Sóng ngầm mại dâm (2): Tìm chốn “lên tiên” sau khi tàn cuộc nhậu
Khi tàn cuộc nhậu, khách có yêu cầu, kiều nữ sẵn sàng đi “tăng hai” phục vụ từ A tới Z tại một khách sạn hay nhà nghỉ gần đó. Thậm chí, nhậu sắp tàn mà chưa thấy khách đề cập chuyện đi tiếp, kiều nữ sẽ mời chào và tiếp thị tận tình.
Ngã giá
Tại quán C.B. trên đường Nguyễn Tất Thành, tuy không có sẵn kiều nữ, nhưng khi khách có nhu cầu, chỉ một cuộc điện thoại chớp nhoáng, kiều nữ từ “lò” sẽ được điều tới. Nữ quản lý quán nói: “Ở quán không có, nhưng các anh thích, em gọi điện tụi nó tới. Coi như giúp các anh. Nếu hàng tuyển thì “bo” 2 trăm, còn trung bình thì 1 trăm. Anh chọn loại nào?”. Lãm bảo cho “hàng xịn”, nhưng phải nhanh. Nữ quản lý gật đầu rồi đi gọi điện. Nói là nhanh, nhưng chúng tôi cũng bị cho “leo cây” gần một tiếng đồng hồ. Sốt ruột, hơn 2 lần Lãm kêu phục vụ hỏi “hàng đâu” thì được trấn an, “anh chờ xíu, hai em sắp tới”.
Gần tiếng sau, cửa phòng mở, bước vào là một kiều nữ chân dài, mặc quần Jean bó sát, ngắn đến mức không thể ngắn hơn. “Em ngồi được chứ?”. Thấy Lãm lưỡng lự, kiều nữ sà xuống bên tôi, vui vẻ bắt chuyện: “Thôi để em chiều chồng, chồng nhỉ?”. Tay rót bia, chân gác lên đùi khách, miệng liến thoắng:
Cô Hoa tại quán C.B…
- Kẹt xe quá, em tới muộn, phạt 3 ly, ok chưa?
- Ở Đà Nẵng làm gì có kẹt xe.
- Là không có xe chở. Em nhận điện ở “lò” từ 8 giờ, bây giờ mới có xe chở tới.
- Sao không sắm cái xe máy đi làm cho tiện?
Video đang HOT
- Làm không đủ ăn, tiền đâu mà sắm xe anh, hay anh “bo” em đi!
Kiều nữ giới thiệu tên Anh nhưng chỉ vài phút sau, khi đồng nghiệp tới gọi cô bằng tên Chín, vậy là lòi ngay chuyện nói xạo. Đồng nghiệp của Chín tên Hoa, giới thiệu quê mãi Cà Mau. Hoa có mái tóc dài ngang lưng, ăn nói nhẹ nhàng chứ không ào ào như Chín. Hoa bảo mình vừa phục vụ khách ở đường Cô Bắc xong thì nhận được điện thoại của chủ “lò” điều tới đây.
Với vẻ tự nhiên và xông xáo quá mức cần thiết của Chín, tôi không cần à ơi tán dóc, mà chỉ qua vài ly, vài câu chuyện hoang, tôi đặt thẳng vấn đề: “Nhậu tí rồi đi em nhỉ?”. “Ok thôi!”. “Giá bao nhiêu em?”. “Anh đi tàu nhanh hay qua đêm?”. “Tàu nhanh bao nhiêu, qua đêm bao nhiêu?”. “Qua đêm triệu hai, tàu nhanh 7 trăm”. “Gì mà đắt dữ vậy, tàu nhanh tới 7 trăm cơ à. Ở Hà Nội tụi anh đi cũng có 5 trăm”. “Giá chung vậy rồi. Tụi em đi về, cuối cùng cũng chẳng còn bao nhiêu”. “Sao lại chẳng bao nhiêu, ai lấy của em?”. “Phải nộp cho chủ lò, bảo kê, tiền xe, nhiều thứ lắm”.
Theo Chín, đi mỗi bàn thế này, khi về lại phải nộp cho chủ “lò” 20 ngàn đồng. Lý do vì chủ “lò” có người bảo vệ, đưa đón, đồng thời bắt mối cho kiều nữ. Sau một hồi vừa nhậu, vừa đôi co giá cả, cuối cùng Chín và Hoa thống nhất đi “tàu nhanh” giá 5 trăm ngàn, chúng tôi lo tiền phòng. Khi thanh toán xong tiền nhậu còn dư 50 ngàn, Hoa gợi ý Lãm “bo” luôn cho nhân viên phục vụ. Vẫn chưa xong, khi đứng lên, Hoa nói tiếp: “Còn ở đây thì sao?”. Lãm bảo, cứ lên phòng rồi tính gộp lại. Hoa không đồng ý bảo ở đâu xong ở đó. Lãm rút 2 trăm ngàn “bo” rồi “nhổ neo” đi tìm “bãi đáp”.
