Sự hy sinh thầm lặng của các nữ điệp viên Liên Xô
Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua đi, cũng là dịp để tưởng nhớ các nữ anh hùng trên “mặt trận vô hình”.
Cho đến nay, tiểu sử của nhiều nữ điệp viên Liên Xô vẫn được coi là bí mật quốc gia.
Xin trân trọng giới thiệu câu chuyện của Đại tá tình báo đã nghỉ hưu Oleg Kholodov về số phận đặc biệt của ba nữ điệp viên Liên Xô: Gohar Vartanyan, Galina Fyodorova và Africa de las Heras.
Ngọc quý không chỉ ở cái tên
Do tuổi cao, Đại tá Oleg Kholodov không có dịp gặp hai nhân viên tình báo Liên Xô nổi tiếng này khi hoạt động ở nước ngoài. Ông gặp họ khi họ đã trở về Liên Xô và bồi hồi nhớ lại những con người hết sức đáng mến này – vợ chồng nhà tình báo Vartanyan.
Gohar Vartanyan là viên kim cương sáng giá của ngành tình báo Liên Xô. Không phải vô cớ mà trong ngôn ngữ Armenia, tên bà có nghĩa là “viên ngọc quý”. Trong chiến tranh, bà được trao tặng Huân chương Cờ đỏ. Trong số các nữ điệp viên mật Liên Xô, không ai có vinh dự được nhận phần thưởng cao quý này. Chồng bà, ông Gevork Vartanyan, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì gần 50 năm làm việc trong lĩnh vực tình báo.
Tại sao người phụ nữ Armenia, ngay từ nhỏ chuyển từ Gyumri đến Iran, lại trở thành sĩ quan tình báo Liên Xô? Như Gohar đã nhiều lần nói, tình yêu là “thủ phạm” gây ra điều đó. Năm 16 tuổi, bà gia nhập nhóm chống phát xít của người chồng và chiến hữu tương lai của mình Gevork Vartanyan.
Lúc đầu, anh trai bà tham gia nhóm này, còn cô bé Gohar 13 tuổi chỉ giúp đỡ anh. Nhưng ba năm sau, bà trở thành thành viên chính thức của nhóm “Bảy kỵ binh hạng nhẹ” nổi tiếng. Nhóm tình báo này được Trung tâm đặt tên như vậy vì các nhân viên tình báo trẻ chủ yếu đi xe đạp theo dõi bọn gián điệp Đức. Ngay cả trước khi quân đội Liên Xô tiến vào Iran, họ đã xác định được hơn 400 điệp viên tình báo Đức. Chính nhờ sự giúp đỡ của họ mà trong thời gian Hội nghị thượng đỉnh Tehran, Stalin, Churchill và Roosevelt đã được cứu mạng.
Chuyện xảy ra như sau. Qua nhà tình báo Liên Xô nổi tiếng Nikolay Kuznetsov, Moscow biết rằng phát xít Đức định thủ tiêu Stalin, Churchill và Roosevelt. Một lần, khi hoạt động ở hậu tuyến địch, Nikolay đã được một trong những sĩ quan phát xít tin cậy và tiết lộ rằng một toán quân Đức do Otto Skorzeny, trung tá của Lực lượng Vũ trang SS, nhân vật thân cận của Adolf Hitler, chỉ huy, đang chuẩn bị đổ bộ xuống Tehran.
Sau khi nhận được thông tin này, nhóm tình báo Liên Xô ở Iran được giao nhiệm vụ tìm kiếm lực lượng đổ bộ. Và vận may đã mỉm cười với vợ chồng Vartanyan – họ là những người đầu tiên phát hiện ra 6 tên Đức nhảy dù xuống khu vực Qom, cách thủ đô Tehran 80 km. Về sau hóa ra, đây là tốp dẫn đầu. Nhiệm vụ của chúng là liên lạc với Berlin và chuẩn bị điều kiện cho việc đổ bộ của lực lượng chính do Skorzeny cầm đầu. Chúng đã bị bắt khi đang liên lạc với trung tâm của mình.
