“Song Tuấn” phù phép điểm thi ở Hòa Bình là ai?
Bị can Nguyễn Khắc Tuấn và Đỗ Mạnh Tuấn bị bắt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan tới kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Ngày 3/8, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiếp nhận vụ án và ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.
Bị can Nguyễn Khắc Tuấn và Đỗ Mạnh Tuấn bị bắt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự.
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Bộ GD&ĐT nhận định, gian lận thi ở Hòa Bình tinh vi hơn ở Hà Giang, Sơn La. Theo đó bài thi đã bị can thiệp để nâng điểm.
Nguyễn Khắc Tuấn (trái) và Đỗ Mạnh Tuấn (phải).
Bị can Nguyễn Khắc Tuấn
Theo thông tin từ Bộ Công an, Nguyễn Khắc Tuấn sinh ngày 12/1/1981, có địa chỉ cư trú tại tổ 21, phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Tại thời điểm bị bắt, bị can Nguyễn Khắc Tuấn là chuyên viên Phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Tuấn là Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình.
Được biết, ông Tuấn có địa chỉ cư trú tại TP Hòa Bình nhưng hiện vợ con và người thân đang sinh sống tại Phố Vó, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Video đang HOT
Trao đổi với PV Dân trí chiều 4/8/2018, bà H. – mẹ của bị can Tuấn cho biết, con trai mình thường về Lạc Sơn thăm vợ con vào ngày nghỉ cuối tuần.
Bà H. cho biết thêm, trước đây con trai mình từng làm bảo hiểm ở Công ty Bảo hiểm Bảo Việt. Sau đó, Nguyễn Khắc Tuấn học Tin học rồi về làm giáo viên tin học tại Trường THPT Cộng Hòa, xã Nhân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Do đó, Khắc Tuấn vẫn được nhiều học sinh cũ gọi bằng tên thân mật là thầy “Tuấn Tin” hoặc thầy “Tuấn Vó”.
Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, Nguyễn Khắc Tuấn đang học lên hệ thạc sĩ và chuẩn bị bảo vệ luận án.
Bị can Đỗ Mạnh Tuấn
Ông Đỗ Mạnh Tuấn (sinh ngày 4/12/1979) là Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Tuấn làm nhiệm vụ của một ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Hòa Bình.
Theo lãnh đạo trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, ông Tuấn là cán bộ từ Sở GD&ĐT, mới chuyển về trường được 2 năm và là 1 trong 3 cán bộ quản lý.
Trong đó, ông Tuấn là hiệu phó phụ trách chuyên môn.
Cũng theo thông tin từ lãnh đạo nhà trường đưa ra, trước đây ông Tuấn tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm I, Hà Nội và là giáo viên môn Tin học.
Được biết, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Tuấn tham gia công tác thi là do Sở GD&ĐT phân công nhiệm vụ.
Trước khi bị bắt, ông Tuấn được đánh giá là người hiền lành, chuyên môn tốt.
Trao đổi với PV Dân trí trong tối 4/8, bố đẻ của Mạnh Tuấn cho biết, mình từng là Giám đốc TTGD Thường xuyên trên địa bàn, từng làm chủ tịch Hội đồng chấm thi của nhiều kì thi lớn nhưng không hiểu sao con mình lại làm như vậy.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Gian lận điểm ở Hòa Bình: Cán bộ chấm thẩm định của bộ GD&ĐT bị xử lý thế nào?
"Nếu trường hợp xác định rõ hội đồng chấm thẩm định của bộ GD&ĐT có hành vi bao che, dung túng gian lận điểm thi ở Hòa Bình , có thể truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Đặng Văn Cường nhận định.
Vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình đang được dư luận xã hội đặc biệt chú ý vì phía bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có nhận định các vi phạm ở tỉnh này là "nghiêm trọng, tinh vi và xảo quyệt".
Trước đó, ngày 21-22/7, Hội đồng chấm thẩm định của bộ GD&ĐT về Hòa Bình kiểm tra về nghi vấn điểm cao bất thường. Ngày 23/7, kết quả cho thấy 100% những bài đã chấm thẩm định đều giống như kết quả của ngày 11/7, điểm thi như vậy là bình thường.
