Sự gia trưởng ở Hàn Quốc, nơi phụ nữ bị đối xử như ‘công dân hạng 2′
“Địa vị phụ nữ Hàn Quốc vẫn dậm chân tại chỗ trong thế kỷ 21. Nhiều người bị đối xử như công dân hạng 2, hứng chịu bạo lực, sự coi thường và phân biệt đối xử phi lý”, ý kiến nói.
Tháng 5/2016, ga tàu điện ngầm Gangnam ở quận nổi tiếng ăn chơi của Seoul rúng động vì một vụ án mạng: Cô gái 23 tuổi bị đâm chết bởi người đàn ông lạ mặt trong nhà vệ sinh công cộng gần ga.
Lời giải thích của nghi phạm? Anh ta “ghét phụ nữ vì họ coi thường mình”. Camera an ninh cho thấy anh ta đã qua mặt 6 người đàn ông khác đang đi vào nhà vệ sinh trước khi ra tay với nạn nhân nữ.
Một tuần sau, Hàn Quốc lại xôn xao vì vụ hiếp dâm tập thể một nữ giáo viên xảy ra tại tỉnh Nam Jeolla. Hai trong ba nghi phạm là cha các học trò của cô.
Từ quấy rối nơi công sở, ngược đãi khi hẹn hò, bạo lực trong gia đình cho đến trả thù bằng clip “ nóng” và cả giết người, cách thức phụ nữ bị đối xử là một vấn đề lớn tại Hàn Quốc – nơi tư tưởng gia trưởng và phân biệt đối xử với phụ nữ đã ăn sâu vào suy nghĩ.
“Đó không phải là chuyện các tội liên quan đến bạo lực giới tính đột nhiên bùng phát”, Kim Hyun Soo, điều phối viên tại tổ chức Korea Women’s Association United, nói. “Đó là vấn đề tồn tại dai dẳng lâu nay trong xã hội Hàn Quốc. Đó là tội ác xuất phát từ sự phân biệt đối xử và thù ghét phụ nữ”.
Đứng cuối bảng về bình đẳng giới
Hàn Quốc là một những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, nhưng vấn đề bình đẳng giới lại hoàn toàn trái ngược. Đây là nước có chênh lệch mức lương giữa hai giới lớn nhất trong các nước phát triển, và đứng thứ 118 trên trong bảng xếp hạng 144 nước về bình đẳng giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thấp nhất trong nhóm G-20, theo AP. Phụ nữ chỉ chiếm 2,3% giới lãnh đạo trong 500 công ty lớn nhất Hàn Quốc năm 2015.
Phản ứng điển hình của nam giới đối với vụ án mạng xảy ra tại quận Gangnam đã cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu như thế nào. Những người đàn ông “xâm chiếm” website được lập ra để tưởng niệm nạn nhân và để lại vô số bình luận với đại ý rằng phụ nữ đang làm quá mọi chuyện.
“Các chị vô dụng như chính bản thân các chị vậy”, một người đàn ông nói trên Facebook.
Người dân tưởng niệm cô gái bị đâm chết tại gần ga tàu Gangnam ngày 21/5/2016. Ảnh: AP.
Hàn Quốc là nơi tư tưởng Nho giáo, vốn coi nam giới có vai trò quan trọng hơn phụ nữ trong xã hội, vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc. Trong hàng thế kỷ, một hệ thống tôn ti trật tự đã tồn tại dựa trên tuổi tác và giới tính, trong đó nam giới nắm giữ các vị trí quyền lực.
“Chẳng hạn tại chỗ làm, nếu sếp nói ‘đi ăn tối với cả nhóm đi’… nhiều phụ nữ không dám không đi”, cô Jung Myung Shin, tư vấn trưởng tại Trung tâm Hoa hướng dương ở Seoul – nơi chuyên giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực tình dục, nói trong chương trình điều tra Get Real của Channel NewsAsia năm 2018.
“Nếu một phụ nữ trẻ nói ‘Tôi không muốn đi’… cô ấy có thể bị xem là quá mạnh mẽ. Trong xã hội chúng tôi, điều đó có thể đồng nghĩa với hành vi thô lỗ”, cô Jung nói.