Những tên biệt kích Đức bắt đầu làm việc với Berlin theo lệnh của tình báo Liên Xô. Nhưng dù sao, nhân viên điện đài của chúng vẫn kịp truyền đi tín hiệu nguy hiểm. Bọn phát xít hiểu rằng ở Iran chúng không được chào đón. Buộc phải hủy bỏ chiến dịch.
Tất nhiên, thật đáng tiếc là lúc bấy giờ không thể bắt hoặc tiêu diệt tất cả những tên phát xít do Skorzeny cầm đầu. Dẫu sao, chúng ta cũng đã ngăn chặn được một âm mưu khủng bố và cứu được các lãnh tụ của Tam cường – Đại tá Oleg Kholodov nói.
Ông Gevork Vartanyan, chồng của điệp viên Gohar Vartanyan.
Sau Iran, nhiều năm liền, cặp vợ chồng nhân viên tình báo hoạt động ở nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay, vẫn chưa thể kể hết về giai đoạn này trong cuộc đời họ. Chỉ đến năm 2000, một số nhiệm vụ của họ mới được giải mật – và vợ chồng Vartanyan mới có điều kiện kể chút ít về cuộc đời mình. Nhưng phần lớn tiểu sử của họ vẫn được giữ bí mật: chẳng hạn như danh sách đầy đủ các nước, nơi gia đình nhà tình báo đã hoạt động. Người ta chỉ biết một số nước, ví dụ như Ý, nơi cặp đôi này đã thiết lập được nhiều mối quan hệ hữu ích, kể cả với giám đốc CIA tương lai và các quan chức cấp cao khác. Những mối quan hệ này về sau đã giúp họ rất nhiều khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng.
Gohar là nhà tình báo chuyên nghiệp trình độ cao. Bà hiểu rằng chỉ một sai sót nhỏ nhất cũng có thể khiến vợ chồng bà phải trả giá bằng thất bại, dẫn đến án tù dài hạn, thậm chí là chung thân. Đó là lý do vì sao bà quyết định không sinh con. Sau này bà hết sức hối tiếc về điều đó, bà cho rằng đây là sự hy sinh lớn nhất của một nhà tình báo hoạt động bí mật.
Trở về Liên Xô, vợ chồng nhà tình báo Vartanyan dành nhiều thời gian làm việc với thế hệ nhân viên tình báo mới, những người được họ truyền lại kinh nghiệm vô giá của mình. Và khi rảnh rỗi, Gohar và Gevork thích đi du lịch. Tất nhiên, họ không được phép ra nước ngoài, bù lại, họ được đến thăm nhiều vùng khác nhau của nước Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.
Video đang HOT
Điệp viên Zhanna
Đại tá Oleg Kholodov kể tiếp về một nữ anh hùng tình báo nữa của Liên Xô – Galina Fyodorova. Nhiều năm liền bà hoạt động bí mật ở châu Âu dưới mật danh “Zhanna”.
Trong nhiều thập kỷ, Galina Fyodorova đã cùng chồng cung cấp cho Trung tâm những thông tin rất quan trọng về hoạt động của NATO. Khi được giải mật, họ tổ chức cuộc gặp gỡ với các nhà báo, một số người tỏ ra rất ngạc nhiên.
“Tại sao họ lại trở về nhỉ? – một phóng viên trẻ hỏi một phóng viên khác – Họ sở hữu một công ty giàu có như vậy, có một khoản tiền lớn trong tài khoản ngân hàng. Họ có thể sống sung túc ở bên ấy”.
Nữ điệp viên Zhanna – Galina Fyodorova.
Khi được nghe kể lại cuộc trò chuyện tình cờ này của các phóng viên, lúc đầu, nữ tình báo Galina Fyodorova thậm chí không hiểu thực chất của câu hỏi “thực dụng” đó. Bà kể, ở phương Tây, vợ chồng bà có nhà riêng trong thành phố, người hầu, biệt thự sang trọng bên bờ biển, những chiếc “Mercedes” và “Lincoln” đỗ trong gara. Số tiền trong tài khoản ngân hàng lớn đến mức họ có thể sống vương giả trong suốt quãng đời còn lại của mình.
