏ – bên trong phổi”, Brusnitsyna nói với chúng tôi. “Đặc biệt là các công nhân thường bị bỏ qua các quy định về việc mang mặt nạ phòng độc”.
Một bệnh nhân khác, Ivan Solodayev, 56 tuổi, ung thư phổi giai đoạn 4. Anh ta không biết rằng căn bệnh ung thư của mình có phải do amiăng gây ra hay không nhưng anh muốn giúp các nhà nghiên cứu. Solodayev giới thiệu chúng tôi nói chuyện với vợ mình, người làm việc tại một trạm xăng của thành phố.
Chỉ vài phút sau khi chúng tôi bước vào trạm xăng, chiếc điện thoại trên bàn của Nina Solodayeva reo vang. Đội bảo vệ yêu cầu cô không được nói chuyện với người lạ. Trong ngày hôm đó, Solodayeva bị sa thải. Hóa ra, trạm xăng cũng thuộc sở hữu của công ty và cô ấy đã vi phạm điều luật khi để người lạ vào một “cơ sở của Uralasbest”.
Để chính quyền chú ý tới trường hợp bất thường này, chúng tôi vội vã đến tòa thị chính để khiếu nại trường hợp của Solodayeva. Nhà chức trách hứa rằng, Solodayev và vợ của ông sẽ nhận được sự giúp đỡ và hỗ trợ từ chính quyền thành phố. Họ cũng khẳng định rằng, “chiếc xe lạ” đã bị khách sạn của chúng tôi ngăn lại sẽ không theo chúng tôi nữa.
Các nhóm xã hội dân sự ở Asbest không tin vào những lời đảm bảo này. “Không có gì ở nơi đây là &’độc lập’ cả, chị biết đấy”, Vladimir Shestakov, chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí thức của thành phố giải thích với tôi. Thực sự, tôi giải thích, tôi không hề biết điều này. Tôi tôi hỏi anh rằng ý của anh ấy là gì, Shetakov đã trả lời một cách ngắn gọn: “Nếu chị sống ở Asbest, chị phải hết sức thận trọng”. Sau đó, anh ta hủy bỏ cuộc hẹn mà chúng tôi đã lên lịch từ trước vào cuối ngày hôm đó.
Vì sao có nhiều nỗi sợ hãi đến vậy ở Asbest? Tôi đã mang câu hỏi này hỏi Yuri Druzhinin, một chuyên gia của chính quyền địa phương. “Mọi người đều lo rằng việc sản xuất amiăng có thể bị dừng lại do sự chỉ trích của quốc tế đối với ngành công nghiệp này”, Druzhinnin nói. “Lợi nhuận của Uralasbest đã giảm 2,5 lần trong 9 tháng qua. Tương lai của thị trấn là mối quan tâm chính của tất cả quan chức chính quyền thành phố”.
Cùng ngày hôm đó, quan chức của Bộ Lao Động ở Moscow đưa ra một ý tưởng mà họ tin rằng sẽ giúp được các công dân ở Asbest và những monotowns khác khắc phục nỗi sợ của họ và chuyển tới một nơi khác. Bộ Lao động Nga hứa sẽ trả khoảng 9.400 USD cho gia đình nào đồng ý rời khỏi các monotown của Nga và 25 ngàn đô la cho gia đình nào đồng ý dời đến vùng Viễn Đông (có lẽ là vì số người ở khu vực này của nước Nga giảm mạnh trong những năm gần đây do tỉ lệ sinh thấp và một số lượng lớn những người trẻ tuổi rời đi).
Vào đầu năm 2014, mỗi công dân sống tại hàng trăm các monotown ô nhiễm của Nga sẽ có cơ hội quên đi nỗi sợ của họ bằng cách chuyển tới nơi khác sinh sống. Một số công dân đang thất nghiệp, đặc biệt là những người trẻ sẽ rất hạnh phúc với chính sách này. Các khoản trợ cấp, mặc dù không đủ để mua một căn nhà mới vẫn có thể là một động lực lớn với các gia đình trẻ nhưng người sẵn sàng cho một cuộc sống mới.
Đó là những người trẻ, vậy những người còn lại thì sẽ ra sao?
Theo Vietnamnet
Amiăng trắng làm tấm lợp cũng gây ung thư
Việt Nam là một trong 10 nước sử dụng nhiều nhất amiăng trắng để sản xuất tấm lợp. Các nghiên cứu trên thế giới đều khẳng định, tất cả amiăng, kể cả amiăng trắng, đều gây ung thư.
