Sống với con người suốt 15.000 năm, não bộ loài chó đã bị chúng ta biến đổi
Nếu chúng ta tác động lên quá trình tiến hóa của các loài sinh vật khác, chúng ta nên tác động một cách có trách nhiệm.
Chó đã sống cùng với con người trong suốt hàng ngàn năm. Cùng khoảng thời gian đó, chúng ta đã thuần hóa và biến chúng từ những con sói hoang đáng sợ trở thành lũ cún nhà vẫy đuôi ngoan ngoãn.
Chó cũng là một trong những loài có nhiều biến thể nhất trong vương quốc động vật, nhờ vào hoạt động lai tạo của chúng ta. Nhưng không chỉ có vậy, một nghiên cứu mới quét não những con chó còn cho thấy những thay đổi sâu sắc khi chúng sống bên cạnh con người:
Chúng ta đã thay đổi vào cả cấu trúc não bộ của chó, khi biến chúng từ những kẻ săn mồi thành một người bạn trung thành.
Sống với con người suốt 15.000 năm, não bộ những con chó đã biến đổi.
Phát hiện mới được Erin Hecht, một nhà thần kinh học tại Đại học Harvard, khám phá khi cô cùng đồng nghiệp của mình tập hợp lại một bộ sưu tập ảnh quét não MRI của 62 con chó thuần chủng thuộc 33 giống khác nhau.
Trước đây, chưa từng có nhà khoa học nào thu thập được một cơ sở dữ liệu như vậy và đi theo hướng nghiên cứu này. Bởi vậy, ngay khi đặt các hình ảnh cạnh nhau, “ bạn lập tức có thể nhìn thấy kết quả đập vào mắt mình“, Hecht nói.
Những con chó đến từ hơn ba chục giống khác nhau tất nhiên có nhiều hình dạng và kích cỡ hộp sọ. Nhưng không điều gì trong số đó có thể giải thích sự khác biệt trong cách bố trí bộ não của chúng.
Hecht và nhóm của cô đã xác định được sáu mạng lưới và vùng não có xu hướng khác biệt rõ ràng giữa các loài chó với nhau. Đó là các mạng lưới liên kết với các chức năng nhất định, chẳng hạn như khứu giác hoặc vận động.
Mỗi loài chó được con người thuần chủng cho các mục đích khác nhau lại phát triển từng vùng não này một cách khác nhau.
Chẳng hạn chó võ sĩ và chó dobermans, thường được sử dụng làm chó cảnh sát, có mạng thị giác và khứu giác rất phát triển. Những con chó được lai tạo để thi đấu thể thao cho thấy những thay đổi trong mạng lưới não bộ chịu trách nhiệm cho sự sợ hãi, căng thẳng và phản ứng lo lắng. Chó chăn cừu có được sự nhanh nhẹn và tốc độ của chúng nhờ vùng não vận động phát triển.
Chính hoạt động huấn luyện của con người mới làm thay đổi não bộ chó săn, thay vì bản năng săn mồi tự nhiên của chúng.
“ Đặc điểm giải phẫu não khác nhau giữa các giống chó, chắc chắn một vài trong số đó là do tác động của con người trong việc chọn lọc nhân giống và huấn luyện chó với những hành vi cụ thể như săn bắn, chăn thả hoặc bảo vệ gia súc“, Hecht nói.
Cô lấy một ví dụ điển hình về những con chó săn được huấn luyện theo hai phong cách khác nhau: sử dụng thị giác hoặc khứu giác để phát hiện con mồi. Nếu phát triển một cách tự nhiên, bạn sẽ nghĩ những con chó săn mồi bằng khứu giác sẽ có vùng não khứu giác phát triển.
Nhưng kết quả chụp MRI không cho thấy điều đó mà chỉ ra một mô hình cực kỳ liên quan đến hoạt động huấn luyện của con người. Những con chó chuyên đi săn bằng mùi hương cho thấy vùng não hiểu và truyền đạt thông tin rất phát triển.
Hecht giải thích: “ Tôi đã nghe các huấn luyện viên dạy chó săn mồi bằng mùi nói rằng bạn không cần phải huấn luyện một con chó ngửi thấy mùi gì đó. Thay vì vậy, bạn chỉ cần huấn luyện chúng báo cáo về mùi hương đó”.
Điều này chứng tỏ chính hoạt động huấn luyện mới làm thay đổi não bộ chó săn, thay vì bản năng săn mồi của chúng.
