Sốt xuất huyết giảm 70%
Số người sốt xuất huyết ở Hà Nội và TP HCM bắt đầu nhiều lên, nhưng tổng số ca giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM thông báo trong 23 tuần đầu năm, toàn thành phố có gần 7.300 ca sốt xuất huyết, giảm 70% so cùng kỳ năm 2019, không ghi nhận ca tử vong.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, bắt đầu mùa mưa từ tháng 5 đến nay, trung bình mỗi tuần có 100-200 bệnh nhân sốt xuất huyết tới viện thăm khám và điều trị nội, ngoại trú. Thành phố xuất hiện các ổ dịch nhỏ rải rác nhưng đã được khống chế kịp thời. Ngành y tế phun hóa chất tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ trên cả 24 quận, huyện.
Tới ngày 12/6, Hà Nội có 247 ca mắc sốt xuất huyết, chưa có người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 56%.
“Số ca sốt xuất huyết đang được duy trì ở mức dưới 300 ca, giảm mạnh so với năm trước. Hà Nội cũng chưa xuất hiện điểm nóng về sốt xuất huyết”, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, cho biết.
Mùa mưa ở Nam bộ, nhiệt độ trung bình còn 32-34 độ C, độ ẩm không khí cao, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho muỗi vằn Aedes egypti sinh trưởng. Do đó, nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát ở TP HCM cao hơn so với Hà Nội.
Các chuyên gia y tế đánh giá năm 2020 không nằm trong chu kỳ dịch. Các ca chắc chắn sẽ gia tăng trong thời gian tới nhưng ít khả năng bùng phát thành dịch. Nguyên nhân là việc giãn cách xã hội do nCoV đã được thực hiện rất tốt, người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe. Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết và các bệnh theo mùa ít hẳn.
Video đang HOT
Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố ngày 12/6, số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết là 20 ca, tăng 30% so với tháng trước. Trong đó không có trường hợp nào diễn tiến nặng, có biến chứng. Các bệnh nhi đều được điều trị ngoại trú trong tình trạng ổn định.
Hiện tại, sốt xuất huyết không có thuốc đặc trị và vaccine phòng tránh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến xuất huyết ồ ạt gây tử vong.
Đề phòng sốt xuất huyết, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM, khuyến cáo biện pháp hiệu quả nhất là chặn đường lây nhiễm, tức là không làm phát sinh ca mắc, tiêu diệt sớm các ổ loăng quăng, bọ gậy.
Dọn dẹp sạch sẽ môi trường xung quanh, góp phần giảm nguy cơ bùng phát các ổ dịch sốt xuất huyết. Ảnh: Thư Anh
Người dân cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước, nuôi cá diệt trong thùng chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước, thay nước bình hoa và thường xuyên phun hóa chất, phát quang bụi rậm. Các vật liệu phế thải như chai, lọ, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ… cần loại bỏ để muỗi không trú ngụ, để trứng.
Nên ngủ màn và mặc quần áo dài để phòng muỗi đốt vào ban ngày. Đồng thời sử dụng thêm các loại thuốc bôi trên da để phòng tránh muỗi đốt, nhất là với trẻ em. Khi nhân viên y tế tới phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, người dân cần chủ động phối hợp để hiệu quả diệt muỗi và bọ gậy tốt nhất.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, dù tình hình đang khả quan và ngành y tế đang kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng người dân cũng không nên chủ quan. Các thói quen tốt hàng ngày như rửa tay, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc nơi đông ngừoi cần chủ động tiếp tục thực hiện.
Sốt xuất huyết vào mùa, đừng chủ quan khi sốt, mệt mỏi
Năm nay không phải là chu kỳ hằng năm của dịch sốt xuất huyết nhưng thời tiết nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển
Sốt xuất huyết (SXH) Dengue là một loại bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra, được phát tán thông qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. SXH là bệnh xuất hiện hằng năm tại Việt Nam. Trung bình mỗi năm nước ta có khoảng trên 100.000 trường hợp mắc. Năm 2019 con số này là 320.331 ca bệnh (cao nhất trong 32 năm trở lại đây), 53 trường hợp tử vong. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố; 3 ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.
