Sử dụng chất cấm trong thực phẩm: Nguy hại hơn ma túy?
Trong thực phẩm mà có các loại hóa chất như: vàng ô, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine… thì mức độ nguy hại còn hơn gấp nhiều lần so với ma túy – Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết.
Thông tin trên báo Người lao động, sáng 1/4, ông Nguyễn Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản TP Đà Nẵng, cho biết thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Sở NN và PTNT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, đơn vị đã lấy 25 mẫu, gồm: măng tươi, dưa cải tại các chợ và cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn, chuyển Trung tâm phân tích thí nghiệm TP HCM để kiểm tra chất cấm Auramine o (còn gọi chất vàng ô).
Kết quả, trong 9 mẫu đã phân tích, phát hiện 7 mẫu măng tươi có tồn dư chất vàng ô (trong 9 mẫu kiểm tra, có 2 mẫu măng màu trắng tự nhiên không phát hiện chất vàng ô; 7 mẫu màu vàng đều có chất cấm).
Trao đổi trên báo Tri thức Trực tuyến, ông Tứ cho biết thêm ngoài măng tươi, đơn vị này cũng đã lấy một số mẫu dưa cải, cà pháo để gửi vào TP HCM xét nghiệm.
Tuy nhiên, kết quả cụ thể vẫn phải chờ, vì phải mất 15 ngày Trung tâm phân tích thí nghiệm kiểm nghiệm (Sở Khoa học Công nghệ TP HCM) mới gửi kết luận về.
Theo ông Tứ, dù biết hóa chất vàng ô là rất độc hại nhưng vị lãnh đạo này thừa nhận rất khó để kiểm soát, hóa chất này được bày bán công khai. Bản thân người bán cũng không ý thức được tác hại của nó đối với sức khỏe cộng đồng nên họ mới sử dụng.
“Chất vàng ô được sử dụng trong công nghiệp dùng để nhuộm vải, gỗ, giấy, làm sơn quét tường… Tuy nhiên, khi bỏ một lượng rất nhỏ vào chậu măng tươi, dưa cà thì thực phẩm chuyển màu vàng rất đẹp, kích thích thị hiếu của người tiêu dùng. Loại hóa chất này đã bị tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là có khả năng gây bệnh cao”, ông Tứ thông tin.
Liên quan đến vấn đề xử lý những cơ sở kinh doanh măng tươi ngâm chất vàng ô, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Đà Nẵng cho hay, theo quy định chỉ có những Trung tâm được các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn chỉ định xét nghiệm thì kết quả mới có tính pháp lý.
Trong khi đó, Trung tâm phân tích thí nghiệm kiểm nghiệm thuộc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM (nơi phát hiện măng tươi ngâm chất vàng ô gây ung thư) lại không được cơ quan cấp Bộ chỉ định làm xét nghiệm nên kết quả trên không có giá trị pháp lý.
Vì vậy, ông Tứ cho rằng chưa thể xử lý người bán và mới chỉ khuyến cáo người tiêu dùng không nên mua măng có nhuộm chất vàng ô.
Người dân đang lạc lối trong khu “rừng” hóa chất độc hại. (Ảnh minh họa).
Video đang HOT
Người dân đang lạc trong “rừng” hóa chất độc hại
Thông tin trên báo Tri thức Trực tuyến, hóa chất có trong thực phẩm là những chất cấm như: vàng ô, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine. Năm 2015, thanh tra các Sở NN&PTNT kiểm tra gần 1.230 cơ sở và phát hiện 24 đơn vị vi phạm. Trong đó, 12 trong gần 650 mẫu thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm Salbutamol; 69/1.000 mẫu nước tiểu và 1/172 mẫu thịt nhiễm loại chất cấm này.
Lực lượng thanh tra ngoài ngành nông nghiệp cũng phát hiện 16% mẫu thịt có chất tăng trọng, tạo nạc. 7,6% số mẫu thịt bị kiểm tra có dư lượng chất kháng sinh vượt ngưỡng cho phép.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT thừa nhận, có rất nhiều công ty sử dụng chất vàng ô và thuốc kích thích tăng trưởng để trộn vào nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
“Khi bị thanh tra phát hiện, lãnh đạo các doanh nghiệp đều thừa nhận có sử dụng các chất cấm. Họ lý giải, làm việc này là để phục vụ thị hiếu khách hàng và bản thân họ cũng chưa ý thức được mức độ nguy hại của các chất này đối với sức khỏe cộng đồng”, ông Việt thông tin.
Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: “Người dân đang lạc lối trong khu “rừng” hóa chất độc hại. Nếu tình trạng này không chấm dứt thì chúng ta rất cắn rứt lương tâm”.
Ông Tuấn lý giải, hầu hết người dân không phân biệt được đâu là chất độc hại, hóa chất nào nằm trong danh mục cấm. Trong khi đó, vì lợi nhuận trước mắt nên các doanh nghiệp đã sử dụng loại hóa chất này để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trên thị trường có hàng chục nghìn loại hóa chất, từ thuốc thú y, bảo vệ thực vật đến thuốc tăng trọng. Doanh nghiệp luôn tìm cách quảng cáo hay tiếp thị sản phẩm, thậm chí là khuyến mãi theo kiểu bán 1, tặng 2.
“Người dân thì đâu biết loại nào được dùng, hóa chất nào bị cấm nên cứ vô tư mua về sử dụng. Một con heo nếu sử dụng thức ăn có chất cấm thì lớn rất nhanh, lại béo tốt nên người dân sẽ có lời. Nhưng khi bán ra thị trường thì những kg thịt này đang có thuốc độ, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân”, ông Tuấn nói.
