Sự phân biệt màu da khắc nghiệt làng mẫu thế giới
Sau ánh đèn catwalk lấp lánh, các chân dài, stylist da màu phải ‘gồng mình’ tìm ‘chỗ đứng’.
5 năm trước, ngành công nghiệp thời trang toàn cầu lao đao vì “cơn khát” người mẫu da màu. Không ít người trong giới bày tỏ sự bức xúc và nhàm chán khi suốt ngày chỉ thấy các chân dài da trắng trên sàn catwalk. Thậm chí, tháng 7/2008, tạp chí Vogue còn đăng một bài viết về chủ đề này “Liệu thời trang có phân biệt chủng tộc ?”.
Lúc đó, những người quyền lực trong ngành cũng bắt đầu kêu gọi sự thay đổi trong làng mẫu. Đi đầu là tổng biên tập Vogue Italy, bà Franca Sozzani, với một số của tạp chí chỉ có hình và bài viết về các chân dài da màu. Tiếp đó, Bethann Hardison, cựu người mẫu da màu, cũng đã mở một cuộc thảo luận về chủ đề liên quan khi chủ tịch Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ, bà Diane von Furstenberg, cố gắng đôn đốc các thành viên phải chú ý hơn tới sự đa dạng khi tuyển người mẫu cho các buổi diễn.
Bộ ảnh tôn vinh vẻ đẹp của mẫu da màu The Black Issue của Franca Sozzani tạo ra cơn bão tranh luận vào năm 2008. Ảnh:Freshnet.
Mặc dù vậy, nạn phân biệt đối xử vì màu da trong làng mẫu thế giới vẫn không có nhiều thay đổi.Tờ The New York cho biết các chân dài da trắng vẫn “thống trị” các show diễn suốt từ cuối những năm 1990. Trong khi đó, blogger Jezebel chuyên viết về thời trang đã thống kê sự có mặt của những người mẫu da màu trong các show diễn từ năm 2008 và đưa ra khẳng định tương tự. Người này cho hay số lượng chân dài da màu trong tuần lễ thời trang New York tháng 2 năm nay chỉ chiếm khoảng 6%, ít hơn 2,1% so với năm ngoài, kém gần 14 lần so với người mẫu da trắng. Người mẫu châu Á và Latin chiếm lần lượt là 9,1% và 2%. Ở châu Âu, các show thời trang của nhiều nhà thiết kế, ví dụ Phoebe Philo của hãng Celine hay Raf Simons của Dior, đều không có bất kỳ sự xuất hiện nào của người mẫu da màu.
Iman Mohamed Abdulmajid, một trong số ít người mẫu da màu lâu năm và thành công trên thế giới, cho biết trong những năm 1980 đến 1990, các nhà thiết kế như Calvin Klein, Gianni Versace hay Yves Saint Lauren thường loại những tên tuổi da màu khỏi danh sách diễn không cần giải thích lý do. Đến nay, những kiểu kỳ thị như vậy đã bớt thể hiện ra hơn nhưng nó vẫn còn tồn tại, điển hình là việc thay vì thuê người mẫu da màu, các hãng tăng cường chọn các gương mặt châu Á trong suốt một thập kỷ với lý do làm vậy để hấp dẫn các khách hàng cao cấp tại Trung Quốc.
Câu từ chối quen thuộc nhất mà những chân dài da màu thường phải nghe từ nhà thiết kế và quản lý casting là: “Chúng tôi đã có người mẫu giống cô rồi”, dù là người trẻ tuổi ở thế hệ này hay các người mẫu thời xưa như Iman Mohamed Abdulmajid hay Bethann Hardison. “Vấn đề ở chỗ là không ai trong số những người có thẩm quyền có ý định thay đổi những nhà thiết kế này”, bà Bethann cho biết, “Tuy vậy tôi muốn với họ rằng nếu đủ can đảm để làm những chuyện ấy thì cũng hãy dũng cảm đứng ra giải thích vì có nhiều thứ các ngài cần trả lời đấy”.
Trước tuần lễ thời trang sắp diễn ra ở New York vào tháng 9 năm nay, bà Bethann Hardison dự định tổ chức chiến dịch truyền thông mạng xã hội nhằm giúp cho công chúng hiểu cụ thể hơn về các tên tuổi thiết kế kỳ thị người mẫu da màu. Nhờ đó, các khách hàng có thể xem xét liệu có nên mua sản phẩm của họ không khi biết những nhà thiết kế này phân biệt chủng tộc. Trong khi đó, cựu người mẫu Iman cũng một mực khẳng định rằng cần phải chống lại nạn phân biệt màu da bằng mọi giá.
Video đang HOT
Iman từng gặp không ít khó khăn khi đi casting vì cô là người da màu. Ảnh: Eftekasat.
