“Song Lang” – Đẹp rùng mình và day dứt đến nghẹn ngào khi hai gã đàn ông rung động
Đừng vội nghĩ rằng Song Lang là phim cải lương kén khán giả. Nó chỉ đơn giản là một câu chuyện đời, hướng thiện nhưng cũng đầy bạc bẽo của một gã giang hồ mà nếu bạn ngồi xuống theo dõi, chắc chắn bạn sẽ ngồi đến cuối cùng.
2018 thật sự là một năm đầy hứng khởi của điện ảnh Việt khi những tác phẩm chất lượng được ra đời khá đều đặn. Nếu như Chàng Vợ Của Em là cú trở lại ngoạn mục của Charlie Nguyễn và Thái Hoà thì Song Lang, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Leon Lê, lại là một mảng màu rất khác của phim Việt không chỉ trong tháng này, mà trong suốt chiều dài lịch sử.
Nói vậy không có nghĩa Song Lang sở hữu câu chuyện hay đề tài mới lạ, gây sốc. Ngược lại, câu chuyện của Song Lang rất bình thường, đơn giản nhưng cách kể chuyện và xây dựng lại cực kì khác biệt ở mặt bằng chung của điện ảnh nước nhà. Từng khung hình, từng góc máy, từng đoạn thoại đều được căn tính cực kì kĩ lưỡng để tạo nên những thúc đẩy và va đập về cảm xúc, chứ không phải ở cấu trúc ba hồi thông thường.
Từ suất chiếu đầu tiên dành cho báo chí đến nay, Song Lang nhận được nhiều lời khen ngợi nhiệt liệt của giới chuyên môn và những người trong nghề. Hầu như tất cả mọi người đều công nhận Song Lang là phim có chất lượng nghệ thuật sắc bén, thậm chí có những người không ngại ca ngợi Song Lang là phim Việt Nam hay nhất họ từng xem. Tất nhiên với những bộ phim chiều chuộng cảm xúc thì những đánh giá cũng sẽ bị cảm tính. Nếu bị trật khỏi đường ray của câu chuyện, bạn sẽ chả cảm được gì ở Song Lang, có thể còn thấy mệt mỏi. Nhưng nếu đã bước vào trong đó, chắc chắn bạn sẽ trải qua hết tất thảy những cảm giác mà nhân vật đeo mang.
Khán giả đại chúng thì sao? Hẳn là bạn đang đặt câu hỏi nếu cứ dùng những đánh giá nghệ thuật để bao biện cho sự không ăn khách của phim thì đã quá nhàm. Nhưng, có thể khẳng định Song Lang không hẳn là một phim nghệ thuật quá kén khán giả. Cũng đừng vội cho rằng phim lấy đề tài cải lương thì làm sao tiếp cận được số đông. Thực chất Song Lang không hề đao to búa lớn như vậy. Bộ phim không gióng trống khua chiêng kêu gọi bạn hãy bảo vệ bộ môn nghệ thuật dân tộc đang mai một là cải lương. Nó chỉ đơn giản là một câu chuyện đời, hướng thiện nhưng cũng đầy bạc bẽo của một gã giang hồ mà nếu bạn ngồi xuống theo dõi, chắc chắn bạn sẽ ngồi đến cuối cùng.
Câu chuyện lấy bối cảnh những năm 1980, sau khi đất nước giải phóng, ở Sài Gòn. Dũng “Thiên lôi” ( Liên Bỉnh Phát) nổi tiếng là một tay giang hồ đòi nợ mướn lầm lì, ít nói. Hắn chuyên đi thu tiền nợ ở khắp hang cùng ngõ hẻm, từ tiệm cho thuê băng video đến hàng thịt trong chợ. Một ngày nọ, khi phải đến thu tiền của một đoàn hát cải lương, Dũng đã gặp Linh Phụng ( Isaac), một nghệ sĩ cải lương đầy kiêu hãnh và trong sáng.