Đồng tình với nhận định trên, ông Hà Đức Trung – Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội nói rằng, hiện trên thị trường không biết đâu là thực phẩm bẩn, loại nào là thực phẩm sạch. Trong thực phẩm mà có các loại hóa chất như: vàng ô, Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine… thì mức độ nguy hại còn hơn gấp nhiều lần so với ma túy.
“Ma túy thì chỉ có ít người sử dụng, còn thực phẩm thì toàn xã hội sử dụng. Nếu không ngăn chặn kịp thời việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi thì sẽ dẫn đến nguy cơ suy giảm giống nòi, tử vong và thậm chí là sự tồn vong của dân tộc”, ông Trung lo lắng.
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Từ 1.7, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị phạt tù đến 20 năm2
Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay đang có diễn biến khá phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1.7.2016, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự.
Sử dụng chất cấm là tội ác
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 80% tổng số công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi bị thanh tra đã phát hiện có chất cấm hoặc thừa nhận đã từng sử dụng một loại chất cấm nào đó
Mới đây, trong đợt cao điểm ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các cơ quan chức năng đã phát hiện 7 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, trong đó phổ biến là chất tạo nạc và chất Vàng O. Đây đều là những chất có khả năng gây ung thư và di truyền qua các thế hệ.
Ngay từ năm 2015, trước tình trạng chất cấm diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động cụ thể dựa trên 3 nền tảng chính: tăng cường công tác thanh - kiểm tra theo cách mới, bổ sung sửa đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế và tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cá nhân, đơn vị liên quan.
Theo đó, từ tháng 11.2015, thanh tra Bộ NN&PTNT đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) thành lập nhiều chuyên án kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo cả nước, điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Tính đến tháng 12.2015, các cơ quan này đã phát hiện trên 40 cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lí 18/40 trường hợp sử dụng chất cấm, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng.
Hiện nay, các văn bản và chế tài xử lý các sai phạm trong lĩnh vực VSATTP đã rất nhiều nhưng chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các vi phạm về thực phẩm mới dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính, phạt tiền và một số hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 đến 6 tháng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả...
Ngay cả với những vi phạm có tính hệ thống, quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng như sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm thì các chế tài vẫn chưa đủ mạnh.
Vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã phải bức xúc kiến nghị: Cần coi chất cấm trong chăn nuôi như ma túy, sử dụng chất cấm là tội ác, đồng thời đề nghị Quốc hội bổ sung hành vi sử dụng chất cấm là một tội ác cần phải truy tố theo luật hình sự.
Trên thực tế hiện nay, một số vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã được quy định tại Bộ luật Hình sự, nhưng các cơ quan chức năng lại bế tắc trong việc chứng minh tội phạm.
Tại Điều 244, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, theo đó có đề cập đến người chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng...Nhưng để chứng minh được thế nào là "biết rõ", hay những hậu quả "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng", "đặc biệt nghiêm trọng"... là rất khó.
Ảnh minh họa.
Chế tài nghiêm khắc
Đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết, theo các quy định mới của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1.7.2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước.
Bắt đầu từ ngày 1.7.2016, khung hình phạt tối đa cho tội vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể ngồi tù tới 20 năm.
Cụ thể, trong BLHS năm 2015 quy định về các tội: Sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190); tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191); Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (Điều 317) quy định, các cá nhân, tổ chức sử dụng các hóa chất, phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi sẽ bị phạt hành chính từ 50 - 200 triệu, phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp nặng có thể bị phạt tiền 1 tỉ đồng, phạt tù 20 năm.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Bình cho biết, trước đây, tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn có thể xử lý hình sự nhưng với quy định cấu thành vật chất, tức là phải gây ra hậu quả cụ thể mới đủ căn cứ xử phạt. Tuy nhiên, việc xác định hậu quả là vô cùng rắc rối và khó khăn.
Bộ luật Hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1.7 quy định, chỉ cần cấu thành hình thức, thay vì cấu thành vật chất như cũ là có thể có căn cứ để xử phạt. Tội sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý hình sự, cấu thành các tội liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người.
Ông Phạm Tiến Dũng, Đội trưởng Đội thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ NN&PTNT đánh giá, sau khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ giảm.
Dù vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn, ngoài chế tài, phải có sự đồng bộ từ quy định, chính sách đến hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra của lực lượng chức năng. Trong đó, việc tuyên truyền rất quan trọng, để người tiêu dùng hiểu rõ về chất cấm, lên án, tẩy chay đồng thời sẽ tham gia tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Hiện Bộ Y tế cũng đã kịp thời chỉ đạo đưa salbutamol vào danh mục "kiểm soát đặc biệt", đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như Salbutamol trong ngành chăn nuôi) vào danh mục "thuốc phải kiểm soát đặc biệt" của Luật Dược sửa đổi.
Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng C49 cho biết trong thời gian từ nay đến tháng 7.2015 khi Bộ luật Hình sự sửa đổi chưa có hiệu lực, để quyết liệt đấu tranh với hành vi vi phạm về chất cấm, C49 phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT trên nguyên tắc bảo mật, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất đối với các khu vực có nguy cơ sử dụng, buôn bán chất cấm cao, thậm chí áp dụng các biện pháp giám sát, kiểm tra đặc biệt với tần suất dày.
Theo_Dân việt
Phát hiện nhiều vi phạm sử dụng chất cấm Salbutamol Chiều 25-3, Đại tá Trần Trọng Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) cho biết, chất tạo màu Vàng ô vốn chỉ sử dụng trong công nghiệp (ngành nhuộm) được trộn vào thức ăn cho gà để tạo màu vàng đẹp mắt, hay chất salbutamol vốn chỉ được sử dụng làm thuốc chữa bệnh nhưng lại dùng trong...