- Hiện nay chúng tôi sống trong một căn hộ hai phòng khiêm tốn và hài lòng với mức lương hưu khiêm tốn không kém – Galina Fyodorova cười. – Những người trẻ này hoài nghi: liệu có nên đánh đổi hàng triệu USD ở nước ngoài để lấy đồng lương hưu còm cõi ở quê nhà không? Câu trả lời tự nó nảy sinh: đây là đất nước của chúng tôi, đây là mồ mả của cha mẹ chúng tôi, đây là nhà của chúng tôi, nơi chúng tôi sinh ra, học tập và lớn lên, đây là đồng bào của chúng tôi. Ngoài ra, cả hai chúng tôi đều là người Nga và nước Nga là Tổ quốc của chúng tôi, đây là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tổ quốc chỉ có một! Nhà văn Ivan Turgenyev nói rất đúng: “Tổ quốc có thể sống mà không cần mỗi chúng ta, nhưng bất cứ ai trong chúng ta cũng không thể sống thiếu Tổ quốc”.
Nhiều năm liền, nữ điệp viên Zhanna phải sống xa tổ quốc, người thân và bạn bè. Do công việc nguy hiểm và rủi ro thường xuyên rình rập, giống như ông bà Vartanyan, bà không có hạnh phúc được làm mẹ. Trước khi qua đời, Galina Fyodorova thừa nhận: “Không gì trên đời này có thể bù đắp được sự hy sinh như vậy”.
Nhưng bà không nguyền rủa số phận mình. Khi trở về Tổ quốc, trong báo cáo về công việc đã thực hiện ở nước ngoài, Galina Fyodorova viết: “Chúng tôi đã tổ chức ít nhất 300 cuộc gặp gỡ bí mật, khoảng 200 buổi phát thanh với Moscow và qua các kênh khác, chúng tôi đã chuyển khoảng 400 tài liệu bí mật quan trọng về Trung tâm”.
Nhờ điệp viên Zhanna, ban lãnh đạo đất nước đã kịp thời nhận được thông tin rất đầy đủ về kế hoạch tấn công hạt nhân phòng ngừa vào Liên Xô và có thể thực hiện các biện pháp đối phó.
- Chính hai vợ chồng Fyodorov đã cứu tất cả chúng ta khỏi số phận bi thảm của Hiroshima và Nagasaki – Đại tá Kholodov kết thúc câu chuyện của mình về nữ điệp viên Zhanna.
Africa de las Heras
Đại tá Oleg Kholodov tiếp tục câu chuyện về một nữ điệp viên Liên Xô tuyệt vời khác. Bà có cái tên đặc biệt – Africa (Châu Phi). Đây là cái tên mà bố bà, một sĩ quan Tây Ban Nha, đặt cho con gái mình, vốn sinh ra ở một nước Châu Phi – Maroc. Trong các tài liệu tác chiến của Trung tâm ở Moscow, bà mang mật danh “Patria – Rodina”. Và chỉ những người rất thân thiết là đồng nghiệp và học viên, mới gọi bà một cách trìu mến và thân thương – Maria Pavlovna hay Châu Phi của nước Nga.
Người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, dũng cảm này là sĩ quan tình báo thành đạt của Liên Xô trong hơn 45 năm. Cho đến nay, hầu hết các nhiệm vụ mà Africa tham gia vẫn được đóng dấu “Tuyệt mật”. Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, người phụ nữ trẻ Tây Ban Nha di cư sang Liên Xô đã xin được ra mặt trận. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nhân viên điện đài, bà tham gia nhóm đặc nhiệm tình báo “Những người chiến thắng” dưới sự chỉ huy của D. Medvedev.
Con tem in hình nữ điệp viên Africa de las Heras.
Mùa hè năm 1944, Africa de las Heras trở thành nhân viên tình báo mật. Ngoài tiếng mẹ đẻ Tây Ban Nha, bà còn thông thạo tiếng Pháp và tiếng Nga. Năm 1947, Trung tâm quyết định cử bà sang hoạt động tình báo ở một trong những nước Mỹ Latinh, nơi bà định cư 20 năm. Trong suốt thời gian đó, nữ tình báo đã hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng là thu thập và chuyển những thông tin tình báo có giá trị về Trung tâm.
