“Sốt đất” bất thình lình khiến dân ở nơi này thi nhau bán ruộng, phân lô ngay trên cánh đồng “như đúng rồi”
Trong cơn “sốt đất” vẫn đang tiếp diễn ở thị xã Ninh Hòa ( tỉnh Khánh Hòa), không chỉ riêng nhóm đất phi nông nghiệp mà đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở một số địa phương liên tục được các nhà đầu tư từ nơi khác tìm mua với giá cao nhưng không nhằm mục đích sản xuất nông nghiệp mà để đầu cơ.
Được giá, người dân cũng thi nhau bán đìa, bán ruộng.
Phân lô trên cánh đồng
Mấy tháng nay, quán cà phê Bờ Hồ nằm sát Tỉnh lộ 7 (qua địa phận xã Ninh Thọ) nhộn nhịp xe ô tô biển số các tỉnh phía bắc ghé vào hỏi tìm “săn” đất.
Sau khi có thông tin về Dự án Khu Công nghiệp dốc Đá Trắng thuộc Khu Kinh tế Vân Phong được triển khai trên địa phận xã Ninh Thọ, từ đầu năm 2021 đến nay, giá đất mặt tiền Tỉnh lộ 7 tăng chóng mặt, từ 120 triệu đồng/mét ngang lên 260 triệu đồng/mét ngang.
Các khu vực đất ruộng chuyên trồng lúa, đất NTTS trên địa bàn xã này cũng tăng cao khiến người dân địa phương thi nhau bán đìa, bán ruộng.
Đất ở cánh đồng thôn Bình Sơn (xã Ninh Thọ, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) được cắm cọc, phân lô.
Những ngày đầu tháng 1, qua lời giới thiệu của chủ đất tên P., chúng tôi có mặt tại cánh đồng thôn Bình Sơn (xã Ninh Thọ, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).
Đưa cho chúng tôi xem 13 cuốn sổ đỏ, ông P. mời chào: “Tổng diện tích gộp chung của 13 sổ đỏ này hơn 1ha liền kề nhau, hiện trạng là đất trồng lúa, thời hạn sử dụng đến năm 2027. Toàn bộ cánh đồng này đã được cắm mốc ranh giới làm đường, quy hoạch lên được đất ở, gia đình tôi đang có việc gấp cần bán, bây giờ anh mua thì 3,5 tỷ đồng, một thời gian nữa chắc chắn không còn giá đó”.
Là đất chuyên trồng lúa, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều diện tích đất trên cánh đồng thôn Bình Sơn đã được san phẳng từ lâu và cắm cọc bê tông, phân lô.
Theo người dân địa phương, giá đất ruộng lúa trước đây chưa đầy 100 triệu đồng/sào (1.000m 2) nay đã tăng lên 200 triệu đồng/sào. Nhiều gia đình còn đầu tư cả cọc bê tông, lưới thép B40 vây quanh để giữ ranh giới.
Ông P. cho biết, các thửa đất trên cánh đồng được phân lô để bán đã lâu không còn sản xuất lúa, người mua đang giữ đất để đợi chuyển đổi mục đích sử dụng đất bán cho được giá.
Bà Trang, người dân địa phương cho biết thêm, mới đây, có người mua mấy đám ruộng khu vực gần kho xăng Ninh Thọ với giá 200 triệu đồng/sào, sau đó san bằng để phân lô bán được 2,5 tỷ đồng.
Video đang HOT
Một thửa đất được rao bán với hiện trạng là đất nuôi trồng thủy sản nhưng đã bị san lấp ở thôn Xuân Mỹ (xã Ninh Thọ, TX Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).
Qua lời giới thiệu của môi giới tên M., chúng tôi tiếp tục đi qua thôn Xuân Mỹ (xã Ninh Thọ) đến khu vực các đìa NTTS của người dân địa phương.
Đưa sổ đỏ cho chúng tôi xem, bà M. cho biết, thửa đất này hơn 4.200m 2 đất NTTS, theo quy hoạch sẽ chuyển đổi qua được đất ở, gia đình đang bán với giá 5 triệu đồng/m 2.
Ngay sát Khu tái định cư Xóm Quán (xã Ninh Thọ), môi giới tên T. dẫn chúng tôi tới xem đìa nuôi thủy sản rộng 2.318m 2 đang rao bán giá 3,2 tỷ đồng. Khu vực này ngay sát đường và có cơ sở hạ tầng đầy đủ xung quanh, tương lai sẽ quy hoạch lên đất ở đô thị.
