Sự phát triển của trẻ phụ thuộc nhiều vào dinh dưỡng
Dinh dưỡng đóng vai trò nền tảng khi quyết định 32% sự phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ của trẻ. Do vậy, cha mẹ cần chú ý bổ sung dinh dưỡng đúng cách để trẻ khỏe mạnh và phát triển cân đối.
Kết quả khảo sát của Seanuts (Khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á) do Viện Dinh dưỡng Quốc gia Việt Nam phối hợp cùng viện dinh dưỡng của các nước Đông Nam Á thực hiện vào năm 2011 cho thấy, tại Việt Nam, đến hai phần ba trẻ không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày, đặc biệt là tỷ lệ thiếu hụt vitamin D ở độ tuổi đi học chiếm gần một nửa (do chế độ ăn thiếu dầu mỡ và ít vận động ngoài trời của trẻ). Khi kiểm tra chế độ ăn uống của con mình có đáp ứng chế độ dinh dưỡng khuyến nghị, nhiều cha mẹ ngạc nhiên khi biết rằng bữa ăn hàng ngày của con tuy đầy đủ về lượng nhưng lại thiếu về chất.
Đến hai phần ba trẻ không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị hàng ngày.
Chế độ dinh dưỡng khuyến nghị là mức tiêu thụ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết để cơ thể khỏe mạnh và hoạt động tốt. Theo đó, bữa ăn hàng ngày của trẻ phải có ít nhất 15 loại thực phẩm khác nhau đến từ bốn nhóm thực phẩm bao gồm bột đường, đạm, chất béo và rau. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học lại thường phó mặc chuyện ăn uống của con cho bếp ăn nhà trường.
Thực tế cho thấy, có trường học do mặt bằng chật chội nên đã ký hợp đồng với các bếp ăn công nghiệp. Một số trường lại thiếu cán bộ có chuyên môn về dinh dưỡng để tính toán khẩu phần ăn phù hợp cho từng lứa tuổi, nên hầu như mọi học sinh ăn chung chế độ như nhau. Tình trạng bữa ăn của bé lớp một không khác nhiều so với học sinh lớp 5 là câu chuyện thường xuyên diễn ra ở nhiều trường học. Ngoài ra, từ khi trẻ đi học, do nghĩ rằng các bữa ăn mỗi ngày đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho bé nên cha mẹ có xu hướng cắt luôn khẩu phần sữa của con.
Tiến sĩ Lê Nguyễn Bảo Khanh (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết: “Đa phần các bà mẹ thường cho con ăn các loại thức ăn giàu đạm, béo mà quên rằng trẻ còn cần được bổ sung vitamin, khoáng chất thiết yếu, chất xơ có nhiều trong rau củ quả và các thực phẩm khác. Hậu quả là tuy trẻ bụ bẫm, nặng cân nhưng lại thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng cần thiết, rất dễ khiến trẻ mắc các bệnh liên quan đến xương, sức đề kháng, trí tuệ”.
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Hoa – Phó Hội trưởng Hội Dinh dưỡng TP HCM cũng lưu ý khi thiết lập chế độ ăn cho con, các mẹ nên chú ý đến sự đa dạng của thực đơn vì không một thực phẩm đơn lẻ nào trong tự nhiên có thể cung cấp đầy đủ, hợp lý tất cả các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể. Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng phải có mặt bốn nhóm thực phẩm gồm nhóm giàu chất bột đường (gạo, mỳ, bánh mỳ…), nhóm giàu đạm (thịt, cá, tôm…), nhóm giàu chất béo (dầu olive, bơ, phô mai…), nhóm giàu vitamin và khoáng chất (rau, củ, trái cây…). Nên có nhiều món ăn trong mỗi bữa ăn, thay đổi thực phẩm trong các bữa ăn và đổi món theo ngày và theo mùa.
Video đang HOT
Dinh dưỡng đầy đủ, vận động hợp lý và uống sữa đều đặn là “chìa khóa” giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
Ngoài việc cân bằng dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn cho con, các mẹ nên khuyến khích trẻ rèn luyện thói quen vận động thường xuyên (bằng những hoạt động đơn giản, vừa sức như đi bộ, làm việc nhà, leo cầu thang…) và luyện tập đúng cách các môn thể thao ngoài trời (khoảng 1-2 giờ mỗi ngày) để bé có thể phát triển toàn diện cả về thế chất lẫn trí lực.
Bên cạnh dinh dưỡng đầy đủ và vận động hợp lý, Tiến sĩ Bảo Khanh nhấn mạnh sữa là nguồn cung cấp dưỡng chất dồi dào, cần thiết cho sự phát triển của trẻ và lại dễ hấp thu. Uống sữa thường xuyên sẽ cung cấp hiệu quả các dưỡng chất mà cơ thể trẻ cần như vitamin A, B, D, can-xi. Vì vậy, mẹ nên cho con uống sữa đều đặn mỗi ngày để con có đủ nguồn dưỡng chất thiết yếu và phát triển khỏe mạnh.
Phương Thảo
Theo VNE
Những nguy cơ ít ai ngờ vì tránh nắng quá kỹ
Nhận thức về tác hại của tia cực tím đang ngày càng tăng trong những năm gần đây, vì tia cực tím làm tăng nguy cơ ung thư da. Tuy nhiên xu hướng tránh nắng quá kỹ cũng khiến nhiều trẻ bị thiếu vitamin D.
