Sóng nhiệt tấn công Nam Âu
Khu vực Nam Âu hứng chịu nắng nóng gay gắt trong ngày 13/7, trong khi các cơ quan chuyên môn cảnh báo nhiệt độ có thể tăng lên ngưỡng cao kỷ lục tại khu vực này trong tuần tới.
Người dân uống nước giải nhiệt tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 10/7/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Một loạt cảnh báo nắng nóng đã được ban bố trên khắp Quần đảo Canary của Tây Ban Nha, Italy, Cyprus và Hy Lạp. Tại Hy Lạp, giới chức trách dự báo nhiệt độ lên tới 43 – 44 độ C trong ngày 14 hoặc 15/7. Truyền thông địa phương đưa tin một xe cấp cứu luôn túc trực gần khu khảo cổ thuộc thành cổ Acropolis ở thủ đô Athens, sẵn sàng sơ cứu cho du khách trong trường hợp cần thiết.
Theo một nghiên cứu về tác động do nắng nóng cực đoan mùa hè được các cơ quan chuyên môn thực hiện trong tuần này, khoảng 61.000 người có thể đã tử vong trong các đợt sóng nhiệt cực đoan tại châu Âu vào hè năm ngoái. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các chính phủ và các chủ sử dụng lao động phải thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người lao động làm việc ngoài trời trong đợt nắng nóng như thiêu đốt này.
Tại Italy, trong tuần này, một nam công nhân 44 tuổi đã ngã quỵ và tử vong khi đang sơn vạch kẻ đường tại thị trấn Lodi, miền Bắc. Giới chức y tế đã ban bố cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất, đối với 10 thành phố tại Italy trong 2 ngày tới, trong đó có thủ đô Rome, thành phố Florence, Bologna và Perugia.
Tại Hy Lạp, chính phủ đã ra lệnh ngừng các công việc ngoài trời trong thời gian từ 12h trưa cho đến 17h tại những khu vực có nguy cơ rủi ro nắng nóng ở mức cao. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp tư nhân được yêu cầu cho phép nhân viên có vấn đề về sức khỏe làm việc từ xa.
Tại Tây Ban Nha, người lao động được phép nghỉ các quãng ngắn sau khi những hình ảnh do các vệ tinh Sentinel 3 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp được cho thấy nhiệt độ mặt đất vượt ngưỡng 60 độ C ở vùng Extremadura, phía Tây nước này trong ngày 11/7.
Video đang HOT
Các con số dự báo thời tiết và những mốc nhiệt chính thức thường dựa trên nhiệt độ không khí và yếu tố này thấp hơn đáng kể so với nhiệt độ thực trên mặt đất.
Theo ESA, nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu là 48,8 độ C được ghi nhận ở đảo Sicily của Italy vào tháng 8/2021. Tuy nhiên, mốc nhiệt này có thể bị phá vỡ vào tuần tới. Một lần nữa, Italy được dự báo là một trong những điểm nóng nhất. Theo nhà khí tượng học Luca Lombroso, nắng nóng sẽ càng gay gắt hơn vào tuần tới, với một số mức nhiệt cao chưa từng có ở miền Nam đất nước. Dự báo từ ngày 18 – 19/7, nền nhiệt tại Rome và Florence có thể vượt ngưỡng 40 độ C.
Ông Marco Impagliazzo, Chủ tịch tổ chức từ thiện Công giáo Sant’Egidio cho biết có khoảng 9 triệu người cao tuổi Italy đang sống một mình hoặc sống với một người bạn đời lớn tuổi. Đây là những đối tượng đặc biệt dễ gặp các vấn đề về sức khỏe do nắng nóng.
Trong khi đó, Hiệp hội Nông dân Italy (Coldiretti) cho biết sản lượng sữa của nước này đã giảm khoảng 10% vì trong thời tiết nắng nóng, bò ăn ít hơn, uống nước nhiều hơn, do đó cho ít sữa hơn.
Phát hiện hành tinh phản chiếu như tấm gương
Giới thiên văn học ngày 10/7 thông báo đã tìm thấy một thế giới nóng như thiêu đốt là hành tinh phản chiếu mạnh nhất từng được quan sát bên ngoài Hệ Mặt trời.
