Sốt do thuốc – Một bất lợi ít được chú ý
Hầu như tất cả các loại thuốc có hiệu lực tốt, dù được dùng thận trọng, khôn khéo cũng có thể gây ra phản ứng có hại không mong muốn, thậm chí ngay ở liều điều trị.
Trong đó sốt do thuốc chiếm khoảng 5% trường hợp. Nguy cơ sốt do thuốc tăng tương ứng với số lượng thuốc được sử dụng, đặc biệt trên đối tượng người cao tuổi. Tuy nhiên tác dụng bất lợi này không phải lúc nào cũng được đề cập trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Sốt do thuốc là gì?
Sốt do thuốc là bệnh lý đặc trưng bởi sốt xảy ra đồng thời khi dùng thuốc và ngưng sau khi không sử dụng thuốc, đồng thời không có nguyên nhân khác gây ra sốt như các bệnh có triệu chứng sốt bao gồm: bệnh ác tính, huyết khối, tai biến mạch máu não, bệnh mạch máu dạng tự miễn, đợt gút cấp, phẫu thuật và chấn thương…
Hiện chưa có tiêu chuẩn chẩn đoán rõ ràng cho sốt do thuốc và không có dấu hiệu lâm sàng hay xét nghiệm nào đặc hiệu cho tình trạng sốt thứ phát do thuốc. Sốt do thuốc chỉ được chẩn đoán trong trường hợp sốt ngưng sau khi dừng sử dụng thuốc.
Các cơ chế gây sốt do thuốc bao gồm: phản ứng quá mẫn, thay đổi chuyển hóa điều nhiệt, phản ứng liên quan trực tiếp đến đường dùng thuốc, phản ứng liên quan trực tiếp đến tác động dược lý của thuốc, phản ứng do cơ địa của người bệnh… nhưng đa số trường hợp đều còn chưa rõ ràng.
Thời gian khởi phát sốt có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào trong quá trình điều trị và khác nhau ở mỗi nhóm thuốc. Trung bình từ khi sử dụng thuốc đến khởi phát triệu chứng sốt thường là 7 – 10 ngày. Đặc điểm là sốt liên tục hoặc cách quãng và dao động trong khoảng 39C- 39,5C và có thể cao hơn 40C. Mặc dù sốt là một tác dụng bất lợi của thuốc ít được biết đến, nhưng việc chẩn đoán sớm rất quan trọng vì sẽ giúp tránh khỏi những xét nghiệm, thăm khám không cần thiết.
Một số thuốc có thể gây tăng thân nhiệt trong quá trình sử dụng.
Video đang HOT
Những thuốc gây sốt được báo cáo
Theo thống kê, có đến 70 loại thuốc được kê đơn ngoại trú ghi nhận là các thuốc nghi ngờ gây sốt bao gồm: các thuốc kháng khuẩn dùng đường toàn thân (penicilin, cephalosporin, aminoglycosid, fluoroquinolon, thuốc kháng lao, thuốc chống ký sinh trùng…); các thuốc giảm đau NSAIDS như ibuprofen, naproxen, tolmetin; các loại thuốc khác như thuốc chống ung thư và điều hòa miễn dịch và một số loại thuốc hướng tâm thần (thuốc chống động kinh, thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm…), thuốc tim mạch (clofibrat, diltiazem, dobutamine…), thuốc chống co giật, Thuốc kích thích giao cảm và gây ảo giác…
Tuy nhiên cần lưu ý, tác dụng bất lợi gây sốt này không phải lúc nào cũng được đề cập trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Điều trị như thế nào?
Trong trường hợp nghi ngờ, nên báo cáo ngay với bác sĩ điều trị hoặc tới các cơ sở y tế để được hỗ trợ chẩn đoán, xử trí. Trong hầu hết nhưng không phải tất cả trường hợp, sốt do thuốc được cải thiện trong vòng 72 – 96 giờ sau khi ngưng dùng thuốc nghi ngờ gây sốt. Nhưng việc ngừng thuốc có khả năng gây sốt cần có chỉ định và giám sát của thầy thuốc. Vì ngưng sử dụng tất cả các thuốc trong cùng thời điểm giúp giảm sốt có thể tăng nguy cơ từ các bệnh nền và không xác định được thuốc gây sốt. Cần cân nhắc ngưng dùng thuốc vì lợi ích của việc tiếp tục điều trị có thể cao hơn nguy cơ sốt tiếp diễn trong một số bệnh cảnh lâm sàng.
