Sự bất lực của Trump khi ký lệnh trừng phạt Nga
Việc miễn cưỡng đặt bút ký lệnh trừng phạt Nga cho thấy sự bất lực của Tổng thống Mỹ khi theo đuổi chương trình nghị sự của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2/8 ký luật trừng phạt mới đối với Nga. Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trên hồi tuần trước nhằm phản ứng trước cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, theo CNN.
Trump cho biết ông quyết định ký thông qua dự luật này dù nó “vẫn còn những thiếu sót đáng kể và chứa một số điều khoản rõ ràng vi hiến”. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng hành động này của Trump đã dập tắt hy vọng vừa mới nhen nhóm về cải thiện mối quan hệ với Nga, đồng thời có thể ảnh hưởng đến hình ảnh quyền lực của Tổng thống Mỹ.
Theo ABC News, việc ký luật trừng phạt Nga chắc chắn sẽ làm suy yếu hình ảnh Tổng thống Trump trên trường quốc tế. Việc đặt bút ký điều luật mà ông gọi là “một sai lầm nghiêm trọng” cho thấy sự bất lực của Tổng thống Mỹ khi theo đuổi chương trình nghị sự mà ông đặt ra.
Ông Trump mong muốn cải thiện mối quan hệ với Nga nhưng các cuộc điều tra cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử năm 2016 khiến mục tiêu trên càng trở nên xa vời. Sau khi ký luật trừng phạt Nga, Trump buộc phải áp dụng đường lối cứng rắn hơn với Moscow bởi nếu đi ngược lại, Tổng thống Mỹ sẽ hứng chịu cơn thịnh nộ từ các nghị sĩ ở cả lưỡng đảng, giới quan sát đánh giá.
Dự luật đã được cả hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo, nên ngay cả khi ông Trump không chịu ký, quốc hội vẫn có thể biến nó thành luật mà không cần sự phê chuẩn của Tổng thống.
Dự luật trừng phạt Nga đã nằm trên bàn Tổng thống Mỹ gần một tuần kể từ thời điểm quốc hội phê chuẩn. Thông thường, mỗi lần ký một dự luật hay sắc lệnh nào đó, Tổng thống Trump luôn triệu tập quanh mình nhiều quan chức chính quyền và mời cả truyền thông tới chứng kiến. Nhưng vào hôm qua, luật trừng phạt Nga được ký sau cánh cửa đóng kín, không nhà báo, không máy quay. Nhà Trắng chỉ phát đi hai thông báo từ Tổng thống Mỹ sau khi ký dự luật.
Trump lâu nay vẫn tự hào nhận mình là nhà thương thuyết “xuất chúng”, song hành động ông ký luật trừng phạt Nga khi không hài lòng về nó đã chứng minh điều ngược lại, cây bút Stephanie March từ ABC News bình luận.
Trừng phạt Nga, trói tay mình
Video đang HOT
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp mặt người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, hồi tháng trước. Ảnh: Reuters.
Luật ngoài trừng phạt Nga còn nhắm đến Iran và Triều Tiên, đồng thời còn “trói tay” Tổng thống Mỹ trong các quyết định liên quan tới Nga khi giờ đây, bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump nhằm dỡ bỏ hay hạn chế các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow đều phải được quốc hội phê chuẩn.
Đây được coi là một đòn giáng nặng nề của Mỹ vào Nga, bởi luật này đưa ra các biện pháp trừng phạt nhắm tới những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực năng lượng và mua bán vũ khí, những ngành đem lại nguồn thu đáng kể cho Moscow.
Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm nhân quyền, tham nhũng, hỗ trợ chính quyền Syria thu mua vũ khí cũng nằm trong tầm ngắm. Luật còn trừng phạt cả những ai đầu tư hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư số tiền lớn hơn 10 triệu USD vào hoạt động tư nhân hóa các tài sản nhà nước của Nga trong vòng một năm mà có khả năng đem lại lợi ích cho các quan chức chính phủ.
Luật liệt kê 12 biện pháp trừng phạt có thể được áp dụng và bắt buộc Tổng thống Mỹ phải thực thi ít nhất 5 biện pháp đối với các đối tượng nêu trên, chẳng hạn như đóng băng tài sản, thu hồi thị thực Mỹ hay cấm hoạt động xuất khẩu từ Mỹ tới các cá nhân, tổ chức bị trừng phạt.
