Stephanie Frappart, nữ trọng tài ‘vẽ lại bản đồ’ bóng đá thế giới
Lần đầu tiên trong lịch sử, một trọng tài nữ được bổ nhiệm làm trọng tài chính ở một trận đấu tại World Cup dành cho nam.
Cô là Stephanie Frappart, người tiên phong cho các trọng tài nữ với hàng loạt cột mốc để đời cùng năng lực khiến mọi đồng nghiệp nam phải kính nể.
Thời khắc lịch sử
Ngày 1/12/2022, lần đầu tiên trong lịch sử, một trọng tài nữ được FIFA bổ nhiệm bắt chính một trận đấu tại sân chơi World Cup dành cho nam giới. Với đôi chút lo âu hiện trên khuôn mặt, nữ trọng tài người Pháp, Stephanie Frappart, 38 tuổi, bước ra sân Al Bayt cùng 2 trợ lý nữ, Neuza Back người Brazil và Karen Diaz Medina người Mexico. Họ điều hành trận đấu giữa Đức và Costa Rica, có ý nghĩa quyết định tới khả năng đi tiếp hay bị loại của cả hai đội.
Frappart đi vào lịch sử với tư cách trọng tài nữ đầu tiên bắt chính một trận đấu tại World Cup của nam.
Trước khi được FIFA giao trọng trách cầm còi ở màn so tài giữa Đức với Costa Rica, Frappart đã góp mặt trong 2 trận khác tại World Cup 2022, Mexico chạm trán Ba Lan và Bồ Đào Nha đụng độ Ghana trên cương vị trọng tài bàn. Hai người đồng nghiệp nữ của cô, Salima Mukansanga người Rwanda cùng Yoshimi Yamashita người Nhật Bản cũng đảm nhận vai trò trọng tài bàn, nhưng rõ ràng việc được chọn làm trọng tài chính như Frappart mang ý nghĩa quan trọng hơn hẳn.
13 giây sau khi nổi hồi còi bắt đầu trận đấu, Frappart đã cắt còi thổi phạt Thomas Mueller bởi pha va chạm với Celso Borges. Phút thứ 2, khi Đức được hưởng quả phạt góc đầu tiên, Frappart nhắc nhở cầu thủ đôi bên tập trung vào pha bóng. Thời gian cứ thế trôi đi, trận đấu diễn ra với những diễn biến bất ngờ, cục diện đảo chiều chóng mặt trước khi khép lại với 6 bàn thắng được ghi, 4 dành cho Đức và 2 cho Costa Rica.
Với tính chất quan trọng, trận đấu không thiếu tranh cãi, như tình huống Đức mất quả phạt góc trong hiệp 1 vì sai lầm của trọng tài biên Karen Diaz Medina, hay nghi vấn việt vị ở bàn thứ hai của Costa Rica, hay bàn ấn định tỉ số của Đức. Tuy nhiên, quan trọng là Frappart đã làm quá tốt công việc của mình. Không một ai phải phàn nàn về những quyết định của trọng tài sau khi trận đấu kết thúc.
“Tôi phải kiểm soát cảm xúc của mình để tập trung tối đa vào trận đấu. Cảm xúc khi bước vào một sân vận động World Cup chật kín khán giả rất khó tả. Kỳ vọng là rất nhiều nhưng tôi phải tập trung với nhiệm vụ đưa ra những quyết định đúng đắn”, trọng tài Frappart chia sẻ với phóng viên trong buổi giao lưu tại trung tâm báo chí dành cho truyền thông.
Đam mê cháy bỏng
Sinh ra tại Herblay-sur-Seine trong gia đình có 4 anh em, Frappart là một trong hai người theo nghiệp trọng tài. “Từ nhỏ tôi đã là một đứa trẻ có tính cách bướng bỉnh. Dường như tôi sinh ra để làm trọng tài. Ngay từ lúc còn bé, tôi đã luôn sống trong thế giới của những cậu trai đá bóng”, Frappart nhớ lại.
Video đang HOT
Frappart từng cầm còi ở trận Siêu Cúp châu Âu 2019.
