Sự kỳ diệu đến với cậu bé u sợi thần kinh
Gần 15 năm sống chung với khối u to như tảng thịt che mất mắt trái, tính mạng và thị lực của em Trương Thiện Nhân (16 tuổi, An Giang) bị đe dọa khi khối u phát triển nhanh gây chèn ép hốc mắt, sụp hoàn toàn mí mắt, đe dọa nhiễm trùng não.
GS McKay McKinnon đang phẫu thuật một ca u sợi thần kinh – Ảnh: D.N
May mắn mỉm cười khi Thiện Nhân được GS McKay McKinnon (chuyên gia về ung bướu và phẫu thuật hàng đầu của Mỹ) phẫu thuật, tìm lại ánh sáng trọn vẹn và cuộc đời mới cho em.
Tưởng chừng vô phương cứu chữa
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bà Phạm Thị Bé Tư (53 tuổi, mẹ em Thiện Nhân) cho biết hơn 10 năm qua, gia đình đưa Thiện Nhân rong ruổi khắp các bệnh viện ở địa phương và TP.HCM để chữa bệnh cho con. Dù nhiều lần thất bại nhưng chưa bao giờ vợ chồng bà bỏ cuộc. “Thiện Nhân đi bệnh viện nhiều đến nỗi cả hai cuốn sổ khám bệnh kín mít ngày khám, tái khám, lời phê của bác sĩ” – bà Tư nói.
Bà nhớ lại, vào ngày thứ 3 sau sinh, Thiện Nhân bắt đầu mở mắt bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến một tháng sau, mắt trái em bỗng dưng sưng húp, riêng chỗ đuôi mắt, lông mi thì dài ra, chếch xuống. Dấu hiệu này mỗi ngày một rõ, ai nhìn cũng xót xa. Lo lắng, gia đình đưa Thiện Nhân đi khám tại các bệnh viện và phòng khám ở địa phương nhưng kết quả chẩn đoán mỗi nơi mỗi khác: từ viêm mí, u bướu mắt, vết trầy xước do tác động khi sinh mổ…
Đến khi Thiện Nhân được 1 tuổi, gia đình khăn gói đưa em lên TP.HCM thăm khám. Bác sĩ cho biết Thiện Nhân bị u sợi thần kinh. “Bác sĩ nói khối u của con chỉ ảnh hưởng về thẩm mỹ, không nguy hiểm đến tính mạng, căn dặn gia đình không được cắt khối u này vì sẽ mất máu rất nhiều” – bà Tư nói.
Thế nhưng chỉ vài tháng sau, khối u phình lên với kích thước lớn khiến mí mắt sụp hoàn toàn. Gia đình tiếp tục đưa Thiện Nhân đến bệnh viện tại TP.HCM nhập viện. Bác sĩ tiến hành mổ khối u và dùng sling treo mí mắt. Do khối u phát triển nhanh, kích thước lớn như tảng thịt ghì nặng mí mắt khiến Thiện Nhân không thể nhìn thấy rõ. Và em lại được mổ lần thứ 2 nhưng khối u cũng mọc lại sau đó.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ tiền để mổ nên vợ chồng bà Tư đành chịu đựng cho Thiện Nhân sống chung với khối u này trong nhiều năm dài. Thương đứa con trai tội nghiệp, vợ chồng bà cố gắng kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận đồ may gia công về nhà làm, hi vọng Thiện Nhân sớm được mổ trong thời gian tới.
Lúc bấy giờ, Thiện Nhân không những bị ảnh hưởng về thị lực và sức khỏe, em còn bị bạn bè trong lớp, xóm giềng trêu chọc, gọi là “thằng một mắt”.
Ca mổ cực khó, nguy hiểm
Video đang HOT
Tháng 1-2019, may mắn mỉm cười với gia đình bà Tư khi biết đến quỹ từ thiện “Nâng bước tuổi thơ” của Bệnh viện FV, chuyên hỗ trợ điều trị phẫu thuật cho các em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Với sự kết nối của quỹ, Thiện Nhân được chính tay GS McKay McKinnon – chuyên gia phẫu thuật thần kinh nổi tiếng thế giới với hơn 30 năm kinh nghiệm – thực hiện phẫu thuật với sự cộng tác của bác sĩ Vũ Anh Lê (chuyên khoa mắt Bệnh viện FV) cùng nhiều chuyên khoa khác.
