Sự sụp đổ của Lehman Brothers: Những con người năm ấy nay ở đâu?
Đúng vào khoảng thời gian này 10 năm trước, sự sụp đổ của Lehman Brothers, một trong những ngân hàng hàng đầu Mỹ, đã gieo rắc sự hoang mang cho toàn bộ Mỹ và Anh.
10 năm về trước, Lehman Brothers tuyên bố phá sản, kéo theo sự sụp đổ liên hoàn lớn nhất được ghi nhận trong lịch sử, đẩy hệ thống tài chính thế giới đến bờ vực đổ vỡ và gây nên sự hoang mang cho những nhà hoạch định chính sách ở hai bờ Đại Tây Dương.
Chính phủ Mỹ đã phải tung ra gói cứu trợ tài chính trị giá 700 tỷ USD (tương đương 540 tỷ bảng Anh) để giải cứu ngành ngân hàng của nước này. Trong khi đó, ở Anh, Ngân hàng Lloyds phải ra tay cứu HBOS, chính phủ Anh cũng phải bảo trợ cho chính Lloyds và Ngân hàng hoàng gia Scotland.
Một thập kỷ trôi qua, số phận của những con người từng liên quan trực tiếp đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cùng rất khác nhau.
Bộ đôi của Lehman
Dick Fuld -CEO của Lehman Brothers (năm 2008)
Hiện tại: Điều hành quỹ Matrix Private Capital, quỹ chuyên cung cấp tư vấn cho những khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu.
Ảnh: FT
Fuld điều hành Lehman14 năm trước khi ngân hàng này tuyên bố phá sản và đã nhận được khoản thù lao lên đến 500 triệu USD trong 8 năm tại vị. Với biệt danh “tinh tinh”, ông ta không ngừng đổ lỗi cho chính phủ Mỹ, các nhà lập pháp cũng như những lời đồn đoán vô căn cứ đã dẫn đến “cái chết” của Lehman.
Fuld chỉ nhận một phần rất nhỏ trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Nhân viên của Lehman thì liên tục đổ lỗi cho “tinh tinh”, đỉnh điểm trong một phiên điều trần tại quốc hội Mỹ, môt hạ nghị sĩ đã gọi Fuld là “kẻ lừa đảo”.
Năm 2009, Fuld đã bán một căn hộ ở Manhattan với giá 25 triệu USD và một bộ sưu tập với giá 13,3 triệu USD nhưng vẫn còn sở hữu hàng loạt các tài sản có giá trị nằm rải rác trên khắp Mỹ.
Ở tuổi 72, Fuld đánh dấu sự quay trở lại của ông với tư cách là người đứng đầu quỹ Matrix Private Capital, trụ sở tại New York, cũng như những “trung tâm giàu có” ở Los Angeles, California và Palm Beach, bang Florida.
Trong một lần hiếm hoi xuất hiện trước công chúng, Fuld đã tuyên bố: “Dù gì đi nữa, hãy tận hưởng kết quả của những gì đã xảy ra. Đừng bao giờ cảm thấy hối tiếc”.
Video đang HOT
Erin Callan -Giám đốc tài chính của Lehman Brothers năm 2008 (nhưng đã bị sa thải ngay trước vụ sụp đổ).
Hiện tại: đã nghỉ hưu
Ảnh: Bloomberg
Từng là một cựu luật sư, Callan có một sự nghiệp phất lên nhanh chóng ở Phố Wall. Bà gia nhập Lehmannăm 1995 và trở thành Giám đốc tài chính (CFO) của ngân hàng này vào cuối năm 2007.
Trong một khoảng thời gian ngắn, với cách làm việc linh hoạt và tích cực, bà đã giúp trấn an các nhà đầu tư nhưng Fuld lại quyết định sa thải bà chỉ 2 tháng trước khi Lehman sụp đổ. Callan bị chỉ trích rất nhiều sau đó. Bà bị cáo buộc không đủ năng lực để điều hành công tác tài chính tại Lehman vì thiếu kiến thức căn bản về kế toán.
Callan cũng bị chỉ trích rất gay gắt trong bản cáo trạng của tòa án rằng bà đã phớt lờ những tín hiệu cảnh báo đang xuất hiện ngày càng nhiều và sử dụng những mẹo đánh lừa để làm khống bản cân đối tài chính của Lehman với số tiền lên đến 50 tỷ USD.