Năm 13 tuổi, Frappart bắt đầu dành sự quan tâm nghiêm túc cho môn thể thao vua, bóng đá và sớm thấy cái “duyên” với nghiệp trọng tài. Cô kể tiếp: “Tôi thích đá bóng nhưng cũng muốn tìm hiểu kỹ về luật của môn thể thao này. Bởi vậy, tôi vừa làm trọng tài, vừa chơi bóng. Cho đến năm 20 tuổi, tôi buộc phải đưa ra quyết định. Vào thời điểm đó, bóng đá nữ đang trong giai đoạn phát triển nên tôi nghĩ sẽ tốt hơn nếu mình tiếp tục làm trọng tài”.
Trong thời gian làm cầu thủ kiêm trọng tài cho các giải trẻ tại Pháp, Frappart khoác áo đội bóng hạng Hai AS Herblay 5 năm trước khi chuyên tâm cho nghiệp cầm còi. 18 tuổi, cô đã được điều hành những trận đấu chính thức thuộc giải U19 quốc gia.
“Frappart thực sự là một trọng tài rất giỏi. Là huấn luyện viên với áp lực khủng khiếp, việc nổi giận trong trận đấu là điều khó có thể tránh khỏi. Nhưng tất cả những gì bạn cần để xoa dịu cơn giận là nụ cười của Frappart. Cô ấy đưa ánh mắt, mỉm cười, thế là mọi chuyện kết thúc”, huấn luyện viên trưởng PSG, Christophe Galtier nói về trọng tài Frappart.
Người tiên phong
Không chỉ sinh ra để làm trọng tài, Frappart còn được chọn để đóng vai trò tiên phong mở đường cho các trọng tài nữ. Năm 2011, cô bắt đầu cầm còi ở các trận đấu thuộc giải hạng Ba nam của Pháp. 3 năm sau, Frappart trở thành trọng tài nữ đầu tiên điều hành một trận đấu tại Ligue 2, giải hạng Nhì Pháp.
Ngày 3/12/2018, Frappart được FIFA đưa vào danh sách các trọng tài làm nhiệm vụ tại World Cup nữ 2019 tại Pháp. Ngay trên mảnh đất quê hương, vào ngày 7/7/2019, Frappart vinh dự được bắt chính trận chung kết World Cup nữ giữa Mỹ và Hà Lan, với chiến thắng thuộc về các cô gái xứ cờ hoa.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 4/2019, Frappart lần đầu cầm còi tại Ligue 1, giải đấu chuyên nghiệp hạng cao nhất nước Pháp trong màn so tài giữa SC Amiens và RC Strasbourg. Tháng 8 cùng năm, cô được UEFA chọn là người bắt chính trận Siêu Cúp châu Âu giữa Liverpool và Chelsea, trở thành trọng tài nữ đầu tiên điều hành một trận đấu lớn tại sân chơi châu lục của nam.
Lịch sử tiếp tục ghi danh Frappart khi cô trở thành trọng tài nữ đầu tiên bắt chính một trận đấu tại Champions League, cuộc đối đầu giữa Juventus và Dynamo Kiev vào ngày 2/12/2020. Đến tháng 3/2021, cô lại có thêm một bước tiến trong sự nghiệp khi cầm còi trong trận đấu thuộc vòng loại World Cup giữa Hà Lan với Latvia.
“Thật sự tôi rất hạnh phúc. Việc được giao trọng trách bắt trận Siêu Cúp châu Âu là niềm vinh dự lớn mà tôi chưa từng nghĩ đến. Hy vọng đó sẽ là tấm gương cho các trọng tài nữ, cũng như bất cứ cô gái trẻ nào khao khát trở thành trọng tài.
Tôi luôn phải nỗ lực hết sức bởi tôi muốn các trọng tài nữ được nhìn nhận bằng đúng năng lực chứ không dựa trên giới tính. Nếu thực sự có tài năng, các trọng tài nữ sẽ có cơ hội. Kể từ năm 2019 đến giờ, chúng tôi, các trọng tài nữ đã có những bước tiến lớn. Giờ đây, việc các trọng tài nữ làm nhiệm vụ trong những trận đấu của nam, bất kể châu lục hay quốc gia đã không còn là chuyện lạ”, Frappart giãi bày.