Hơn 26.000 ca mắc nhưng chưa phải đỉnh dịch sốt xuất huyết
Tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương đã lác đác ghi nhận một số trường hợp mắc SXH nhập viện đều là thanh niên trẻ tuổi. Bệnh nhân có các biểu hiện như sốt cao liên tục, mắt sung huyết, tiểu cầu giảm... Theo bác sĩ Nguyễn Kim Thư, Trưởng Khoa Virus - Ký sinh trùng BV Bệnh nhiệt đới trung ương, tuy năm nay không phải là chu kỳ hằng năm của dịch SXH nhưng thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều như những ngày qua sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Người mắc SXH có thể bị cô đặc máu, tụt huyết áp và thậm chí dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, thời gian đầu, các triệu chứng lâm sàng của bệnh lại giống với các bệnh sốt virus thông thường.
"Thông thường vào thời điểm tháng 6, 7 hằng năm sẽ là đỉnh dịch của SXH. Do đó người dân cần cảnh giác, nếu có dấu hiệu sốt cao liên tục thì nên đến cơ sở y tế thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc SXH để có hướng điều trị kịp thời. Lưu ý, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân SXH chỉ có sốt mà ít các biểu hiện khác nên rất dễ bị nhầm với sốt virus thông thường" - bác sĩ Thư khuyến cáo.
Cũng theo bác sĩ Thư, điểm đáng chú ý là SXH có 4 type khác nhau nên khi mắc bệnh rồi vẫn có thể bị lại. Trong quá trình điều trị, bác sĩ Thư đã từng gặp trường hợp mắc SXH 2 lần trong 2 năm liên tiếp, vì vậy, dù cơ thể có hình thành miễn dịch với 1 chủng từ lần mắc bệnh trước thì hoàn toàn có thể trở thành nạn nhân của 3 chủng còn lại.
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Ảnh: Nhật Minh
Nguy cơ "dịch chồng dịch"?
Nói về nguy cơ "dịch chồng dịch" trong bối cảnh dịch Covid-19 như một số thông tin gần đây, bác sĩ Thư cho rằng đường lây truyền của Covid-19 và bệnh SXH hoàn toàn khác nhau. Hiện nay, dịch Covid-19 ở nước ta đã được kiểm soát tốt, trong khi năm nay cũng không phải chu kỳ dịch SXH, nếu người dân có ý thức phòng tránh muỗi đốt thì không có khả năng "dịch chồng dịch".
Các chuyên cũng lưu ý hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi. Các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo là đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày...
Theo bác sĩ Thư, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ đang mang thai càng cần phải nâng cao cảnh giác trong mùa dịch SXH, bởi đây là những đối tượng dễ bị tổn thương bởi căn bệnh này. Bệnh SXH gây giảm thể tích tuần hoàn nên trẻ em là đối tượng rất nhạy cảm. Trong khi đó, người cao tuổi thường mắc các bệnh nền như đái tháo đường, bệnh về gan, thận... đều là những nguyên nhân khiến SXH diễn biến nặng hơn nếu mắc phải. Với phụ nữ mang thai, dù chưa ghi nhận trường hợp virus Dengue gây nên dị tật thai nhi nhưng theo kết quả chúng tôi tổng kết, việc nhiễm virus này có thể dẫn đến trường hợp sẩy thai. Cả 3 trường hợp nhạy cảm này khi nhập viện đều được các bác sĩ theo dõi rất sát tình hình sức khỏe.
"Nếu có bất kỳ triệu chứng: ra máu, nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/ra máu âm đạo; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh; khó thở... hãy đến ngay bệnh viện gần nhất vì đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm" - bác sĩ Thư lưu ý.
Nguy cơ bệnh sốt xuất huyết "gây họa" trong mùa dịch Covid-19 Giữa lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những cơn mưa đầu mùa đang tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển đe dọa sức khỏe cộng đồng. Thông tin từ Sở Y tế TPHCM ngày 26/5 cho biết, từ đầu năm đến nay, công tác giám sát và thống kê các loại bệnh truyền nhiễm từ...