Africa đã phục vụ trong các cơ quan an ninh quốc gia Liên Xô hơn 45 năm. Phần lớn thời gian bà làm việc ở nước ngoài trong điều kiện bí mật. Bà chỉ nghỉ hưu vào năm 1985 ở tuổi 76 với cấp bậc đại tá. Ba năm sau, vào ngày 8/3/1988, nữ sĩ quan tình báo qua đời – đúng ngày Quốc tế Phụ nữ và ngày bà chuẩn bị được trao tặng huy hiệu “Chiến sĩ An ninh danh dự”.
Khi nhận xét về nữ tình báo huyền thoại Africa, các học trò của bà nói “Africa de las Heras là một nữ điệp viên mật đích thực. Ở bà có tất cả: tinh thần dũng cảm, lương tâm, sự trung thực đáng kinh ngạc và lòng ngay thẳng cao độ”.
Mộ của Africa de las Heras nằm tại nghĩa trang Khovanskoye của thủ đô Moscow. Năm 2011, nước Nga đã sản xuất bộ phim “Patria: Người phụ nữ sau bức màn bí mật” nói về nữ tình báo vĩ đại Patria. Năm 2019, xuất hiện con tem in hình ảnh bà. Tên của bà được khắc trên tượng đài vinh danh các nhân viên tình báo Liên Xô trước trụ sở của Cơ quan Tình báo Đối ngoại. Bà được tặng thưởng Huân chương Lênin, Huân chương Chiến tranh Vệ quốc hạng II, hai Huân chương Sao đỏ, nhiều huy chương, trong đó có hai Huy chương “Vì lòng dũng cảm” và huy hiệu “Chiến sĩ An ninh danh dự”.
Chiến công bị lãng quên suốt 20 năm
Trước khi bị bắt, vợ chồng điệp viên Liên Xô Vadim và Larisa Maiorov đã có vài năm làm nhiệm vụ thành công ở Argentina.
Là những người nhập cư bất hợp pháp và vô cùng thận trọng nên việc bị bắt giữ là điều hoàn toàn bất ngờ, họ không thể hiểu mình đã làm sai điều gì? Và mãi 20 năm sau, Vadim và Larisa mới phát hiện ra nguyên nhân tai họa của họ.
Những người nhập cư bất hợp pháp đều biết rõ rằng nếu họ bị bắt ở bất kỳ quốc gia nào thì đại sứ quán nước họ sẽ không đến giải cứu. Hai vợ chồng Maiorov đã bị quản thúc 1 năm ba tháng và chỉ có thể dựa vào chính mình. Khi hai điệp viên bị chuyển đến Mỹ, họ đột nhiên biến mất trước mũi tình báo Mỹ.
Ngày 9/10/1970 các đặc vụ có vũ trang của cơ quan An ninh quốc gia Argentina SIDE xông vào căn hộ của Ladislav Marconis, chủ một công ty nhỏ tại Argentina. Họ trói tay Marconis, trùm áo khoác lên đầu ông và đưa ra khỏi căn hộ. Bị bắt cùng với Ladislav là Irma, vợ ông. Hai con gái của họ - 6 tuổi và 9 tháng tuổi cũng bị đưa đi. Tại đồn cảnh sát, Marconis và vợ bị buộc tội làm việc cho KGB.
Hai người là những người nhập cư bất hợp pháp Vadim và Larisa Maiorov - điệp viên Liên Xô.
Các bước chuẩn bị và hoạt động ở nước ngoài
Câu chuyện tình yêu của cặp đôi này bắt đầu vào năm 1959. Trước đó, Vadim Maiorov đã tốt nghiệp trường cao cấp KGB Leningrad và đang tham gia các khóa học tình báo đối ngoại 2 năm. Anh thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và giỏi tiếng Hy Lạp. Sau đó, Vadim được đề nghị đào tạo theo chương trình cá biệt - điều này có nghĩa là được chuẩn bị cho hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài.