Cần làm gì để phòng tránh?
Để phòng tránh người dùng thuốc nên lưu ý:
Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và không được lạm dụng thuốc.
Nếu được bác sĩ khám ghi đơn thuốc, phải dùng đúng, dùng đủ các thuốc ghi trong đơn và thực hiện tốt các lời chỉ dẫn.
Trước khi dùng một thuốc, cần đọc kỹ bản hướng dẫn hoặc hỏi dược sĩ tại nhà thuốc về những điều cần biết như tác dụng phụ tức phản ứng có hại của thuốc, những thận trọng khi dùng thuốc, chống chỉ định (những trường hợp không được dùng thuốc).
Khi đang dùng thuốc nếu bị sốt và bất cứ biểu hiện nào khác nghi liên quan đến sử dụng thuốc cần thông báo với bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời.
Đủ kiểu tai biến do làm đẹp dịp tết
Dịp cuối năm, nhu cầu làm đẹp tăng nhưng tai biến cũng không ít do nhiều chị em chọn làm đẹp tại các cơ sở thẩm mỹ giá rẻ, kém chất lượng, dẫn đến mắt bị lộn mí, tắc mạch do tiêm filler...
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang cảnh báo nhiều tai biến làm đẹp trong dịp cuối năm
"Mất tết" vì làm mắt, tiêm filler
Năm nay 45 tuổi, đôi mắt bắt đầu có dấu hiệu lão hóa với những nếp nhăn và mí chùng khiến chị N.T.M. (TP.Hà Nội) âu sầu, lo lắng. Đặc biệt, trong những ngày cuối năm, cảm giác tự ti khi đi chơi xuân khiến chị quyết tâm "trùng tu" nhan sắc của mình. Sau khi xem quảng cáo trên mạng, nghe lời giới thiệu "có cánh", chị quyết định lựa chọn một cơ sở thẩm mỹ để phẫu thuật mí làm trẻ hóa mắt với chi phí gần chục triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi cắt mí, thay vì như lời tư vấn của cơ sở làm đẹp "hoàn toàn không đau và tự nhiên", đôi mắt chị bỗng sưng vù và một bên mắt bị lộn mí, để hở một phần con ngươi. Quá đau khổ và sợ hãi, chị M. quay lại cơ sở làm đẹp tới ba lần nhưng đơn vị này vẫn khẳng định, tất cả đều bình thường và sẽ dần ổn định sau vài tháng. Song, mí mắt dưới sưng đau khiến chị phải tới Bệnh viện Da liễu Trung ương để khám.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sau thực hiện phẫu thuật mí đã bị ngửa mi, lộn mi dưới, ngoài ra có phản ứng u hạt sát vết mổ. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng Bệnh viện da liễu Trung ương, cho biết sau một tuần điều trị, hiện tượng viêm, sưng của bệnh nhân đã giảm. Tuy nhiên, phần mí mắt bị lộn mí của chị M. sẽ không thể bình thường nếu không can thiệp, phẫu thuật lại.
Cũng giống chị M., với tâm lý muốn dung mạo ưng ý trong dịp năm mới, P.H.H. (28 tuổi, TP.Hà Nội) cũng vội vàng tìm một spa để tiêm filler làm thon gọn cánh mũi và nâng sống mũi cao hơn. Cơ sở này cam kết nâng mũi bằng filler là phương pháp làm đẹp an toàn, đơn giản với nguyên liệu chất lượng nên hoàn toàn không đau và không xảy ra biến chứng. Dù vậy, nhiều tuần sau khi tiêm, vùng mũi của chị H. vẫn tấy đỏ, sưng vù và vùng bơm filler xuất hiện những nốt bầm tím.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán bị tắc mạch do chất làm đầy gây tổn thương xuất huyết ở vùng đỉnh mũi. May mắn do đến sớm nên chưa xảy ra tình trạng hoại tử. Đối với bệnh nhân này, các bác sĩ phải tiêm hyaluronidase để hóa giải filler, giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu. Đồng thời, sử dụng thuốc giãn mạch, chống huyết khối, và chống phù nề.