Video đang HOT
Chương trình Get Real cũng nêu ra câu chuyện của “Soo Jin”, cô gái trẻ đã trình báo việc cô bị quản lý trực tiếp cưỡng hiếp ngay sau khi được nhận vào làm chính thức tại công ty thiết kế nội thất và đồ gia dụng lớn nhất Hàn Quốc.
Trong buổi tối đi ăn mừng với đồng nghiệp việc cô trở thành nhân viên chính thức, quản lý trực tiếp đã gọi điện và mời cô đi uống. Vì lịch sự, cô gái 24 tuổi đồng ý. Cuối cùng, anh ta đã đưa cô đến một nhà nghỉ và cưỡng hiếp cô hai lần trong đêm đó.
“Tôi đã do dự nhưng anh ta cười và nói ‘Ồ, tôi sẽ chẳng làm gì cô đâu’. Tôi nghĩ ‘Ừ, anh ta rốt cuộc cũng là quản lý trực tiếp. Mình sẽ còn gặp anh ta ở chỗ làm, nên anh ta sẽ không có làm gì đâu’”, cô khai với cảnh sát.
Điều tra của Bộ Giới tính, Bình đẳng và Gia đình Hàn Quốc năm 2016 cho kết quả cứ 10 phụ nữ có 8 người nói họ từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Thế nhưng không nhiều người can đảm đứng lên tố cáo kẻ đồi bại.
Soo Jin cuối cùng phải chọn cách hủy đơn tố cáo để được tiếp tục làm việc, theo một trong hai phương án mà bộ phận nhân sự công ty đưa ra cho cô. Ngay sau khi cô bãi nại, công ty cắt 10% lương của cô trong 6 tháng liên tiếp vì “tố cáo sai sự thật về một vụ hiếp dâm”. Cô còn bị đồn giăng bẫy đàn ông để lấy tiền.
“Tư tưởng chung ở Hàn Quốc là nếu việc xâm hại tình dục được công khai, phụ nữ sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn”, Kim Sang Gyun, luật sư của Soo Jin, nói.
“Phụ nữ phải ngoan ngoãn nghe lời”
Thế nhưng, nếu bạo lực là do người thân cận gây ra, thì sẽ thế nào? Theo một nghiên cứu do Viện Tội phạm học Hàn Quốc (KIC) thực hiện năm 2017, 1.593 trên tổng số 2.000 người đàn ông được hỏi, tức 79,7%, nói họ từng ngược đãi bạn gái khi hẹn hò.
Korea Women’s Hotline là tổ chức phi chính phủ đầu tiên thừa nhận vấn đề này. Họ đã điều hành một dịch vụ khẩn cấp trong hơn 35 năm qua, và 4 trên 10 người gọi đến đường dây nóng là nạn nhân của tình trạng bạo lực khi hẹn hò.
“Trong xã hội Hàn Quốc, trong một mối quan hệ, phụ nữ phải ngoan ngoãn nghe lời… Cô ấy phải có tính cách phù hợp với tư tưởng và nhu cầu của người đàn ông. Điều đó được xem là sự hấp dẫn”, Giám đốc Cho Jae Yon nói. “Và khi phụ nữ không tuân theo điều đó, họ có thể bị trừng phạt và bị đổ lỗi”.
Momo, 32 tuổi, là người từng gọi đến đường dây nóng. Cô nói cô nhìn thấy dấu hiệu về tính khí nóng nảy của bạn trai ngay khi mới bắt đầu mối quan hệ, theo Channel NewsAsia.
“Tôi chưa bao giờ viết được chuyện gì sẽ khiến anh ta trở nên cáu gắt… Đôi khi hỏi anh ra một câu thôi là đã khiến anh ta nổi cơn rồi”, cô nói. “Tôi thậm chí đã xem lại hành vi của mình… Tôi nghĩ anh ta sẽ không động tay động chân nếu tôi cư xử tốt hơn”.
Và khi họ dọn vào sống cùng nhau, anh ta không chịu chia sẻ các khoản chi phí. Dù Momo là người lo toàn bộ các khoản, anh ta vẫn khiến cô cảm thấy vô dụng”. “Tôi thực sự tin rằng mình vô dụng khi anh ta cứ nói đi nói lại như vậy”.
Chỉ đến khi anh ta bắt đầu đánh cô, Momo mới chia tay. “Tôi nghĩa anh ta sẽ giết tôi”, cô nói. “Quan điểm lúc trước của tôi về tình yêu đã thay đổi. Tôi không thể thấy lý do nào để yêu anh ta nữa”.
