“Sóng ngầm” trong giới chủ ngân hàng và nhóm thân hữu
Hàng loạt biến động cơ cấu sở hữu tại các ngân hàng cho thấy những chuyển động ngầm đang diễn ra dữ dội. Rất nhiều đại gia và nhóm liên quan rút dần trong khi không ít người lại bất ngờ nổi lên.
Đổi ngôi
Trong vòng một năm, từ vị thế một thành viên, không sở hữu cổ phiếu nào, gia đình ông Trần Nhất Minh – Thành viên HĐQT Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB) đã gom tổng cộng gần 43,4 triệu cổ phần VIB, tương đương tỷ lệ 10,21%. Điều này thực sự đáng chú ý bởi ông và những người liên quan đã trở thành cổ đông nội bộ lớn nhất của VIB, trong đó ông Minh nắm giữ 0,36% vốn với hơn 1,5 triệu cổ phiếu còn bố mẹ nắm giữ gần 42 triệu cổ phiếu (tương đương 9,85%).
Với diễn biến này, vị thế cổ đông tại VIB đã thay đổi gần như hoàn toàn. Nhóm ông Trần Nhất Minh lớn mạnh, trong khi ông Đặng Khắc Vỹ – Chủ tịch HĐQT và những người liên quan từ vị thế đứng đầu rớt xuống không còn là cổ đông lớn, không còn nắm trên 5% cổ phần.
Hồi đầu năm 2014, ông Vũ và những người liên quan nắm tới gần 63,2 triệu cổ phiếu VIB (14,87%) thì đến cuối năm, lượng cổ phiếu của nhóm này giảm xuống chỉ còn 21,2 triệu đơn vị (tương đương 4,99%), toàn bộ do ông Vỹ nắm giữ. Tỷ lệ này còn giảm mạnh hơn nếu so với thời điểm cách đây một năm rưỡi, khi ông Vỹ và người nhà nắm giữ tới 18,6% vốn của VIB.
Cũng tại VIB, một hành viên khác của HĐQT là ông Đỗ Xuân Hoàng cũng giảm tỷ lệ sở hữu so với đầu năm từ 6% xuống 4,99%.
Tại NamABank, hồi đầu 2014, hàng loạt thay đổi cũng đã diễn ra trong ngân hàng của nhà chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý.
Cuối tháng 3, NamABank có 3 thành viên HĐQT từ nhiệm và bổ sung thay thế 3 thành viên mới ngay trong đại hội cổ đông. Chủ tịch HĐQT và phó chủ tịch lần lượt là con gái và con rể bà Trần Thị Hường – cố vấn HĐQT ngân hàng – từ nhiệm ngay trong đại hội.
Đầu 2014, hàng loạt thay đổi cũng đã diễn ra trong ngân hàng của nhà chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý.
Thay thế cho vị trí chủ tịch của con gái bà Hường – Nguyễn Thị Xuân Loan là ông Nguyễn Quốc Toàn – con trai cả của bà Tư Hường và là chồng của á hậu Dương Trương Thiên Lý.
Trong năm 2014, Á Hậu Thiên Lý bất ngờ bán hết, không còn sở hữu cổ phiếu của NamABank. Cha và mẹ của ông Toàn – chủ tịch NamABank cũng đã bán ra hàng chục triệu cổ phiếu trong năm.
Video đang HOT
Mặc dù có nhiều thay đổi, nhưng tỷ lệ cổ phần của gia đình bà Tư Hường tại NH này vẫn rất lớn, trên 13% với 3/8 thành viên trong HĐQT. Không những thế, một DN thành viên của Tập đoàn Hoàn Cầu là Cty TNHH Rồng Thái Bình Dương sở hữu hơn 10% cổ phần của NamABank. Công ty này cũng đang được ông Nguyễn Quốc Toàn dẫn dắt.
Theo nhịp tái cơ cấu
Gần đây, ngành ngân hàng cũng chứng kiến khá nhiều vụ đổi ngôi. Nếu như năm 2013, ngôi vị quán quân thuộc về ông chủ của OceanBank Hà Văn Thắm với khối tài sản lên tới trên 1.500 tỷ đồng. Tới cuối 2014, ngôi vị đó thuộc về ông Trầm Trọng Ngân – con trai cả ông Trầm Bê, nắm giữ hơn 54,7 triệu cổ phiếu Sacombank (STB), với giá trị gần nghìn tỷ đồng.
Một người con trai khác của đại gia Trầm Bê là ông Trầm Khải Hòa đã trở thành người trẻ tuổi nhất trong tốp 10 đại gia ngân hàng giàu nhất khi mới ở tuổi 26 với gần 21 triệu cổ phiếu STB, trị giá hàng trăm tỷ đồng.
Rất nhiều đại gia và nhóm liên quan rút dần trong khi không ít gười lại bất ngờ nổi lên.