“ Đây là một nghiên cứu mới rất thú vị”, nhà tâm lý học Daniel Horschler đến từ Đại học Arizona cho biết. Trước đây, Horschler đã từng nghiên cứu sự tiến hóa của bộ não chó, nhưng ông khẳng định nghiên cứu này là những phát hiện đầu tiên cho thấy mối tương quan giữa cấu trúc não chó và các hành vi trong nhiệm vụ của chúng được định hình bởi con người.
Chúng ta đã thay đổi các loài động vật xung quanh mình và với loài chó, ảnh hưởng cả đến cấu trúc não bộ của chúng là những thay đổi cực kỳ sâu sắc, Hecht nói. Suy nghĩ về điều đó mang lạ i một cảm giác về trách nhiệm.
Nếu chúng ta tác động lên sự sống và quá trình tiến hóa của các loài sinh vật khác, Hecht nghĩ chúng ta nên làm điều đó dưới một nhận thức trách nhiệm rõ ràng.
Bản thân Hecht cũng nuôi hai con chó chăn cừu Úc nhỏ. “Những con chó ở đây với tôi, cũng như tổ tiên của chúng đã sống cùng tổ tiên của tôi. Đó là một mối liên hệ sâu sắc, kỳ lạ và thật tuyệt vời”, cô nói.
Nhưng con người cũng chỉ là một sinh vật đơn lẻ sống trong một thời điểm của lịch sử. Nếu chúng ta tác động lên sự sống và quá trình tiến hóa của các loài sinh vật khác, Hecht nghĩ chúng ta nên làm điều đó dưới một nhận thức trách nhiệm rõ ràng.
“Tôi nghĩ nghiên cứu của mình là một lời kêu gọi trách nhiệm khi chúng ta làm điều đó, khi chúng ta đối xử với các động vật như chúng ta vẫn đang đối xử“, Hecht nói.
Nghiên cứu mới của cô được công bố trên tạp chí Journalof Neuroscience.
(Tham khảo Science, Washingtonpost)
Theo Trí thức trẻ
Tình hình cháy rừng tại Amazon đang trầm trọng đến mức nào: 8 tháng 100.000 vụ cháy, thảm họa ở tầm cỡ địa cầu
Tình hình cháy rừng tại Amazon đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, với nhiều hệ lụy khiến tất cả chúng ta không thể làm ngơ.
Amazon, lá phổi xanh của Trái đất, nơi chịu trách nhiệm cho 20% lượng oxy của toàn hành tinh, hiện đang bốc cháy!
Và đó là những đám cháy thực sự lớn. Ngay lúc này, hàng ngàn vụ cháy rừng đang xảy ra tại Amazon, với mật độ dày đặc và quy mô kỷ lục trong suốt 1 thập kỷ vừa qua. Chúng lớn đến mức thậm chí có thể quan sát được từ vũ trụ.
Hình ảnh cháy rừng quan sát được từ vũ trụ
Hiện tại trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, thông điệp #PrayforAmazonas đang nhận được sự quan tâm cùng độ lan tỏa dữ dội. Tuy nhiên, đa số những tấm hình đang được lan truyền mạnh nhất, dữ dội nhất lại tồn tại từ hàng chục năm trước, thậm chí còn không phải ở Brazil . Điều này vô tình khiến nhiều người cảm thấy hoang mang không biết có nên tin vào những gì được lan tỏa, và cũng không rõ những gì đang thực sự xảy ra ở khu rừng mưa lớn nhất Trái đất.
Vậy chuyện gì đang xảy ra ở Amazon, và những đám cháy ấy thực sự tệ hại đến mức nào?
Cháy rừng ở mật độ chưa từng có
Theo dữ liệu thống kê của Cơ quan vũ trụ Quốc gia Brazil, những đám cháy rừng tại Amazon vào năm 2019 đang đạt mức "chưa từng có" trong vòng hàng chục năm qua. So với cùng kỳ năm 2018, số lượng các vụ cháy tăng đến hơn 85%.
Biểu đồ cho thấy số lượng các vụ cháy rừng tại Amazon Brazil
Cụ thể, những con số chính thức cho thấy chỉ trong 8 tháng đầu năm 2019 đã có tới hơn 75.000 vụ cháy rừng đã xảy ra tại Brazil - cao nhất kể từ năm 2013. Trong khi đó năm 2018, số lượng các vụ cháy rừng chỉ rơi vào khoảng 39.759 vụ mà thôi.
Trên thực tế, cháy rừng tại Amazon không phải chuyện hiếm, đặc biệt là trong mùa khô từ tháng 7 - 10. Cháy rừng có thể xảy ra một cách tự nhiên - do sấm sét tạo ra, nhưng hàng chục năm trở lại đây nguyên nhân chính lại là vì cây rừng bị chặt hạ nhiều, và nông dân dọn rừng làm rẫy.