Ngày 6/6/1959, đám cưới của Vadim và Larisa diễn ra. Anh không nói với vợ về công việc của mình. Sau đám cưới, người chồng trẻ có chuyến công tác nước ngoài đầu tiên. Khi trở thành một người nhập cư bất hợp pháp, Maiorov có biệt danh "West" và được chuẩn bị làm việc tại Mỹ. Con đường đến Mỹ của West không hề dễ dàng. Trước hết cần phải định cư an toàn ở Argentina, nơi quân đội đang nắm quyền. Cách dễ nhất để hợp pháp hóa là phục vụ trong quân đội Argentina, sau đó sẽ trở thành công dân chính thức của Argentina cùng với các giấy tờ chính thức.
Vào thời điểm này ở Moscow, Larisa được triệu tập đến KGB. Tại đây, cô được cho biết chồng mình là ai và có hai đề xuất cho cô: hoặc chờ đợi, chưa biết là bao nhiêu năm cho đến khi người chồng đi công tác trở về; hoặc cũng trở thành người nhập cư bất hợp pháp và đi theo chồng. Larisa đã chọn phương án hai.
Những cặp vợ chồng nhập cư bất hợp pháp có thể hoạt động hiệu quả hơn trong bộ phận tình báo so với những người độc thân giàu kinh nghiệm nhất: một người sẽ lấy thông tin, người kia tạo vỏ bọc. Kết quả là Larisa cũng trở thành một điệp viên với biệt danh "Westa".
Trong ba năm, Larisa đã thành thạo các kỹ năng của một nhân viên mật mã vô tuyến, học tiếng Anh và tiếng Đức để chuẩn bị cho công việc. Hai năm cô sống ở CHDC Đức và CHLB Đức để hoàn thiện tiếng Đức. Suốt thời gian đó, hai vợ chồng không gặp nhau, chỉ thỉnh thoảng gửi chút tin tức cho nhau từ xa. Vào giữa năm 1963, Larisa tới Tây Berlin để từ đó đến Thụy Sĩ gặp người chồng sẽ từ Argentina bay tới đây.
Vadim từng được đào tạo bài bản cả công việc truyền thanh, anh đã thuê khách sạn ở Thụy Sĩ, song nó lại ở bên cạnh một ngọn núi nên cản trở sự truyền sóng vô tuyến. Kết quả là Vadim đã không nhận được chỉ thị với thông báo mọi thứ đã thay đổi và anh cần phải bay về Đan Mạch. Chỉ đến ngày thứ ba anh mới nhận được mật mã và đã bay đến Copenhagen gặp vợ mình.
Vợ chồng Maiorov sau 20 năm được minh oan.
Nhiệm vụ chung đầu tiên của họ là... một đám cưới. Vadim trong vai "người Argentina" Markonis đã hẹn hò với người "phụ nữ Đức" Irma. Đôi uyên ương quyết định kết hôn và đã bay đến nước Anh để thực hiện điều đó. Lễ thành hôn được tổ chức ở nhà thờ, họ có chuyến đi khắp châu Âu để kết hôn và cuối cùng cặp đôi đã dừng chân tại Buenos-Aires, tại đây họ mở một quán bar theo phong cách Đức.
Không có gì bí mật là sau Thế chiến II có hơn 10.000 kẻ tội phạm chiến tranh Đức Quốc xã đã bỏ chạy tới các nước châu Mỹ Latinh để ẩn náu, trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Một số kẻ trong bọn chúng đã cố gắng thiết lập liên lạc với cơ quan tình báo Tây Đức BND.
Vợ chồng Maiorov đã tận dụng điều này. Họ có thể thực hiện một trong những chiến dịch nổi bật nhất của tình báo Liên Xô có mật danh là "Scorpion" (Bọ cạp). Cặp đôi "West-Westa" đã tích cực tham gia vào việc thành lập một tổ chức tân Quốc xã hư cấu tại Mỹ Latinh. Công việc thành công đến mức liên minh giả mạo này đã được công nhận ở phương Tây và bắt đầu nhận được sự ủng hộ.
Để mở rộng sự kết nối và chiêu mộ các thành viên mới, thủ lĩnh Đức Quốc xã tại Mỹ Latinh - "nam tước von Hohenstein" đã lập tức tới Đức. Đảm nhiệm xuất sắc vai này chính là Yuri Drozdov, sau này trở thành người đứng đầu cơ quan tình báo bất hợp pháp của Liên Xô. Khi đó, Drozdov tuyển được một điệp viên có giá trị nhất ở Tây Đức.