Hồi giữa năm 2014, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch ngân hàng SHB, đã mua thêm 36,3 triệu cổ phần SHB trong tổng số 40 triệu cổ phần đăng ký trước đó, nâng tổng số cổ phiếu SHB đang nắm giữ lên trên 97 triệu cổ phiếu, tương đương 10,95% cổ phần và tiếp tục giữ vững vị trí là cổ đông lớn nhất của ngân hàng. Lượng cổ phiếu này đúng bằng số cổ phiếu hai tập đoàn: Cao su Việt Nam (VRG) và Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) bán ra theo kế hoạch thoái vốn ngoài ngành. Riêng ông Đỗ Quang Hiển vẫn nắm giữ gần 26,7 triệu cổ phiếu SHB, tương đương hơn 3%.
Ngân hàng An Bình ( ABBank) của đại gia Vũ Văn Tiền cũng đã chào đón 2 cổ đông ngoại lớn là Maybank (20%) và IFC (10%). ABBank đã sử dụng hết “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng Geleximco của ông Tiền hiện đang nắm giữ 13% cổ phần có thể gia tăng tỷ lệ sở hữu của mình theo đà thoái vốn của Tập đoàn điện lực EVN (nắm giữ trên 16%).
Ở chiều ngược lại, hàng loạt các đại gia ngân hàng cũng đã rút lui như ông Đặng Thành Tâm, ông Đặng Văn Thành…
Có thể thấy, chuyển động ngầm trong giới các ông chủ ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ và có thể còn mạnh hơn trong năm 2015 khi tái cấu trúc bước vào giai đoạn tăng tốc. 2015 sẽ là năm các đại gia ngân hàng buộc phải tuân thủ nhiều quy định mới và có thể phải thực hiện những cuộc phẫu thuật cấy ghép để hướng tới một hệ thống lành mạnh, chọn lọc.
Những chuyển động ngầm gần đây cũng cho thấy, cơ cấu cổ đông tại nhiều NH đang thay đổi theo hướng tích cực. Mặc dù vậy, không ít người lo ngại, thay đổi có thể vẫn chỉ ở mặt hình thức, các đại gia có thể vẫn đang xoay sở lòng vòng để duy trì vị thế thống trị NH của mình.
Để có được sự lành mạnh của hệ thống, hàng loạt các văn bản pháp lý đã được đưa ra gần đây. Trong đó có Thông tư 36 (hiệu lực 1/2/2015), quy định: các NHTM mua cổ phiếu của không qua 2 TCTD khác đồng thời tỷ lệ sở hữu tại TCTD khác đó cũng không được quá 5%.
Trước đó, cũng theo NHNN, tới cuối quý I/2015 tất cả những cá nhân và tổ chức có tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quá quy định tại NH (không quá 5% với cá nhân, 20% đối với cá nhân và người liên quan) sẽ buộc phải xử lý.
Ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách An toàn hoạt động ngân hàng thuộc Thanh tra giám sát NHNN nhấn mạnh, các chính sách mới kỳ vọng sẽ ngăn chặn, nhằm hạn chế hiện tượng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm và đầu tư đa ngành…
Theo Mạnh Hà
VEF
Dầu xuống 40 USD/thùng, nguy cơ "bốc hơi" 1% tăng trưởng GDP!
Tổ công tác liên Bộ đánh giá, nếu giá dầu bình quân 50-60 USD/thùng thì không gây nhiều xáo trộn đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam, song nếu giá xuống 40 USD/thùng thì tăng trưởng 2015 dự kiến là 6,2% sẽ giảm chỉ còn 5,2%.
3 kịch bản giá dầu và phương án ứng phó đã được đưa ra cho năm 2015
Ngày 22/1/2015, tại trụ sở Bộ Công Thương, Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô tổ chức phiên họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm thảo luận để đưa ra các đề xuất, kiến nghị, giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô trong bối cảnh giá dầu thô giảm.
Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tại phiên họp, Tổ công tác liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô tập trung bàn thảo các vấn đề đang được quan tâm đó là: hoạt động khai thác, đầu tư đối với dầu thô; tác động giá dầu xuất khẩu đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam; tác động giá dầu giảm đến thu ngân sách Nhà nước năm 2015; ảnh hưởng giá dầu đến lạm phát CPI của Việt Nam. Đồng thời, Tổ công tác cũng trình bày trước Thủ tướng, Phó Thủ tướng để có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, khi Chính phủ trình kịch bản thu chi ngân sách để trình Quốc hội thông qua trong năm 2015, dự kiến trong dự toán này là xuất khẩu dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Tuy nhiên, hiện nay giá dầu đang giảm dưới 60 USD/thùng, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng. Việc giá dầu giảm mạnh và khó lường không theo thị trường cung cầu.
Tổ công tác đưa ra 3 kịch bản giá dầu trong năm 2015 dựa trên những đánh giá phân tích của các tổ chức kinh tế thế giới cũng như các chuyên gia kinh tế, ở các ngưỡng: khoảng 60 USD/thùng; khoảng 50 USD/thùng và khoảng 40 USD/thùng. Đây là các mức giá xem xét tính toán các phương án, vì hiện nay giá dầu thô của Việt Nam xuất khẩu do chất lượng tốt hơn nên thường xuyên cao so với bình quân giá thế giới khoảng 5 USD/thùng.
