‘Sự tàn bạo sẽ đưa IS tới con đường diệt vong’
Đây là nhận định của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia thuộc Học viện Quốc phòng Australia, trong cuộc trao đổi với Zing.vn quanh các vấn đề về chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Giáo sư Carl Thayer. Ảnh: Getty
Theo quan điểm của ông, đâu là nguồn gốc của những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây? Xung đột tôn giáo có vài trò gì trong chuỗi vụ khủng bố kinh hoàng nhằm vào Paris?
Nguyên nhân các vụ tấn công khủng bố và Paris là sự phẫn nộ của những phần tử Hồi giáo cực đoan trước chiến dịch không kích ở Iraq và Syria.
Tuy nhiên, về bản chất, các phần tử Hồi giáo cực đoan tin rằng họ có nhiệm vụ đánh đổ chế độ thông qua thánh chiến hay chiến tranh tôn giáo. Các phần tử này tin rằng, tất cả những người Hồi giáo trên thế giới phải có trách nhiệm hỗ trợ họ. Những người Hồi giáo không tham gia hoặc những người không cùng tôn giáo bị coi như kẻ thù.
Chính sách của Mỹ và phương Tây ở Trung Đông có tác động như thế nào tới phong trào thánh chiến cực đoan?
Chính sách cứng rắn của phương Tây tạo ra những kẻ cực đoan dã man. Các cuộc tấn công của IS nhằm trả đũa cho sự can thiệp của phương Tây. Chúng được lên kế hoạch để khiêu khích nhất, buộc các nước phương Tây thực hiện các hành động đáp trả.
Video đang HOT
Tuy nhiên, việc đáp trả bị tuyên truyền là hành động chống lại người Hồi giáo, giúp IS chiêu mộ được những chiến binh thánh chiến (Mujahideen) mới. Nó cũng khuyến khích các phần tử cực đoan khác thực hiện các vụ tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây với sự hỗ trợ của IS.
Trên thực tế, chính sách của phương Tây cũng tạo ra thương vong dân sự cùng số lượng lớn người tị nạn. Dù các cuộc không kích của Mỹ và đồng minh tiêu diệt được nhiều lãnh đạo IS nhưng các vị trí này luôn có những phần tử thay thế. Các cuộc không kích không giúp phương Tây thắng cuộc chiến cũng như dội bom không diệt được quan điểm.
Từ một góc nhìn khác, sự tàn bạo qua những vụ hành quyết cùng chủ nghĩa tôn giáo cực đoan sẽ dẫn IS tới con đường sụp đổ như tổ chức khủng bố khét tiếng al-Qaeda. Tuy nhiên, chủ nghĩa cực đoan vẫn sẽ luôn tồn tại.
Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đe dọa như thế nào tới hòa bình thế giới? Nó có kéo lùi sự phát triển của nhân loại?
Để ứng phó với các phong trào Hồi giáo cực đoan, các quốc gia phải đầu tư nhiều tiền bạc và nhân lực để đảm bảo an ninh cho nhân mạng cũng như cơ sở hạ tầng. Ở thời điểm hiện tại, một phần quyền tự do của con người bị xâm phạm, chẳng hạn như bảo mật thông tin, để ngăn chặn các âm mưu khủng bố.
Khủng bố Hồi giáo cũng dẫn tới sự phân cực trong xã hội, nhất là ở những nơi người Hồi giáo chiếm thiểu số như châu Âu và Australia. Dù chỉ có một số ít tín đồ Hồi giáo cực đoan nhưng một nhóm lớn đang phải đối mặt với sự phân biệt, kỳ thị trong cuộc sống hàng ngày.
Sự can thiệp của phương Tây không thành công trong việc xây dựng một quốc gia, minh chứng là Iraq và Libya. Trong khi đó, chủ nghĩa cực đoan gây tổn thương tới một thế hệ người Hồi giáo ở Trung Đông. Dòng chảy khổng lồ của người tị nạn báo trước sự khan hiếm tài năng nơi quê nhà của họ khi hòa bình lập lại, yếu tố cản trở quá trình phục hồi và phát triển đất nước.
Khủng bố Hồi giáo ở Trung Đông đã gây ra nội chiến và thương vong trên diện rộng, phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế của nhiều quốc gia. Những nơi giao tranh nổ ra sẽ trở nên vỡ vụn.
Theo ông, cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?
- Bảo vệ một quốc gia khỏi chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đòi hỏi nhiều phương pháp khác nhau, từ gia tăng sự hiện diện của cảnh sát tới đẩy mạnh các hoạt động tình báo chống khủng bố. Ngoài ra, việc thúc đẩy các chương trình nội tại nhằm hòa hợp cộng đồng, ngăn chặn cực đoan hóa trong giới trẻ cũng như tuyên truyền trên Internet để chống lại sự lôi kéo của chủ nghĩa cực đoan. Các nước cũng cần tấn công vào sự lãnh đạo, nguồn kinh phí và phong trào tuyển dụng của IS.