Biểu tượng của “phái yếu”
Huyền thoại Pierluigi Collina, người chịu trách nhiệm điều hành trọng tài quốc tế phát biểu tại buổi phân tích thống kê – một chương trình mới do FIFA tổ chức tại phòng họp sân Al Bayt bày tỏ quan điểm: “Sự xuất hiện của các trọng tài nữ có thể là điều gì đó mới mẻ, thu hút ánh nhìn và mối quan tâm của nhiều người. Nhưng với chúng tôi, họ đơn giản là những trọng tài làm việc trong các trận đấu chính thức.
Frappart nhìn có vẻ “nhỏ bé” bên cạnh các cầu thủ cao lớn nhưng không ai dám trái lời.
Đây là thông điệp tôi muốn nhắn nhủ với họ: “Các bạn không ở đây vì các bạn là phụ nữ, mà bởi các bạn là trọng tài FIFA. Mọi trọng tài đều có thể được chỉ định trong các trận đấu. Tại World Cup, mọi trọng tài đều sẵn sàng làm nhiệm vụ và được lựa chọn trên màn thể hiện của chính họ”.
World Cup 2022 diễn ra tại Qatar, nơi mà quyền của phụ nữ vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Ở đất nước này, phụ nữ vẫn bị ràng buộc bởi người giám hộ là nam, có thể là ông, là bố, là anh hoặc chồng đối với người đã kết hôn. Để đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống như lập gia đình, du học, làm việc cho chính phủ hay thậm chí đu du lịch nước ngoài, phụ nữ nơi đây vẫn cần sự cho phép từ người giám hộ.
Sự xuất hiện của Frappart trên sân Al Bayt với tư cách trọng tài chính cầm còi trận đấu giữa Đức và Costa Rica là hành động đáng ghi nhận từ FIFA. Dù có thể làm phật lòng nước chủ nhà Qatar nhưng qua việc giao trọng trách cho Frappart, FIFA đã một lần nữa tôn vinh nữ quyền, đồng thời truyền tải thông điệp rằng trong bóng đá, không có ranh giới nào cả. Ở môn thể thao vua, phụ nữ cũng hoàn toàn bình đẳng với nam giới.
Trong môn thể thao vua vốn được quan niệm là dành cho “phái mạnh”, Frappart lại là người có quyền “nắm đầu” mọi gã đàn ông và khiến họ phải tuân thủ những quyết định của mình. Bằng năng lực cùng sự quyết đoán, cô cũng khiến mọi đồng nghiệp phải kính nể, theo đúng nghĩa đen. Không chỉ là người tiên phong cho các trọng tài nữ, Frappart giờ đã thực sự trở thành biểu tượng cho “phái yếu”.
Trọng tài nữ xuất sắc nhất thế giới
Không phải vô cớ mà Stephanie Frappart trở thành người tiên phong và tạo nên hàng loạt cột mốc lịch sử cho các trọng tài. Về năng lực, chẳng có gì phải bàn cãi về vị thế số 1 của cô trong làng trọng tài nữ. “Nữ hoàng sân cỏ” người Pháp đã có 3 năm liền được Liên đoàn Thống kê và Lịch sử Bóng đá quốc tế (IFFHS) bầu chọn là “Trọng tài nữ xuất sắc nhất năm”.
Với số điểm 155, cô bỏ xa người xếp sau, Anastasia Pustovoitova (Nga) trong cuộc bầu chọn trọng tài nữ xuất sắc nhất năm 2021 của IFFHS. Thậm chí, đến một huấn luyện viên nổi tiếng là hay than phiền với những quyết định của trọng tài là Juergen Klopp cũng phải ngả mũ trước Frappart.
Nhiều nét mới về trọng tài ở Qatar
Vòng chung kết World Cup 2022 sẽ là giải đấu đầu tiên chứng kiến sự xuất hiện của Công nghệ việt vị bán tự động dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI)
Theo đó, "trọng tài AI" là một hệ thống camera được lắp đặt dưới mái che của sân vận động, theo dõi tất cả 22 cầu thủ trên sân, ghi lại các điểm dữ liệu và tính toán vị trí chính xác của họ ở từng thời điểm của trận đấu. Điều này nhằm tăng độ chính xác trong các tình huống quyết định việt vị của trọng tài.
Có thể nói vòng chung kết (VCK) World Cup 2022 ở Qatar khởi tranh vào cuối tuần này là giải đấu có rất nhiều điểm nhấn đặc biệt, trong đó nổi bật hơn cả là vấn đề về trọng tài.
