Sự thật chuyện hài cốt trong Tháp Rùa (Kỳ 3)
Trong hai kỳ báo trước, chúng tôi đã trích dẫn ý kiến của một số nhà khoa học, các tài liệu qua đó cho thấy, nhiều khả năng câu chuyện “Bá Hộ Kim xây tháp Rùa với dụng ý riêng” chỉ là những câu chuyện mang tính đồn thổi.
Để tìm thêm tư liệu nhằm làm sáng tỏ nghi án này, PV đã bỏ nhiều công sức, lần theo những tư liệu ít ỏi để tìm gặp những hậu duệ của “Bá Hộ Kim”.
“Khó có chuyện xây mộ giữa hồ”
Qua tra cứu nhiều tư liệu, chúng tôi đã xác định được họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu (năm nay đã 87 tuổi) là cháu nội của Nguyễn Hữu Kim. Cách đây chừng 20 năm, bắt đầu từ khoảng năm 1982, sau khi về hưu ông đã cất công truy tìm lại những tư liệu, dấu tích lịch sử để làm lại gia phả cho gia đình mình. Tiếc rằng khi tìm đến nhà ông ở (số 21 phố Gia Ngư, Hà Nội) thì ông đã bán nhà để chuyển vào miền Nam sinh sống. Tuy nhiên ông Nguyễn Đỗ Ngọc (là con thứ 5 của họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu) thì vẫn ở Hà Nội hiện ở tại phố Hồng Hà ( P. Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội). ông Ngọc được cha ủy thác và gửi lại toàn bộ những tư liệu về gia đình, dòng tộc.
Chia sẻ với PV, ông Ngọc cho biết: Do những năm còn bao cấp trước đây gia đình sợ việc làm lại gia phả sẽ ảnh hưởng tới lý lịch của những người nhà còn đang công tác. Vì đúng là đời cụ (Tức Bá hộ Nguyễn Hữu Kim) thuộc tầng lớp đại phú, hơn nữa cụ lại bị mang nhiều tiếng xấu xung quanh việc xây tháp Rùa. Do đó mãi đến năm 1982, sau khi nghỉ hưu bố anh (Họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu) mới bắt đầu công việc làm lại gia phả cho dòng họ, vì thế rất nhiều những tư liệu về dòng họ và tổ phụ Nguyễn Hữu Liên (Bá Hộ Kim) cũng chỉ còn sót lại rất ít.
Theo như cuốn gia phả mà anh Ngọc cho PV xem thì tính từ đời ông Nguyễn Hữu Liên (tức Bá Hộ Kim) trở về sau thì rất rõ ràng. Tuy nhiên, phần từ đời “Bá Hộ Kim” ngược trở về trước lại bỏ trống do chưa tìm thấy những tư liệu để xác định một cách rõ ràng.
Giải thích cho việc trên, ông Ngọc cho biết: “Bố tôi là một người rất cẩn thận và nghiêm túc trong việc làm lại gia phả, ghi lại những biến cố những câu chuyện của dòng họ. Những sự việc sự kiện luôn được ông so sánh đối chiếu với nhiều nguồn tư liệu chứ không phải chỉ là những câu chuyện truyền miệng. Những gì chưa được khẳng định một cách rõ ràng ông đều để trống để con cháu đời sau làm tiếp”.
Dù những tư liệu về thân thế và hành trang của tổ phụ Nguyễn Hữu Liên còn lại rất ít, nhưng theo ông Ngọc thì: “Không hề có chuyện cụ nội tôi (Bá Hộ Kim) mang hài cốt cha mẹ ra táng ở trong tháp Rùa. Giả sử nếu có táng ở đó, dù còn hay là đã bị vứt xuống dưới hồ thì chắc chắn mọi người trong gia đình sẽ phải có trách nhiệm ra đó hương khói hàng năm chứ không thể bỏ hoang được. Hiện dòng họ Nguyễn Hữu chỉ có duy nhất một nhà thờ tổ tại số 29 phố Hai Bà Trưng. Hàng năm cứ vào dịp lễ tết thì mọi người trong họ phải quay về đây để làm lễ, kính nhớ tới tổ tiên”.
