Start-up 2 tuổi được định giá 2,6 tỉ USD
Brex – công ty khởi nghiệp (start-up) – chuyên về thẻ tín dụng doanh nghiệp, đã huy động được 100 triệu USD trong vòng cấp vốn mới, giúp mức định giá của họ vọt lên đến 2,6 tỉ USD.
Brex, công ty khởi nghiệp (start-up) chuyên về thẻ tín dụng doanh nghiệp. Ảnh Forbes
Chỉ trong tháng 10 năm ngoái, Cty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) này đã trở thành kỳ lân công nghệ tài chính (fintech) mới nhất với số vốn huy động được là 125 triệu USD, trong đó Green oaks Capital và DST Global là hai tên tuổi góp vốn nhiều nhất, giúp Brex đạt mức định giá 1,1 tỉ USD vào thời điểm ấy.
Lần này, Quỹ tăng trưởng kỹ thuật số Kleiner Perkins là nhà đầu tư chính, cùng sự tham gia từ những công ty đang ủng hộ họ là Y Combinator Continuity, Ribbit Capital, DST Global, Green oaks Capital và IVP.
Brex là một trong những Cty fintech đang theo đuổi thị trường thẻ tín dụng doanh nghiệp. Với việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ phần lớn bị những công ty tài chính lớn bỏ qua, các Cty fintech đã đẩy mạnh hàng loạt dịch vụ kỹ thuật số nhằm “phá bĩnh” ngành công nghiệp này.
Những fintech này đang tung ra các thẻ ảo, các công cụ và dịch vụ quản lý chi phí kỹ thuật số hướng đến việc thay đổi cách thẻ tín dụng được phát hành và sử dụng trong một Cty. Sự cạnh tranh hiện rất khốc liệt khi cả American Express, Divvy và Bento for Business đều theo đuổi thị trường này. Tuy nhiên, về mặt định giá và tăng trưởng, Brex đã tỏ ra nổi bật.
Video đang HOT
Henrique Dubugras, đồng sáng lập và đồng CEO của Brex, cho biết điều khiến Brex trở nên khác biệt là quá trình bảo lãnh phát hành của họ. Các ngân hàng truyền thống nhìn vào lịch sử tài chính của một công ty để xác định xem doanh nghiệp đó có đáng tin hay không.
Brex bảo lãnh cho người vay trong thời gian thực dựa trên dữ liệu hiện tại. Họ cũng xây dựng nền tảng bảo lãnh phát hành từ con số không, nghĩa là không phải dựa vào một hệ thống “di sản” cũ như rất nhiều ngân hàng truyền thống thường làm. Người sáng lập Dubugras cho rằng điều đó ngăn cản các ngân hàng thực hiện những việc như tùy chỉnh các chương trình thưởng dựa trên một ngành hoặc nhìn vào dữ liệu thời gian thực để xác định mức giới hạn tín dụng.
“Mỗi ngày, chúng tôi đánh giá lại nó và điều đó cho phép chúng tôi đưa ra những mức giới hạn cao hơn, không cần người bảo lãnh nào và (bảo lãnh) phát hành nhanh hơn nhiều”, Dubugras nói.
Nguồn vốn huy động mới nhất sẽ được sử dụng để tăng cường các tính năng quản lý chi tiêu của doanh nghiệp và cung cấp phần thưởng trong thẻ. Brex cũng sẽ sử dụng số tiền thu được để bước vào những thị trường mới, bao gồm cả thẻ tín dụng hướng đến các Cty chuyên về khoa học đời sống.
Brex được sinh ra từ sự thất vọng mà Dubugras và đồng sáng lập Pedro Franceschi phải đối mặt khi cố gắng để có được một thẻ tín dụng doanh nghiệp cho start-up của họ.
Brex mở rộng tín dụng cho các start-up dựa trên số tiền trong tài khoản doanh nghiệp của họ ở ngân hàng. Trước giờ, những start-up ở giai đoạn đầu luôn gặp khó khăn trong việc kiếm được thẻ tín dụng vì họ không có doanh thu.
Các Cty phát hành thẻ tín dụng truyền thống thường từ chối đơn đăng ký của họ, buộc những người đứng đầu và người sáng lập phải sử dụng thẻ tín dụng cá nhân của họ để cấp vốn cho các hoạt động.
“Việc kinh doanh đang phát triển nhanh một cách khó tin kể từ khi chúng tôi công bố vòng cuối cùng”, Dubugras nói. Anh đề cập đến sự ra mắt của thẻ tín dụng eCommerce hồi tháng Hai như một ví dụ. Loại thẻ đó đã có được sự tăng trưởng nhanh chóng và những thương hiệu như Malin Goetz, Outdoor Voices và Boxed.com giờ đã là khách hàng của nó.
Brex cho phép thanh toán trong 60 ngày, cung cấp tiền miễn lãi suất và có những phần thưởng. Đây là một lĩnh vực mà Brex cho rằng lâu nay đã bị những Cty tài chính truyền thống bỏ qua. Brex bảo lãnh phát hành thẻ tín dụng eCommerce dựa trên doanh số của doanh nghiệp. Đối với các start-up, tín dụng được dựa trên số dư tiền mặt của họ.