Số trường hợp còi xương tăng
BS. Toru Yorifuji, Bệnh viện đa khoa thành phố Osaka (Nhật) cho biết ông gặp ít nhất một trẻ bị còi xương hoặc hạ can xi huyết mỗi tháng.
"Chúng ta đã rất vất vả để xóa sổ căn bệnh này từ 20 năm trước, nhưng tôi có ấn tượng là số ca bệnh đang tăng ngày càng nhiều", ông nói.
Cả hai bệnh đều do thiếu vitamin D, mà nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân bị "cớm nắng". Những nguyên nhân khác gồm trẻ ngày càng được nuôi bằng sữa mẹ, vốn có lượng vitamin D thấp, và nhiều trẻ phải tránh ăn một số loại thực phẩm do bị dị ứng.
Được hoạt hóa trong gan và thận, vitamin D giúp cơ thể hấp thu can xi, làm xương vững vàng và cơ bắp chắc khỏe. Rất khó hấp thu đủ vitamin D chỉ từ thực phẩm đơn thuần, nhưng cơ thể tự sản sinh được vi chất này khi tiếp xúc với tia cực tím.
Giảm nồng độ can xi trong máu do thiếu vitamin D có thể gây co giận do hạ can xi huyết ở trẻ dưới một tuổi, cũng như làm biến dạng cấu trúc xương, bao gồm chân vòng kiềng - một triệu chứng của còi xương, ở trẻ 1 - 3 tuổi. Để điều trị phải bổ sung vitamin D đều đặn trong ít nhất vài tháng.
Theo BS. Yorifuji, nhiều bà mẹ đưa con đến bệnh viện đã rất ngạc nhiên và cho biết: "Chúng tôi tránh ánh nắng vì tôi tin là nó không tốt cho cơ thể. Tôi không hề biết là có những bệnh này".
Bị ảnh hưởng phần nào bởi nỗi "ám ảnh" về làn da trắng, phụ nữ ngày càng tích cực tránh nắng hơn trong những năm gần đây.
Hệ quả là trẻ em con của những bà mẹ thiếu vitamin D này dễ có khối xương thấp hơn. Một khảo sát thấy rằng 20% số trẻ sơ sinh đẻ thường bị tình trạng thiếu vitamin D.
"Không chỉ trẻ em, mà cả những phụ nữ có khả năng mang thai và người già xương yếu cũng cần phải cẩn thận", BS Yorifuji cảnh báo.
Không có hướng dẫn rõ ràng về lượng phơi nắng thích hợp, vì mức độ tùy thuộc vào địa điểm, điều kiện thời tiết và thời gian trong ngày.
Do tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh, bao gồm ung thư và đục thủy tinh thể, nên sự cân bằng chính là chìa khóa. "Bạn không nhất thiết phải ra ngoài trời và tắm nắng. Lượng thích hợp là lượng ánh nắng mà da được tiếp xúc khi bạn mặc quần áo phù hợp theo từng mùa", Ryoichi Kamide, bác sĩ da liễu ở Bệnh viện Hihuno Clinic Ningyocho, Tokyo cho biết.
Nguy cơ dị ứng
Trong những năm gần đây, những phản ứng dị ứng với tia cực tím đang nhận được nhiều chú ý. Ở nhiều trường hợp, một số thuốc và hóa chất đặc biệt trên da tương tác với tia cực tím, dẫn tới phản ứng độc hoặc phản ứng dị ứng.
Một dạng dị ứng ánh nắng hay gặp là phát ban đa hình thái do ánh sáng (PMLE), thường biểu hiện là những nốt ban gây ngứa trên vùng da hở. Kết quả khảo sát cho thấy khoảng 5% số phụ nữ bị bệnh này, với những triệu chứng nhẹ thường khỏi sau vài ngày.
Các hóa chất trong thuốc cũng có thể khởi phát triệu chứng. Ví dụ, bệnh viêm da tiếp xúc ánh nắng gây nổi ban trên da khi ra nắng ở vùng da dán cao ketoprofen - thường dùng để điều trị đau hoặc viêm.
Bệnh nhân bị cao huyết áp cần đặc biệt chú ý đến tình trạng mẫn cảm ánh nắng do thuốc. Sử dụng các thuốc ARB và hydrochlorothiazide - thường dùng để điều trị cao huyết áp có thể gây ra các triệu chứng trên da từ nhẹ đến bỏng nắng nặng khi da bị tiếp xúc với tia cực tím.
Do đó điều quan trọng nhất là phải biết về những tác động tốt và xấu của ánh nắng mặt trời và có cách đáp ứng điều độ hợp lý.
Theo Dân Trí
Ăn uống ở tuổi 50 Bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ dễ bị thiếu chất sắt và can xi. Một chế độ ăn uống hợp lý vào thời kỳ này sẽ giúp ngừa một số bệnh như bệnh tim và loãng xương. Cherry - Ảnh: Hạ Huy Dưới đây là một số thực phẩm không thể thiếu trong thời kỳ mãn kinh: Cá. Nên chọn ăn...