Tuy nhiên, chiều 3/8, Công an tỉnh Hòa Bình đã quyết định khởi tố 2 cán bộ thuộc sở GD&ĐT về tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, tức là có vi phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở tỉnh Hòa Bình.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn (trái) và ông Nguyễn Khắc Tuấn bị công an khởi tố vì liên quan đến gian lận điểm thi ở Hòa Bình.
Liên quan đến tình huống pháp lý trường hợp này, luật sư Đặng Văn Cường, văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: "Khi những sự việc có dấu hiệu vi phạm trong một lĩnh vực nhất định thì về nguyên tắc, cán bộ chấm thẩm định của lĩnh vực đó sẽ vào cuộc làm rõ và có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Nếu quá trình chấm thẩm định, xác định có sai phạm thì tùy vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả mà những sai phạm đó có thể bị kỷ luật, bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS)".
Trong trường hợp, quá trình chấm thẩm định không phát hiện sai phạm, tuy nhiên cơ quan điều tra (CQĐT) lại nắm bắt được thông tin, nguồn tin vi phạm từ các nguồn khác thì CQĐT vẫn có thể vào cuộc để xác minh dấu hiệu hình sự.
"Đối với vụ việc vi phạm của một số cá nhân trong kỳ thi THPT tại Hòa Bình, có thể thuộc trường hợp hội đồng chấm thẩm định không phát hiện ra nhưng qua thông tin, nguồn tin khác mà CQĐT có căn cứ để vào cuộc xác minh làm rõ, có dấu hiệu thì vẫn xử lý theo quy định pháp luật", vị luật sư nói.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, cần điều tra làm rõ thanh tra của bộ GD&ĐT có hành vi bao che cho gian lận điểm thi ở Hòa Bình hay không.
Luật sư Cường cho hay, luật Tố tụng Hình sự và các văn bản pháp luật khác đều có quy định nghĩa vụ đấu tranh phòng chống tội phạm của các cơ quan chức năng, trong đó có hội đồng chấm thẩm định.
"Nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà cán bộ chấm thẩm định bao che, dung túng cho những sai phạm, vụ việc có dấu hiệu hình sự nhưng không đưa ra cơ quan công an thì đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Những hành vi này sẽ bị xử lý theo pháp luật bằng các hình thức như kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính thậm chí có thể bị truy cứu TNHS.
Nhưng nếu do vấn đề nghiệp vụ, trình độ, năng lực có hạn mà hội đồng chấm thẩm định, cán bộ chấm thẩm định không phát hiện ra sai phạm, sau đó CQĐT phát hiện được thì chỉ bị xử lý, xem xét về năng lực cán bộ.
Chính vì vậy trong vụ việc gian lận điểm thi tại Hòa Bình, cơ quan công an cần sớm làm rõ có dấu hiệu bao che, dung túng, bỏ lọt tội phạm của hội đồng chấm thẩm định hay không, nếu có thì cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Còn nếu những sai phạm rất tinh vi, với năng lực chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ hội đồng chấm thẩm định hiện hành không thể phát hiện được thì cũng cần xem xét về vấn đề nhân sự của cơ quan này, đồng thời phải bổ sung nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật để cán bộ thuộc lĩnh vực này có thể hoàn thành nhiệm vụ", luật sư Cường nói thêm.
Theo thông tin ban đầu của cơ quan điều tra, những sai phạm của Hòa Bình rất tinh vi, vì vậy, vị luật sư nhấn mạnh cần làm rõ về thủ đoạn, hành vi và mục đích của các đối tượng vi phạm để có thể áp dụng các tội danh và mức hình phạt tương xứng.
Cũng giống như gian lận trong thi cử ở Hà Giang, Sơn La, vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình cần có thời gian tiếp tục điều tra để làm rõ những vi phạm có tính "nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt của từng cá nhân" và có các hình thức xử lý, kể cả với các cán bộ của hội đồng chấm thẩm định thuộc bộ GD&ĐT.
Theo NĐT
Hai cán bộ ngành giáo dục Hòa Bình vừa bị bắt là bạn rất thân Nhiều người thân quen của 2 cán bộ ngành giáo dục vừa bị bắt cho biết, ông Nguyễn Khắc Tuấn và ông Đỗ Mạnh Tuấn là đôi bạn rất thân, từng ở chung một nhà trọ khi cả 2 còn công tác tại sở GD&ĐT Hòa Bình. Ngày 03/8/2018, cơ quan An ninh điều tra bộ Công an đã tiếp nhận vụ án...