Su-30MK2 Việt Nam trang bị tên lửa của tiêm kích tàng hình
Lần đầu tiên tên lửa không đối không RVVAE trang bị cho tiêm kích Su30MK2 của Không quân Việt Nam lộ diện.
Ngoài RVV-AE, trong đoạn phóng sự cũng giới thiệu hình ảnh tên lửa không đối không R-27, R-27, tên lửa không đối đất Kh-29 và cả tên lửa chống hạm tốc độ siêu âm Kh-31. Đây là bộ vũ khí của các tiêm kích đa năng Su-30MK2 thuộc Trung đoàn 935, Sư 370.
RVV-AE (định danh của NATO còn Nga gọi là R-77) là dòng tên lửa không đối không tầm trung dẫn đường bằng radar chủ động cực kỳ hiện đại do Công ty Vympel phát triển, trang bị cho Không quân Nga từ năm 1994. Hiện nay, RVV-AE đang là một trong những tên lửa không đối không bậc nhất thế giới.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, đặc điểm kỹ chiến thuật của RVV-AE vượt xa các tên lửa thế hệ cũ hơn R-24, R-27, các tên lửa nước ngoài như AIM-7F “Sparrow”, “Skyflash”, “Matra super” 530F, theo một số đặc điểm còn vượt trội hơn cả tên lửa AMRAAM AIM-120A của Mỹ.
Tên lửa RVV-AE có điều khiển tự dẫn tầm trung trang bị đa hệ thống dẫn đường. Tên lửa được sử dụng cho các mục tiêu: máy bay siêu cơ động, tên lửa hành trình, tên lửa “đất đối không” và “không-đối-không”, máy bay ném bom chiến dịch chiến thuật, máy bay trực thăng.
Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu từ bất kỳ hướng nào trên mọi góc nhìn, ngày và đêm, điều kiện thời tiết bất lợi trong môi trường bức xạ nhiệt và nhiễu điện từ cao, theo nguyên tắc “bắn và quên”, sử dụng dẫn đạn đa kênh. RVV-AE có thể hạ gục các mục tiêu phương tiện bay có tốc độ đến 3.600 km/h trên độ cao từ 20 m đến 25 km.
Video đang HOT
Dẫn đạn RVV-AE R-77 có chế độ kết hợp: dẫn đường quán tính bằng tín hiệu radio từ máy bay và chuyển đổi chế độ tự dẫn bằng radar đầu dẫn tên lửa với máy tính, trong đó xác định khoảng cách đánh chặn mục tiêu bằng đầu tự dẫn 9B1348E.
Trong trường hợp khóa mục tiêu của đầu tự dẫn thất bại, máy tính tự động chuyển đổi sang chế độ dẫn đường quán tính của máy bay, lập lại quỹ đạo đánh chặn mục tiêu hoặc hướng tên lửa đến mục tiêu khác. Trong tình huống nhiễu nặng, đầu tự dẫn tên lửa thực hiện chế độ tự dẫn thụ động từ nguồn phát xung nhiễu điện từ trường và khóa mục tiêu bằng tín hiệu nhiễu và tấn công nguồn phát xung nhiễu điện từ – máy bay đối phương.
Nếu không chiến diễn ra trên khoảng cách ngắn – cận chiến, tên lửa sẽ được bật chế độ tự dẫn và không sử dụng chế độ dẫn đường quán tính. Trong điều kiện môi trường tác chiến nhiễu dày đặc, radar máy ngắm không thể cung cấp thông tin về tầm bắn và tốc độ tiếp cận mục tiêu, tên lửa được dẫn theo một quỹ đạo đặc biệt. Sau đó tên lửa tự dẫn bằng nguồn bức xạ điện từ từ máy bay đối phương. Tên lửa trang bị bộ phận kích nổ laser.
Đầu đạn của tên lửa là đầu đạn nổ phá mảnh thanh đặc trưng với các thành phần hiệu ứng nổ lõm nhỏ. Các mảnh đạn dạng thanh được sắp xếp liên kết với nhau để khi nổ sẽ tạo thành một đám mây mảnh thép cắt xé mục tiêu. Các thành phần nổ lõm cấu thành đầu đạn nhằm tiêu diệt mục tiêu cần có độ chính xác cao trong chế độ phòng thủ tên lửa của máy bay chiến đấu. Ví dụ như đánh chặn tên lửa phòng không đối phương.
Tên lửa không đối không RVV-AE trang bị đầu nổ phá mảnh nặng 22,5kg với ngòi nổ laser cận tiếp xúc. Hiện nay, RVV-AE đang là vũ khí tiêu chuẩn cho tiêm kích T-50 của Nga. Như vậy, việc được trang bị RVV-AE, sức mạnh của tiêm kích Su-30MK2 của Việt Nam được nâng lên một đẳng cấp mới trong nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, hay bảo vệ không phận trước các mối đe dọa đường không. (tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Xem Su-30MK2 Việt Nam phóng tên lửa Kh-31A xé nát mục tiêu
Trong lần diễn tập bắn đạn thật ngày 27/5/2007, tiêm kích Su30MK2 của Trung đoàn Không quân 935 đã phóng tên lửa Kh31A diệt thành công mục tiêu trên biển.