Tìm chốn “lên tiên”
Ở quán S.T, sau khi đã nhậu ngà ngà, Lãm ngỏ lời muốn đi tiếp “tăng hai”. Oanh xuýt xoa tiếc hụi, bảo bình thường đã chiều khách tới bến, nhưng xui nỗi hôm nay đang kẹt. Tuy vậy, không để khách mất hứng, Thùy liền cho tôi số điện thoại, bảo cứ đến khách sạn hay nhà nghỉ nào rồi gọi, cô sẽ bảo 2 em tới phục vụ. Khi hỏi 2 em này ở đâu, có xinh không, Thùy bảo ở cùng xóm trọ, xinh cũng tương đối nhưng rất trẻ và nhiệt tình. Theo Oanh và Thùy, bình thường ở quán phục vụ tới 21 giờ là có thể nghỉ, sau đó khách có nhu cầu sẽ đi tiếp, nếu qua đêm giá khoảng 1,2 triệu đồng, còn “tàu nhanh” 6-7 trăm ngàn. Nếu chỉ sống chay nhờ tiền “bo” của khách nhậu thì rất khó, nên sẵn đã có “khúc dạo đầu” trong quán, khách cao hứng đòi đi tiếp, kiều nữ không ngần ngại “tăng gia sản xuất”.
…và lúc lên phòng khách sạn phục vụ khách
Quay lại quán C.B, Chín gợi ý, mình đi khách sạn cho an toàn. Lý do Chín phân tích, đi nhà nghỉ cũng mất 80 ngàn đồng cho một chuyến “tàu nhanh”, trong khi chỉ cần bỏ thêm 40-50 ngàn đồng là có phòng khách sạn, mùng mền sạch sẽ, lại có nước nóng lạnh tắm, mà cảm giác cũng thăng hoa hơn. Đặc biệt, ở khách sạn không lo bị “sờ gáy”, chứ ở nhà nghỉ, bị “chộp” lúc nào không hay. Bước ra khỏi quán, chẳng cần đi đâu xa, Lãm “chủ xị” chọn ngay khách sạn cạnh quán nhậu, vừa đỡ mất công kêu xe vừa đỡ phải trì hoãn niềm hứng khởi. Chín nhanh nhẹn tới tiếp tân kêu hai phòng trước, nhưng tiếp tân đòi chứng minh thư, cô bực mình chửi thề, bảo làm gì mà khó quá vậy. Mọi việc cũng được Lãm dàn xếp ổn thỏa trước khi gí chìa khóa vào tay tôi.
Bước vào phòng, tôi đi tắm, và Chín cũng nhanh chóng trút bỏ xiêm y rồi mở vòi nước ào ào. Một lát, Chín bước ra với tấm khăn che thân, thúc giục tôi tắm nhanh. Rồi chẳng cần biết phản ứng của tôi, Chín tìm điều khiển tivi mở to tiếng, như vốn đã đầy kinh nghiệm để “tiếng động lạ” khỏi lọt ra ngoài.
Chín bảo nhà mình ở Cẩm Phô, Hội An, mẹ buôn bán trái cây nên thường ra Đà Nẵng lấy hàng suốt. Sau Chín có em gái, nhưng lấy chồng tử tế chứ không làm nghề như cô. Để chứng minh lời mình nói, Chín đề nghị lúc nào rảnh rỗi, cô sẽ dẫn tôi về nhà ở Hội An chơi, nhưng không được ở qua đêm. Có lẽ trong mắt ba mẹ, Chín vẫn là cô gái làm nghề đàng hoàng. Vì một mối tình, cũng có thể vì ham tiền bạc hoặc một lý do nào đó mà Chín không muốn tiết lộ, cô đã sẩy chân vào làm “gái bán hoa”. Chín bảo, lúc đầu mình làm “đào” cho một “lò” ở đường Hải Phòng. Thấy làm “đào” thu nhập bấp bênh, vất vả, lại bị chủ “lò” ẵm hết tiền nên nghỉ, tách ra lập “lò” riêng. Nhưng chỉ được một thời gian thì bỏ, lý do vì không kêu được “đào”, lại cũng chẳng có duyên. Cùng đường, Chín quay lại làm “đào”, kiếm mỗi ngày vài trăm ngàn đồng tự lo cho bản thân. Theo Chín, ở Đà Nẵng có khoảng 5-7 “lò”, mỗi “lò” khoảng 30-40 “đào” chuyên cung cấp cho các quán nhậu, karaoke.