Giới mẫu không phải là nhóm người duy nhất phải chịu cảnh phân biệt đối xử vì màu da. Ngày 2/7 vừa qua, Edward Enninful, giám đốc thời trang và phong cách của tạp chí W đang gặt hái không ít thành công ở tuổi 25, đã liên tục nhắc đến nạn kỳ thị chủng tộc trong làng thời trang khi đang tham gia show Haute Couture ở Paris. “Nếu tất cả đối tác (da trắng) đều được ngồi ở hàng ghế đầu thì sao người ta lại bắt tôi ngồi ở hàng thứ hai? Phân biệt chủng tộc ư?”. Tuy không nói rõ show diễn của nhà thiết kế nào, Edward khẳng định cách xếp chỗ ngồi ấy là minh chứng cho tình hình phân biệt đối xử trong làng thời trang thế giới.
Kyle Hagler. giám đốc đều hành cao cấp của công ty quản lý người mẫu IMG Models nổi tiếng, cho biết để những tên tuổi da màu như Joan Smalls trở thành người mẫu hàng đầu thế giới không phải chuyện đơn giản. “Thật không may là những người đang nắm quyền lực đều không trân trọng nét đẹp gì khác trừ vẻ ngoài giống mình”, ông Kyle chia sẻ.
Tháng 3 năm nay, James Scully, giám đốc casting (có nhiều khách hàng tên tuổi như Tom Ford, Derek Lam hay Stella McCartney) đã “vạch mặt” hàng loạt hãng danh tiếng có xu hướng kỳ thị khi tuyển người mẫu gồm Dior, Saint Laurent, Louis Vuitton và Chanel. “Tôi cảm thấy buổi casting của Dior chọn ra người mẫu da trắng là có chủ ý. Nó ám ảnh đến mức không thể tập trung vào các mẫu quần áo được biểu diễn nữa”, ông James cho hay.
Phát ngôn của James Scully đã có ảnh hưởng nhất định tới các nhà thiết kế ông “chỉ mặt gọi tên”. Tháng 7, Raf Simons của Dior đưa 6 người mẫu da màu vào danh sách diễn. Trong khi đó, Prada, hãng bị lên án suốt một thời gian dài kỳ thị chủng tộc, cũng lần đầu tiên trong gần hai thập kỷ mời một người mẫu da màu, Malaika Firth, tham gia vào chiến dịch quảng cáo.
Calvin Klein từng được coi là khôn ngoan khi đưa ra không ít các show diễn đa dạng về người mẫu. Tuy vậy, gần đây hãng này cũng bị lên án là chuộng “màu trắng’ quá nhiều. Thậm chí, ông James Scully còn khẳng định bây giờ Calvin Klein thuê duy nhất một chân dài da màu trong mỗi buổi diễn chỉ để bớt bị “soi”.
Show diễn của Dior không có mấy người mẫu là da màu. Ảnh: Coutureinthecity.
Các hãng thời trang đưa ra lý lẽ biện minh cho sự lựa chọn của mình. Trong khi giám đốc casting của Calvin Klein và Dior giải thích rằng, họ đã cố để người mẫu trở nên đa dạng nhưng không thể chọn tùy tiện vì đó là nghĩa vụ. Mỗi người mẫu được đưa vào danh sách phải phù hợp với concept của trang phục.
Francisco Costa, giám đốc sáng tạo của Calvin Klein, nói thêm: “Số lượng người mẫu da màu có vị trí top và chuyên nghiệp rất giới hạn và những gương mặt ít ỏi này thường xuyên bị các hãng khác lấy mất. Vì vậy, các bạn chỉ thấy nhóm chân dài này ở một số buổi diễn nhất định vào mỗi mùa. Chúng tôi đã cố chọn ra gương mặt đặc biệt để làm nổi bật nét thẩm mỹ của trang phục”.
Tuy vậy, những lời giải thích kiểu “công ty quản lý không đưa người mẫu da màu đến chỗ chúng tôi”, “quản lý bảo nhà thiết kế không thích người mẫu da đen” đang dần mất uy tín trong mắt giới thời trang. Với việc các show diễn được chiếu trực tuyến tràn ngập như hiện nay, các khách hàng cũng như chuyên gia có thể nắm rõ việc chọn người mẫu của các nhà thiết kế thế nào. Điển hình là mới đây, khán giả phát hiện chiến dịch quảng cáo của Dsquared chỉ có sự xuất hiện của người mẫu da màu nam hoặc nữ châu Á.
“Thế giới này không chỉ có riêng người da trắng, Riccardo Tisci, nhà thiết kế chính của hãng Givenchy tâm sự, “Tôi nghĩ việc người ta chỉ thuê các chân dài da trắng thể hiện sự lười biếng. Họ đơn giản chỉ rằng việc đó làm nhanh gọn hơn và người ta sẽ sớm dần quen với nó”. Bên cạnh đó, lời giải thích rằng lựa chọn mẫu da trắng vì lý do thẩm mỹ cũng khiến không ít người thắc mắc liệu đó có phải là lời khẳng định trang phục cùa nhà thiết kế không dành cho mẫu da màu hay không.