Trong tương lai, việc chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo sẽ nằm trên 2 hoặc 3 mặt trận. Trước tiên là địa lý, tập trung vào gốc rễ của các nhóm cực đoan cũng như địa bàn hoạt động của chúng. Mặt trận thứ 2 là dựa vào các cộng đồng người Hồi giáo để chống lại chủ nghĩa cực đoan hoặc bạo lực Hồi giáo có động cơ chính trị. Cuối cùng là mạng lưới ngăn chặn khủng bố liên quốc gia, tránh trường hợp khủng bố mượn nước này để làm bàn đạp tấn công nước khác như IS dùng Bỉ để khủng bố Paris, Pháp.
Theo Zing News
"Trung Quốc có thể sử dụng Biển Đông làm pháo đài tàu ngầm"
Các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc thời gian qua đã làm nhiều quốc gia trong khu vực và cả Mỹ lo ngại. Tuy nhiên, giới phân tích an ninh, quân sự cho rằng một điều cũng rất đáng lo ngại chính là những gì đang diễn ra dưới biển.
Tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh: SMH)
Trung Quốc không ngừng mở rộng lực lượng tàu ngầm với khả năng mang theo tên lửa đạn đạo. Với những đòi hỏi phi lý về chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra tại Biển Đông, nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng các khu vực nước sâu ở đây để làm "pháo đài', nơi các hạm đội tàu ngầm của Hải quân thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể hoạt động mà không bị phát hiện.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về an ninh trong khu vực của Đại học New South Wales, cho rằng: "Biển Đông sẽ là một địa điểm tốt để Trung Quốc cất giấu tàu ngầm. Ngoài ra, với độ sâu tới hàng nghìn mét, tàu ngầm hoạt động tại Biển Đông có thể dễ dàng tránh bị đối thủ phát hiện".
Cũng theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh coi Biển Đông là một vị trí chiến lược vì khu vực này giúp bảo vệ thềm phía Bắc của Trung Quốc, bao gồm cả căn cứ tàu ngầm đặt tại đảo Hải Nam. Trước đây, quân đội Trung Quốc đã xây các đường ngầm dưới biển để có thể hạ thủy dễ dàng tàu ngầm của nước này, bao gồm cả tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.
Tính tới năm 2014, Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, trong đó có 5 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc cũng có ít nhất 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có khả năng phóng tên lửa đạn đạo. Quân đội nước này còn đang có kế hoạch tăng thêm 5 tàu ngầm kiểu này trong thời gian tới.
Trong những thập niên vừa qua, Trung Quốc cố gắng phát triển công nghệ để giúp tàu ngầm thoát được sự theo dõi của đối phương. Tới nay, Trung Quốc đã đạt được một số thành tựu trong quá trình phát triển này. Nếu không bị phát hiện, tàu ngầm có thể tung ra cú "đánh mở đầu" bằng phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân nhằm vào đối phương.
Dù tên lửa đạn đạo trang bị trên tàu ngầm JL2 của Trung Quốc hiện nay chưa thể bắn tới Mỹ từ Biển Đông, song quân đội nước này được cho là đang cố gắng cải thiện tầm bắn của tên lửa. Đây chính là lý do tại sao giới phân tích cho rằng Trung Quốc coi biển là một "pháo đài" trong tương lai của tàu ngầm.
Giáo sư Bernard D. Cole, cựu Chỉ huy Hải quân Mỹ đang giảng dạy tại Đại học Chiến tranh Quốc gia, cho biết chiến lược mà Trung Quốc đang sử dụng từng được Liên Xô trước đây theo đuổi trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Theo đó, sau khi thấy tàu ngầm của mình dễ dàng bị Hải quân Mỹ phát hiện, Liên Xô đã phát triển các loại mìn có sức công phá lớn dưới biển và các khu vực phòng thủ, để tàu ngầm có thể hoạt động ở càng gần Mỹ càng tốt.
Thời gian qua, tàu ngầm của Trung Quốc bị đánh giá là gây tiếng ồn lúc hoạt động nên dễ bị phát hiện, đặc biệt là khi tiến vào vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Cole cho rằng sau khi đã cải thiện được tầm bắn của tên lửa, tàu ngầm của Trung Quốc không cần phải ra khỏi khu vực Biển Đông mới tạo ra mối đe dọa với Mỹ nữa.
"Kết luận của tôi vào lúc này chính là việc Trung Quốc sẽ thông qua chiến lược sử dụng Biển Đông làm một pháo đài trong tương lai cho tàu ngầm", ông Cole khẳng định.
Ngọc Anh
Theo Dantri/ SMH
Liệu có phải Trung Quốc đang cải tạo đất ở Biển Đông? Giáo sư Carl Thayer cho rằng, với hoạt động cải tạo đất, Trung Quốc đang thay đổi bản chất của UNCLOS và cắt xén vùng biển trung tâm của Đông Nam Á. Kể từ năm ngoái khi những hình ảnh chụp từ vệ tinh xác nhận rằng Trung Quốc đang xây dựng đảo nhân tạo ở biển Đông, các nhà báo, chuyên gia...