Chủ spa cũng bị tai biến do làm đẹp
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang cho hay, dịp tết là thời điểm nhu cầu làm đẹp tăng cao. Nhiều người bận rộn, không có thói quen chăm sóc bản thân trong suốt cả năm nên dành thời gian cuối năm tranh thủ nâng cấp nhan sắc của mình. Thống kê chưa đầy đủ tại bệnh viện cho thấy, số lượng người làm đẹp trong thời gian gần đây tăng từ 18 - 20%, chủ yếu là làm đẹp vùng mắt, tiêm filler để chỉnh sửa các khiếm khuyết trên khuôn mặt như hõm má, thái dương...
Cùng với nhu cầu làm đẹp tăng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng tiếp nhận nhiều ca tai biến trong dịp này. Chỉ tính riêng tại Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng của bệnh viện, mỗi ngày có khoảng năm trường hợp phải đến khám vì "gặp họa" sau khi cắt mí, tiêm filler hay sử dụng các biện pháp trẻ hóa da... tại các cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng hoặc chưa được cấp phép.
Tiêm tinh chất, cấp ẩm là một trong những biện pháp làm đẹp có hiệu quả nhanh nên được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sử dụng sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng nên bệnh nhân đã gặp những biến chứng tai hại và phải tới bệnh viện.
Thậm chí, bác sĩ Quang cho hay, mới đây, bệnh viện còn tiếp nhận bệnh nhân 34 tuổi là chủ một spa, "gặp họa" sau khi tiêm Mesotherapy. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng xuất hiện hàng trăm nốt nhỏ chi chít toàn mặt, dày đặc như cơm cháy.
"Với những trường hợp này, việc khắc phục hậu quả rất khó khăn. Bệnh nhân này hiện đang được theo dõi, cải thiện tốt. Tuy nhiên, có những trường hợp tương tự, chúng tôi đã điều trị và theo dõi gần một năm nay nhưng tình trạng cải thiện kém", bác sĩ Quang cảnh báo.
Đáp ứng nhu cầu làm đẹp của chị em, gần đây, các cơ sở làm đẹp còn ra mắt nhiều chương trình khuyến mại "khủng", giảm giá 50-70% để chào đón xuân mới với đủ dịch vụ, từ xăm chân mày, xăm môi, cắt mí tới hút mỡ, tiêm mỡ tự thân...
Bác sĩ Quang khuyến cáo, với một số cơ sở, khi giảm giá sâu, chị em cần xem xét, đánh giá chất lượng trước khi làm đẹp. Đầu tiên, phải tìm hiểu cơ sở đó có được cấp phép hành nghề hay không, thương hiệu và uy tín của đơn vị đó như thế nào? Bác sĩ làm đẹp cho mình là ai?
Ngoài ra, sản phẩm sử dụng phải rõ ràng nguồn gốc, thông tin, chất lượng. Bởi nếu sản phẩm không đảm bảo khi đưa vào cơ thể dễ xảy ra kích ứng và gây nguy hiểm, không chỉ thẩm mỹ mà còn có thể ảnh hưởng tới tính mạng.
Bác sĩ Bạch Mai giật mình cách cứa tai chữa đột quỵ Phát hiện bố bị đột quỵ, người con trai luống cuống dùng dao cứa tai bố để nặn máu rồi dùng kim chích đầu ngón tay. Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày tiếp nhận 35-40 bệnh nhân từ khắp các tỉnh chuyển đến. Trong số này có rất ít bệnh nhân đến kịp trong khung giờ vàng, rất nhiều...