Video đang HOT
Ông Ngọc cũng cho biết thêm, hiện nay dù gia đình và dòng họ vẫn đang cố công đi tìm. Thế nhưng một điều khiến mọi người vẫn luôn đau đáu, đó là mới chỉ có mộ của vợ Bá Hộ Kim thì còn xác định được, hiện đang ở tại nghĩa trang thành phố Hà Nội còn phần mộ của “Bá Hộ Kim” – Nguyễn Hữu Liên chưa xác định được. Nguyên nhân được ông Ngọc giải thích là do sự loạn lạc của chiến tranh và một thời gian dài không có điều kiện để tìm lại.
Tháp Rùa là một công trình “kỷ niệm nghề”?
Cũng theo những người trong gia tộc, dù không còn tư liệu văn được viết trong gia phả nhưng từ những lời truyền miệng từ đời này qua đời khác thì “Bá Hộ Kim” vốn xuất thân với nghề chính làm thầu xây dựng, chủ yếu là tôn tạo, xây dựng chùa chiền. Vào thời đó miền Bắc đang là một công trường ngổn ngang với những con phố mới mọc lên khắp mọi nơi, nhà cửa chùa chiền được xây dựng nhiều. Chính vì thế nhờ sự nhanh nhạy trong làm ăn của mình, Nguyễn Hữu Liên (Bá Hộ Kim) đã trở thành một trong những người giàu có tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ. Chỉ tính riêng về nhà cửa đã trải khắp các phố Hàng Khay, Hàng Giò, Hàng Bài, Hàng Trống, Hàng Gai…
Cũng một phần do chuyên về xây dựng tôn tạo chùa chiền nên lúc sinh thời, ông Nguyễn Hữu Liên luôn ấp ủ muốn để lại một công trình nào đó cho con cháu và cũng để cảm ơn cái nghề đã giúp ông trở nên giàu có. Tuy nhiên, thời điểm này tình cảnh xã hội đang rất rối ren và bất ổn, công cuộc khai thác thuộc địa khiến Pháp rậm rịch “cấu trúc lại thành phố” mà tiêu biểu nhất là việc lấp hồ, phá chùa Báo Thiên để làm con đường Đinh Tiên Hoàng. Lo sợ công trình của mình xây lên rồi sẽ bị phá đi, nên mới chọn vị trí gần như không bao giờ bị động chạm của… gò Rùa ở giữa Hồ Gươm. Với điều kiện về kinh tế và những mối quan hệ của mình khi đó, Nguyễn Hữu Liên đã nhanh chóng được Pháp bật đèn xanh cho việc “tô” thêm một ngọn tháp ở giữa hồ ngay trên gò Rùa(?).
Nhà sử học Phạm Quốc Sử: “Trong một đất nước thì vấn đề lịch sử là một vấn đề hết sức quan trọng cần phải đưa lên hàng đầu, không chỉ bởi mục đích giáo dục mà đó còn là niềm tự tôn dân tộc, là sức mạnh truyền thống. Lịch sử trong bất cứ trường hợp nào cần phải được nhìn nhận một cách thẳng thắn và chính xác”.
Trong quá trình đi tìm hiểu những vấn đề xung quanh chuyện xây tháp Rùa ở hồ Gươm, PV được biết, cho đến nay đã có một số người cất công truy lại những bản thiết kế gốc của ngôi tháp này nhưng do thời gian quá lâu, đất nước lại phải trải những biến cố lịch sử lớn nên tất cả những sự tìm kiếm trên đều không đem lại kết quả.
Về những truyền thuyết đồn đại xung quanh việc xây tháp của ông nội mình, bà Đỗ Thị Oanh (vợ của họa sĩ Nguyễn Ngọc Châu-tức cháu dâu của “Bá Hộ Kim”) thở dài: “Rất tiếc là những câu chuyện về tổ phụ Nguyễn Hữu Liên đến nay chúng tôi không có tư liệu để chứng minh. Tuy nhiên, chỉ mong mọi người khi tiếp cận với câu chuyện này thì hãy tiếp cận với tâm thế: Những gì là truyền thuyết thì hãy cứ nên nhìn nó ở góc độ truyền thuyết. Với một đất nước giàu truyền thống văn hóa, với rất nhiều những kho tàng cổ tích và truyền thuyết như Việt Nam, có thể nói rằng những công trình tồn tại hơn một thế kỷ thường bị bao phủ bởi một hay vài câu chuyện mang nhiều yếu tố cổ tích, truyền thuyết nào đó”.
