‘Star Trek Beyond’ mang dấu ấn của ‘Fast & Furious’
Người thực hiện “Star Trek Beyond là đạo diễn “Fast & Furious”, do đó không ngạc nhiên khi tinh thần của loạt phim đua xe đình đám được thể hiện trong siêu phẩm viễn tưởng.
Star Trek Beyond là phần 3 của loạt phim làm lại từ series Star Trek từng chinh phục trái tim của nhiều thế hệ khán giả đam mê thể loại phim khoa học viễn tưởng tại Mỹ và thế giới. Người thực hiện hai phần trướcStar Trek và Star Trek into Darkness là đạo diễn – nhà sản xuất lừng danh J.J Abrams.
Nhưng Star Trek Beyond là đứa con tinh thần của nhà làm phim Justin Lin, người có công nâng tầm series Fast & Furious thành “bom tấn” được yêu thích trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, ngay từ thời điểm dự án phim bắt đầu, nhiều người đã dự đoán Star Trek Beyond sẽ là một “Fast & Furious trên không gian vũ trụ”.
Khi Fast & Furious 7 còn đang quay dở, nam diễn viên Paul Walker đột ngột qua đời vì một vụ tông xe, khiến khán giả thế giới đau đớn, tiếc thương. Tương tự, trước khi Star Trek Beyond ra mắt, một vụ tai nạn kỳ lạ đã cướp đi sinh mạng của diễn viên 27 tuổi Anton Yelchin, người thủ vai anh chàng phi công gốc Nga Pavel Chekov với giọng nói dễ thương.
Video đang HOT
Star Trek Beyond đưa phi hành đoàn tàu USS Enterprise vào một cuộc phiêu lưu mới đầy hiểm nguy
Và quả thật đạo diễn Justin Lin đã để lại dấu ấn riêng ở Star Trek Beyondgiống như những gì ông đã làm với Fast & Furious. Điều gì ở Fast & Furious khiến khán giả phát cuồng đến thế? Những màn đua xe hoành tráng ư? Đương nhiên rồi. Nhưng cũng có rất nhiều phim khác có những màn hành động hấp dẫn không kém.
Điểm hấp dẫn nhất của Fast & Furious là các nhân vật có cá tính thú vị và gắn kết nhau trong một tập thể chung. Các tập Fast & Furious của Justin Lin đều nhấn mạnh yếu tố gia đình, mối quan hệ thân thiết, gắn kết. Đó là câu chuyện về những nhân vật phi thường, nỗ lực chiến đấu vì mình và vì các thành viên trong đại gia đình đó.
Justin Lin đã đem bí quyết thành công đó áp dụng vào Star Trek Beyond. Hai phần Star Trek trước của đạo diễn J.J Abrams chủ yếu xoay quanh thuyền trưởng Kirk và mối quan hệ của anh với các thành viên phim thuyền USS Enterprise. Nhưng ở Star Trek Beyond, Kirk không còn là người hùng đơn độc, một mình giải cứu tất cả mọi người nữa.
Khi thảm họa ập tới với con tàu USS Enterprise, tập thể phi hành đoàn thất lạc nhau trên một hành tinh xa lạ và nguy hiểm. Thuyền trưởng Kirk và Chekov cùng chung sức, lao vào hiểm nguy để tìm ra bí mật của kẻ thù. Còn bộ đôi Spock và bác sĩ Leonard McCoy tưởng như chẳng ưa nhau lại phải cùng dựa vào nhau để sống sót.
Trong khi đó, nữ sĩ quan Nyota Uhura và phi công Hikaru Sulu trực tiếp đối mặt với quái nhân Krall bí hiểm và tàn bạo. Mỗi cặp đôi phải đối mặt với vấn đề khó khăn khác nhau, và sự tương tác giữa họ làm nổi bật vai trò của từng người.
Khán giả yêu Star Trek đã biết rõ Kirk và Spock, và giờ có cơ hội hiểu thêm sự mạnh mẽ, can đảm của Uhura, sự cương nghị và điềm đạm của Sulu, cũng như sự thông minh, nhạy bén của Chekov.
Star Trek Beyond vẫn rất hấp dẫn với những cảnh hành động hoành tráng
Những màn đấu khẩu đốp chát của bác sĩ McCoy và thuyền phó Spock vừa hài hước, vừa cho thấy rõ sự tôn trọng họ dành cho nhau. McCoy không còn là một nhân vật mờ nhạt, có phần khó chịu như 2 phần trước nữa. Sự ghép cặp của đạo diễn Justin Lin đã tạo cơ hội cho các nhân vật thể hiện rõ cá tính riêng, giúp họ trở nên gần gũi hơn với khán giả.
Giống như Fast & Furious, mãi tới phần 3 này phi hành đoàn tàu USS Enterprise mới thực sự trở thành một gia đình, một người vì mọi người. Từng người là đều cá nhân đặc sắc, nổi bật nhưng sẵn sàng hy sinh vì cái chung.
Trong thời điểm khủng hoảng, đối mặt với tử thần, điều giúp Kirk, Spock và các thành viên sống sót không phải là chủ nghĩa anh hùng cá nhân mà là tình đồng đội, là tinh thần tập thể.
Đạo diễn Justin Lin đã tạo ra một gia đình thân ái cho Fast & Furious, và lần này ông cũng đã đạt được thành công tương tự với Star Trek Beyond.
Theo Zing