Cuộc gặp gỡ đã khiến Dũng phải đối mặt với những góc khuất mà gã luôn muốn quên đi, cũng như lựa chọn trước những quyết định thay đổi đang chờ đợi gã ở phía trước. Thế nhưng, trong cái giai đoạn hỗn loạn và bất ổn ấy, con người khó có thể kiên định đi giữa cuộc đời. Đôi lúc, bạn sẽ phải trả giá thật đắt vì bạn đã quay lưng với những gì bạn chọn, bao gồm cả cái ác.
Bộ phim sử dụng khung hình 3:2, chuyên dùng cho ảnh chụp thay vì khung 16:9 như hiện tại hay 4:3 trước đây, tạo ấn tượng rất riêng biệt ngay từ những cảnh mở màn. Màu phim được cân chỉnh rất kĩ lưỡng mà theo đạo diễn Leon Lê tiết lộ là mất đến 2 tháng rưỡi chỉ cho công đoạn này, để mang đến cảm giác chân thật nhất về thời kì. Những khu chung cư cũ ám màu thời gian, rạp hát cải lương đông nghịt khán giả với những tấm áp phích được vẽ tay, những con hẻm ồn ào tiếng người qua lại trộn lẫn tiếng phim bộ lồng tiếng… khiến khán giả ngỡ ngàng vì cứ như đây là phim được quay từ hồi xưa.
Nếu so với Cô Ba Sài Gòn, cũn là phim lấy bối cảnh Sài Gõ cũ do Ngô Thanh Vân sản xuất năm ngoái, thì Song Lang ăn đứt về bối cảnh, đến từng chi tiết nhỏ nhất. Những ai đã từng sống qua cái thời kì đó, sẽ không khỏi giật mình khi lại có một bộ phim tái hiện nó chân thực như vậy. Khách sạn Bát Đạt, hiệu bánh Broadard, hãng máy may Sinco… những thương hiệu gắn liền với người Sài Gòn ở thế kỉ trước được nhắc lại đầy hoài niệm và tự nhiên, thả vào từng thước phim bảng lảng trôi qua mà ta cứ ngỡ mình đang ở trong đó, ngay trong khung cảnh đó, chứ không phải ở trước màn hình.
Từ cái ly, cái tách đến quyển sách cũ rích, từng chiếc áo sơ mi, từng chiếc cặp da… đều thể hiện sự kĩ lưỡng đến đáng sợ của đạo diễn và ekip. Không chỉ vậy, cả những nét đặc trưng về văn hoá, xã hội thời đó cũng được thể hiện rất đầy đủ qua những chiếc loa phường, những bản nhạc trên sóng phát thanh, những sự bất ổn nằm trong lòng xã hội và lòng người. Đặc biệt, chưa có một bộ phim nào ở Việt Nam lột tả được cái không gian nghề nghiệp chân thật và hứng khởi như Song Lang.
Không chỉ là những bài vọng cổ, hồ quảng trên sân khấu trong những bộ áo cánh lấp lánh, mà còn là những nếp sinh hoạt bên trong hậu trường, ở hai bên cánh gà đầy sống động, cứ như thể bạn đang xem một bộ phim tài liệu.
Video đang HOT
Thời lượng dành cho cải lương trong phim không quá nhiều nhưng đủ để bạn cảm nhận được cái huy hoàng và vàng son của một thời cực thịnh đã qua. Nhưng nó cũng chỉ đơn giản như thế, không ca ngợi, không hô hào, cũng không lồng ghép bất cứ thông điệp nào để bạn phải thương tiếc cho cải lương của thời nay.
Cải lương trong Song Lang là một thuở vàng son của những năm 80, là cái lý do để Dũng “Thiên lôi” và Linh Phụng được kết nối, là thứ loại hình giải trí ăn sâu vào nếp sinh hoạt của người Nam Bộ thời bấy giờ, chỉ như thế.