Như vậy, đến thời điểm này vẫn chưa có những bằng chứng thực sự rõ ràng về chuyện “Bá Hộ Kim” xây dựng với mục đích gì. Bởi trên thực tế, đến hiện nay dòng họ và hậu duệ của “Bá Hộ Kim” cũng không xác định được chính xác phần mộ của cả “Bá Hộ Kim” chứ chưa nói đến thân sinh của nhân vật này. Những lí lẽ của hậu duệ “Bá Hộ Kim” cũng chỉ là những câu chuyện mang tính chất truyền miệng trong dòng họ nên cũng chỉ là phỏng đoán. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, những nhận định từ một văn bản (như của nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện) cũng chưa có bằng chứng cụ thể để chứng minh. Nhưng có một điều thực tế là, dòng Nguyễn Hữu có rất nhiều người đi theo cách mạng và đã có những đóng góp nhất định cho Hà Nội nói riêng và đất nước nói chung.
Theo Phạm Khoa (Đời sống pháp luật)
Sự thật chuyện hài cốt trong Tháp Rùa (Kỳ 2)
Bá Hộ Kim (tức Nguyễn Hữu Kim) đã được nhiều học giả khẳng định là người xây tháp Rùa, tuy nhiên những tình tiết về mục đích xây tháp Rùa thì hiện không có nhiều tư liệu.
Để làm rõ vấn đề này, trước hết PV đã tham vấn nhiều ý kiến chuyên gia để phân tích thêm về văn bản của nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện cũng như các giả thuyết khác.
Tháp Rùa có phải là hậu chẩm của chùa Báo ân
Trong cuốn "Lịch sử thủ đô Hà Nội" của nhóm tác giả do nhà sử học Trần Huy Liệu đứng đầu xuất bản năm 1960, tại trang 410 có ghi về tháp Rùa như sau: "Năm 1884, Bá Kim, một tên đại phú, tay sai của thực dân pháp chạy chọt để được sử dụng gò Rùa với mục đích là đem chôn hài cốt của bố mẹ hắn vì cho đây là nơi đất tốt theo thuật phong thủy. Để lừa bịp dư luận, hắn nói trệch ra là xây dựng ở gò một ngọn tháp để làm "gối đằng sau" (hậu chẩm) cho chùa Báo ân lúc đó chưa bị Pháp phá".
Một số nhà kiến trúc đã phát hiện kiến trúc tháp Rùa có cấu trúc trùng khít với "tỷ lệ vàng" của một ngôi sao 5 cánh
Những nội dung trên về cơ bản lấy dẫn theo cuốn "Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội" của nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện. Thậm chí trong sách của Doãn Kế Thiện còn ghi rõ hơn với chi tiết: "Y (Bá Hộ Kim - PV) mượn cớ xin với nhà chùa và lấy thế thực dân và bọn việt gian Nguyễn Hữu Độ, xin tự bỏ tiền nhà xây một ngọn tháp trên gò Rùa để làm hậu chẩm cho ngôi chùa (...) Khi tháp xây xong tên quan sáu thực dân Pháp ở Đồn Thủy trước lễ khánh thành ở chùa Báo ân, đã cấp bằng khen cho y (...) Tuy nhiên, mỗi khi chúng ta tới thăm hồ, đứng xa trông ngắm, ba chữ Tả Vọng Đình vẫn còn ẩn hiện như để vạch rõ tội trạng của Kim".