Đã 23 giờ, tôi đưa cho Chín 5 trăm ngàn đồng trả công cô và hỏi: “Chắc giờ em về nghỉ chứ, hôm nay vậy cũng thu nhập đủ rồi”. Chín lắc đầu bảo bây giờ về “lò” rồi đi tiếp, lúc này mới là “giờ cao điểm”, khách yêu cầu quá trời, không có “đào” mà cung cấp ấy chứ. “Bãi đáp” tiếp theo mà Chín tiết lộ là một quán karaoke trên đường Nguyễn Chí Thanh. Vừa bước ra khỏi phòng, tôi nghe tiếng cãi vã từ phòng Lãm và Hoa phát ra. Chẳng là Lãm chê Hoa mặt cứ đăm đăm, bực bội quá không trả đủ 5 trăm ngàn đồng như thỏa thuận. Hoa nhất quyết không chịu, cô đòi đủ 5 trăm ngàn đồng, không cho Lãm rời khỏi phòng, bốc điện thoại gọi cho “chủ lò” điều người tới giúp. Lúc này, cái vẻ nhỏ nhẹ ban đầu của Hoa mà tôi cảm nhận được trong quán nhậu biến mất. Nhưng trong lời cãi vã to tiếng ấy, tôi vẫn nhìn thấy trong ánh mắt Hoa rớm lệ. Có lẽ vì lý do này, tôi đã “giải hòa” bằng cách thuận theo ý Hoa. Cầm tiền, Hoa và Chín mở lời cảm ơn. Cuộc gặp gỡ khép lại bằng “kỷ niệm” không mấy vui vẻ, nhưng Chín vẫn không quên dặn dò khách: “Khi nào có nhu cầu, cứ a-lô một tiếng”.
Tôi cứ ám ảnh mãi ánh mắt rớm lệ của Hoa. Có gì đó ngậm ngùi và xót xa của phận người. Biết đâu, phía sau cái nghề không đẹp đẽ ấy là một gánh nặng ưu tư, một cuộc mưu sinh nghiệt ngã, một nỗi đớn đau thân phận? Khó biết lắm!
Theo ANTD
Sóng ngầm thuê xã hội đen đòi nợ, Kỳ cuối: Tại sao nhiều người thuê xã hội đen đòi nợ?
Càng nhiều người có nguy cơ vỡ nợ thì chúng tôi càng có nhiều việc làm". Việc nhiều chủ nợ đi thuê các băng nhóm xã hội đen đòi nợ xuất phát từ nhiều nguyên nhân...
Có lẽ chưa bao giờ các băng nhóm xã hội đen "được mùa" như trong 2 năm trở lại đây. M. "sứt", một gã đòi nợ thuê chuyên nghiệp cho biết: "Tai họa của người này có thể là cơ hội của người kia. Càng nhiều người có nguy cơ vỡ nợ thì chúng tôi càng có nhiều việc làm". Việc nhiều chủ nợ đi thuê các băng nhóm xã hội đen đòi nợ xuất phát từ nhiều nguyên nhân...
An ninh bất ổn vì "dịch vụ đen"
Khoảng 17h ngày 17-1-2011, anh Đỗ Văn Mạnh, 31 tuổi, trú tại khu tập thể Đồng Xa, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, đang làm việc tại Cty CP Đầu tư và Phát triển Công nghệ Tin học Mạnh Dũng thì bất ngờ, một nhóm côn đồ khoảng 10 người xông vào Cty đập phá tài sản và dùng dao bấm đâm vào mặt khiến anh Mạnh phải khâu 5 mũi. Thấy côn đồ hành hung anh Mạnh, anh Đỗ Văn Cừ, nhân viên của Cty, vào can ngăn cũng bị chúng xông vào đánh. Anh Mạnh cho biết, trước đó anh có vay khoảng 320 triệu đồng của chị Bùi Thị Thanh Phương ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội và hẹn đến ngày 27-28 Tết sẽ trả. Tuy nhiên, vì anh Mạnh chưa có tiền trả cho chị Phương nên bị nhóm côn đồ này hành hung để ép trả nợ.