Đây là ý kiến của trên 100 đại biểu thuộc Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, đại diện Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Tổ chức Y tế Thế giới... tại hội thảo về amiăng diễn ra tại Hà Nội ngày 17/7.
Ảnh minh họa
Bà Socorro Escalante, chuyên gia về sức khoẻ môi trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cho biết, trên thế giới có 7 nước phản đối Công ước Rotterdam về amiăng, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam là quốc gia duy nhất nhập nhẩu, 6 quốc gia còn lại (Nga, Trung Quốc, Canada...) đều là nước xuất khẩu. Đồng thời Việt Nam cũng là 1 trong 10 nước sử dụng nhiều nhất lượng amiăng trắng trên thế giới để sản xuất tấm lợp.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, tại một số quốc gia phát triển, amiăng trắng chỉ còn sử dụng trong công nghệ quốc phòng, nhà máy điện hạt nhân, tuy nhiên ở Việt Nam nó lại chủ yếu được dùng để sản xuất tấm lợp. Thậm chí, tại các vùng cao người dân còn sử dụng tấm lợp này để hứng nước mưa dùng cho sinh hoạt, vô tình sử dụng phải nước có nhiễm amiăng.
Tổ chức Y tế Thế giới khẳng định, amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất, ước tính gây ra một nửa số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp. Tác hại tiềm tàng không chỉ với sức khỏe của người lao động mà cả với những người sinh sống tiếp xúc với chất này.
Thời gian ủ bệnh sau khi tiếp xúc với chất này thường kéo dài 20-30 năm. Nó xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và đâm xuyên qua da gây nên một số bệnh như: bệnh bụi phổi, ung thư phổi, trung biểu mô, thanh quản, buồng trứng...
Giáo sư Ken Takahashi, ĐH Sức khoẻ môi trường và nghề nghiệp Nhật Bản cũng cho biết, sau hơn 40 năm các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về tác hại của tất cả các loại amiăng. Kết luận chung là các loại amiăng, gồm cả amiăng trắng, đều gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư. Mỗi năm trên toàn cầu có 107.000 người chết và hơn 1,5 triệu người bị khuyết tật do các bệnh có liên quan đến amiăng như ung thư phổi, bụi phổi...
Tại Việt Nam, bệnh bụi phổi animăng được công nhận là bệnh nghề nghiệp được đền bù từ năm 1976, nhưng mới giám định và đền bù được 3 trường hợp. Nhiều bệnh liên quan đến chất này chưa được thống kê đầy đủ. Kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2011 khẳng định, Việt Nam đã có nhiều trường hợp ung thư trung biểu mô. Cụ thể có 80% ca ung thư trung biểu mô có liên quan đến amiăng.
Chính vì gánh nặng bệnh tật và gánh nặng tài chính do các bệnh liên quan đến amiăng, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Lao động quốc tế đều khuyến nghị cấm hoàn toàn mọi dạng amiăng. Đây là cách hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh liên quan đến chất này.
"Amiăng trắng là tác nhân gây nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư trung biểu mô. Không có ngưỡng an toàn trong việc sử dụng amiăng, càng tăng sử dụng thì càng tăng tỷ lệ ung thư", thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.
Theo thứ trưởng, các công trình nghiên cứu về ung thư trên thế giới đã cho thấy rõ amiăng là tác nhân gây ung thư. Vì thế, những nghiên cứu đánh giá về tác hại của nó với sức khỏe là không cần thiết. Ngược lại, cần tìm hướng xử lý các vật liệu thải có chứa chất này trong cộng đồng, để đảm bảo môi trường sống của cộng đồng được an toàn hơn.
Sau hội thảo này, Bộ Y tế sẽ có văn bản báo cáo Thủ tướng để sớm đưa amiăng vào danh mục hoá chất độc hại của Công ước Rotterdam, tiến tới cấm sử dụng hoàn toàn chất này tại Việt Nam.
Phương Trang
Theo VNE
Thủ tướng viết blog mời gọi đầu tư Người đứng đầu Chính phủ VN vừa có bài viết trên trang blog thuộc trang web của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Bài viết được gửi và đăng tải vào dịp hội nghị của WEF về Đông Á, tổ chức tại Philippines ngày 22/5. Trong bài viết được đăng tải trên mạng xã hội này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mô tả...