Thứ cốt lõi được nhắc đi nhắc lại trong Song Lang chính là con người. Dũng là một gã sống không có kế hoạch, mỗi ngày của hắn trôi qua trong cái vòng lặp tạm bợ mà hắn phải bám vào để che đi những vết thương quá khứ. Một người đánh mất nhịp sống, như một bài cải lương không có song lang giữ nhịp. Cho đến khi hắn gặp Linh Phụng, đối diện với những thứ hắn không muốn nhắc đến, thì cuộc sống của hắn mới được định hình trở lại.
Đạo diễn Leon Lê cố tình xây dựng nhịp phim rề rà, bất ổn định ở phần đầu như chính con người của Dũng. Đến khi những cuộc đối thoại trong căn nhà cũ của Dũng và Linh Phụng được diễn ra thì bộ phim cũng dần có được một nhịp độ rõ ràng hơn. Để rồi đến cuối cùng, mọi thứ bất ngờ gãy ngang khiến khán giả phải đắm chìm trong cái day dứt đến khó chịu của đoạn kết.
Những ai yêu mến Vương Gia Vệ, sẽ nhận ra phong cách của ông ấy trong Song Lang. Từ màu sắc phim đến cách sắp đặt bối cảnh, đến cả cái chất lãng mạn và sự dửng dưng, tàn độc với nhân vật. Nhưng lại không phải là bắt chước để cố tỏ ra mình sâu sắc. Phim của Vương Gia Vệ từ lâu đã được xem như một thể loại phim riêng biệt. Thế nên Song Lang mang hơi thở của Vương Gia Vệ thì cũng bình thường như một phim thuộc thể loại tình cảm hay trinh thám, hành động mà thôi. Quan trọng là cái chất ấy được tạo ra rất tới, rất đã chứ không nửa vời.
Sự thăng hoa rồi đứt đoạn giữa Linh Phụng và Dũng cũng tương tự như cách mà Chu Mộ Văn và Tô Lệ Trân mãi không có được đoạn kết trong 2046, hay như cách mà Hà Bảo Vinh và Lê Diệu Huy đã biến mất khỏi cuộc đời nhau không còn vết tích trong Xuân Quang Sạ Tiết. Nó vừa tàn nhẫn mà cũng vừa chua xót. Đôi lúc trong cuộc đời này ta sẽ không biết được vì sao ai đó lại rời bỏ ta đi một cách đột ngột, rồi mãi mãi không quay trở lại, giống như Linh Phụng thất thểu trên đoạn đường khuya sau một cơn mưa lớn, vì chờ mãi không thấy Dũng “Thiên lôi” xuất hiện.
Tình cảm của hai gã đàn ông trong phim vượt qua khỏi cái ranh giới xác thịt hay chiếm hữu của tình yêu. Mà đó là sự rung động của hai tâm hồn khiếm khuyết và đồng điệu, nhưng lại tình hơn cả tình yêu. Những cuộc đối thoại ngắn gọn nhưng được đặt đúng nơi, đúng chỗ khiến cho mối quan hệ của Linh Phụng và Dũng càng trở nên đặc biệt, khiến Song Lang trở thành một trong những phim Việt có phần thoại chất lượng nhất điện ảnh nhất Việt Nam. Phân đoạn người đàn – người hát trong Song Lang chính một thước phim lãng mạn tuyệt đối.
Không chỉ thế, những cài cắm mà đạo diễn Leon Lê đưa vào phim nhiều đến nỗi càng nói thì sẽ càng có thêm nhiều thứ hay ho. Đại để như cách mà anh chọn vở tuồng Mị Châu – Trọng Thủy để đưa vào phim, lồng ghép song song với tuyến truyện của Linh Phụng và Dũng, làm cho mọi thứ gắn kế mật thiết đến độ nổi da gà. Mị Châu đã phản bội đất nước để chọn tình yêu, những chiếc lông ngỗng cô rải trên đường đã đưa cô đến cái chết cũng giống như lúc Dũng phản bội lại con đường mà mình đã chọn bấy lâu, để rồi chính những “sợi lông ngỗng” thay vì đưa anh đến với Linh Phụng lại đưa anh đến với một kết cục đột ngột và đau lòng khác. Khi sân khấu và cuộc đời hoà quyện, là lúc chúng ta nhận ra mọi thứ rồi cũng sẽ đến lúc hạ màn, ai rồi cũng phải sống và trả giá cho cuộc đời của chính mình.