Adam Smith, giám đốc phụ trách các vấn đề đa phương tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, nhận định dự luật của quốc hội “về mặt nào đó đã trói tay Tổng thống” và đây là điều “chưa từng có tiền lệ”.
Tuy nhiên, theo ông, chính quyền Trump vẫn có thể xoay xở tìm cách diễn giải và áp dụng các biện pháp trừng phạt theo cách họ muốn. “Có những chiến thuật trì hoãn. Người điều hành vẫn có cách để không làm theo luật nhưng cũng không phạm luật”, ông Smith nói.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Hiểu lầm của Trump về quyền lực tổng thống Mỹ
Trump tin rằng mọi người trong chính quyền phải làm việc cho mình mà không chú ý đến cơ chế phân chia quyền lực giữa các nhánh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua ký luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga dù cho rằng quốc hội Mỹ đã đưa vào luật này một số điều khoản "vi hiến" khi vội vàng thông qua. Giới phân tích cho rằng tuyên bố này thể hiện sự bất bình của Trump khi phải đặt bút ký đạo luật mà ông không mong muốn, nhưng đồng thời cũng cho thấy Tổng thống vẫn đang hiểu nhầm về cơ chế phân chia quyền lực ở Mỹ, theo CNN.
"Tôi đã xây dựng một công ty thực sự vĩ đại trị giá hàng tỷ USD. Đó là một phần lý do lớn tôi được bầu. Là Tổng thống, tôi có thể đạt được những thỏa thuận với nước ngoài tốt hơn quốc hội", ông khẳng định. Ông cho rằng luật trừng phạt Nga đã xâm phạm thẩm quyền của nhánh hành pháp trong việc thương lượng, khiến cho Mỹ khó khăn hơn trong việc đạt được những thỏa thuận tốt và sẽ "khiến Trung Quốc, Nga và Triều Tiên xích lại gần nhau hơn".
Trên thực tế, chữ ký của ông Trump không mang ý nghĩa quyết định đối với luật trừng phạt này. Dự luật đã được cả hạ viện và thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo, nên ngay cả khi ông không chịu ký, quốc hội vẫn có thể biến nó thành luật mà không cần sự phê chuẩn của Tổng thống.
Trump không phải là tổng thống Mỹ duy nhất từng hậm hực với điều mà ông cho là việc lấn át quyền lực hành pháp của mình. Cựu tổng thống George W. Bush thường xuyên hục hặc với quốc hội về quyền nghe lén công dân Mỹ mà không cần lệnh của tòa án. Barack Obama cũng khiến nhiều nghị sĩ tức giận với việc qua mặt họ bằng các sắc lệnh hành pháp.
Tuy nhiên, điều khiến các nhà quan sát ngạc nhiên là sau 6 tháng nhậm chức, ông Trump vẫn chưa hiểu rõ về cách thức phân chia quyền lực giữa ba nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp của Mỹ, cũng như một thực tế rằng không phải bất cứ ai trong chính quyền Mỹ cũng làm việc cho ông.
Bình luận viên Chris Cillizza cho rằng thông điệp mà ông Trump đưa ra trong phản ứng với quốc hội về đạo luật trừng phạt Nga là "các nghị sĩ Đồi Capitol không biết họ đang làm gì và họ không nên qua mặt ông trong bất cứ vấn đề nào", đặc biệt là khi ông đã là một doanh nhân nổi tiếng với khả năng đàm phán, sở hữu công ty lớn trị giá nhiều tỷ USD.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Trump có phản ứng kiểu này với quốc hội. Khi thượng viện Mỹ không thể thông qua dự luật bãi bỏ Obamacare hồi tuần trước, Trump đã thể hiện sự thất vọng rõ ràng và liên tục quở trách các thượng nghị sĩ đã không tuân theo mệnh lệnh của ông.
"Nếu các thượng nghị sĩ Cộng hòa không toàn là những kẻ hèn nhát, việc bãi bỏ và thay thế dự luật này đã không chết yểu như vậy! Yêu cầu một cuộc bỏ phiếu nữa trước khi thông qua bất cứ dự luật nào khác!", Trump viết trên Twitter hôm thứ bảy. Trong một bài đăng khác, ông viết: "Thành viên đảng Cộng hòa trong thượng viện sẽ không bao giờ thắng nếu họ không có đạt được 51 phiếu để chiếm đa số ngay bây giờ. Họ giống như lũ ngốc và chỉ đang lãng phí thời gian".