Callan sau đó làm việc tại Credit Suisse trong 1 khoảng thời gian ngắn trước khi bà xin nghỉ phép và không bao giờ quay trở lại công ty. Trong cuốn hồi ký mang tên Full Circle xuất bản năm 2016, Callan tiết lộ bà đã sử dụng thuốc an thần quá liều vào năm 2008.
Trong cuốn sách, bà cũng chia sẻ rằng bà lấy làm tiếc khi đã đặt sự nghiệp lên trên những mối quan hệ cá nhân. Ở tuổi 52, bà đang sống tại New York và Florida cùng người chồng là lính cứu hỏa đã về hưu và con gái.
Những nhà quản lý của chính phủ Mỹ
Ben Bernanke -Chủ tịch cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giai đoạn 2008.
Hiện tại: Cố vấn cho các dự án đầu tư của Pimco và quỹ dự Phòng Catadel (sở hữu 30 tỷ USD) và là một vị “khách quen” của Học viện Brookings.
Ảnh: NPR
Bernanke đã bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo của một cuộc khủng hoảng tài chính đang dần dần hiện hữu. Tuy nhiên, vốn là người đã trải qua cuộc đại suy thoái với nhiều bài học rút ra, ông đã có những hành động rất cương quyết sau thất bại của Lehman.
Ông đã chỉ đạo Fed cắt giảm lãi suất về 0% và phối hợp với các ngân hàng trung ương, tung ra hàng loạt các biện pháp xoa dịu, bơm tiền vào nền kinh tế nhằm ngăn cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thời hậu chiến trở thành cuộc đại suy thoái thứ hai.
Từ khi rời Fed vào năm 2014, ông là một vị khách quen của học viện Brookings. Ở tuổi 64, ông là một cố vấn cho Pimco, 1 quỹ đầu tư khổng lồ của Mỹ, và Catidel, một quỹ phòng hộ. Ông cũng thừa nhận có những quan ngại về mối quan hệ xoay vòng giữa Fed và lĩnh vực tài chính.
Henry ‘Hank’ Paulson -Bộ trưởng Tài chính Mỹ năm 2008
Hiện tại: chủ nhiệm viện nghiên cứu Paulson tại đại học Chicago.
Ảnh: WSJ
Trong lúc Lehman đang tiến dần đến bờ vực phá sản, Paulson đã rất cứng rắn về việc Mỹ không nên giải cứu ngân hàng này. Ông tuyên bố rằng ông không muốn trở thành “kẻ cứu rỗi” dù Bộ Tài chính Mỹ bị chỉ trích là ủng hộ việc phá sản của hàng loạt các định chế tài chính.
Paulson từng là ông chủ của Goldman Sachs, nổi lên là một thế lực giàu có trước khi tham gia chính trị. Sau khi rời Bộ Tài chính Mỹ năm 2009, ông thành lập học viện Paulson với quan điểm ủng hộ sự phát triển bền vững cũng như quan hệ đầu tư Mỹ-Trung. Ngoài ra ông cũng sáng lập nhóm chính sách kinh tế Aspen, một diễn đàn dành cho những cá nhân có tầm ảnh hưởng thảo luận về nền kinh tế Mỹ.
Paulson đã kịch liệt chỉ trích các chính sách của Tổng thống Donald Trump. Trước cuộc bầu cử năm 2016, ông viết bài đăng trên tờ Washington Post, nói Trump là hiện thân của một nhà lãnh đạo dân túy nhưng dựa trên sự ngông cuồng, những định kiến, nỗi sợ hãi và chủ nghĩa biệt lập. Ông cũng đặt ra những câu hỏi về sự nhạy bén của Trump cũng như cáo buộc vị tỷ phú này đã phô trương và phóng đại quá mức tài sản của mình.
Vào tháng 7, trong một sự kiện cùng với Bernanke và Tim Geithner, Paulson cảnh báo về mối nguy hiểm của việc nới lỏng các dự luật vốn được tạo ra để ngăn cản một cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, đáng chú ý là dự luật Dodd-Frank.
“Việc tập trung vào các bài học trong quá khứ là điều rất quan trọng”, Paulson chia sẻ. “Chúng ta không chắc đã nhớ hết tất cả những điều mà chúng ta cần phải ghi nhớ”.