Nếu Isaac đã có sự tiến bộ trong diễn xuất so với hồi còn đóng Gia Sư Nữ Quái hay Tấm Cám: Chuyện Chưa Kể thì anh chàng còn khiến khán giả ngạc nhiên vì ca giọng cổ quá hay trong Song Lang. Những cái bẽn lẽn của Linh Phụng khi nói chuyện với Dũng, sự ngây thơ vang lên trong ánh mắt khi kể về những ngày còn nhỏ… Linh Phụng chính là cái mộng mơ nhưng khẳng khái của bộ phim.
Còn Liên Bỉnh Phát lại là một phát hiện tuyệt vời khác của đạo diễn Leon Lê. Vai diễn đầu tay trong sự nghiệp của Phát là một thành tựu. Không chỉ có gương mặt đậm chất điện ảnh và chiều sâu, cách mà Phát đưa chính bản thân mình vào Dũng “Thiên lôi” khiến nhân vật này trở nên thật thú vị và đầy sức hút. Chắc chắn Phát sẽ còn tiến xa trong tương lai nếu biết cách trau dồi bản thân hơn nữa.
Song Lang là một bộ phim lãng mạn, và day dứt. Nó vẫn còn những thiếu sót về kịch bản, về cách mà đạo diễn xâu chuỗi mọi thứ nhưng đi vào chi tiết thì Song Lang lại hoàn hảo đến chuẩn mực. Đừng nghĩ rằng Song Lang là không dành cho mình nếu như bạn không thích cải lương hay không thích xem phim nghệ thuật, vì Song Lang chỉ đơn giản là câu chuyện về cuộc đời và sự gặp gỡ mà bất cứ ai trong chúng ta cũng trải qua.
Theo Trí Thức Trẻ
Review 'Song Lang': Cái nhìn thoáng qua, nhưng đủ đọng lại về một Sài Gòn đầy sức sống của những năm 80
Bộ phim "Song Lang" của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, đạo diễn Leon Quang Lê và hai nam chính Isaac - Liên Bỉnh Phát sẽ để lại trong lòng người xem một gam màu ám ảnh đến khó quên...
Tưởng tượng, tầm chừng chục năm nữa, khi thành phố này đã phát triển hiện đại đến mức mà người dân nơi đó đã quên béng đi nơi đây đã từng cũ kĩ và đẹp đẽ như thế nào, thì hi vọng người ở tương lai hãy tìm đến phim Song Lang. Toàn bộ thước phim kéo dài hơn 90 phút, như một cuộc băng tua chậm về những ngày Sài Gòn năm 80, của những người đang tất bật sống trong ấy và tất nhiên - hai nhân vật chính của tác phẩm.
Chỉ nói Song Lang dừng ở mức hay thì có vẻ quá thiệt thòi cho tác phẩm và ê kíp - bởi vì những giá trị mà đoàn làm phim đã, đang và sẽ mang đến cho khán giả, đến nay vẫn chưa có bộ phim Việt nào có thể đảm đương...
Hai nhân vật nam chính trong phim, được xây dựng vừa quen thuộc, nhưng cũng vừa lạ lùng, hai mảnh đời ngỡ như chả bao giờ chạm mặt, bỗng một ngày va vào nhau để rồi cứ lưu luyến lại bên nhau theo từng nhịp phách của chiếc song lang. Ừ, thì chính đạo diễn đã khẳng định: đấy là mối tinh giữa hai người con trai với nhau đấy!
Nhưng xuyên suốt mạch phim, với sự dẫn dắt khéo léo và đầy tinh tế, ý nhị - ta đã thấu cảm được chân lí: tình yêu đơn giản chỉ là tình yêu, chả cần là giữa ai, chỉ khi hai con tim cùng run lên một nhịp đập, thế là đủ. Âu nếu ai cũng có thể thấu hiểu được chân lí đơn giản đến mức... khó hiểu này, cuộc đời đã không còn là cuộc đời nữa.
Ngay ở những năm 80 vẫn còn định kiến cũ hằn sâu trong những nếp nghĩ, đã có hai người đàn ông, Linh Phụng (Isaac) và Dũng (Liên Bỉnh Phát), tìm đến với nhau, là người yêu hay là tình tri kỉ mến mộ, giờ đây cũng chả còn mấy quan trọng nữa. Dũng bước ra từ một gia đình có truyền thống cải lương truyền đời với cả cha lẫn mẹ theo nghiệp mà tổ ban cho, nhưng cuối cùng lại bước vào con đường đòi nợ thuê đầy máu và tiếng van xin, gào thét.
Linh Phụng xuất thân từ một gia đình tỉnh lẻ, rồi tự bén duyên với ánh đèn cải lương từ tận lúc nào. Ta có thể thấy, kết thúc của phận đời này chính là mở đầu cho cuộc đời khác - thế nhưng, mảnh đất Sài Gòn đã run rủi để bằng cách nào đó, họ vẫn gặp nhau, dưới ánh đèn rực rỡ của sân khấu cải lương, để rồi mở ra những câu chuyện khiến ta day dứt, khiến ta mỉm cười nhẹ nhõm để rồi là nỗi ám ảnh không nguôi.
Để rồi, cả hai đều có những giằng xé nội tâm đau đến toạc máu, một bên là cuộc chiến giữa bản tính thiện lương và cái ác không khoan nhượng, bên còn lại là giữa nghệ thuật chân chính với sự thật nghiệt ngã của cuộc đời.
Chia sẻ với truyền thông, đạo diễn Leon Lê cho biết, anh chưa đủ tầm để mang đến một Sài Gòn năm 60, và hoàn toàn không có cảm xúc với những tòa nhà chọc trời đang ngày ngày mọc lên mảnh đất của thế kỉ 21 - thế nên anh tìm đến thành phố này những năm 80. Vì sao lại là năm 80? Đối với anh, đó là thời gian mà Sài Gòn đẹp nhất, nơi mà anh có thể đặt toàn bộ trái tim và tình yêu của mình vào đó, để có thể thỏa mình sáng tạo nghệ thuật.
Thật vậy, thành phố này những năm ấy đã mất đi vẻ phù hoa hào nhoáng của một "Hòn ngọc Viễn Đông" một thuở, cũng chưa đến thời gian chuyển mình như thời điểm hiện tại - Sài Gòn những năm 80 có sự bức bối và ngột ngạt nhất định, của một cô gái lưỡng lự trước ngã ba đường, chưa thể thoát ra mà nhất quyết không muốn trở vào lề lối.
Thế nhưng, ngay quãng thời gian nhá nhem trước công cuộc Đổi Mới ấy, hàng triệu người dân nơi đây vẫn sống, nhịp sống vẫn hối hả, đô thị vẫn sáng đèn, các phận người vẫn vặn xoắn vào nhau, vừa khốc liệt nhưng cũng vừa mê đắm đến lạ lùng.
Ở Song Lang, là những thước phim ám vàng và ám xanh của khu Chợ Lớn, một "tiểu khu" cực kì đặc biệt được thành phố ấp ôm trong lòng. Khu Chợ Lớn dường như có một "văn hóa quyển" rất riêng, thở một hơi thở rất khác so với các nơi còn lại trong thành phố.
Khi bạn xem phim, những tưởng bạn chỉ muốn mình mọc thêm vài đôi mắt và vài đôi tai, để có thể nhìn ngắm kĩ hơn và trọn vẹn hơn, để có thể nghe tường tận hơn từng thanh âm, dù chỉ là nhỏ nhất trong phim. Ở đây, Song Lang đã đặt người xem đến một cảnh giới cao hơn của thưởng thức điện ảnh, đó là đưa người xem thực sự sống trong bầu không khí ấy.
Sống bằng tất cả các giác quan, đúng như vậy.
Mở to mắt để thấy những tòa nhà loang lổ, những chung cư ẩm thấp với ánh đèn vàng vọt chất chứa trong mình hàng trăm, hàng nghìn mảnh đời từ tứ xứ tụ về mưu sinh. Căng tai thật kĩ để uống vào trong lòng những bài hát về Hà Nội hào sảng và tràn đầy niềm tin được phát trên những chiếc loa phát thanh rè rè vào buổi sáng - để rồi khi màn đêm phủ xuống, nhịp sống nghệ thuật Sài Gòn lại trở về với thứ vốn có: những nhạc khúc bolero ủy mị như thấm đẫm vào từng ngõ ngách của thành phố này.
Rồi khướu giác và vị giác cũng phải căng ra trước mùi tô hủ tíu mì người Hoa thơm lừng bốc ra nghi ngút từ một xe mì lắp đầy các bức tranh gương vẽ Điêu Thuyền, Lữ Bố với chả Dương Quý phi, trước bầu không khí cứ lãng đãng mùi nhang tỏa ra từ một Hội quán Hoa kiều gần đó. Và chạm, chỉ muốn chạm vào từng mảnh đời, từng cuộc sống lướt qua vùn vụt trên màn ảnh rộng để tự nhủ rằng tất cả đã thực sự hiện hữu, một cách đẹp đẽ nhưng cũng đầy dữ dội.
Và cuối cùng, nghệ thuật cải lương đã được Song Lang tái hiện một cách khó có thể tuyệt vời hơn. Chả cần đâu những triết lí cao xa, siêu hình mà những bộ óc thông thái mới có thể hiểu nổi - rất đời, xoáy mạnh và thẳng vào trong trái tim của.
Khi thước phim cuối cùng vừa mới chiếu lên màn ảnh, đó là giây phút khán giả tại rạp sẽ hụt đi một nhịp tim, rồi sẽ có hàng chục câu hỏi sẽ bám lấy khán giả mãi về sau, rồi ai cũng sẽ thả hồn theo một hướng suy nghĩ riêng về số phận từng nhân vật. Thiết nghĩ đó cũng là lúc Song Lang đã thành công và đi vào trái tim người xem, và sẽ ở đấy trong vòng bao lâu, âu cũng chỉ là duyên, chớ nên cưỡng cầu...
Nhưng với người viết, vẫn đang nặng lòng với Song Lang, chỉ có thể thốt lên một câu: " Rồi sau đó, khi ánh đèn sân khấu cải lương dần bị quên lãng, liệu rạp cải lương Thiên Lý có còn sáng đèn để tỏa sáng những phận đời khóc cười trên sân khấu và khán đài chứ?"
Phim Song Lang sẽ khởi chiếu từ 17/08/2018 trên toàn quốc. Hãy kiểm tra ngay lịch chiếu nhé.
Theo Trí Thức Trẻ
'Song Lang': Khi Ngô Thanh Vân lại chiêu trò Với thông điệp mới đây trên trang cá nhân, nhà sản xuất của "Song Lang" thêm một lần gây ồn ào trước khi một bộ phim của cô ra mắt. Trailer bộ phim 'Song Lang' Tác phẩm lấy đề tài cải lương với Isaac trong vai chính. "Leon Lê là một cơn ác mộng khủng khiếp!". Ngô Thanh Vân đã mở đầu thông...