Nông dân dọn rừng làm rẫy là nguyên nhân chính khiến cháy rừng xảy ra
Mỗi phút, một khoảng rừng tương đương diện tích của một sân bóng tại Amazon lại mất đi, trong khi tổng thống đương nhiệm Brazil - ông Jair Bolsonaro, thì cho rằng đó là những con số "dối trá". Có điều với các nhà hoạt động, ông Bolsonaro vốn đã rất nổi tiếng vì thái độ chống lại môi trường, và số liệu cho thấy những hành động của ông đang khiến tình hình khu rừng ngày càng tệ hơn. Chỉ trong 2 tháng gần nhất, có tới hàng ngàn hecta rừng bị chặt hạ, tăng 278% so với cùng kỳ 2018.
Không chỉ Brazil có cháy rừng
Có một điều ít người để ý, đó là Amazon không thuộc quyền sở hữu của một mình Brazil, mà một số quốc gia khác cũng nằm trong lưu vực này. Và gần như toàn bộ các quốc gia xung quanh đều được chứng kiến cháy rừng ở mức độ cao trong năm nay.
Ngay sau Brazil là Venezuela, với hơn 26.000 vụ cháy kể từ đầu năm nay. Bolivia đứng thứ 3, với 17.000 vụ.
Nghĩa là cùng với cón số 75.000 ở Brazil, tổng cộng có đến hơn 110.000 vụ cháy xảy ra trên phạm vi rừng Amazon tính từ đầu năm 2019.
Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Các tiểu bang phía Bắc Brazil như Roraima, Acre, Rondônia và Amazonas đều cho thấy tỷ lệ cháy rừng tăng mạnh so với mức trung bình trên toàn quốc gia trong những năm qua. Roraima tăng đến 141%, Acre là 138%, Rondônia là 115%, và thấp nhất là Amzonas với 81%.
Xa hơn về phía Nam, bang Mato Grosso do Sul cũng tăng đến 114%. Hiện tại, tiểu bang lớn nhất của Brazil là Amazonas đã bật cảnh báo khẩn cấp ở mức tối đa vì nguyên nhân này.
Cháy rừng tại Amazon đang lớn đến mức nhìn thấy được từ ngoài không gian, nghĩa là chúng rất lớn. Một đám cháy lớn sẽ tạo ra những cột khói khổng lồ, và lần này cũng không ngoại lệ. Khói thực sự đang bao phủ khắp khu rừng và lan tỏa ra những khu vực xung quanh.
Khói bụi, CO2 - những tác nhân gây hệ luỵ nghiêm trọng
Phạm vi lan tỏa của khí CO từ vụ cháy rừng Amazon
Theo Cams (Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus của EU), khói từ vụ cháy rừng lần này đã di chuyển rất xa, đến tận các vùng duyên hải Đại Tây Dương. Khói dày đặc đến mức khiến bầu trời tại São Paulo chuyển thành đen kịt giữa ban ngày, mà thành phố này cách đám cháy những 3.200km.
Bầu trời São Paulo cách đám cháy 3200km đen kịt giữa ban ngày
Kèm theo khói là CO2. Số liệu từ Cams cho thấy kể từ đầu năm 2019, có ít nhất 228 megaton khí CO2 bị thải ra, cao nhất kể từ năm 2010 (1 triệu tấn). Đó là chưa tính đến khí CO (carbon monoxide) - loại khí sinh ra khi gỗ rừng bị đốt cháy trong tình trạng thiếu oxy, có khả năng gây độc mạnh chết người. Hiện tại, khí CO từ Amazon đã lan tỏa khắp các vùng duyên hải Nam Mỹ.
Lưu vực sông Amazon - mái nhà của hàng triệu loài sinh vật và ít nhất 1 triệu người bản địa - có vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường. Rừng cây tại khu vực này chịu trách nhiệm ổn định quá trình Trái đất nóng lên, với khả năng lưu trữ hàng triệu tấn carbon thải ra mỗi năm. Nhưng với việc rừng cây bị tàn phá, lượng carbon đang được giữ lại sẽ bị giải phóng, và hệ quả là tốc độ biến đổi khí hậu sẽ tăng lên cực kỳ nhanh.
Tham khảo: BBC, CNN
Theo Helino
Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác với những Funfacts về vạn vật Nhện nuôi ếch làm thú cưng; răng của con người khỏe tương đương răng cá mập; chi phí làm ra một đồng xu còn đắt hơn giá trị của chúng... và còn nhiều sự thật thú vị khác đang chờ bạn khám phá! Mối liên quan giữa máu và... một ngôi sao chết Hemoglobin có nhiệm vụ chính là bắt giữ Oxy để...