S&P 500 giảm điểm vì cổ phiếu năng lượng, tài chính
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm khi kết thúc phiên giao dịch giằng co vào ngày thứ Hai. Phiên này, cổ phiếu tài chính đuối sức và giới đầu tư trở nên thận trọng hơn trước khi một loạt công ty lớn công bố kết quả kinh doanh quý 3 trong tuần.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, phiên ngày 22/10 – Ảnh: Reuters.
Theo hãng tin Reuters, cổ phiếu công nghệ tăng đã giúp hạn chế mức giảm của S&P, đồng thời nâng chỉ số Nasdaq. Nhóm công nghệ thuộc S&P tăng 0,8%, nhưng không đủ sức kéo chỉ số khỏi sắc đỏ.
Nhóm năng lượng thuộc S&P sụt 1,1% sau khi công ty dịch vụ mỏ dầu Halliburton cảnh báo rằng lợi nhuận quý 4 có thể không đạt dự báo do một số khó khăn hiện nay trên thị trường khai thác dầu bằng công nghệ nứt vỡ thủy lực (hydraulic fracturing) ở khu vực Bắc Mỹ.
Cổ phiếu Halliburton sụt 3%, và cổ phiếu của một công ty dịch vụ mỏ dầu khác là Schlumberger cũng giảm 2,9%.
“Tuần này sẽ là một tuần lớn của các báo cáo kết quả kinh doanh”, chiến lược gia trưởng về đầu tư Tim Ghriskey thuộc Inverness Counsel ở New York phát biểu. “Điều này khiến nhà đầu tư cảm thấy lo ngại. Đã có những báo cáo tốt gần đây, nhưng điều đó không phổ biến. Các công ty đang nói nhiều về một số vấn đề bất lợi”.
Theo dữ liệu của Refinitive, lợi nhuận của các công ty thuộc S&P 500 được dự báo tăng 21,9% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, nhiều nhà đầu tư đang tập trung vào triển vọng tăng trưởng tương lai của các công ty – điều đang bị đe dọa bởi chiến tranh thương mại, chi phí gia tăng và một số yếu tố khác.
Tuần này sẽ là một tuần cao điểm của mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3, khi một loạt công ty lớn như Amazon, Alphabet, Microsoft… đồng loạt công bố báo cáo. Cổ phiếu Amazon và Alphabet cùng tăng trong phiên đầu tuần.
Video đang HOT
Dow Jones đã giằng co giữa giảm và tăng vào đầu phiên giao dịch, cho thấy chứng khoán Mỹ còn chật vật hồi phục sau đợt bán tháo vào tuần trước, dù mùa báo cáo kết quả kinh doanh đang tăng tốc.
Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,5%, còn 25.317,41 điểm. S&P 500 hạ 0,43%, còn 2.755,88 điểm. Nasdaq tăng 0,26%, lên mức 7.468,63 điểm.
S&P hiện vẫn đang ở dưới mức trung bình 200 ngày – một ngưỡng kỹ thuật chủ chốt.
Ông Alan Lancz, Giám đốc công ty tư vấn đầu tư Alan B. Lancz & Associates, dự báo thị trường sẽ còn biến động nhiều trong những phiên tới, khi nhà đầu tư thận trọng hơn trong ngắn hạn, ít nhất là cho tới cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ vào ngày 6/11.
“Mọi người đều đang tập trung vào những yếu tố bất lợi và nói rằng tình hình đang trở nên khó khăn hơn. Ít nhất cho tới bầu cử giữa nhiệm kỳ, thị trường sẽ khó tăng. Xu hướng chính sẽ là giảm”, ông Lancz nói.
Nhóm cổ phiếu tài chính sụt 2,1%, trở thành nguồn áp lực giảm lớn nhất đối với S&P. Cổ phiếu tài chính mất giá khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phẳng nhất trong hơn 2 tuần.
Trên sàn NYSE, số cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,5 lần số cổ phiếu tăng giá. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,34 lần.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng 6,9 tỷ cổ phiếu trong phiên đầu tuần, so với mức bình quân 7,8 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Nỗi lo lãi suất tăng đẩy chứng khoán Mỹ giảm điểm
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng kết thúc phiên giao dịch đầy giằng co ngày thứ Tư trong trạng thái giảm điểm, sau khi biên bản cuộc họp gần đây nhất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy sự đồng thuận về tiếp tục nâng lãi suất.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 17/10 - Ảnh: Reuters.