Và gia đình Maiorov đã tìm ra các tọa độ của một khu định cư siêu bí mật của Đức ở Chile có tên gọi là Dignidad. Hai vợ chồng "Merkonis" làm việc trong quán bar của họ, nuôi dạy cô con gái nhỏ, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ tình báo: tiếp nhận chương trình truyền thanh, gặp gỡ các đại diện của văn phòng pháp lý ở Buenos-Aires, đánh dấu những địa điểm liên lạc bí mật và thông báo cho Trung tâm, nhận thư gửi đến. Và tất cả những điều này luôn có nguy cơ đe dọa đến tính mạng vì tình hình chính trị ở Argentina không ổn định. Các nhân viên tình báo và phản gián Argentina SIDE đang tích cực làm việc tại đây và các điệp viên của CIA cũng có mặt khắp nơi.
Trung tâm hài lòng với công việc của vợ chồng Maiorov. Một thông báo được gửi đến rằng đã đến lúc họ bước sang giai đoạn tiếp theo của chiến dịch - chuyển đến Mỹ. Và trước chuyến đi, vào năm 1967 họ được phép về Liên Xô nghỉ để thăm người thân.
20 năm bị lãng quên và tự minh oan
Khi còn ở Copenhagen, cặp đôi từng gặp gỡ điệp viên trẻ Oleg Gordievsky. Khi đó, Larisa đã rất thích anh ta. "Thật là một chàng trai quyến rũ", cô nói với chồng mình. Khi đó, cô không hề biết rằng người đàn ông này sẽ sớm hủy hoại cuộc đời của họ.
Thời gian đó, Gordievsky đã được tình báo Anh tuyển dụng và tất cả tin tức về cặp vợ chồng Maiorov đã được hắn chuyển cho MI-6. Và người Anh đã chia sẻ những tin tức quý giá này với CIA. Sau kỳ nghỉ ở Liên Xô trở về Argentina, vợ chồng Maiorov đã rơi vào tầm ngắm của tình báo Mỹ.
Vào năm 1969, vợ chồng Maiorov có thêm cô con gái thứ hai. Cặp đôi "Markonis" sở hữu một công ty xuất nhập khẩu nhỏ buôn bán với Mỹ. Đó là lý do tốt để họ chuyển đến nước Mỹ. Hai người đã đến một bãi biển vắng gần nhất để thảo luận những vấn đề quan trọng mà không bị ai làm phiền. Và tại đây họ nhận thấy mình đang bị theo dõi. Điểm lại một số thời điểm, khi thì có người lạ đã cố đột nhập vào gara của họ, khi thì có một kẻ khả nghi lảng vảng gần nơi ở và họ biết rằng đang có những nguy cơ dần hiển hiện nên quyết định khẩn trương rời khỏi Argentina. Thế nhưng chưa kịp thực hiện thì vào ngày 9/10/1970, vợ chồng Maiorov và các con gái của họ đã bị tình báo Argentina bắt giữ.
Thật không may là tất cả các bằng chứng đã không thể tiêu hủy. Trong khi lục soát nơi ở của cặp đôi, người ta đã tìm thấy một bản kế hoạch chỉ dẫn vị trí những địa điểm bí mật. Khi đó, hai nhà ngoại giao Liên Xô bị giam giữ và sau đó bị trục xuất khỏi nước này. Trung tâm được biết về việc sa cơ của họ như vậy.
Các cuộc thẩm vấn hai điệp viên kéo dài suốt 9 tháng. Họ bị đe dọa về việc tra tấn hai đứa con, song vợ chồng Maiorov đã không bị khuất phục. Cả hai chỉ nhất mực nói về điều đã được biết: công việc của họ chỉ nhằm chống lại người Mỹ. Bằng cách này, cả hai đã bị đưa đến Mỹ. Họ cho rằng từ nơi này sẽ dễ trốn thoát hơn và đã lên kế hoạch thực hiện.
