Sự kỳ lạ của giá điện: ‘Cõng’ từ lỗ tỷ giá đến xây biệt thự, sân tennis
Một đại biểu Quốc hội từng nhận xét, điện là mặt hàng kỳ lạ, tăng giá tăng giá và tăng giá, giá điện kỳ lạ hơn khi những chi phí như xây biệt thự, sân tennis lại được tính vào giá thành điện, thậm chí ‘nhà đèn’ còn đòi tính hàng chục nghìn tỷ lỗ tỷ giá vào giá điện.
EVN đang xây dựng biểu giá bán điện mới. Ảnh: TL
Từ tăng giá, tăng giá và tăng giá
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng về giá điện, đại biểu Cao Sỹ Cương đã từng ví von rằng, ở Việt Nam điện là mặt hàng rất kỳ lạ, tăng giá, tăng giá và tăng giá. Tăng rồi, tăng tiếp và tăng nữa.
Theo đại biểu Cương, việc tăng giá điện không phải không có lý nhưng lẽ ra việc tăng giá điện phải khiến người dân được lợi vì nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất. Giá bán lẻ cũng là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư khi nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất giá bán cũng sẽ giảm và người dân hưởng mức giá cạnh tranh nhất.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, lý thuyết trên đúng với tất cả các ngành nhưng không đúng với ngành điện.
Chưa hết, giá điện với cách tính luỹ kế, bậc thang được áp dụng theo biểu giá bán lẻ điện mới từ ngày 16/3 vừa qua cũng gây bức xúc trong dư luận khi hoá đơn tiền điện theo đó đã tăng vọt, từ 2-3 lần, thậm chí tăng gấp 8 lần.
Một phần nguyên nhân là do thời điểm áp dụng biểu giá bán lẻ điện mới trùng với dịp cao điểm nắng nóng nhưng việc tăng giá điện chính lãnh đạo Điện lực Hà Nội, EVN, Cục Điều tiết điện lực và Bộ Công thương thừa nhận do cách tính luỹ tiến, bậc thang.
Một chuyên gia kinh tế từng phân tích, cách tính tiền điện theo bậc thang, luỹ tiến là một cách tính vô lý trong khi các hàng hó khác, theo nguyên tắc càng dùng nhiều càng rẻ nhưng ở điện lại ngược lại, càng dùng nhiều giá càng đắt.
Cụ thể, theo biểu giá, mức cao nhất lên đến 2.587 đồng/kWh áp dụng cho kWh từ 401kWh trở lên trong khi mức thấp nhất là 1.484 kWh áp dụng cho kWh từ 0-50kWh.
Giá bán lẻ điện từ năm 2009 đến tháng 3/2015
Phản hồi về những ý kiến cho rằng cách tính giá điện theo bậc thang, luỹ tiến là vô lý, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, việc áp dụng biểu giá luỹ tiến, bậc thang cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt là phổ biến trên thế giới với mục đích khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Video đang HOT
Đến “cõng” biệt thự, sân tennis, lỗ tỷ giá
Giá điện “kỳ lạ” hơn khi không chỉ “tăng giá, tăng giá và tăng giá” vì giá điện từng được chỉ ra rằng đã “cõng” chi phí xây biệt thự, nhà khách của Tập đoàn Điện lực EVN.
Trong báo cáo của Bộ Công Thương về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại EVN, Bộ Công Thương cho biết đã cùng Bộ Tài chính lập phương án xử lý.
Theo đó, chi phí khấu hao các nhà khác chuyên gia trong đó có biệt thự, nhà quản lý vận hành, nhà sửa chữa điện và nhà ở trực tiếp cho người lao động tại các nhà máy điện Bộ Công Thương khẳng định EVN sẽ được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh điện.
Cũng theo Bộ Công Thương, với chi phí đầu tư các công trình phúc lợi như nhà trẻ, bể bơi, sân tennis… EVN phải sử dụng quỹ phúc lợi hoặc nguồn tài trợ khác đề đầu tư xây dựng, nếu đã dùng nguồn khác phải điều chỉnh lại.
“EVN và các đơn vị thành viên không được tính chi phí khấu hao tài sản này vào chi phí sản xuất kinh doanh điện”, văn bản do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng ký nêu rõ.
Như vậy, với văn bản này Bộ Công Thương đã công nhận một phần chi phí xây biệt thự, sân tennis được tính vào giá điện.
Từng trả lời chất vất trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những nội dung liên quan được Thanh tra Chính phủ chỉ ra, hồi tháng 4/2014 người đứng đầu Bộ Công Thương từng cho biết, với các công trình xây dựng ở địa bàn xa xôi, môi trường làm việc có tính chất độc hại như vậy thì thu hút cán bộ, người lao động rất khó khăn nên tạo điều kiện bằng cách xây dựng hạ tầng công trình phúc lợi như vậy thì dư luận và nhân dân “chắc là cũng thấy hợp lý”.