Với khoa học đời sống, Brex sẽ xem bất kỳ khoản tài trợ nào mà Cty đó có được là đầu tư mạo hiểm, chẳng hạn như nguồn tài trợ hoặc trợ cấp từ đại học. “Các ngân hàng hiện gặp khó khăn trong việc bảo lãnh phát hành và hiểu về khoa học đời sống. Nó khác với một start-up truyền thống. Một số không có đầu tư mạo hiểm”, Dubugras nói.
Cho đến nay, Brex đã huy động được 315 triệu USD và trong tháng 4 đã bảo đảm 100 triệu USD vốn nợ với Barclays dưới dạng một hạn mức tín dụng. Dubugras cho biết Cty chưa tính đến chuyện IPO. “Chúng tôi chỉ mới thành lập được hơn hai năm. Chúng tôi không vội trong việc IPO. Giờ là thời điểm tập trung vào việc tăng vốn tư nhân nhiều hơn”.
Theo laodong.vn
Vì sao Fed không nên cắt giảm lãi suất tại thời điểm hiện nay?
Nếu như không có các số liệu đáng lo ngại cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế thì việc Fed giảm lãi suất mục tiêu sẽ còn là vấn đề phải bàn.
Trụ sở Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN
Gần đây khi triển vọng của nền kinh tế Mỹ trở lên mờ mịt cùng với những lo ngại về các cuộc chiến thương mại và nhu cầu của người tiêu dùng đè năng lên niềm tin chung, nhiều nhà quan sát cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra một số biện pháp kích thích nền kinh tế bằng việc giảm lãi suất xuống một nửa điểm phần trăm trong vòng vài tháng tới.
Tuy nhiên, theo ông Narayana Kocherlakota, giáo sư kinh tế của trường Đại học Rochester, nếu mục tiêu của việc cắt giảm nhằm có được sự đảm bảo để ngăn chặn sự xuống dốc của nền kinh tế, thì có một cách tốt hơn để Fed làm điều đó.
Từ các số liệu về kinh tế hiện nay, có rất ít số liệu cho thấy cần phải hỗ trợ cho việc thích thích nền kinh tế tức thời, như các nhà tuyển dụng phi nông nghiệp đã có thêm hơn 150.000 việc làm mỗi tháng trong quý vừa qua; tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% trong tháng Năm, mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua; lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ bay hơi) vẫn nằm trong khoảng từ 1,5% đến 2%..
Mặc dù Fed lo lắng về một một cú sốc bất lợi có thể xảy đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai do những thay đổi đáng lo ngại trong chính sách thương mại của Nhà Trắng và cần phải giải quyết rủi ro này.
Tuy nhiên, nếu như không có các số liệu đáng lo ngại cho thấy sự khó khăn của nền kinh tế thì việc giảm lãi suất mục tiêu sẽ còn là vấn đề phải bàn bởi nó có thể khiến một số nhà quan sát nghi ngờ rằng Fed đang phản ứng với áp lực chính trị, hoặc đang hành động để thúc đẩy thị trường chứng khoán.
Fed có nhiều cách trực tiếp hơn để giảm thiểu rủi ro đối với tăng trưởng. Ví dụ, Fed có thể cam kết về một kế hoạch hành động rõ ràng và tích cực trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu của sự tăng trưởng chậm.
Cụ thể, ngân hàng trung ương có thể hứa sẽ cắt giảm lãi suất mục tiêu xuống 0,25% - mức từ năm 2008 đến 2015 - nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1% (cao hơn một nửa phần trăm điểm so với mức hiện tại) và giữ mức đó trong khoảng thời gian 3 tháng.
Để thể hiện quyết tâm chống suy thoái kinh tế, Fed cũng có thể cam kết giữ lãi suất ở mức 0,25% ít nhất cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 4,1% (nếu như vậy, sẽ phải có môt điều khoản giải thoát cho phép Fed cam kết tăng mức lãi suất trong trường hợp lạm phát giả sử vượt quá mức 2,5%).
Một kế hoạch minh bạch như vậy sẽ có một số lợi thế. Một mặt, nó có thể có tác động tích cực ngay lập tức: Nếu các doanh nghiệp và hộ gia đình tin rằng Fed sẽ hành động phù hợp để duy trì việc mở rộng trong những năm tới, họ sẽ nhiều khả năng chi tiêu cho hiện tại.
Mặt khác, nó sẽ giúp có một phản ứng mạnh mẽ và đầy sức thuyết phục nếu có dấu hiệu suy thoái.
Có lẽ quan trọng nhất, nó sẽ dựa trên một thước đo kinh tế, thất nghiệp, mà có tầm quan trọng rõ ràng đối với công chúng mà Fed phục vụ./.
Đặng Huyền (P/v TTXVN tại Washington)
Bitcoin âm thầm "tìm đường" quay trở lại mốc 9.000 USD Sáng 15/6, nhà đầu tư ghi nhận Bitcoin tăng hơn 5% trong 24 giờ, chạm mức 8.720 USD/coin và một lần nữa cho thấy dấu hiệu "hồi sinh" mạnh mẽ. Bitcoin, vẫn là đồng tiền điện tử giá trị nhất tại thời điểm hiện nay tính theo vốn hóa thị trường, dẫu không còn tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn cuối 2017,...