Các bác sĩ đánh giá tình trạng của Thiện Nhân được xếp vào ca bệnh khó, do xương bướm trong hốc mắt bị khiếm khuyết khiến một phần não bên trên không được nâng đỡ có nguy cơ tràn xuống, cộng thêm khối u phát triển vào trong hốc mắt gây chèn ép các thành phần trong hốc mắt như mô cơ, mạch máu, thần kinh mắt gây mất thị lực, khiến Thiện Nhân thường xuyên trải qua những cơn đau nhức, chưa kể đến nguy cơ nhiễm trùng não có thể xảy ra…
GS McKinnon cho biết khi phẫu thuật cần phải lấy một mảnh xương sọ tự thân đặt vào lỗ hổng để che đi phần bị khuyết ở trần hốc mắt và não, đưa não và mắt về đúng vị trí. Sử dụng mảnh ghép xương sọ tự thân sẽ hoàn toàn loại bỏ được nguy cơ đào thải.
Tại phòng mổ, GS McKinnon điều phối nhịp nhàng đồng thời công việc của các chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, ung bướu, khoa ngoại thần kinh và cả khoa thẩm mỹ. Vì đây là cuộc đại phẫu đúng nghĩa với nhiều chuyên khoa tham gia, Thiện Nhân cần một lượng máu lớn.
Sau gần 5 giờ căng thẳng, ca mổ được đánh giá là cực khó và nguy hiểm đã thành công ngoài mong đợi. Thiện Nhân được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u sợi thần kinh ở hốc mắt và mí mắt, đồng thời khắc phục được tình trạng khiếm khuyết xương bướm trong hốc mắt. Phần não bên trên được bảo vệ an toàn không có nguy cơ tràn xuống, giúp mắt không bị đẩy lệch, có thể giữ được thị lực và chức năng thẩm mỹ.
Bên cạnh việc cắt bỏ khối u, GS McKinnon còn giúp Thiện Nhân (liên quan đến chất lượng cuộc sống sau này) điều chỉnh phần xương hốc mắt và gò má bị biến dạng lệch lạc sau nhiều năm do sự phát triển lớn lên của khối u. Đồng thời phần mí mắt trên bị sụp cũng được nâng lên tạo sự cân đối 2 mắt, cải thiện nét thẩm mỹ cho gương mặt em.
Đã hơn 1 năm qua – kể từ khi Thiện Nhân trải qua ca mổ u sợi thần kinh thành công, thể trạng Thiện Nhân hiện rất tốt, dù mắt trái sau mổ không mở to như mắt phải nhưng thị lực cải thiện nhiều, giúp em hòa nhập tốt với cộng đồng.
Bác sĩ Vũ Anh Lê cho biết u sợi thần kinh là một bệnh lý do rối loạn di truyền tính trội ở nhiễm sắc thể số 17. U sợi thần kinh chia thành 3 thể bệnh. Trường hợp Thiện Nhân được xếp vào bệnh u sợi thần kinh type 1 còn được gọi là bệnh u sợi thần kinh ngoại biên hay bệnh Von Recklinghausen.
Vì sao tuyệt đối không được nặn mụn ở 'tam giác tử thần' trên mặt?
Nghiêm túc mà nói, bằng mọi giá, bạn nên tránh xa việc nặn mụn ở vùng 'tam giác tử thần' trên mặt này.
Bạn phải hết sức cẩn thận tránh nặn mụn khu vực tam giác này trên mặt, cho dù chúng có trông gai mắt đến mức nào - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Bạn đã được nhắc đi nhắc lại rằng hãy tránh nặn mụn, cho dù chúng có trông gai mắt đến mức nào.
Tất nhiên, lời khuyên đó dành cho toàn bộ khuôn mặt của bạn, nhưng các bác sĩ nói rằng có một khu vực đặc biệt nguy hiểm trên khuôn mặt - thường được gọi là "tam giác tử thần" - mà bạn không bao giờ nên nặn mụn, theo Health.
Sau đây là những điều bạn cần biết về "tam giác tử thần", và tại sao bạn nên tránh nặn mụn ở đó.
"Tam giác tử thần" trên mặt là gì?
"Tam giác tử thần" là "vùng mặt nối mũi với khóe miệng là vùng đặc biệt nguy hiểm trên khuôn mặt", vì bác sĩ Joshua Zeichner, bác sĩ chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai ở New York (Mỹ), cho biế, vùng này liên hệ chặt chẽ với não bộ, theo Health.