Các nữ trọng tài điều khiển một trận bóng đá nam đã diễn ra thường xuyên hơn trong vài năm gần đây. Nhưng trong khuôn khổ một vòng chung kết bóng đá thế giới, điều đó chưa từng xuất hiện. Do vậy VCK World Cup 2022 là lần đầu tiên trong lịch sử các cúp thế giới, các nữ trọng tài sẽ được cầm còi trong một trận đấu thuộc sân chơi cao nhất của bóng đá nam.
Yoshimi Yamashita - nữ trọng tài người Nhật Bản sẽ cầm còi tại vòng chung kết World Cup 2022 Ảnh: GOAL
Điều này đã được FIFA cùng nước chủ nhà Qatar xác nhận. Cụ thể, Stephanie Frappart (Pháp), Salima Mukansanga (Rwanda) và Yoshimi Yamashita (Nhật Bản) là 3 nữ trọng tài chính. Ngoài ra còn có 3 nữ trợ lý trọng tài là Neuza Back (Brazil), Karen Diaz Medina (Mexico) và Kathryn Nesbitt (Mỹ).
Phát biểu khi được chọn vào đội ngũ "cầm cân nảy mực" tại kỳ World Cup ở Qatar, nữ trọng tài người Nhật Bản Yoshimi Yamashita cho biết: "Tôi cảm thấy có đôi chút áp lực nhưng cũng đầy hào hứng. Tôi hy vọng việc sắp xếp trọng tài nữ điều khiển một trận bóng đá nam sẽ là điều bình thường trong tương lai. Những gì đang xảy ra ở Qatar mang đến tín hiệu lạc quan và đầy khích lệ cho chúng tôi".
VCK World Cup 2022 còn chứng kiến một lực lượng hùng hậu "các vị vua áo đen" trên khắp thế giới quy tụ về Qatar. Theo công bố từ FIFA, 36 trọng tài, 69 trợ lý trọng tài và 24 trọng tài video giám sát hệ thống VAR sẽ làm việc tại giải đấu năm nay. Trong đó, Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) châu Âu (UEFA) là đơn vị đóng góp số lượng nhiều nhất với 11 trọng tài, 20 trợ lý trọng tài cùng 11 trọng tài VAR. LĐBĐ châu Đại Dương (OFC) đóng góp số lượng ít nhất với chỉ 1 trọng tài và 2 trợ lý trọng tài.
Công nghệ goal-line từng được ra mắt ở VCK World Cup 2014 tại Brazil cũng được áp dụng cho sự kiện năm nay. Qua quá trình nâng cấp và cải thiện tính năng, cộng nghệ này sẽ sử dụng 14 camera tốc độ cao để tạo ra hình ảnh động 3D, giúp các trọng tài xác định bóng đã trôi qua vạch vôi cầu môn hay chưa trong nhiều tình huống tranh cãi.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đội ngũ trọng tài có chuyên môn cao, đến các công nghệ hỗ trợ hiện đại, VCK World Cup 2022 - sự kiện lần đầu tiên do một quốc gia Ả Rập tổ chức, được kỳ vọng sẽ diễn ra một cách trọn vẹn và minh bạch nhất.
Là một quốc gia Hồi giáo, Qatar có rất nhiều điều luật nghiêm khắc với phụ nữ. Vì thế, việc nước chủ nhà của World Cup 2022 chấp nhận để nữ trọng tài xuất hiện trong các trận đấu là rất ngạc nhiên. Qua đó, cho thấy đất nước Ả Rập này đã nhượng bộ và nới lỏng rất nhiều quy định để phục vụ cho sự kiện bóng đá lớn nhất hành tinh.
Cột mốc lịch sử sắp diễn ra trong trận Đức - Costa Rica Stéphanie Frappart, một trong những trọng tài hàng đầu của Pháp, sẽ trở thành người đầu tiên điều hành tổ trọng tài toàn nữ tại vòng chung kết World Cup 2022, Guardian đưa tin. Stephanie Frappart là một trong những trọng tài hàng đầu tại Pháp. Ảnh: Reuters. Stéphanie Frappart, sẽ là nữ trọng tài đầu tiên điều khiển chính một trận đấu...