Theo hãng tin Reuters, những gì mà FED nói trong biên bản trên đã củng cố nỗi lo của nhà đầu tư góp phần dẫn tới đợt bán tháo vào tuần trước ở Phố Wall.
Chỉ só S&P 500 đã giằng co mạnh giữa giảm và tăng sau khi FED đưa ra biên bản cuộc họp tháng 9 vào đầu giờ buổi chiều. Bất chấp những lời chỉ trích mạnh mẽ gần đây của Tổng thống Donald Trump, biên bản cho thấy các nhà hoạch định chính sách của FED đồng thuận về việc tăng lãi suất trong tháng 9 và dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất với tốc độ từ tốn, phù hợp với sự tăng trưởng của nền kinh tế, thị trường việc làm và lạm phát.
"Trong suốt nhiều năm qua, FED đã giữ một quan điểm mềm mỏng trong chính sách tiền tệ. Nhưng giờ đây, điều đó đã thay đổi. Thị trường cảm thấy rằng cuộc họp vừa rồi của FED thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn những gì nhà đầu tư đánh giá trước đó", Giám đốc đầu tư Brad McMillan thuộc Commonwealth Financial Network phát biểu.
S&P mới chỉ phục hồi được một phần điểm số mất mát hồi tuần trước, khi chỉ số này có cú giảm mạnh nhất từ tháng 3, một phần do nỗi lo của nhà đầu tư về lãi suất tăng.
Khả năng FED ngày càng trở nên cứng rắn khiến giới đầu tư cổ phiếu cảm thấy bấp bênh nhiều hơn, giữa lúc họ đã có nhiều mối lo, từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, sự suy yếu của thị trường bất động sản, cho tới triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết kém đi.
"Ở thời điểm hiện nay, thị trường thực sự không biết nên nghĩ gì. Đó là lý do vì sao chúng ta chứng kiến những biến động này", ông McMillan nhận định. "Lãi suất cao hơn sẽ giảm bớt đi tấm nệm đỡ cho thị trường khỏi những bấp bênh khác".
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 0,36%, còn 25.706,68 điểm. S&P 500 hạ 0,03%, còn 2.809,21 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,04%, còn 7.642,7 điểm.
Từ trước khi FED công bố kết quả cuộc họp, các chỉ số đã giằng co, trong đó S&P thể hiện rõ sự chật vật dù đã tăng điểm mạnh vào ngày hôm trước. Những dữ liệu gây thất vọng về thị trường nhà đất đã kéo tụt giá cổ phiếu các công ty xây dựng và nội thất như Home Depot.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, chỉ có 4 nhóm kết thúc phiên trong trạng thái tăng. Nhóm tài chính tăng mạnh nhất, chốt phiên với mức tăng 0,9%. Nhóm nguyên vật liệu giảm mạnh nhất, mất 0,8%.
Cổ phiếu Home Depot sụt 4,3%, trong khi cổ phiếu Netflix tăng 5,3% nhờ báo cáo kết quả kinh doanh cho thấy số lượng thuê bao tăng mạnh.
Cổ phiếu hãng hàng không United Airlines tăng 5,95% nhờ lợi nhuận quý 3 khả quan, giúp cổ phiếu các hãng hàng không các tăng theo.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá phiên này nhiều gấp 1,7 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,39 lần.
Các nhà giao dịch ở Phố Wall đã chuyển nhượng 7,08 tỷ cổ phiếu, so với mức bình quân 7,9 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bình Minh
Theo vneconomy.vn
Vì đâu chứng khoán Mỹ có tuần tồi tệ nhất trong 7 tháng qua? Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng trở lại, đóng cửa cao hơn trong phiên giao dịch hôm qua, với hàng loạt cổ phiếu bật lại mạnh mẽ từ mức thấp trong nhiều ngày trước. Phục hồi lại nhưng vẫn có tuần giảm mạnh Chỉ số công nghiệp Dow Jones dù đầu phiên có lúc dao động chìm trong sắc đỏ trở lại...