Do sản xuất hiệu quả thấp, giá đất tăng nên nhiều người NTTS đang rao bán với giá khác nhau tùy theo vị trí và diện tích.
Một đìa nuôi thủy sản ở xã Ninh Thọ được rao bán
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ riêng xã Ninh Thọ, đất trồng lúa, đất NTTS ở các xã, phường khác như: Ninh Hải, Ninh Diêm, Ninh Thủy, Ninh Xuân, Ninh Hà… cũng đang được rao bán nhiều trên các trang mạng xã hội.
Để phản ánh, cung cấp thông tin về tình trạng san lấp trên đất nông nghiệp và đặt câu hỏi về công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã Ninh Thọ thời gian qua, phóng viên đã nhiều lần liên hệ, đến trụ sở UBND xã, gọi điện, nhắn tin đăng ký làm việc với ông Võ Khánh Đăng – Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ nhưng ông Đăng nói bận họp và sau đó không phản hồi.
Tăng cường công tác quản lý
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, thị xã đang triển khai lập mới quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030.
Để tránh phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch (quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch Khu Kinh tế Vân Phong và các quy hoạch ngành khác) và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, UBND thị xã đã thông báo tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất.
Đối với đất ruộng lúa, đất NTTS, khi Nhà nước giao quyền sử dụng đất cho người dân, luật cho phép họ có quyền chuyển nhượng, thế chấp và tặng cho nên chính quyền, cơ quan chức năng khó can thiệp sâu. Tuy nhiên, việc mua bán đất ruộng lúa được pháp luật về đất đai quy định chặt chẽ.
Chỉ những người ở địa phương, trực tiếp canh tác ruộng lúa mới được chuyển nhượng đất ruộng lúa cho người ở địa phương đó.
Khi thực hiện chuyển nhượng, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Ninh Hòa sẽ gửi thông tin của người bán và người mua về địa phương để xác nhận việc người bán và người mua có phải trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ đất nông nghiệp hay không. Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc xác nhận đó.
Cùng với đó, thị xã Ninh Hòa cũng đã có văn bản chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác kiểm soát đất đai trên địa bàn, nếu phát hiện tình trạng phân lô, bán nền, kịp thời thông tin, phản ánh để thị xã kiến nghị với tỉnh chấn chỉnh.
Theo bà Hải, việc tách thửa thuộc thẩm quyền của Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài Nguyên và Môi trường). Do đó, để kiểm soát tình trạng phân lô, bán nền cần có quy chế phối hợp giữa Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và các địa phương, trong quá trình tách thửa nên có ý kiến của địa phương.
Theo đồ án Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, thị xã Ninh Hòa dự kiến chuyển đổi khoảng 6.000ha đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.
Bà Hải cho biết, phần lớn diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp nằm trong quy hoạch Khu Công nghiệp Ninh Xuân 4.000ha, Khu Công nghiệp Ninh Sơn 1.600ha…, còn lại đất của người dân được chuyển mục đích sử dụng rất ít. Thị xã Ninh Hòa khuyến cáo người dân về các dự án mà tỉnh đang triển khai, khi Nhà nước thu hồi đất sẽ đền bù giá đất theo quy định của pháp luật.
Mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân; chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc quy hoạch điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô, bán nền tràn lan trên địa bàn.
Không cần đào ao vẫn nuôi cá, nuôi ếch dày đặc, cứ 1ha nông dân Thái Bình bắt bán hơn 23 tấn, lãi 254 triệu
Nuôi thủy sản, cụ thể nuôi cá trong ao bán nổi là phương pháp nuôi mới ở Thái Bình. Với mô hình nuôi cá này, nông dân không cần đào ao, chỉ cần tạo dựng bờ trên mặt ruộng, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp hai lần so với nuôi ao truyền thống, gấp năm lần so với cấy lúa.
Qua rà soát tại các địa phương, hiện nay toàn tỉnh Thái Bình có 117,34ha bãi bồi ven sông và đất trồng lúa úng trũng hiệu quả thấp chuyển đổi sang nuôi thủy sản trong ao bán nổi.
Quy mô vùng nuôi đạt từ 540 - 80.000m2/hộ, trung bình đạt 1,037ha/hộ; diện tích mặt nước từ 440 - 62.800m2.