Ngoại hành tinh LTT9779b phản chiếu 80% ánh sáng từ ngôi sao chủ. Ảnh: ESA
Cách Trái đất hơn 260 năm ánh sáng, ngoại hành tinh kỳ lạ này phản chiếu 80% ánh sáng từ ngôi sao chủ, theo các quan sát mới từ kính viễn vọng không gian Cheops của châu Âu.
Đặc điểm đó khiến nó trở thành ngoại hành tinh đầu tiên sáng bóng tương tự như sao Kim - thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm của chúng ta ngoài Mặt trăng.
Được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020, hành tinh có kích thước bằng sao Hải Vương này có tên LTT9779b và quay quanh ngôi sao của nó chỉ trong 19 giờ.
Vì ở quá gần nhau nên mặt đối diện của hành tinh LTT9779b với ngôi sao của nó có nhiệt độ nóng đến 2.000 độ C, được coi là quá nóng để mây hình thành.
Thế nhưng, LTT9779b vẫn có mây. "Đó thực sự là một câu đố", nhà nghiên cứu Vivien Parmentier tại Đài thiên văn Cote d'Azur của Pháp cho biết.
Sau đó, các nhà nghiên cứu nhận ra rằng họ nên hiểu về sự hình thành của những đám mây này giống như cách ngưng tụ hơi nước trong phòng tắm sau khi tắm nước nóng.
Ông giải thích rằng giống như luồng hơi nước nóng bốc lên trong phòng tắm, một dòng kim loại và silicat nóng như thiêu đốt đã làm quá bão hòa bầu khí quyển của LTT9779b cho đến khi các đám mây chưa đầy kim loại hình thành.
Hành tinh có kích thước gấp 5 lần Trái đất này là một ngoại lệ theo nhiều cách khác nhau.
Các ngoại hành tinh duy nhất được tìm thấy trước đây quay quanh các ngôi sao của chúng trong vòng chưa đầy 24 giờ là những hành tinh khí khổng lồ lớn hơn Trái đất 10 lần hoặc các hành tinh đá có kích thước bằng một nửa Trái đất.
Nhưng LTT9779b lại tồn tại trong một khu vực được gọi là "sa mạc sao Hải Vương", nơi không thể tìm thấy các hành tinh có kích thước như nó.
"Đó là một hành tinh không nên tồn tại. Những hành tinh như thế này sẽ bị thổi bay bầu khí quyển bởi ngôi sao của chúng, để lại những tảng đá trơ trụi", ông Parmentier nói.
Theo nhà khoa học Maximilian Guenther thuộc dự án Cheops của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, các đám mây kim loại của hành tinh LTT9779b hoạt động giống như một tấm gương, phản chiếu ánh sáng và ngăn không cho bầu khí quyển bị thổi bay.
"Nó hơi giống một tấm khiên, giống như trong những bộ phim Star Trek cũ, nơi họ có những tấm khiên xung quanh tàu của mình", ông nói với AFP.
Ông nhận xét nghiên cứu trên đánh dấu một cột mốc quan trọng vì nó cho thấy làm thế nào một hành tinh có kích thước bằng sao Hải Vương có thể tồn tại trong sa mạc của sao Hải Vương.
Kính viễn vọng không gian Cheops của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu được phóng lên quỹ đạo Trái đất vào năm 2019 với sứ mệnh điều khám phá các ngoại hành tinh nằm bên ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta.
Nó đo độ phản xạ của LTT9779b bằng cách so sánh ánh sáng trước và sau khi ngoại hành tinh biến mất sau ngôi sao của nó.
Châu Âu thực hiện sứ mệnh khám phá 'vũ trụ tối' Ngày 1/7, một vệ tinh do châu Âu phát triển đã được phóng lên không gian với sứ mệnh khám phá những hiện tượng vũ trụ bí ẩn là năng lượng tối và vật chất tối. Đây là những lực bí ẩn mà các nhà khoa học đến nay vẫn chưa quan sát được dù nhận định tạo nên tới 95% vũ trụ...