Trước thực tế hoá đơn điện tăng mạnh vì cách tính luỹ tiến bậc thang, theo chỉ đạo của người đứng đầu Bộ Công Thương, EVN tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp đóng góp về biểu giá điện mới và sẽ hoàn thiện báo cáo lên Bộ trong tháng 10/2015.
Quyết định thay biểu giá bán lẻ điện chưa khiến dư luận nguôi ngoai thì mới đây, 3 Tập đoàn lớn là EVN, Công nghiệp Than – Khoáng sản (TKV) và Dầu khí (PVN) lại đồng loạt kêu lỗ hàng nghìn tỷ đồng do điều chỉnh tỷ giá và đề nghị tính vào giá điện.
Cụ thể, ông Vũ Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc TKV cho biết, chênh lệch tỷ giá làm các nhà máy nhiệt điện TKV đầu tư phát sinh khoản lỗ đến 1.200 tỷ đồng. Do vậy TKV kiến nghị Bộ Công Thương xem xét cho tính khoản chênh lệch tỷ giá vào giá thành điện.
Lãnh đạo PVN cũng cho biết, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của PVN.
Trường hợp EVN, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho rằng, chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực điện. “Riêng TKV lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng, nếu cộng các con số mà cả TKV và PVN lỗ do tỷ giá có thể gấp hơn 10 lần con số 1.200 tỷ đồng”, ông Hải nói.
Theo Bizlive
Dọa lỗ ngàn tỷ, thêm cớ tăng nhanh giá điện
Với cú sốc tăng tỷ giá thêm 3%, giá điện bán lẻ tại Việt Nam lại đứng trước áp lực tăng giá trong thời gian. Song, TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, chỉ cần tăng giá điện 1% là vừa đủ.
Áp lực tăng giá điện kéo dài
Khởi xướng cho việc phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện vừa qua không phải từ đại điện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mà lại là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Tại cuộc họp giao ban tháng 8 của Bộ Công Thương, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc TKV, đã khẳng định, cú tăng 3% tỷ giá vừa qua đã khiến hoạt động sản xuất điện của TKV đội chi phí lên 1.200 tỷ đồng nên cần phân bổ khoản lỗ này vào giá điện.
Cùng đó, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám EVN, không đưa ngay ra con số lỗ tỷ giá nhưng cũng nhấn mạnh, nếu tính thiệt hại từ tỷ giá ở cả TKV và PVN trong lĩnh vức sản xuất điện thì mức lỗ tỷ giá có thể gấp 10 lần con số TKV đưa ra.
Nhìn nhận điều này, GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, chia sẻ: tăng tỷ giá đương nhiên sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất điện. Bởi thiết bị của ngành điện phần lớn đều phải nhập khẩu bằng ngoại tệ. Ngoài ra, đầu vào của ngành điện như than, dầu tới đây cũng phần lớn là nhập.
Tổn thất điện năng lớn khiến giá thành điện Việt Nam cao
"Hiện nay, tuỳ loại công nghệ mà suất đầu tư các nhà máy nhiệt điện dao động từ 900-1.000 USD/kWh, nghĩa là phải tốn khoảng 1 triệu USD cho 1 MW. Như vậy, chỉ một tổ hợp nhiệt điện công suất khoảng 1.200 MW thì suất đầu tư đã vào khoảng 1,2 tỷ USD. Tăng tỷ giá thì chắc chắn, chi phí đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện chắc chắn sẽ tăng mạnh", ông Long phân tích.
Ông khẳng định: "Việc tăng tỷ giá sẽ tạo thêm áp lực tăng giá bán lẻ điện và ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng".
Theo báo cáo của EVN, năm 2014, tập đoàn này đã vay 3,1 tỷ USD từ các nguồn Ngân hàng Thế giới, JICA, NEXI, ADB, AIF, KFW, IBIC,... cho 9 dự án công trình nguồn và lưới điện. Tỷ giá tại các hợp đồng vay vốn này mới chỉ ở mức 19.500 đồng/USD.
Đồng thời, EVN cũng đã nhận được cam kết vay vốn nước ngoài là 1,626 tỷ USD cho 6 dự án nguồn và lưới điện, với mức tỷ giá là 19.666 đồng/USD. Cùng đó, EVN cũng đang có 10 dự án với khoản vốn vay đang đề xuất lên tới 6,486 tỷ USD.