Mô hình nuôi cá trên ao bán nổi của anh Lại Văn Hòa, xã Tân Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cho hiệu quả kinh tế cao.
Đây hầu hết là các mô hình tập trung ruộng đất, người dân tự tích tụ theo hình thức dồn đổi, thuê hoặc mua quyền sử dụng đất chuyển đổi sang làm ao bán nổi nuôi thả các loại cá truyền thống, ếch, 2 vụ/năm với năng suất đạt từ 3,2 - 166 tấn/ha, trung bình 23,4 tấn/ha, hiệu quả trung bình đạt 254,1 triệu đồng/ha (năm 2020).
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, phương thức đào ao bán nổi đơn giản, có thể tận dụng hệ thống kênh cấp, thoát nước sản xuất lúa phục vụ nuôi thủy sản kinh phí đầu tư thấp, khi cần thiết có thể phục hồi lại được mặt bằng trồng lúa theo quy định.
Nuôi thủy sản trong ao bán nổi mặt nước rộng, thoáng, khả năng tự cung cấp ô xy cao, dễ thu hoạch, giảm chi phí nhân công, tận dụng hết chất thải nuôi cá trồng lúa giảm chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, cân bằng hệ sinh thái, phát triển sản xuất bền vững.
Nuôi thủy sản trong ao bán nổi tại nhiều địa phương bước đầu cho kết quả khá, một số nơi đã hình thành tổ hợp tác, tổ chức sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nâng cao được hiệu quả sử dụng đất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích.
Ông Vũ Mạnh Thía, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đặt ra mục tiêu tăng trưởng toàn ngành đạt 2,1%/năm, trong đó thủy sản đạt 5% trở lên.
Trong khi đó, theo Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2025, diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ giảm 6.000ha tương đương giảm 38% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản hiện có, sản lượng giảm đến 66%, giá trị giảm 58% so với năm 2020.
Để bù đắp một phần diện tích, sản lượng và giá trị nuôi trồng thủy sản giảm, lĩnh vực thủy sản cần thiết phải mở rộng diện tích, áp dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất theo chuỗi để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế.
Nuôi thủy sản trong ao bán nổi là phương pháp nuôi mới, phù hợp với Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn cho phép đào đắp 20% diện tích, sâu không quá 120cm, là hình thức nuôi tiết kiệm chi phí, kiểm soát tốt dịch bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế cao đồng thời khắc phục được tình trạng nông dân bỏ ruộng hoang hoặc tự phát chuyển đổi, manh mún, phá vỡ mặt bằng canh tác.
Từ những căn cứ trên, Sở đã nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nuôi thủy sản trong ao bán nổi. Trên quan điểm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có, áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững, sản xuất gắn với liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu.
Mục tiêu đến năm 2025, chuyển đổi khoảng 2.000ha đất trồng lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản trong ao bán nổi, trong đó 70% nuôi thâm canh, 30% nuôi bán thâm canh.
Quy mô vùng nuôi tối thiểu 10ha trở lên, quy mô cơ sở nuôi tối thiểu 1ha, quy mô ao nuôi tối thiểu 3.000m2/ao thuận lợi cho việc cấp thoát nước, dễ chăm sóc, quản lý và thu hoạch.
Ông Đỗ Xuân Khu, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện Kiến Xương đã hình thành tự phát gần 15ha ao bán nổi tập trung tại các xã: Bình Định, Bình Thanh, Vũ Hòa cho hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi truyền thống, khắc phục được tình trạng bỏ ruộng hoang.
Theo thống kê, toàn huyện Vũ Thư (Thái Bình) có khoảng 500ha bãi bồi ven sông, đất trồng lúa úng trũng hiệu quả thấp có tiềm năng chuyển đổi, phát triển nuôi thủy sản ao bán nổi.
Để phát triển hình thức nuôi mới này theo định hướng của ngành nông nghiệp, thời gian tới ngành cần đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi, có các giải pháp tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến để phát triển bền vững.
Bất động sản Việt Nam 2021: Sốt đất khắp nơi, giá tăng chóng mặt Bất chấp COVID-19 bủa vây, thị trường bất động sản 2021 vẫn chứng kiến nhiều cơn sốt đất, nhiều cú ngã giá chấn động, nhiều phân khúc ngược hướng ấn tượng. 2021 tiếp tục là một năm sóng gió của kinh tế Việt Nam khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Tuy vậy, khác với cảnh ảm đạm của những lĩnh...