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tháp Rùa cao 8,8m, ba tầng một đỉnh, được xây dựng trên một gò đất rộng chừng 350m2. Mặt dài quay nhìn ra hai phía Đông (chùa Báo ân cũ, Bưu điện Hà Nội ngày nay) và Tây (trụ sở báo Hà Nội mới hiện nay), mặt rộng nhìn ra hai phía Bắc và Nam. Tầng một của tháp được xây trên móng cao 0,8m, mặt dài (6,28m) trổ ra ba cửa, mặt rộng (4,54m) mở ra hai cửa, tổng cộng lại là 10 cửa. Đỉnh của các cửa được vuốt nhọn theo lối kiến trúc Gothic. Bên trong tầng này được phân ra làm ba gian, các gian thông với nhau bằng các cửa ngăn đỉnh nhọn. Như vậy tính tổng cộng tầng một có tất cả 14 cửa. Tầng hai cũng "copy" gần như y nguyên tầng một chỉ có điều được xây lùi vào một chút, nhỏ hơn với chiều dài là 4,8m và chiều rộng là 3,64m. Tầng ba thu nhỏ hơn nữa dài 2,97m rộng 1,9m và chỉ mở một cửa hình tròn ở mặt phía đông, đường kính 0,6m. Tầng đỉnh thì được thiết kế tựa như một vọng lâu, và vuông vức với mỗi bề 2m chứ không phải là hình chữ nhật như các tầng dưới, trên mặt phía đông nằm ngay bên trên cửa tròn của tầng ba có ba chữ "Quy Sơn Tháp" tức tháp núi rùa. Mái của tầng này được làm theo kiểu truyền thống với đầu đao uốn cong và rồng chầu mặt Nguyệt.
Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi không bàn luận đến vấn đề nhân thân cũng như những việc làm liên quan đến chính trị của nhân vật Bá Hộ Kim mà chỉ muốn đặt một số giả thuyết về những "kết tội" trong hai cuốn sách kể trên liên quan đến mục đích xây tháp Rùa. Trong khía cạnh này, những tình tiết mà nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện đưa ra còn nhiều chỗ không thực tế và thiếu logic.
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, khi tác giả Doãn Kế Thiện nói rằng "Bá Hộ Kim xây tháp để làm "hậu chẩm" (tức cái gối) cho chùa Báo ân có chỗ còn thiếu logic. Bởi chùa Báo ân trước đây (vị trí của Bưu điện Hà Nội ngày nay - PV) có mặt trước nhìn ra hồ Gươm và phần lưng quay về phía đê sông Hồng. Nếu xét theo nguyên tắc phong thủy, nếu muốn làm gối cho chùa thì phải đặt "cái gối" đó ở vị trí trên đê hoặc một gò nào đó ở phía Đông. Còn gò Rùa với vị trí ngay trước mặt của chùa Báo ân thì chỉ có thể làm minh đường hoặc làm án mà thôi. Xét về hình dáng thì gò Rùa hình tròn, tức hình con kim, như vậy nếu xét theo thuật phong thủy chỉ có thể là "kim tinh tác án" (sao kim làm án) chứ không thể là "hậu chẩm" được".
Hơn nữa, tháp Rùa xây năm 1877, thời điểm đó khó có thể có chuyện Bá Hộ Kim "mượn thế lực của tên việt gian Nguyễn Hữu Độ" và "quan sáu Tây cắt băng khánh thành" được. Vì lúc đó Nguyễn Hữu Độ đang là Biện lý bộ Lại ở triều đình Huế (Theo Đại Nam thực lục, bản dịch tập XXXIV, tr.43 - KHXH - 1976) và thời điểm đó thực dân Pháp vẫn chưa chiếm được Hà Nội, chúng mới chỉ đặt một khu lãnh sự ở bờ sông Hồng.
Đặc biệt, nếu tác giả Doãn Kế Thiện nói rằng: "Tới thăm hồ, đứng xa trông ngắm ba chữ Tả Vọng Đình vẫn ẩn hiện" thì cũng đúng là câu đó có gia giảm thêm bớt. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc lý giải, những người đã từng "mắt thấy, tai nghe, tay sờ" vào tháp Rùa thì khắp bốn mặt tháp cả ngoài lẫn trong đều không có ba chữ Tả Vọng Đình. Chỉ ở mặt Đông, trên tầng đỉnh tháp có ba chữ "Quy Sơn Tháp" nhấn trên tường vôi. Tuy nhiên, nếu muốn nhìn thấy ba chữ trên bằng mắt thường ở thời điểm đó thì dù đứng ở vị trí trên bờ sát mép hồ, căng mắt ra cũng không thể nhìn thấy được.