Không lâu sau các cuộc thẩm vấn của nhân viên CIA, vào tháng 7/1971, gia đình Maiorov đã bị đưa đến Mỹ và ở một villa tại ngoại ô Washington dưới sự canh giữ của 4 đặc vụ CIA. Họ đã sống tại nơi bí mật của CIA trong một năm rưỡi. Hai vợ chồng đã nghiên cứu chế độ làm việc và các thói quen của lính canh, học thuộc bản đồ Washington và địa chỉ của đại sứ quán Liên Xô. Lính canh đã nới lỏng đôi chút việc giám sát, thậm chí họ còn được phép có những buổi đi dạo ngắn.
Đến ngày 7/1/1972, tại vùng lân cận Washington có một đôi vợ chồng thường dân (gồm cha, mẹ và hai con gái) đang đi dạo chơi. Đến một con phố thì hai vợ chồng đã tách ra. Người mẹ và hai con gái lên taxi đến trung tâm thương mại. Và ở đó, sau khi đổi sang xe khác, chiếc xe chạy thẳng tới đại sứ quán Liên Xô. Người cha cũng có mặt ở sứ quán sau đó một giờ. Vợ chồng Maiorov đã lập tức liên lạc với Trung tâm và kể rằng trong số các điệp viên Liên Xô có một chuột chũi nào đó đã phản bội họ.
Vào tháng 2/1972, cả gia đình đã bay về Moscow. Tưởng chừng mọi sóng gió đã bị bỏ lại phía sau, nhưng tại đây mọi chuyện lại không như vậy. Tại Moscow, câu hỏi lập tức được đặt ra là họ đã bị phát hiện ra sao. Khi đó, cả hai còn chưa biết chuyện Gordievsky. Ban lãnh đạo KGB cho rằng chính vợ chồng Maiorov đã gây ra sai lầm nên bị phát hiện. Và với sai lầm đó thì trò chơi với người Mỹ đã không giống với một kế hoạch tự giải thoát, mà như là việc bán thông tin vì mạng sống của bản thân.
Cơ quan tình báo và phản gián Liên Xô cũng đã tiến hành một cuộc điều tra và không tìm ra kẻ phản bội trong hàng ngũ của mình. Vì vậy, Ban lãnh đạo KGB quả quyết rằng sự thất bại xảy ra là lỗi của chính gia đình Maiorov. Hai cựu điệp viên nhà Maiorov đã bị khai trừ khỏi đảng, bị tước bỏ mọi giải thưởng và phải đi đày tại Kaluga, không có quyền giữ các chức vụ nhà nước. Trong suốt 20 năm đằng đẵng, gia đình Maiorov đã bị lãng quên.
Cũng trong 20 năm đó, Vadim và Larisa đã cố gắng tìm ra nguyên nhân từng gây ra tai họa cho họ. Vào một ngày của năm 1990, Vadim đọc được trên tờ báo Sự thật Thanh niên bài phỏng vấn kẻ phản bội và đào tẩu Oleg Gordievsky. Vadim nhìn vào bức ảnh và choáng váng: đó chính là người từ Trung tâm từng có mối liên hệ nhiều nhất đã đến gặp họ ở Copenhagen. Hai vợ chồng liền viết một lá thư gửi KGB, chỉ ra Gordievsky chính là kẻ đã phản bội họ.
Không lâu sau, cả hai được mời đến một buổi nói chuyện. Hai tuần sau cuộc gặp này, mọi hình phạt đối với Larisa và Vadim đã được gỡ bỏ, các giải thưởng được trả lại, các danh hiệu được phục hồi và họ quay trở về Moscow. Hiện nay, vợ chồng Maiorov đã nghỉ hưu và sống ở ngôi nhà nhỏ trong rừng tại Smolensk
Điệp viên trong vai "kẻ phản bội" Trong các tài liệu của Canada từng nhắc một cách tự hào rằng họ đã tuyển dụng được một "mỏ vàng" - là người đại diện thương mại Liên Xô. Điệp viên "Akvarius" (sao Bảo Bình) đã tiết lộ cho người Canada thông tin về các điệp viên Liên Xô và những mặt trái về ngành công nghiệp của các nước đồng minh....