Gần 80% nam giới trong một nghiên cứu 2.000 người ở Hàn Quốc thừa nhận họ từng ngược đãi bạn gái. Ảnh: The New Paper.
Korea Herald trích dẫn kết quả nghiên cứu nói trên của KIC cho hay khoảng 71% trong số người thừa nhận từng ngược đãi bạn gái nói rằng họ kiểm soát các hoạt động cá nhân của bạn gái, như hạn chế đi gặp gỡ bạn bè hoặc không cho tiếp xúc với người khác, bao gồm cả gia đình.
Trong số đó, 485 người nói họ thường gọi điện để kiểm tra bạn gái đang ở với ai. Những người khác nói họ gọi điện cho đến khi bạn gái bắt máy, hoặc đặt ra quy định về cách ăn mặc của bạn gái.
Khoảng 37,9% trong số 1.593 người nói trên, tức 603 người, cho biết hành vi ngược đãi khi hẹn hò bao gồm quấy rối tình dục, tiếp theo là ngược đãi tinh thần (36,6%), ngược đãi thể xác (22,4%), lạm dụng tình dục (17,5%) và cố ý gây thương tích (8,7%).
Hong Young Oh, thành viên của KIC và là người đứng đầu nghiên cứu này, cũng cho rằng việc số lượng nam giới ngược đãi bạn gái chiếm tỷ lệ cao như vậy bắt nguồn từ tư tưởng gia trưởng trong xã hội Hàn Quốc.
“Việc có nhiều hành động như vậy cho thấy những kẻ ngược đãi bản thân họ không ý thức được hoặc không nghĩ rằng hành động của họ là ngược đãi khi hẹn hò”, ông Hong nói.
“Công dân hạng 2″
Koo Se Woong, trưởng ban biên tập của Korea Expose – một tạp chí online chuyên về bán đảo Triều Tiên, viết trên New York Timesnăm 2016 rằng nhiều người đàn ông sẽ không chịu thừa nhận rằng Hàn Quốc là xã hội “gia trưởng thâm căn cố đế”, và “quan hệ giới độc hại đang gây tổn thất cho xã hội”.
“Địa vị phụ nữ (Hàn Quốc) vẫn dậm chân tại chỗ trong thế kỷ 21. Nhiều người bị đối xử như công dân hạng 2, phải gánh chịu bạo lực, sự coi thường và phân biệt đối xử phi lý”, cô viết trong bài viết có tiêu đề Sự trọng nam khinh nữ ở Hàn Quốc.
Cô cho rằng sẽ không có giải pháp đơn giản để giải quyết vấn đề, song một bước đi quan trọng là thông qua luật chống phân biệt đối xử, vốn đã bị treo tại quốc hội trong hơn một thập kỷ. Hồi tháng 5, các nhà lập pháp đã không thể đưa dự luật về chống phân biệt đối xử toàn diện ra thảo luận tại quốc hội khóa 20.
Theo Hankyoreh, sự phản đối dự luật chủ yếu xuất phát từ cộng đồng Tin lành cũng như doanh nghiệp. Dự thảo luật từng được một số nghị sĩ ủng hộ tại quốc hội khóa 18 và khóa 19 nhưng cuối cùng vẫn bị treo lại trước khi bất kỳ cuộc tranh luận nào diễn ra.
Một nhóm vận động thông qua luật chống phân biệt đối xử tổ chức họp báo tại quảng trường Gwanghwamun ở Seoul ngày 12/9/2017. Ảnh: Hankyoreh.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In từng tham gia phong trào #MeToo hồi tháng 2/2018 và kêu gọi một cuộc điều tra toàn diện đối với những cáo buộc xâm hại tình dục. Tuy nhiên, một số người đã đặt câu hỏi liệu hành động của ông có giống như lời nói.
Ông Moon, người từng cam kết trở thành một tổng thống vì bình đẳng giới trong chiến dịch tranh cử, đã bị chỉ trích vì phớt lờ những lời kêu gọi ông cách chức Tak Hyun Min, người phụ trách tổ chức sự kiện trong văn phòng tổng thống và là tác giả của những cuốn sách mô tả phụ nữ là công cụ tình dục.