Cách tốt nhất để nhận biết hình tam giác này là tạo thành một hình tam giác bằng các ngón tay như sau: Đặt đầu ngón trỏ lên vị trí ở đầu sống mũi, ở giữa 2 mắt, đầu ngón tay cái và ngón giữa đặt 2 bên khóe miệng.
Trên khuôn mặt của bạn, đầu của hình tam giác nằm trên sống mũi và phần gốc của hình tam giác bắt đầu ở hai bên khóe miệng và kéo dài qua phần dưới của môi trên, theo Health.
Tại sao nặn mụn ở vùng "tam giác tử thần" lại nguy hiểm?
Nhiễm trùng ở một nốt mụn trên mũi trong khu vực "tam giác tử thần" trên mặt có một con đường khá rõ ràng đến não - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Cụm từ "tam giác tử thần" nghe có vẻ hơi cực đoan, nhưng bạn chắc chắn không nên xem nhẹ mối nguy hiểm này.
Tiến sĩ Zeichner cho biết, xoang hang có động mạch cảnh lớn dẫn máu đến não, tạo ra một kết nối từ bên ngoài vào bên trong.
Nói cách khác, nhiễm trùng ở một nốt mụn trên mũi có một con đường khá rõ ràng đến não.
Vì lý do này, "bất kỳ nhiễm trùng nào ở khu vực này đều có nguy cơ cao hơn", tiến sĩ Alok Vij, bác sĩ da liễu tại Cleveland Clinic (Mỹ), giải thích.
"Trong trường hợp nặn mụn và bị nhiễm trùng, trường hợp xấu nhất là nhiễm trùng lây lan từ da qua xoang này và có nguy cơ nhiễm trùng não và thậm chí lây lan qua đường máu đến toàn bộ cơ thể", tiến sĩ Zeichner nói, theo Health.
Do đó, tuyệt đối không được nặn mụn ở khu vực này, cả nhổ lông mũi cũng vậy, vì bất kỳ hành động nào đều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào khu vực nguy hiểm đó trên khuôn mặt.
Một lý do khác để tránh chạm tay vào khu vực này là vì nó có nhiều nguy cơ bị sẹo hơn, tiến sĩ Vij nói.
Có cách nào để nặn mụn một cách an toàn không?
Mặc dù các bác sĩ không khuyến khích việc nặn mụn, nhưng có một số cách để nặn mụn ít rủi ro hơn.
Trước hết, tuyệt đối tránh xa mụn ở vùng "tam giác tử thần". Bất cứ khi nào bạn phát hiện một nốt mụn lớn trên mũi, hãy nhớ các từ "nhiễm trùng não tiềm ẩn", theo Health.
Đối với mụn ở các khu vực khác, như ở cằm, hãy cân nhắc thời điểm nặn mụn. Đừng nặn mụn ngay trước khi đi ngủ khi bạn đang mệt mỏi. Hãy coi nó giống như một quy trình phẫu thuật vô trùng", tiến sĩ Zeichner nói.
Nói cách khác, thao tác này cần được quan tâm đầy đủ. Tiến sĩ Vij khuyến cáo trước khi nặn mụn, hãy rửa tay thật sạch, đặc biệt bên dưới móng tay, vì vi khuẩn rất thích ẩn náu ở đó. Tốt nhất là nên cắt móng tay trước khi nặn mụn, tiến sĩ Zeichner khuyên.
Tiếp theo, bạn nên làm sạch da mặt, và tiến sĩ Vij khuyên bạn nên chườm ấm lên vùng da đó trước khi bắt đầu nặn mụn, theo Health.
Tiến sĩ Zeichner nói, bạn không nên dùng móng tay để nặn mụn. Mà hãy dùng tăm bông hoặc phần mềm của đầu ngón tay. Xoa đều, đè xuống xung quanh mụn, ông khuyên.
Điều quan trọng nhất là nhận ra khi nào nên dừng lại. Tiến sĩ Zeichner nói, nếu "cồi" mụn không thoát ra dễ dàng, hãy hủy bỏ nhiệm vụ.
Hãy bôi thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ như bacitracin lên bất kỳ vùng da hở nào, sau khi nặn mụn, theo Health.
Hành trình xóa 'rễ cây' trên chân Từng chấp nhận bán hết gia sản để đưa con qua Singapore điều trị với số tiền lên đến hàng tỉ đồng, nhưng sau đó gia đình bệnh nhân đã tìm được nơi điều trị hiệu quả cho con ngay tại Việt Nam với chi phí thấp hơn hàng chục lần. Hình ảnh đôi chân bị rối loạn mạch máu trước và sau...