Xem xét giá dầu giảm tác động ở các lĩnh vực, đầu tiên là tác động trực tiếp đến khai thác, xuất khẩu dầu mỏ. Nếu 60 USD/thùng thì sản xuất, xuất khẩu giảm nhưng không đáng kể, sẽ chỉ phải xem xét tiết giảm sản lượng tại các lô có giá sản xuất cao. Nếu 50 USD/thùng thì sẽ giảm khai thác nhiều hơn. Nếu ở mức 40 USD/thùng thì sẽ giảm 1,8 đến 2 triệu tấn dầu khai thác.
Kế hoạch năm nay của Bộ Công Thương phải sản xuất và xuất khẩu 14,74 triệu tấn trong năm nay. Tổ công tác đánh giá, nếu giá dầu bình quân 50-60 USD/thùng thì không gây nhiều xáo trộn đến sản xuất và tiêu thụ dầu của Việt Nam, mặc dù ảnh hưởng lĩnh vực khác nhưng không tác động nhiều lắm về mặt sản xuất. Giá xuống 40 USD/thùng sẽ có nhiều ảnh hưởng xáo trộn, đồng thời ảnh hưởng cả đến những dự án mới đang dự kiến đầu tư.
Xem xét tác động đến tăng trưởng kinh tế, Tổ công tác tính toán, nếu giá dầu thô là 60 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,21 điểm phần trăm so với dự kiến. Nếu giá 50 USD/thùng thì giảm khai thác còn ở mức độ 14,4 triệu tấn, giảm tăng trưởng có khoảng 0,56 điểm phần trăm. Nếu giá dầu thô giảm mạnh còn 40 USD/thùng thì chỉ khai thác xuất khẩu khoảng 13,08 triệu tấn, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đến 1 điểm phần trăm. Khi đó tăng trưởng năm 2015 dự kiến là 6,2 % thì sẽ giảm chỉ còn 5,2%.
Giá giảm mạnh, lo buôn lậu xăng dầu bùng phát trở lại
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Việt Nam không chỉ xuất khẩu dầu mỏ mà còn nhập khẩu xăng dầu thành phẩm với số lượng lớn hơn so với xuất khẩu. Chính vì vậy, tác động của giá dầu sẽ diễn ra ở hai chiều.
Khi giá dầu thô giảm mạnh thì giá xăng dầu trong nước cũng giảm theo và hai yếu tố quan trọng là giá đầu vào cho sản xuất hàng hóa giảm và giá vận tải giảm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải rà soát, điều chỉnh giảm giá cước vận tải tương ứng và phải giảm trước Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Tuy nhiên, hiện nay giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan và chỉ cao hơn Singapore và Malaysia, là hai nước có trợ giá về xăng dầu.
Nếu giá xăng dầu giảm tiếp thì có thể lợi cho sản xuất tiêu dùng nhưng lại làm gia tăng buôn lậu xăng dầu. Chính vì vậy, Tổ công tác kiến nghị cần phải cân nhắc, so sánh giá bán lẻ trong nước với các nước trong khu vực để quản lý tốt, không để xảy ra tình trạng tuồn xăng dầu lậu sang các nước bạn.
Trước đó, ngày 17/12, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 4 Bộ gồm Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng chủ trì phiên họp liên Bộ lần thứ nhất nhằm triển khai "Quy chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, phiên họp chiều 22/1 nhằm đưa ra các giải pháp phục vụ cho Báo cáo trình bày trước Chính phủ trong Phiên họp thường kỳ tới đây vào ngày 30/1/2015.
Hiện giá điện Việt Nam cũng đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực, vì vậy, tại cuộc họp này, Tổ công tác đã đề nghị việc điều chỉnh giá điện theo nguyên tắc thị trường. Tuy nhiên, giá thành điện cũng cần tính toán lại một cách chính xác và đảm bảo công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Tổ công tác cũng khẳng định từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi chưa bàn đến tăng giá. Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định vào sau Tết. Thủ tướng cũng đánh giá, tiêu hao điện năng ở Việt Nam còn lớn, năng suất lao động chưa cao, nên cần phải giảm chi phí giá điện để có được giá thành hợp lý hơn. Trên cơ sở đó, EVN phải công khai giá thành một cách hợp lý để Việt Nam có cơ sở thu hút đầu tư thành phần sản xuất, nguồn điện, tiếp cận cơ chế thị trường.
Bích Diệp
Theo dantri
Làm ăn dối trá thì xin mời bước ra Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc lên giọng kẻ cả cho rằng Bộ trưởng Bộ GTVT VN Đinh La Thăng mắng nhà thầu Trung Quốc và dọa đưa Cty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào danh sách đen khiến cho quan hệ Việt - Trung trở về thời kỳ "có nhiều gút mắc", Bộ trưởng Đinh La Thăng...