Sau vụ giết người ở Gangnam, chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp, bao gồm mở rộng mạng lưới hỗ trợ nạn nhân bị tấn công tình dục và thiết lập giao thức cho xã hội về cách đối phó với tội phạm tình dục. Seoul cam kết sẽ tăng gấp đôi số lượng camera an ninh ở những nơi công cộng như sông Hàn. Và trường đại học hàng đầu của quốc gia đã lắp đặt máy dò tiếng hét trong phòng vệ sinh nữ.
Song một số nhà vận động như Kim Hyun Soo nói rằng nhiều “loại thuốc” chỉ giải quyết triệu chứng của “căn bệnh”, chứ không phải gốc rễ.
“Đây không phải chuyện tăng số lượng camera quan sát”, Kim nói. “Đúng hơn, đây nên là chuyện loại bỏ các nhận thức và các cấu trúc gây ra sự phân biệt đối xử và thù hằn giới tính”.
Theo Zing
5 năm sau thảm kịch chìm phà Sewol, Hàn Quốc: 9 người vẫn mất tích, nỗi đau chưa nguôi
Hôm nay (16/4), Hàn Quốc tưởng niệm 5 năm ngày xảy ra vụ chìm phà Sewol khiến hơn 300 người, đa phần là trẻ em, thiệt mạng.
Ngày 16/4/2014, chiếc phà Sewol có trọng lượng 6 nghìn 825 tấn đã chìm ngoài khơi đảo Jindo, miền Nam Hàn Quốc, làm 304 người thiệt mạng, trong đó 9 người vẫn mất tích, hầu hết các nạn nhân đều là học sinh trung học phổ thông đang thực hiện chuyến dã ngoại.
Nhiều em đã phải bỏ mạng chỉ vì tuân theo chỉ dẫn của đoàn thủy thủ, vẫn ở trong ca-bin trong khi nhiều thủy thủ đoàn đã thoát ra ngoài. Các kết quả điều tra kết luận thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải Hàn Quốc này là hậu quả của một loạt những yếu tố sai phạm do con người gây ra, trong đó có việc tự ý chỉnh sửa kết cấu phà, chở quá tải và đội ngũ thủy thủ thiếu kinh nghiệm.
Nỗi đau quá lớn khiến người ở lại chưa thể nguôi ngoai.
Kể từ tháng 7/2014, gia quyến của các nạn nhân và những người ủng hộ đã chiếm dụng một khoảng đất của quảng trường Gwanghwamun để kêu gọi Chính phủ Hàn Quốc điều tra đến cùng vụ tai nạn thảm khốc, mà họ tin rằng nguyên nhân thực sự vẫn chưa được tìm ra.
Hôm qua 15/4, hiệp hội gia đình các nạn nhân và tổ chức dân sự mang tên "Liên minh người dân về lời hứa ngày 16/4" đã công bố danh sách 17 quan chức chính phủ phải chịu trách nhiệm về vụ tai nạn thảm khốc này. Theo tổ chức này, quá trình điều tra, xử phạt với những người chịu trách nhiệm trong thảm họa chìm tàu Sewol đã không được thực hiện triệt để, do bị chính phủ cựu Tổng thống Park Geun-hye cản trở, che giấu sự thật.
Vào ngày 11/4/2017, tức 3 năm sau ngày xảy ra vụ tai nạn, nhà chức trách Hàn Quốc cũng đã hoàn tất trục vớt con phà, vốn nằm nghiêng ở độ sâu 44 mét (144 feet), để tìm kiếm thi thể của 9 hành khách mất tích còn lại. Chính phủ của cựu Tổng thống Park Geun-hye vào thời điểm xảy ra vụ việc đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nghiêm trọng.
(Nguồn: Reuters)
Theo HỒNG NHUNG/VOV
Thảm kịch giẫm đạp 173 người chết trong 15 giây, tồi tệ nhất lịch sử Anh Một nhầm lẫn tai hại vô tình khiến hàng trăm người rơi vào tình trạng hỗn loạn, dẫn tới cái chết đau lòng của gần 200 người dân London. Thời chiến, khu vực nhà ga sâu bên trong lòng đất thường được tận dụng làm nơi trú ẩn cho hàng ngàn người dân trong thành phố. Ngày nay, ga tàu điện ngầm Bethnal...