Tim Geithner
Năm 2008: Chủ tịch Fed khu vực New York
Hiện tại: Chủ tịch công ty đầu tư Warburg Pincus
Ảnh: CNBC
Với tư cách người đứng đầu Fed khu vực New York, Geithner là một trong những quan chức đã quyết định để Lehman phá sản, mặc dù ông cũng chính là người đã chỉ trích Paulson bởi đã để lộ kế hoạch.
Khi Barack Obama chính thức trở thành tổng thống Mỹ vào tháng 11/2008, Geither được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Tài chính Mỹ. 4 năm tại đây, ông bị chỉ trích vì có quan hệ quá mật thiết với Phố Wall và việc đặt mục tiêu cắt giảm thâm hụt lên trên giảm tỷ lệ thất nghiệp. Geithner, năm nay đã 57 tuổi, đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, bao gồm chủ tịch công ty đầu tư Warburg Pincus, nhà diễn thuyết tại đại học Yale và là thành viên của hội đồng giải cứu quốc tế, một tổ chức thúc đẩy nhân quyền.
Nguyễn Đại/Theo Guardian
Mười năm sau khủng hoảng
Việc ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố vỡ nợ ngày 15.9.2008 được coi là sự khởi đầu chính thức của cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công toàn cầu.
Một tấm biển hiệu của Lehman Brothers được đưa vào nhà đấu giá ở London tháng 9.2010. Ảnh: AP.
Hơn 10 năm trước đã xảy ra cuộc khủng hoảng tiền tệ và hiện tại, tức là 10 năm sau khi cuộc khủng hoảng tài chính và nợ công bùng phát, lại thấy có biểu hiện lâm sàng về khủng hoảng tiền tệ ở một số nền kinh tế mới nổi khiến dậy lên lo ngại trên thế giới về khả năng "lại đến hạn xảy ra khủng hoảng" theo kiểu có "chu kỳ khủng hoảng".
Cả sau 10 năm, trên thế giới vẫn chưa nguôi cuộc tranh luận sôi động dễ bất đồng quan điểm hơn là đưa đến thống nhất nhận thức về nguyên nhân, tác động, hậu quả và hệ luỵ của cuộc khủng hoảng này. Trên thế giới vẫn luôn thường xuyên có cảnh báo về khả năng khủng hoảng tái bùng phát vào bất cứ thời điểm nào.
Trên lý thuyết thì đúng là khả năng ấy không thể bị loại trừ. Trên thực tế thì nguy cơ tái bùng phát khủng hoảng tài chính và nợ công sau 10 năm khủng hoảng đã bị đẩy lùi và ngăn ngừa khá hiệu quả. Bài học đắt giá từ cuộc khủng hoảng này đều được tất cả các quốc gia trên thế giới lưu ý đến. Hệ thống ngân hàng đã được cơ cấu lại, các ngân hàng đã được sàng lọc nên đã có được "khả năng đề kháng khủng hoảng" cao hơn nhiều so với trước. Những cơ chế báo động sớm về "bong bóng tài chính" đã được thiết lập. Những nền kinh tế bị khủng hoảng tài chính và nợ công đã được giải cứu.
Các quốc gia đều thận trọng hơn trong chính sách tài chính, tiền tệ và ngân sách. Ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế, việc kiểm soát và giám sát hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đã được siết chặt hơn trước nhiều và cũng hiệu quả hơn trước nhiều. Nếu những biện pháp này được kiên trì tiếp tục thì việc ngăn ngừa khủng hoảng phát huy được tác dụng tích cực.
Nhưng cái giá về chính trị xã hội cho cuộc khủng hoảng này thật đắt. Hệ luỵ của nó hiện vẫn đang bộc lộ là sự trỗi dậy của những lực lượng cực hữu, dân tuý và dân tộc chủ nghĩa, là gia tăng chống phá toàn cầu hoá và kinh tế thế giới nói chung tuy đã phục hồi nhưng vẫn còn cách khá xa mức độ tăng trưởng trước đấy.
HẠ LANG
Theo Laodong
Sụp đổ khi nhận ra mình đã yêu bạn thân từ khi nào Dù nhận ra mình đã yêu bạn gái thân rất nhiều, nhưng chàng trai vẫn quyết định 'lùi về sau' để cô ấy được hạnh phúc bên người đàn ông đã khác, bởi đã quá muộn. Ảnh minh họa Mới đây, trên diễn đàn kín một chàng trai đau khổ về chuyện buồn tình cảm mình vừa trải qua. Tình yêu đến với...