Veronica Webb, một người mẫu da màu từng dành không ít thời gian đấu tranh cho vấn đề tương tự từ những năm 1990, cho biết: “thời trang là nơi giúp phụ nữ thấy được vẻ đẹp bắt nguồn từ đâu. Khi thấy ai đó giống mình, phụ nữ cảm thấy chính bản thân trở nên đẹp hơn và họ đang sống ở nơi mà mình thuộc về”.
Theo VNE
Biểu tình ở 100 thành phố Mỹ vì người da màu
Hàng chục nghìn người hôm qua đổ ra các đường phố khắp nước Mỹ để tưởng niệm và kêu gọi công bằng cho Travoy Martin, một thiếu niên da màu bị sát hại cách đây ít tháng.
Người dân Mỹ cầm biểu ngữ, ảnh chân dung của Travoy Martin đổ ra đường biểu tình. Ảnh: NY Times
Theo AFP, khoảng 100 cuộc biểu tình đã nổ ra ở New York, Miami và hàng chục thành phố khác trên khắp nước Mỹ. Ca sĩ Beyonce và chồng là rapper Jay-Z cũng ở trong số những người xuống đường ở New York.
Các cuộc biểu tình diễn ra một tuần sau khi một bồi thẩm đoàn gồm 6 người da trắng ở Florida tuyên bố trắng án cho George Zimmerman, 29 tuổi, người đã giết chết cậu bé Trayvon Martin ngày 26/2.
Zimmerman, một tình nguyện viên dân phòng, đã đi theo Martin, 17 tuổi, vì nghi ngờ cậu này là một tên trộm. Trong cuộc ẩu đả vào đêm mưa hôm đó, Martin, người không có một vũ khí nào trong tay, đã bị Zimmerman bắn vào ngực và tử vong. Tình nguyện viên này giải thích rằng đó là hành động tự vệ và được tòa bác bỏ cáo buộc ngộ sát.
"George Zimmerman đã bắt đầu cuộc chiến và chính hắn đã kết thúc cuộc chiến ấy", bà Sybrina Fulton, mẹ của Martin nói tại New York. "Con trai tôi đã chết mà thậm chí không biết ai kẻ giết mình là ai. Hôm nay là con trai tôi. Ngày mai có thể là con của các bạn".
Trong khi đó, ông Tracy Martin, bố của nạn nhân, cho rằng "cái chết của con trai tôi phải làm thay đổi xã hội chúng ta, bãi bỏ bộ luật cho phép giết người chỉ vì nghĩ anh ta là nghi phạm".
Tại một cuộc biểu tình ở thủ đô Washington, người dẫn chương trình da màu của đài phát thanh Joe Madison hô lớn trước đám đông "Tôi là Trayvon Martin", lặp lại câu khẩu hiệu của những người ủng hộ Martin với mong muốn sẽ không còn ai bị nghi ngờ chỉ vì màu da của họ. Một số người biểu tình kêu gọi một sự thay đổi về lâu dài đối với hệ thống pháp lý.
Trong cuộc họp báo hôm 19/7 về vụ việc, Tổng thống Barack Obama phát biểu rằng "Trayvon Martin có thể đã là tôi cách đây 35 năm". Ông thừa nhận nhiều thanh niên người Mỹ gốc Phi bị theo dõi ở các cửa hàng, phải chứng kiến người khác chặn mình khi băng qua đường và thấy các phụ nữ giữ chặt túi xách của họ khi đi cùng thang máy.
Ông cho rằng nỗi đau của người Mỹ gốc Phi trong vụ việc trên bắt nguồn từ những gì họ đã trải qua, và từ 'một lịch sử vẫn chưa thể khép lại'. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ kêu gọi người dân biểu tình một cách hòa bình, bởi bạo lực sẽ "bôi nhọ những gì đã xảy ra với Trayvon Martin".
Giữa tuần trước, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder đã nêu ra vụ việc trên để kêu gọi xem xét lại luật tự vệ, vốn cho phép người dân có thể sử dụng vũ lực gây chết người nếu cảm thấy bị đe dọa tính mạng.
Theo VNE
Sự kỳ thị màu da tàn nhẫn trong làng mẫu Không chỉ ít được diễn trên sàn catwalk, những người mẫu da màu còn gần như không có cơ hội khi casting quảng cáo, bởi các doanh nghiệp sợ họ sẽ mang vận rủi cho sản phẩm của mình. Mặc dù phân biệt chủng tộc hay tôn giáo là vấn đề rất nhạy cảm trong xã hội hiện đại, nhưng không vì thế...