Từ những sự phân tích trên, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, rất có thể nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện chỉ ghi lại những câu chuyện trong dân gian chứ không phải dựa trên những chứng cứ xác thực về chuyện Bá Hộ Kim xây tháp rùa để táng hài cốt bố mẹ mình vào đó.
Tháp Rùa không phải là "tháp mộ"
Để làm rõ thêm nghi án, chúng tôi đã tham vấn một số chuyên gia để xem kiến trúc của tháp Rùa có phải được xây dựng theo kiến trúc tháp mộ (giống như tháp mộ ở một số ngôi chùa như chùa Trấn Quốc - Hà Nội, chùa Bổ Đà - Bắc Giang). Vì với tiềm lực kinh tế và "thế lực" (như trong sách của nhà nghiên cứu Doãn Kế Thiện) thì Bá Hộ Kim chắc hẳn phải có sự tính toán nếu có dụng ý riêng?
Theo kiến trúc sư Trịnh Văn Vương (Giám đốc công ty kiến trúc CBV, Ba Đình, Hà Nội) tháp Rùa không phải là một công trình tháp theo lối kiến trúc truyền thống mà là sự kết hợp của kiến trúc truyền thống và kiến trúc châu âu thời đó. Tại Việt Nam thời điểm đó cũng đã bắt đầu manh nha những công trình kiến trúc kết hợp giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt, mà sau này được kiến trúc sư Emest He"brard - kiến trúc sư hàng đầu của phong cách này gọi là "kiến trúc Đông Dương". Nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy trong cuốn "Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội" cũng viết về kiến trúc tháp Rùa như sau: "Cái Tháp này nhìn mãi cũng quen mắt, nhưng dưới thì cổ lối gotich, trên thì nóc vụn vặt, kiến trúc không ra lối gì".
Với những người có chuyên môn chỉ cần nhìn qua một chút đều có thể nhận ra điểm khác lạ trong kiến trúc của Tháp Rùa. Đó là những ô cửa ở hai tầng dưới được vuốt thành hình cánh cung nhọn theo kiểu kiến trúc nhà thờ Goothic. Nhưng bên trên thì lại được chồng lên bởi những hình thức "100% Phương Đông" với đầu đao, rồng lượn. "Có lẽ chính sự kết hợp này khiến nhiều người khó hiểu, cùng với những truyền thuyết xung quanh việc xây tháp đã dẫn đến rất nhiều tranh cãi về việc liệu tháp Rùa được xây với mục đích gì. Xây để làm mộ hay xây để làm tháp"- kiến trúc sư Trịnh Văn Vương nhận định.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc cũng khẳng định, qua nghiên cứu so sánh nhiều tư liệu cũng khẳng định tháp Rùa hoàn toàn là một ngôi tháp bình thường chứ không phải là một ngôi tháp mộ. Cho đến nay ngọn tháp này đã trở thành một bộ phận hữu cơ của hồ Gươm, có hồ là có tháp. Và giá trị của tháp là giá trị về văn hóa tâm linh nhiều hơn là giá trị về kiến trúc.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Anh Thắng - Phó trưởng ban quản lý khu vực hồ Hoàn Kiếm khẳng định: Từ trước đến nay khi nạo vét và cải tạo hồ cũng chưa lần nào thấy có dấu hiệu của việc có di cốt dưới lòng hồ như trong "lịch sử thủ đô Hà Nội" ghi là: "Một bàn tay bí mật đã đào hài cốt của bố mẹ hắn vứt xuống hồ, chỉ còn trơ lại trên đó hai cái quách rỗng".
Theo Phạm Khoa (Đời sống pháp luật)
Sự thật chuyện hài cốt trong Tháp Rùa Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Tháp Rùa được một phú hộ xây để đặt hài cốt cha mẹ vì đây là mảnh đất thiêng nằm giữa Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều học giả khác lại đưa ra những cách lí giải khác nhau về nguồn gốc của Tháp Rùa. Mấy tháng qua, có lẽ không chỉ Hà Nội mà đồng bào cả...