Sử dụng hiệu quả công cụ phòng vệ thương mại trong EVFTA
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực có thể làm gia tăng số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại, đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định để chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định mang lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại ( Bộ Công Thương).
Phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng như thế nào với nền kinh tế, đặc biệt khi Hiệp định EVFTA đã chính thức được ký vào ngày 30/6/2019 vừa qua và dự kiến sẽ sớm được phê chuẩn, có hiệu lực, thưa ông?
Các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được WTO và các Hiệp định FTA cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế (hàng nhập khẩu bán phá giá hoặc được trợ cấp), cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đây là công cụ quan trọng, hợp pháp để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ theo các cam kết quốc tế.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Ảnh: CT.
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu rộng vào Hiệp định thương mại tự do (FTA) như ASEAN, ASEAN và gần đây nhất là EVFTA, các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang ngày càng đóng vai trò tích cực đối với nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với các Hiệp định FTA có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA, thì áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam hay thậm chí là các doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng.
Chương về các biện pháp phòng vệ thương mại tại Hiệp định EVFTA bao gồm các điều khoản liên quan đến việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại truyền thống trong WTO. Về cơ bản, nội dung phòng vệ thương mại dựa trên các quy định của WTO, bổ sung các nguyên tắc mang tính tiến bộ, phù hợp với hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam, giúp cho nền kinh tế, các ngành sản xuất trong nước có công cụ “phòng vệ” hợp pháp, đảm bảo hiệu quả của việc tham gia Hiệp định; đồng thời, tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
EVFTA quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (trong khi WTO không bắt buộc sử dụng quy tắc này). Một điểm đáng lưu ý là theo cam kết EVFTA, hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung.
EVFTA cũng quy định về cơ chế tự vệ song phương, để đảm bảo việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định không gây ra các cú “sốc” đối với các ngành sản xuất trong nước. Hiệp định EVFTA quy định cơ chế tự vệ song phương trong thời gian chuyển đổi là 10 năm, tạo cơ sở pháp lý đảm bảo được quyền lợi của các bên được sử dụng công cụ tự vệ chính đáng trong việc bảo vệ ngành sản xuất trong nước nếu có thiệt hại hoặc bị đe doạ thiệt hại do việc cắt giảm thuế quan từ Hiệp định.
Việt Nam đã và đang thực hiện các biện pháp gì để phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại, từ đó đảm bảo môi trường thương mại công bằng, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thưa ông?
Để phát huy vai trò của các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc cần thiết và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Về mặt thể chế, Chính phủ, Bộ Công Thương đã thành lập Cục Phòng vệ thương mại chuyên trách các hoạt động về lĩnh vực phòng vệ thương mại, để có điều kiện triển khai mạnh mẽ hoạt động này hơn so với giai đoạn trước đó. Cơ quan điều tra cũng ngày càng được kiện toàn bộ máy, cơ cấu tổ chức để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ một cách hiệu quả.
Về mặt cơ sở pháp lý, với sự ra đời của Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản hướng dẫn về các biện pháp phòng vệ thương mại, Việt Nam đã hoàn thiện tương đối đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý cho các hoạt động điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 19/TT-BCT ngày 30/9/2019 quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình CPTPP và dự kiến sẽ tiếp tục xem xét ban hành các Thông tư hướng dẫn về việc áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong tương lai như EVFTA.
Thép là một trong những mặt hàng của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN.
Về công tác điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, cho đến nay, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 9 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ và 1 vụ việc lẩn tránh biện pháp tự vệ. Số lượng vụ việc trong những năm gần đây có chiều hướng gia tăng. Sự gia tăng các vụ việc không chỉ thể hiện mức độ cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu đối với hàng hóa trong nước mà còn cho thấy năng lực của doanh nghiệp trong việc chủ động lựa chọn sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích chính đáng.
Video đang HOT
Với những nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội, mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các biện pháp phòng vệ thương mại trong những năm gần đây đã có nhiều cải thiện.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã và đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp liên quan triển khai các hoạt động ứng phó với gần 160 các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, qua đó bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu như thủy sản, nông sản, thép, gỗ…
Khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai nước sẽ gia tăng do đại đa số các dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên (để bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự gia tăng hàng hóa nhập khẩu).
Ngoài ra, do các lợi ích mà Hiệp định EVFTA đem lại lớn, nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động phòng vệ thương mại cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.
Bộ Công Thương đã triển khai thực hiện những giải pháp gì để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, cũng như có khuyến cáo như thế nào đối với doanh nghiệp Việt Nam?
Xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tính đến hết tháng 3 năm 2020, đã có gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại, do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU….
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu, để chủ động ứng phó có hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, các doanh nghiệp cần tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của các nước xuất khẩu. Bộ Công Thương sẵn sàng hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tìm hiểu các nội dung này.
Trong các vụ việc điều tra chống trợ cấp, doanh nghiệp cần tích cực phối hợp cung cấp thông tin để Bộ Công Thương tổng hợp trả lời, trình Chính phủ; thường xuyên theo dõi, nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại từ cơ quan phòng vệ thương mại để có các kế hoạch cụ thể cho doanh nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Thu Trang
Bộ Công Thương: Hiệp định EVFTA sẽ giúp đa dạng hóa thị trường
Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, trong đó dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025.
EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam )
Liên minh châu Âu (EU) hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Dự báo khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (gọi tắt là EVFTA) được đưa vào thực thi sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu
Ngày 30/3 vừa qua, Hội đồng châu Âu cũng đã phê duyệt Hiệp định EVFTA, hoàn tất thủ tục pháp lý cuối cùng theo quy trình phê chuẩn nội bộ của EU.
Hiện Hiệp định này chỉ cần được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn và hai bên hoàn tất thủ tục thông báo theo quy định là chính thức có hiệu lực đối với cả hai phía.
Nghiên cứu mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra nhiều dự báo khả quan về thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo dự kiến, EVFTA sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57-5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07-7,72% cho 5 năm sau đó.
Về xuất khẩu, Hiệp định EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Còn xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, dự kiến kim ngạch của Việt Nam sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 11,12-15,27% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 17,98-21,95% cho giai đoạn 5 năm sau đó.
- Cán cân thương mại giữa Việt Nam và EU năm 2019:
Với Hiệp định EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi ích lớn, trong đó dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với kịch bản không có Hiệp định.
Còn đối với ngành da giày, Hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Hiện Việt Nam là nước nhập khẩu lớn đối với mặt hàng máy móc thiết bị, trong khi đó EU là nước có thế mạnh về mặt hàng máy móc thiết bị và là thị trường nhập khẩu lớn thứ tư của Việt Nam đối với mặt hàng này.
Do vậy, việc Việt Nam dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng máy móc thiết bị từ EU sẽ thúc đẩy tăng nhập khẩu và có thể giảm ở các thị trường khác do tác động chuyển hướng thương mại.
"Do máy móc thiết bị của EU có công nghệ cao hơn một số thị trường truyền thống khác nên điều này có thể tạo cơ hội để Việt Nam cải thiện công nghệ sản xuất trong nước," đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU dự báo tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.
Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).
"Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nào, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam," đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Tạo động lực thu hút FDI chất lượng cao
Theo đại diện Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định EVFTA sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.
Đặc biệt, với Hiệp định EVFTA, đầu tư từ các đối tác có nguồn gốc từ các các nước phát triển sẽ tăng do Việt Nam tăng cường mở cửa thị trường hàng hóa cũng như dịch vụ cho các doanh nghiệp EU. Điều này sẽ tạo ra những động lực mới cho dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, với EVFTA, cơ cấu dòng vốn FDI vào những lĩnh vực đầu tư còn dư địa lớn tại Việt Nam và EU cũng có thể mạnh như năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.
Dự báo xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam )
Tuy vậy, Hiệp định cũng sẽ tạo ra một số thách thức. Đơn cử là việc Việt Nam sẽ phải cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho EU, tạo ra sức ép cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta.
Song theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của EU và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao, không đối đầu trực tiếp nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.
Ngoài ra, cam kết mở cửa của Việt Nam là có lộ trình, đặc biệt đối với những nhóm sản phẩm nhạy cảm. Do đó EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các doanh nghiệp Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng, để được hưởng các ưu đãi như cam kết tại EVFTA các doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng được các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt do thị trường EU đưa ra.
Đó là những yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và hơn nữa là sản phẩm phải đảm bảo môi trường sống bền vững cho con người hay không...
Còn theo ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), định hướng lâu dài là khuyến khích các doanh nghiệp trong tập đoàn thành lập các chuỗi liên kết từ nguyên phụ liệu, sử dụng sản phẩm theo chuỗi hướng tới mục tiêu cùng nâng cao chất lượng cũng như giá thành sản phẩm bán ra, thỏa mãn các yêu cầu về xuất xứ đồng thời đẩy mạnh khâu thiết kế chứ không giới hạn ở gia công.
Trong khi đó, để hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể tận dụng được tối đa những cơ hội cũng như giảm thiểu những thách thức gặp phải trong quá trình thực thi Hiệp định, Bộ Công Thương cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định, cam kết của Hiệp định.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động nghiên cứu, vận dụng các biện pháp được phép áp dụng theo các cam kết quốc tế của Việt Nam nói chung và Hiệp định EVFTA nói riêng để hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nước ngoài./.
Ngày 24/3/2020, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng dự thảo Tờ trình của Chính phủ gửi Chủ tịch nước về việc phê chuẩn EVFTA sau khi đã tổng hợp, tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ.
Ngày 6/4, Chính phủ đã trình hồ sơ này lên Chủ tịch nước để Chủ tịch nước xem xét, trình Quốc hội.
Ngày 8/4, Bộ Công Thương đã gửi Văn phòng Chủ tịch nước một số thông tin, tài liệu bổ sung cho bộ hồ sơ trình phê chuẩn.
Để phục vụ cho việc Ủy ban Đối ngoại Quốc hội thẩm tra phê chuẩn Hiệp định EVFTA, ngày 9/4, Bộ Công Thương đã gửi Ủy ban Đối ngoại Quốc hội bộ hồ sơ trình phê chuẩn với đầy đủ các nội dung theo yêu cầu của Luật Điều ước quốc tế 2016, cũng như cung cấp các thông tin giới thiệu, giải thích về Hiệp định EVFTA.
Đức Duy
Tác động EVFTA: GDP tăng thêm 3,25% giai đoạn 5 năm đầu, Việt Nam không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm bình quân từ 2,18 đến 3,25% (giai đoạn 05 năm đầu), 4,57-5,30% (giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (giai đoạn 05 năm sau đó). Vận tải thủy dự kiến tăng 100%, vận tải hàng không tăng 141%, tài chính và bảo hiểm tăng 21% Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng...