Sống lưng khủng long trên đỉnh Tà Xùa
Đường lên dãy Tà Xùa bắt đầu từ bản Tà Xùa (xã Bản Công, huyện Trạm Tấu, Yên Bái). Từ trung tâm huyện vào bản Tà Xùa là quãng đường dài chừng 7km, nhưng để lên tới đỉnh cao nhất chỉ có một con đường đất độc đạo có độ dốc rất lớn là thử thách không dễ vượt qua dành cho bất kì ai muốn chinh phục.
Con đường độc đạo lên đỉnh Tà Xùa
Dãy Tà Xùa mọc lên sừng sững tạo nên ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La, với 3 đỉnh hợp thành một kì quan vô cùng hùng vĩ. Đỉnh cao nhất chính là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2.850m, tại đỉnh thứ hai hiện vẫn còn dấu tích của cột cờ cũ vốn được dựng từ thời Pháp thuộc. Đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, nó giống như vạch nối tạo thành sống lưng của một con khủng long thời tiền sử. Có hai tuyến đường để bạn có thể chinh phục “cái sống lưng” ấy, một là đường từ bản Tà Xùa ngược lên và con đường thứ hai được bắt đầu từ Bắc Yên.
Video đang HOT
Rời bản, khi con đường dẫn lên đỉnh Tà Xùa bắt đầu trở nên trơn và dốc đứng thì cũng là lúc tới được bìa rừng. Có nhiều đoạn dốc dựng đứng, phải bấm cả tay chân lên mặt đất thì mới có thể bò lên được. Dọc đường chinh phục, đôi khi gặp phải nhiều đoạn có những vách đá nguyên khối nhô hẳn ra, tạo thành những vòm hang lớn, những người đi rừng nơi đây thường dùng để nghỉ đêm và cũng là nơi tránh mưa gió, sương lạnh. Bạn sẽ đi qua một mỏm đá có hình dáng rất giống đầu rùa. Có rất nhiều đoàn chinh phục trước đây đã dừng chân chụp ảnh kỉ niệm tại nơi này. Chiếc đầu rùa này nằm ở độ cao 2.120m, cảm giác sẽ vô cùng lí thú khi gặp một “cụ rùa” trên núi như vậy.
“Sống lưng khủng long” trên dãy Tà Xùa
Để tới được sống lưng khủng long phải mất tới hai ngày đi rừng, bởi vậy chúng tôi đã cắm trại nghỉ đêm dưới gốc cây dẻ đang bung nở những đài hoa trắng dưới ánh trăng mờ ảo. Đêm trên núi, gió rừng gào thét thâu đêm. Và có lẽ bởi gió quá to nên sáng hôm sau trời khá quang đãng, biển mây trong niềm ngóng đợi của chúng tôi đã không có. Vượt qua khu rừng với những thân cây khô cháy trụi là những vách đá dựng đứng. Đến đây, vì không có đường nối sang hai đỉnh bên cạnh nên bạn sẽ phải bám vào vách núi để đu sang. Tay bám đá, bám cây mà lần mò như những con thạch sùng treo mình trên sườn núi.
Từ đây chỉ có con đường chênh vênh, mỏng như sống dao nhưng lại vô cùng hùng vĩ – bởi vậy những người dân nơi đây đã ví nó tựa như sống lưng khủng long, vắt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Độ cao của sống lưng áng chừng khoảng 2.500m. Để có thể đứng trên sống lưng gió lộng này, bạn phải bò, leo bằng cả tay, chân và phải lựa những lúc gió lặng mới có thể đến được. Thi thoảng những cơn gió như muốn thổi bay người, cả đoàn lại phải nằm rạp xuống. Nhìn lại đoạn đường gập ghềnh đã qua, chúng tôi vô cùng thích thú, với những trải nghiệm mới mẻ và đầy cảm xúc.
Theo xahoi
Huyền sử Ao Bà Om
Tương truyền xưa kia, nam nữ muốn lấy nhau nhưng không bên nào chịu ngỏ lời trước. Nhân lúc trời hạn hán, dân làng tổ chức cho nam nữ trong làng thi nhau đào ao để lấy nước dùng trong sinh hoạt hàng ngày và bên nào thua cuộc sẽ phải hỏi cưới bên thắng cuộc.
Ao Bà Om ở Trà Vinh
Quy ước cuộc thi là chỉ đào trong một đêm, bắt đầu từ lúc trời tối và khi nào sao Mai mọc ở hướng Đông thì kết thúc. Nếu bên nào đào xong với diện tích lớn hơn và sâu hơn thì bên đó thắng cuộc. Sau khi thống nhất hai bên tiến hành đào ao, bên nữ do một người đàn bà tên Om chỉ huy đã nghĩ ra cách, khi trời vừa tối đã cho bày tiệc thết đãi, phục vụ rượu cho bên nam. Ỷ lại vào sức mạnh của mình, xem thường sự yếu đuối của phái nữ nên những người đàn ông không chú tâm đến việc đào ao mà chỉ mải mê uống rượu, đến nửa đêm khi phái nam đã ngà say, bà Om cho treo ngọn đèn trên cây thật cao, các ông cứ ngỡ là sao Mai đã mọc lên, nên đi về. Bà Om vẫn chỉ huy phái nữ tiếp tục đào ao và hoàn thành tốt công việc của mình cho đến khi sao Mai mọc thật sự mới về. Kết quả là phái nữ đã thắng cuộc. Kể từ đó, người ta lấy tên của bà Om đặt cho địa danh Ao Bà Om. Đây cũng là câu chuyện để giải thích về chế độ mẫu hệ của người Kh'mer ở Miền Tây Nam Bộ nước ta.
Ao Bà Om trong câu chuyện huyền sử của vùng đất Trà Vinh nằm ngay trên con đường dẫn vào đầu thành phố ngày nay. Ao được bao bọc trong một khu rừng xanh mát rợp bóng những hàng cây sao, cây dầu cổ thụ rất to, có bộ rễ nổi hình thù kỳ dị. Phong cảnh xung quanh ao hữu tình, nào hoa sen, hoa súng nở dưới ao, hàng cây cao ngút tầm mắt trên bờ tỏa bóng râm mát. Không chỉ có địa danh Ao Bà Om. Đến với Trà Vinh - vùng đất nhiều chùa tháp thứ 2 trong cả nước với 142 ngôi chùa Kh'mer cổ. Cùng với Chùa Hang (Kompông Chrây), Chùa Cò (chùa Nodol), chùa Âng (chùa Angkorajaborey) hay bãi biển Ba Động quanh năm gió lộng, nơi đây có những đụn cát "nhấp nhô", với những hàng phi lao xanh vút và bãi cát phẳng lì trải dài đầy hấp dẫn. Ngoài ra, du khách còn có thể thưởng thức nhiều loại sản vật đã trở thành đặc sản của vùng quê ven biển này như dưa hấu Ba Động, nghêu Nhà Mát, tôm sú Cồn Cù, cá kèo kho gợt, nước mắm rươi....
Theo ANTD
Ngược thượng nguồn sông Mã Chúng tôi hướng về phía Tây biên giới, băng qua đồng nước mênh mang Mường Lay tìm đến đất Điện Biên để rồi từ đây hòa mình vào nơi khởi thủy của dòng sông Mã chảy sang từ nước bạn Lào. Chặng đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến năm xưa bỗng chốc hiện về trên suốt quãng đường 100km Điện Biên...