Tháng 6-2011, anh Nguyễn Đức Khôi và bạn là anh Nguyễn Đắc Mạnh cùng ở thôn Đào Nguyên, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội vay lãi với số tiền 150 triệu và 300 triệu đồng của Hoàng Quốc Anh, cùng xã. Nhiều lần đòi nợ không được, ngày 17-7, Quốc Anh lần lượt ép anh Mạnh và anh Khôi về nhà mình rồi đánh đập. Quốc Anh đã trói anh Khôi lại, rồi về nhà Khôi đòi nợ. Đến nơi, Quốc Anh vào gặp ông Nguyễn Đức T. - bố của Khôi. Sau khi ông T viết giấy nhận nợ thay cho con khoản tiền 150 triệu đồng và hẹn ngày trả, Quốc Anh mới cho Khôi về. Ngày 29-7, do không kiếm ra khoản tiền để trả nợ, nghĩ quẩn ông T đã treo cổ tự tử tại nhà riêng.
Năm 2009, do cần gấp một khoản tiền, ông Khánh ở số 804 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội đã đến gặp Nguyễn Thị Kim Thanh ở phố Phan Đình Phùng để vay 200 triệu đồng, đặt "sổ đỏ". Khi cho vay, Thanh yêu cầu ông Khánh làm hợp đồng ủy quyền chuyển nhượng, mua bán, thế chấp ngôi nhà này nếu ông Khánh không trả tiền theo thời hạn 5 năm. Ông Khánh sau đó đã thanh toán xong khoản nợ với Thanh. Tuy nhiên, Thanh đã bán ngôi nhà trên cho chị Đặng Thị Mai Phương ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Ngôi nhà một lần nữa được đổi chủ từ chị Phương sang anh Trương Quốc Hưng (còn gọi là Hưng "Phú Thọ") ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Anh Hưng đã ủy quyền cho anh Đặng Hồng Hải đòi quyền sở hữu ngôi nhà của ông Khánh, bà Ngọc (vợ ông Khánh). Anh Hải cùng rất đông người đã nhiều lần đến địa chỉ trên để đòi nhà. Khoảng 6h45 sáng 21-8-2011, anh Hải thấy bà Ngọc mở cửa đi chợ, liền đi theo. Bà Ngọc chạy vào nhà và hô "cướp". Anh Hải lọt được vào nhà, hai bên cự cãi nhau về việc tranh chấp nhà cửa. Ông Khánh chặn cửa để giữ anh Hải ở trong nhà và gọi con trai: "Tùng ơi, nó đánh bố mẹ". Tùng ở tầng 3 chạy xuống và cầm dao đâm một nhát trúng tim đối phương khiến anh Hải tử vong tại chỗ. Trước đó, Tùng và gia đình từng tố cáo gia đình mình là nạn nhân của các băng nhóm đòi nợ xã hội đen...
Tối 4-12-2011, một nhóm người đi xe máy, xe ba bánh, kéo đến bao vây ngôi nhà số 9, ngõ 9, tập thể Viện Lịch sử Quân sự. Họ mở cửa và "phi" luôn một chiếc xe ba bánh vào nhà, gây huyên náo cả khu tập thể. Lúc đó chủ nhà là ông Lê Đình Thám, bà Bùi Thị Phương đi vắng.
Trong nhà chỉ có con trai lớn của ông Thám là anh Lê Thanh Tùng. Nhóm người lạ tuyên bố họ đến để lấy ngôi nhà đã được anh Lê Việt Bách, con trai thứ hai của ông Thám bán cho ông Nguyễn Đức Tiến, trú tại đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi vợ chồng ông Thám về nhà, vụ việc vẫn tiếp tục căng thẳng. Khoảng 23h ngày 18-12, bà Phương đã treo cổ vì không chịu được áp lực. Nhờ được cứu chữa kịp thời, bà Phương thoát chết. Sau một thời gian im lặng, anh Bách, đã thừa nhận mình chính là nạn nhân của một đường dây "tín dụng đen". Việc anh ký giấy chuyển nhượng căn nhà chỉ là hợp lý hóa các khoản vay với lãi suất cắt cổ...
Không chịu được áp lực, bà Phương tự tử
Vì sao "dịch vụ đen" đắt hàng?