Trump từng chỉ trích các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa vì không bãi bỏ được ObamaCare. Ảnh: CNN.
Khi biết tin Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố không tham gia cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ, ông Trump cũng có phản ứng tiêu cực tương tự. "Thật là không công bằng, và đó là lời nhẹ nhàng với một tổng thống", ông tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với NYTimes.
Trong cuộc phỏng vấn này và nhiều tuyên bố khác, Trump không hề mảy may thừa nhận rằng một người có vai trò lớn trong chiến dịch tranh cử như Sessions không thể giám sát cuộc điều tra về cáo buộc thông đồng trong cuộc bầu cử. "Suy nghĩ đó chưa bao giờ đến trong đầu Trump", Cillizza viết.
Lối nghĩ tương tự cũng được ông Trump thể hiện hồi đầu năm nay, sau khi tòa án liên bang bác bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh của ông. "Ý kiến của người được gọi là thẩm phán đó là lố bịch và cần bị đảo ngược", Trump nhận xét về thẩm phán ra quyết định ngừng lệnh hạn chế nhập cảnh. "Thật không thể tin được một thẩm phán lại có thể đưa nước Mỹ vào tình thế như vậy. Nếu có gì xảy ra hãy đổ lỗi cho ông ta về hệ thống tòa án. Người ta vẫn tràn vào. Thật tệ", Trump đăng trên Twitter vào hôm sau.
Cillizza cho rằng quan điểm của Trump là tất cả những người trong chính quyền Mỹ đều phải làm việc cho ông và tuân thủ mọi mệnh lệnh của ông, vì ông là Tổng thống. Điều này thể hiện rất rõ khi ông liên tục gọi các sĩ quan cấp cao trong quân đội là "các vị tướng của tôi".
Khi thông báo trên Twitter quyết định sẽ cấm quân nhân chuyển giới phục vụ trong quân đội hồi tuần trước, ông Trump cho biết đã "tham vấn với các vị tướng của tôi và nhiều chuyên gia quân sự".
Nhưng theo Cillizza, dù tổng thống Mỹ là tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, họ thường không coi các vị tướng là những người làm việc cho mình, cũng rất hiếm khi dùng từ "của tôi" để mô tả các quân nhân.
Bình luận viên này cho rằng Trump có cách nhìn nhận trên bởi ông xuất thân từ giới kinh doanh, nơi mọi người tại Tập đoàn Trump luôn báo cáo mọi việc với ông và nghe lời ông răm rắp. "Đó là thế giới duy nhất mà ông ấy quen thuộc", Cillizza viết.
Tuy nhiên nước Mỹ không phải là Tập đoàn Trump. Các nghị sĩ được bầu để đại diện cho người dân, không phải thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu nhánh hành pháp. "Chúng tôi làm việc cho người Mỹ. Chúng tôi không làm việc cho tổng thống", thượng nghị sĩ Tim Scott hôm 1/8 tuyên bố thẳng thừng trong cuộc phỏng vấn với Washington Post. "Chúng tôi sẽ làm những điều có lợi cho chính quyền miễn là điều đó không khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn cho người dân Mỹ dưới bất cứ hình thức nào".
Các thành viên nhánh tư pháp cũng vậy, nhiệm vụ của họ là giám sát việc thực thi pháp luật, không phải chấp nhận những điều luật mà tổng thống thích.
"Tổng thống Mỹ trong nhiều thập kỷ qua có xu hướng mở rộng quyền hành pháp của mình, đặc biệt là trong quan hệ với quốc hội. Nhưng chưa có tổng thống nào phớt lờ nguyên tắc phân chia quyền lực như Trump", Cillizza nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Luật trừng phạt có thể chấm dứt kỳ trăng mật Trump - Putin Những động thái trừng phạt và đáp trả gần đây giữa Mỹ và Nga báo hiệu thời kỳ nồng ấm Trump - Putin đã đi đến hồi kết. Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump bắt tay nhau tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Hamburg, Đức, ngày 7/7. Ảnh: AFP. Tổng thống Nga Vladimir Putin...