Theo những thông tin được công khai, đây là lần đầu tiên tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam thực hiện bắn đạn thật tên lửa diệt hạm Kh-31A, nhưng chính nhờ trình độ, bản lĩnh của phi công và sự chuẩn bị chu đáo nên buổi diễn tập đã diễn ra hoàn hảo.
Được biết, chiếc Su-30MK2 thực hiện phóng tên lửa Kh-31A lần này là 1 trong 4 máy bay Su-30MK2 đầu tiên của Không quân Việt Nam đặt mua năm 2003 và được chuyển giao trong giai đoạn 2004-2005.
Tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam phóng tên lửa Kh-31A.
Ngay sau khi tiếp nhận máy bay chiến đấu đa năng, các phi công tiêm kích thuộc Trung đoàn Không quân 935 đã nhanh chóng học tập, làm chủ vũ khí trang bị mới, hiện đại.
Không lâu sau họ sẵn sàng cho cuộc sát hạch lớn - bắn đạn thật tên lửa diệt hạm siêu âm Kh-31A, để đánh giá trình độ sẵn sàng chiến đấu của đội ngũ phi công.
Kh-31A ngoài định danh của NATO AS-17 Krypton, nó còn được người ta gọi với biệt danh Mini Moskit. Đơn giản, Kh-31A (kể cả Kh-31P) có ngoại hình rất giống với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-270 Moskit - sản phẩm của cục thiết kế Raduga.
Vì lẽ đó, Kh-31A được coi như là biến thể thu nhỏ của P-270. Kh-31A có chiều dài 4,7m, đường kính thân 0,36m, trọng lượng phóng 610kg. Tên lửa được lắp hai động cơ đẩy. Khi phóng, động cơ rocket nhiên liệu lỏng gắn ở đuôi được kích hoạt đưa tên lửa đạt tốc độ Mach 1,8 và tự tách ra khi hết nhiên liệu.
Sau đó, 4 cửa hút khí mở ra và vỏ tên lửa rỗng trở thành buồng đốt động cơ tĩnh phản lực dùng nhiên liệu dầu lửa giúp tên lửa đạt vận tốc Mach 2,9, tầm bắn tiêu diệt mục tiêu 5-70km.
Về hệ thống điều khiển, ở pha giữa tên lửa dùng hệ thống định vị quán tính dẫn đường, pha cuối dùng đầu tự dẫn radar chủ động ARGS-31 có khả năng kháng nhiễu cao, lựa chọn một mục tiêu trong nhóm mục tiêu cùng loại dày đặc.
Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa nặng 95kg dùng để tiêu diệt tàu khu trục, hộ vệ cỡ lớn, tàu tên lửa cở nhỏ, tàu vận tải đổ bộ. Khi tiếp xúc bề mặt mục tiêu, tên lửa xuyên phá vào bên trong tàu rồi mới kích nổ đầu đạn hoặc nổ theo kiểu phá mảnh khi bay trên mục tiêu. Theo nhà sản xuất Nga, để tiêu diệt tàu khu trục hạng nặng cần 2,5 quả Kh-31A, với tàu tên lửa cỡ nhỏ chỉ cần 1 quả.
Có thể nói, Kh-31A là vũ khí chống tàu cực kỳ nguy hiểm, "cơn ác mộng" từ bầu trời đối với tàu địch. Tên lửa có tốc độ hành trình bay rất cao, tiếp cận nhanh, khó đánh chặn. Không những thế, khi bị radar địch phát hiện, tên lửa có thể cơ động vọt cao đối phó với tên lửa đánh chặn đối phương.
Theo dữ liệu Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockhom (SIPRI), Việt Nam ký hợp đồng với Nga mua 80 quả đạn Kh-31A trang bị cho tiêm kích Su-30MK2 đảm nhiệm vai trò tác chiến trên biển. Quá trình chuyển giao được hoàn thành vào năm 2012.
Một số hình ảnh Su-30MK2 phóng Kh-31A
Clip tiêm kích Su-30MK2 Việt Nam phóng tên lửa Kh-31A
Mỹ Đức (tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Tiêm kích FA-50 Hàn Quốc không kém F-16, Việt Nam nên mua? Các phi công Mỹ tin rằng, tiêm kích FA-50 mà Việt Nam đang xem xét có khả năng tác chiến không hề thua kém mẫu F-16. Theo truyền thông quốc tế, Việt Nam vẫn đang tích cực tìm kiếm ứng viên mới thay thế dòng máy bay MiG-21 đã lỗi thời. Các ứng viên mà Việt Nam đang xem xét được cho là...