Trong lần tiếp một phụ nữ đến tòa soạn phản ánh việc bị "xù" 2 tỷ đồng và đang tính chuyện thuê xã hội đen đòi khoản nợ đó, tôi hỏi: "Tại sao chị đã đến gặp cơ quan báo chí để phản ánh hành vi một người vay nợ có dấu hiệu lừa đảo lại còn định nhờ các băng nhóm xã hội đen đòi nợ? Chị có biết làm thế là vi phạm pháp luật không?". Người phụ nữ trả lời: "Em cũng sợ khi mình thuê xã hội đen đòi nợ rất có thể sẽ bị phiền phức, dính đến luật pháp nhưng cực chẳng đã anh ạ. Em cũng đã gửi đơn ra CA nhưng các anh ấy bảo đây chỉ là vay mượn dân sự, yếu tố lừa đảo không rõ nên CA không giải quyết và hướng dẫn em nộp đơn khởi kiện đòi nợ ra tòa án. Chồng em bảo, đòi nợ bằng con đường khởi kiện thì vài năm nữa cũng không lấy được tiền. Có mở tòa cũng còn hoãn đi, hoãn lại. Xử xong lại còn đợi thi hành án, lúc đó con nợ bị vỡ rồi thì ăn cám. Em được người ta mách, nhờ xã hội đen đòi là nhanh nhất. Thà mất mấy chục phần trăm cho bọn nó còn hơn mất trắng, dù vậy em vẫn muốn báo chí lên tiếng về thủ đoạn lừa đảo khi vay tiền để cảnh báo cho những người khác...".
Liên quan đến việc giải quyết các vụ tranh chấp công nợ đã bộc lộ không ít bất cập, khiến những người cho vay nợ có nguy cơ mất trắng những khoản tiền cho vay. Theo quy định của pháp luật, nếu việc vay nợ có dấu hiệu hình sự như: Người vay nợ bỏ trốn, người vay nợ có dấu hiệu lừa đảo (thế chấp nhà cho nhiều người, làm giả giấy tờ, dùng thủ đoạn gian dối...) thì CQCA mới thụ lý điều tra. Những quan hệ vay nợ thông thường nhưng đến hẹn không trả thì người cho vay chỉ có thể đòi được tiền bằng con đường khởi kiện ra tòa án. Về vấn đề này, luật sư Vũ Lợi, Giám đốc Cty luật Hòa Lợi cho biết: "Để khởi kiện một vụ án đòi nợ, theo quy định thì cơ quan tòa án, phải thụ lý trong vòng 5 ngày từ khi nhận đơn. Khi giải quyết thì có thể kéo dài đến 1- 2 năm mà vẫn chưa có hồi kết. Nhiều trường hợp, khi đương sự khởi kiện ra tòa đòi nợ, đóng án phí đầy đủ nhưng vì các thủ tục phức tạp, rườm rà và quan trọng nhất là kết quả thu lại sau phiên tòa không như ý nên người khởi kiện đã rút đơn, không nhờ sự can thiệp của cơ quan xét xử".
Trong khoảng 2 năm qua, do thị trường bất động sản đóng băng, chứng khoán lao dốc nên hàng ngàn vụ vỡ nợ đã xảy ra trong phạm vi cả nước. Nhiều vụ vỡ nợ rất nhanh, từ lúc có dấu hiệu vỡ nợ như chậm trả lãi, đóng cửa hàng, Cty... đến lúc công bố vỡ nợ chỉ khoảng một vài tháng, thậm chí vài ngày. Trong những trường hợp này, nếu khởi kiện ra tòa thì người cho vay gần như không có cơ hội thu nợ. Chính vì thế, không ít chủ nợ đã chọn cách mạo hiểm thuê xã hội đen đòi nợ. Bên cạnh đó, việc cho vay tiền với lãi suất cao, không có hợp đồng chặt chẽ cũng là một nguyên nhân khiến người cho vay thuê xã hội đen đòi nợ...
Với thực tế trên, luật sư Vũ Lợi khuyên: "Để tránh bị xù nợ, tốt nhất người có tiền nhưng không muốn kinh doanh thì nên gửi vào các ngân hàng hoặc mua trái phiếu Chính phủ, lãi suất không cao nhưng an toàn. Các băng nhóm xã hội đen không có chức năng đòi nợ, thuê xã hội đen đòi nợ là vi phạm pháp luật và rất nguy hiểm. Nếu băng nhóm đòi nợ thuê bị bắt vì vi phạm pháp luật thì đương nhiên người thuê băng nhóm này cũng bị CA điều tra, xử lý".
Theo PLXH
Sóng ngầm thuê xã hội đen đòi nợ, Kỳ 3: "Gậy ông đập lưng ông" Ai cũng biết thuê xã hội đen đòi nợ là trái pháp luật nhưng không ít người vẫn "nhắm mắt" làm liều với hy vọng thu hồi được những khoản tiền đã cho vay. Khi "thân chủ" và những kẻ đòi nợ thuê chỉ giao kết chủ yếu với nhau bằng miệng thì đương nhiên những bất ổn từ "hợp đồng" này là...