Rõ ràng, với tỷ giá vừa lên mức 22.500 đồng/USD, tăng tới 3.000 đồng mỗi USD so với mức tỷ giá ban đầu thì lỗ chênh lệch tỷ giá của Tập đoàn này sẽ là con số khổng lồ. Trong đó, khoản vốn đã thu xếp trong năm 2014 đã đội thêm ít nhất là 9.300 tỷ đồng, khoản vốn đã cam kết vay cũng bị đội chi phí lên hơn 4,616 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại thời điểm tăng giá điện tháng 3, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, thông báo rằng tập đoàn này vẫn còn treo khoản lỗ 7.800 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá chưa được phân bổ hết. Đây chính là khoản cuối cùng tồn dư lại từ khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới gần 26.670 tỷ đồng mà EVN phải gánh sau cú tăng tỷ giá 9,3% năm 2011.
Trong 4 năm qua, khoản lỗ tỷ giá trên vẫn còn chưa phân bổ xong thì với việc phát sinh lỗ giả thiết tới 12.000-14.000 tỷ đồng như trên thì chắc chắn, giá điện bán lẻ tới đây sẽ chịu áp lực tăng giá dài dài.
Giá điện tăng quá 2% là không hợp lý
Năm nay, giá điện Việt Nam đã tăng thêm 7,5% kể từ 16/3 vừa qua, đưa mức giá bán lẻ bình quân lên mức 1.622,05 đồng/kWh.
Đây là lần thứ 10 Việt Nam tăng giá điện trong 8 năm qua, kể từ năm 2007. Trong đó, tăng 7,5% lần này là mức cao so với 4 lần liên tục vừa qua chỉ 5%/đợt tăng. Đợt tăng giá điện này sẽ mang đến doanh thu tăng thêm cho EVN là 13.000 tỷ đồng.
Giá điện tăng làm đời sống sinh hoạt thêm khó khăn
Song, với việc lỗ tỷ giá cũ mới còn chồng chất, người tiêu dùng không khỏi lo ngại về một viễn cảnh sẽ có thêm một đợt tăng giá điện nữa trong thời gian tới.
Đáng lưu ý, theo nguyên tắc điều chỉnh giá bán lẻ điện được Thủ tướng phê duyệt, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 6 tháng. Trường hợp các thông số đầu vào thay đổi thì EVN sẽ được phép tăng tới 7% mà không cần xin phép Bộ Công Thương hay Thủ tướng. Trong đó, tỷ giá là một trong những yếu tố đầu vào để EVN có đủ lý do chính đáng tiếp tục tăng giá điện.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội, nói: "Theo ước tính sơ bộ của tôi, nếu tỷ giá tăng 3% thì giá điện điều chỉnh khoảng 1% là vừa".
TS Thành phân tích: "Ước tính trên là dựa theo giả định cơ cấu giá thành điện có 30% chi phí từ nguyên liệu, máy móc nhập khẩu. Trường hợp này, nếu nhà đèn đòi tăng trên 2 hoặc 3% thì không có lý".
"Các Bộ ngành, EVN cần phải tính toán thật kỹ tác động này. Nếu phân bổ lỗ tỷ giá vào giá điện thì các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc thật kỹ", GS Long đề nghị.
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thoả, bình luận: "Về nguyên tắc thì giá điện theo thị trường sẽ phải tính đúng, tính đủ vào yếu tố đầu vào như tăng tỷ giá. Nhưng vì đây là ngành nhạy cảm, là đầu vào của nền kinh tế thì cần phải nghiên cứu xem phân bổ liều lượng lỗ tỷ giá vào bao nhiêu cho hợp lý. Không phải phá giá 3% thì cho hết 3% này vào giá điện".
Theo ông Thoả, cách hợp lý nhất là phân bổ chênh lệch tỷ giá dần dần để không gây ra những biến động lớn vào thời điểm cuối năm, tranh đột biến lạm phát vì đây là thời điểm cung tiền ra nhiều.
"Dù vậy, mỗi lần tăng giá điện, EVN cần phải thông tin công khai, minh bạch trong giải trình một cách cụ thể các lý do tăng giá thì mới đạt được sự đồng thuận trong nhân dân", ông Thoả nói.
Cho tới thời điểm này, Cục Điều tiết điện lực Việt Nam vẫn khẳng định chưa có đề xuất tăng giá điện. EVN đang được giao nhiệm vụ tính toán giảm bậc thang giá điện sinh hoạt và phải lấy ý kiến người dân vào tháng 9 này.
Theo VNN
Lãi vay của EVN sẽ được tính vào giá điện Lãi khoản vay 7.000 tỷ đồng của EVN (Tập đoàn điện lực Việt Nam) tại PVN (Tập đoàn dầu khí Việt Nam) sẽ được hạch toán vào giá điện hằng năm. Điều này cũng có nghĩa người tiêu dùng phải "gánh" lãi vay của EVN vào giá điện... Bộ Công Thương ngày 10.9 cho biết, đối với khoản nợ của EVN tại PVN,...